"Không loại trừ lọt vào cả rác thải hạt nhân"

TTCN 26/06/2004 22:06 GMT+7

TTCN - Trước tình trạng phế liệu nước ngoài được nhập một cách ồ ạt vào VN, TTCN đã có 3 câu hỏi với ông Trần Hồng Hà, quyền cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường VN.

Phóng to
"Hàng" chai nhựa...
TTCN - Trước tình trạng phế liệu nước ngoài được nhập một cách ồ ạt vào VN, TTCN đã có 3 câu hỏi với ông Trần Hồng Hà, quyền cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường VN.

* Với cương vị lãnh đạo cơ quan quản lý môi trường cấp quốc gia, ông có thể giải thích tại sao VN phải mở rộng cửa cho phế liệu nước ngoài chảy vào trong khi nhiều nước đã nghiêm cấm?

- Chúng ta đang có mục tiêu quan trọng là tháo gỡ cho nền sản xuất. Việc nhập phế liệu về cũng nhằm giải quyết một phần mục tiêu đó. Đúng là như công luận nói qui định mới của Bộ Tài nguyên - môi trường có thoáng hơn so với trước, nhưng nó cũng đặt trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trước pháp luật một cách cụ thể và nghiêm khắc hơn. Họ chỉ được nhập phế liệu về để phục vụ sản xuất, còn rác thải thì dứt khoát nghiêm cấm.

* Thực tế vẫn có nhiều vụ tuồn rác ô nhiễm về trên khắp cả nước?

- Phải thừa nhận là đang có vấn đề liên quan đến các lô hàng phế liệu nhập về. Có lô hàng theo đúng qui định nhằm phục vụ sản xuất. Nhưng có lô hàng chỉ là rác thải gây ô nhiễm. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan khác đã xử lý vấn đề này. Tất cả đều buộc phải tái xuất, nếu không được thì tiêu hủy. Phải hiểu rằng họ chịu trách nhiệm cả hậu kiểm. Hàng đã lọt qua cửa hải quan, môi trường rồi mà trong quá trình lưu giữ, xử lý, tái chế phát sinh gây ô nhiễm cũng vẫn tiếp tục bị xử lý. Tùy mức độ vi phạm mà có thể xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Nhiều nước phát triển đang tống rác thải độc hại, kể cả rác thải hạt nhân của mình sang nước khác. Ông có nghĩ rằng VN đã hoặc sẽ có lúc phải hứng những thứ kinh khủng này?

- Đây là một xu hướng tiêu cực của thế giới hiện nay. Chính vì vậy công tác hải quan, kiểm dịch, bảo vệ môi trường đang là vấn đề quốc tế nóng bỏng. Tôi cho rằng không loại trừ VN có thể bị nước khác đẩy rác thải độc hại vào, thậm chí cả rác thải hạt nhân. Vấn đề là chúng ta cần có ý thức cảnh giác và có biện pháp trước tình hình đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận