Không thể ở trong khuôn khổ thiên hạ

DANH ĐỨC 08/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - Có thực là người dân Anh đã chẳng biết EU là gì khi đi bỏ phiếu Brexit hôm 23-6? Không, họ đã sống với cái EU là gì đó năm này qua tháng nọ. Thế còn người dân các nước EU khác?

Các cử tri trẻ tuổi biểu tình phản đối Brexit. Dòng chữ trong tấm biển: Tôi là người châu Âu, không phải người Anh -independent.co.uk
Các cử tri trẻ tuổi biểu tình phản đối Brexit. Dòng chữ trong tấm biển: Tôi là người châu Âu, không phải người Anh -independent.co.uk

Tháng 1-2013, Thủ tướng David Cameron hứa rằng nếu Đảng Bảo thủ giành đa số trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, chính phủ ông sẽ đàm phán các thỏa thuận có lợi hơn cho nước Anh trong EU, và tổ chức trưng cầu ý dân xem nước Anh nên ở lại hoặc rời khỏi EU. Hai năm sau, Đảng Bảo thủ thắng trong cuộc bầu cử ngày 7-5-2015, nên ông Cameron phải giữ lời.

Có phải người dân Anh mù mờ về EU, và họ phải “Google” coi EU là gì, hôm trưng cầu ý dân? Cứ nhìn ngay tại Việt Nam, cho tới tháng 2 năm nay, không tuần nào không nghe thấy trên tin tức về việc nước Anh đàm phán với EU về một quy chế đặc biệt riêng cho nước Anh, đổi lấy việc nước Anh ở lại EU.

Khi các cuộc mặc cả này không đi đến đâu, ông Cameron loan báo sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 trong niềm tin rằng số ý kiến “ở lại” sẽ nhiều hơn số ý kiến “ra khỏi” để ông dễ dàng tiếp tục đàm phán với EU. Kết quả bỏ phiếu đã không như tính toán của ông.

KHÔNG THỂ TRONG “KHUÔN KHỔ” CỦA THIÊN HẠ

Các con số trên cho thấy xã hội Anh bị “chia đôi” giữa “ở lại” và “ra khỏi”. Đó là một thực tại có sẵn từ trước cuộc trưng cầu ý dân, cuộc trưng cầu chỉ cho thấy thực tế đó thôi.

Đây là một hiện tượng thường thấy ở các xã hội Âu - Mỹ: năm 2012, xã hội Pháp đã “chia đôi” khi 51,46% bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande, trong khi 48,36% bỏ phiếu cho tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy. Sự “chia đôi” xã hội này phản ánh hai nửa xã hội đối nghịch: Ở Anh, là phân nửa xã hội cảm thấy hài lòng trong EU, phân nửa kia không cảm thấy yên ổn chừng nào nước Anh còn trong “khuôn khổ” của EU.

“Khuôn khổ” đó như thế nào? Diễn văn ngày 23-1-2013 của Thủ tướng Cameron, tức bài diễn văn hứa tổ chức trưng cầu ý dân, là câu trả lời: “Hôm nay tôi muốn nói chuyện một cách khẩn thiết và thẳng thắn về Liên minh châu Âu: Liên minh châu Âu phải thay đổi như thế nào đó để mang lại sự thịnh vượng và giữ được sự ủng hộ của các dân tộc”.

Theo ông, châu Âu đang đối diện ba thách thức: (1) các vấn đề của khu vực eurozone, (2) châu Âu mất tính cạnh tranh, (3) có khoảng cách giữa EU như một nhà nước châu Âu với các công dân EU. Điều này thể hiện bằng việc ngày càng thiếu trách nhiệm giải trình của (nhà nước) EU, ngày càng thiếu đi sự đồng thuận, thiếu sự đồng ý của người dân, đặc biệt là người dân Anh.

Chuyện eurozone tan tác vì các gánh nợ của Hi Lạp, Tây Ban Nha... “xưa như trái đất” cũng như việc EU mất tính cạnh tranh là điều hiển nhiên, nhất là với mỗi chuyến thăm nước Anh của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo các nước lớn của EU.

Còn thách thức thứ 3 - khoảng cách giữa nhà nước châu Âu và người dân Anh - thì ít được nói đến. Việc luật pháp Anh phải tương thích với luật pháp của EU, kể cả trong những hạn chế đối với các tập quán Anh, là một điều mà dân tộc có tập quán nghị viện từ năm 1215 với Đại hiến chương (Magna Carta) khó mà không dị ứng, thậm chí dẫn đến phản ứng đào thải, một phản ứng hết sức tự nhiên.

biemhoaBrexit
biemhoaBrexit

 DÂN “XỨ ĐẢO”

Dù có bị cho là “ích kỷ”, chỉ biết mỗi mình chăng nữa, người Anh vẫn suy nghĩ và hành xử như những người dân xứ đảo so với dân lục địa châu Âu. Đây là một vấn đề thuộc bản chất. Không đợi đến cuộc trưng cầu ý dân này, người châu Âu lục địa mới thấy tính “ốc đảo” của người Anh. Tờ Le Monde 9-12-2011 từng chạy tít: “Dân Anh ngày càng “ốc đảo” hơn bao giờ hết!”.

Theo tờ báo này, Đức, Pháp và đa số các nước EU khác đã có lý khi nói “không” với Anh. EU muốn thông qua một sửa đổi quy tắc hoạt động của EU, theo đó sẽ ấn định những biện pháp kỷ luật ngân sách nghiêm khắc hơn để các nước rút bớt lạm phát và nợ công.

Thủ tướng Anh Cameron đòi miễn áp dụng điều này cho nước Anh, EU không đồng ý, ông Cameron đe dọa sẽ phủ quyết. Le Monde viết: “Hãy sòng phẳng! Người Anh đâu có dính dáng gì đến cuộc khủng hoảng đồng euro. Họ đâu phải chịu trách nhiệm việc các lãnh đạo trong khối eurozone không đủ khả năng giải quyết vấn đề nợ công của mình”.

Đúng là người Anh đâu có dùng chung đồng euro, cũng như đâu có “rộng lượng” cho Hi Lạp vay như người Đức để bắt họ chia sẻ số nợ bị “mất khả năng chi trả” này. Le Monde giải thích: “Người Anh có lý lẽ của họ để đứng ngoài phong trào hội nhập kinh tế và ngân sách: họ không tin rằng châu Âu sẽ trở thành một trong những cực thế lực của thế kỷ 21...

Thật ra, người Anh, gia nhập năm 1973 vào cái lúc đó gọi là Cộng đồng kinh tế châu Âu, chỉ quan tâm tới một điều: thị trường chung, còn mọi mộng mơ châu Âu, họ đều hờ hững”.

Thật ra, “cộng đồng chung châu Âu”, “ngôi nhà chung châu Âu”, rồi “châu Âu hợp nhất” đều là mộng mơ của người Pháp, cụ thể là của Jacques Delors, được xem là chủ tịch Ủy ban châu Âu thành công nhất trong lịch sử EU, đã tạo nên điều gọi là “sự hội nhập châu Âu” cũng như hiệp định “chung biên giới” Maastricht, mà nay EU đang chết dở vì chính sự mở toang biên giới của hiệp định ấy.

Chuyện nữa khiến người Anh “sửng cồ” là việc ngư dân Anh bị khống chế bởi các quy định nghề cá của EU. Nếu dân Philippines hay dân Việt bức xúc vì các ngư dân nước mình bị ức hiếp trên biển thế nào, thì dân “xứ đảo” Anh còn bức xúc bội phần khi hằng ngày, ngư dân và ngành cá nước mình bị “chết dí” trong “màng lưới” quản lý ngư nghiệp của EU.

Cương lĩnh của Đảng UKIP (Đảng Độc lập) - chủ thể chính của làn sóng Brexit - mô tả: “Vùng biển của nước Anh lẽ ra là viên ngọc quý trên vương miện của đất nước, thế nhưng chúng ta đã trao lại của gia bảo vô giá của chúng ta khi gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu vào năm 1973: lãnh hải của chúng ta bị sáp nhập vào ngư trường khổng lồ của châu Âu. Vương quốc Anh góp đến gần 70% ngư trường của châu Âu nhưng chỉ được dành cho 13% hạn ngạch đánh cá”.

Chưa hết, theo cương lĩnh này, dân “xứ đảo” Anh phải nhập khẩu cá để ăn do EU quy định phải loại bỏ 40% các loại cá đánh bắt, tức khoảng 2 triệu tấn cá hoàn toàn bị lãng phí mỗi năm vì Luật ngư nghiệp của EU.

Nếu biết rằng phần lớn ngư dân Anh là dân đánh cá “nhỏ” trên các thuyền nhỏ dài dưới 10m, thì sẽ hiểu tại sao Cương lĩnh của UKIP viết: “Các thuyền đánh cá nhỏ chiếm đa số hạm đội đánh cá song chỉ được cấp có 4% hạn ngạch dành cho nước Anh, trong khi năm tàu cá lớn nhất do nước ngoài kiểm soát lại chiếm đến 32% hạn ngạch!”.

Đảng UKIP hứa: “Đánh cá quy mô nhỏ ven bờ là xương sống của công nghiệp đánh cá của Anh, chúng tôi sẽ chấm dứt sự bất công đó”, hứa hẹn nếu Brexit sẽ “thiết lập lại khu vực 12 hải lý quanh bờ biển dành riêng cho ngư dân Anh cùng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý dưới quyền kiểm soát của Anh...; EU hoàn lại mỗi năm 2,5 tỉ bảng Anh tiền bán cá cho nước Anh”.

Đó là một thực tế EU rành rành như thế trong đời sống xưa nay của dân Anh và trong sự “hiến” chủ quyền biển cho EU.

CHỈ MỖI MÌNH DÂN ANH?

Câu chuyện nghề cá của dân Anh là một ví dụ “sống” cho thấy không những người Anh biết EU là gì mà còn phải “sống” trong những “trói buộc” của một siêu chính quyền đóng tại Brussels.

Một ám ảnh khác là tình hình nhập cư quá “dễ dãi”: “Nhập cư vào Liên hiệp Anh đang cao nhất từ trước tới giờ. Trong một năm (tính đến tháng 9-2014), có đến 624.000 người nhập cư... Chừng nào chúng ta chưa rời khỏi EU, chúng ta còn phải bị khống chế bởi nguyên tắc nền tảng không lay chuyển của EU là “sự tự do di chuyển của người dân”, nghĩa là ta không thể ngăn được làn sóng công dân từ mọi nước thành viên EU vào nước Anh”.

624.000 người nhập cư mới năm 2014, tức chừng đó chỗ làm, chỗ ở, chỗ học, chỗ xe chuyên chở công cộng, giường bệnh... phải cung cấp, chưa nói đến những va chạm văn hóa.

Nên UKIP hứa: “Chúng tôi sẽ thiết lập hệ thống điểm cộng kiểu Úc... nhằm giảm số người di cư đến Anh. Tùy nhu cầu kinh tế và xã hội hằng năm mà đề xuất bao nhiêu người nhập cư, kỹ năng như thế nào được chấp nhận vào Anh... UKIP sẽ giới hạn số visa lao động từ EU vào Anh mỗi năm ở mức 50.000 cái, đồng thời tạm ngưng lao động không có chuyên môn hoặc chuyên môn thấp”.

Hệ thống “điểm cộng kiểu Úc” ưu tiên cho một số người có trình độ ở một số ngành nghề, còn thì lao động thường qua Úc bằng visa du lịch được phép lao động năm nay chỉ còn 200 cái.

Sau “Brexit” sẽ là “Frexit” (Pháp), “Nexit” (Hà Lan), “Oexit” (Áo)...? Đây không phải là một làn sóng a dua mà do những sôi sục chính trị - kinh tế - xã hội nội tại của EU ngày càng không tháo gỡ được, nhất là khi cuộc khủng hoảng “Grexit” (Hi Lạp vỡ nợ) chưa giải quyết xong lại gánh thêm khủng hoảng “người tị nạn Syria”. Chưa nói đến những khủng hoảng xã hội do va chạm văn hóa.

Ở Pháp, nếu trước đây là thủ lĩnh Mặt trận dân tộc Jean-Marie Le Pen cùng những va chạm văn hóa với làn sóng nhập cư những năm 1960, 1970 thì nay đến đời cô con gái Marine Le Pen với những va chạm văn hóa mới.

Tất cả chỉ làm cho những đảng gọi là cực hữu thêm lý lẽ thuyết phục, làm cho lòng người thêm chán ngán mộng mơ “châu Âu hợp nhất”, muốn trở về với cố quốc. Cuộc khủng hoảng mấy “lớp” đó của EU phát tác như thế nào ở mỗi nước tùy tâm tính và hoàn cảnh mỗi dân tộc.

Tất nhiên, nhìn từ phía “ở lại” sẽ là khác, bởi thế mới có danh sách thỉnh cầu bỏ phiếu lại. Như một ngạn ngữ Pháp: “Chân lý ở bên này dãy Pyrénées, sai lầm ở bên kia dãy núi”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận