Không gian công cộng và sự phát triển của TP.HCM

LÝ THẾ DÂN 03/07/2008 18:07 GMT+7

TTCT - Để thu hút nhân lực trình độ cao và nguồn vốn đầu tư, giúp TP.HCM nắm bắt được cơ hội vươn lên trở thành một đô thị tầm cỡ quốc tế, việc xây dựng bản sắc, nét cá tính và sức hấp dẫn của đô thị đóng vai trò quyết định. Trong công cuộc toàn cầu hóa đó, giải pháp đầu tư phát triển không gian công cộng đô thị khoa học và hợp lý sẽ là chìa khóa, là “hiệu ứng Bilbao” cần thiết giúp thành phố đạt được mục tiêu trên.

Phóng to
Bảo tàng Guggenheim
TTCT - Để thu hút nhân lực trình độ cao và nguồn vốn đầu tư, giúp TP.HCM nắm bắt được cơ hội vươn lên trở thành một đô thị tầm cỡ quốc tế, việc xây dựng bản sắc, nét cá tính và sức hấp dẫn của đô thị đóng vai trò quyết định. Trong công cuộc toàn cầu hóa đó, giải pháp đầu tư phát triển không gian công cộng đô thị khoa học và hợp lý sẽ là chìa khóa, là “hiệu ứng Bilbao” cần thiết giúp thành phố đạt được mục tiêu trên.

Nếu xem đô thị như một khối vật liệu co dãn (trong đó áp lực cuộc sống hình thành liên tục từ các tòa cao ốc văn phòng, công trình dịch vụ đô thị, đường phố và khu dân cư) thì các không gian công cộng (bao gồm công viên cây xanh, không gian dọc hai bên sông rạch, quảng trường, không gian đi bộ hai bên đường phố...) là lò xo, là các khe rỗng, là phần đàn hồi giúp giải tỏa bớt áp lực bên trong của các khối vật liệu sôi động đó. Không gian công cộng là nơi cư dân đô thị lấy lại cân bằng sau giờ làm việc, giải tỏa áp lực và sản sinh năng lượng sáng tạo trong cuộc sống.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của bản sắc (identity). Giá trị của sản phẩm hàng hóa ngày nay không căn cứ trên giá thành vật liệu làm nên, mà tùy thuộc vào mức độ đầu tư chất xám và cấp độ đặc sắc, cá tính của sản phẩm đó. Giống như cạnh tranh kinh tế, các đô thị cạnh tranh nhau nhờ nét hấp dẫn và bản sắc của mình.

Trên suốt đoạn cảng biển dài hơn 3km của thành phố Yokohama, Nhật Bản diễn ra hàng chục, hàng trăm hoạt động, sự kiện đô thị khác nhau. Cũng có thể cảm nhận sự sôi động, hấp dẫn tương tự tại khu Clark Quay (không gian công cộng dọc bờ sông của Singapore) hay tại các phố đi bộ của Hong Kong. Các hoạt động, sự kiện này kích thích óc sáng tạo của hàng trăm, hàng ngàn con người đô thị trong tầm ảnh hưởng của không gian công cộng đó, giúp họ sản xuất những sản phẩm - hàng hóa quan trọng của nền kinh tế đô thị. Trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, không gian công cộng đô thị trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với thời đại công nghiệp: chính tại đây hình thành và phát triển nên bản sắc độc đáo của đô thị, đồng thời tạo ra chất keo gắn kết con người với đô thị.

Tiếc rằng trong thời gian phát triển xây dựng nhộn nhịp vừa qua, TP.HCM chưa có đầu tư đáng kể cho không gian công cộng đô thị, ngoại trừ việc chỉnh trang một số không gian công viên có sẵn và đưa thêm vào các không gian này một số hoạt động mới.

Cuối thập niên 1990, nhằm tạo động lực kinh tế cho thành phố, chính quyền thành phố Bilbao, Tây Ban Nha quyết định xây dựng một bảo tàng mới (Bảo tàng Guggenheim) do kiến trúc sư Frank O. Gehry thiết kế. Công trình được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1997. Kể từ khi mở cửa, bảo tàng đã đón nhận hơn 5 triệu lượt khách, thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa, thương mại dịch vụ và khoảng 100 triệu USD thuế, giúp chấn hưng nền kinh tế thành phố.

“Hiệu ứng Bilbao” là cụm từ ngày nay thường được dùng để mô tả những dự án xây dựng công trình công cộng đem lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, nhờ thế chấn hưng nền kinh tế. Chuẩn bị thời kỳ biến chuyển mới của kinh tế đô thị, TP.HCM hiện rất cần một hiệu ứng đô thị kiểu Bilbao của riêng mình.

Vậy nên tìm “hiệu ứng Bilbao” cho TP.HCM ở đâu?

Phóng to
Bến tàu khách của cảng Yokohama cũ, ngày nay được chuyển thành khu mua sắm và dịch vụ cho du khách
Muốn cạnh tranh được với các đô thị lớn trong khu vực để giành những khoản đầu tư qui mô lớn và có chiều sâu, TP.HCM phải tìm cách khuếch trương bản sắc của mình. Bản sắc đó phần nhiều nằm trong không gian công cộng của thành phố chúng ta, một thành phố độc đáo vừa mang nét Đông Á ở sự thiếu trật tự và hỗn loạn bề ngoài, vừa mang nét phương Tây nhờ bản qui hoạch của người Pháp đầu thế kỷ 20.

Theo bản qui hoạch Sài Gòn của Coffyn lập vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ công nghiệp hóa, không gian công cộng của thành phố Sài Gòn gồm ba loại hình chủ yếu: công viên cây xanh, quảng trường và không gian đường phố, được phân chia theo tầng bậc trong đô thị. Các không gian xanh dọc sông rạch truyền thống của thành phố - nắm vai trò không gian công cộng cho cư dân người Việt và Hoa tại khu Chợ Lớn với vùng lân cận - không nằm trong hệ thống tầng bậc đó.

Qua hơn 100 năm sử dụng, các không gian công cộng của qui hoạch thời Pháp đã dần dần bị cư dân người Việt biến đổi và sử dụng lại theo lối sống, bản sắc của mình. Khác với đô thị châu Âu, ở các đô thị Đông Á và tại TP.HCM mọi cư dân đều tham gia trong việc hình thành không gian cảnh quan đô thị: xây dựng, cơi nới, lấn chiếm, phát triển buôn bán nhỏ dọc hai bên đường, kiến trúc lộn xộn không theo phong cách rõ ràng...

Xin nêu ra một số đề xuất nhằm góp phần định hướng phát triển không gian công cộng cho TP.HCM trong thời gian tới.

1. Phát triển không gian cảng dọc sông Sài Gòn

Phóng to

Phương án tổ chức không gian trục đường Tôn Đức Thắng của Công ty Nikken Sekkei

Sông rạch gắn liền với Sài Gòn - TP.HCM từ buổi sơ khai. Vào buổi bình minh của đô thị Sài Gòn, cảnh quan có lẽ rất gần với một Venice phương Đông. Sau khi người Pháp qui hoạch lại thành phố và lấp nhiều kênh rạch để làm các đại lộ cây xanh, yếu tố sông rạch mất dần trong cảnh quan đô thị.

Nhà văn Sơn Nam từng nói: “TP.HCM là cảng biển quan trọng nhất cả nước”.

Vào thời điểm hiện tại, việc cải tạo chỉnh trang các kênh rạch của thành phố như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm..., nhất là quyết tâm di dời các khu, cảng như cảng Sài Gòn, khu Ba Son, Tân Cảng đã mở đường cho việc hình thành các không gian công cộng qui mô lớn dọc sông rạch, có thể biến đổi bộ mặt thành phố, hình thành bản sắc đô thị hoặc nâng cao thêm những nét cá tính sẵn có. Việc nối kết lịch sử và truyền thống của thành phố có lẽ nằm trong các không gian cảng đã biến đổi công năng này. Không gian công cộng cần luôn gắn chặt với sông Sài Gòn và lịch sử phát triển của TP.HCM.

Ở các đô thị cảng có lịch sử phát triển lâu đời như tại châu Âu hay Nhật Bản, việc chuyển đổi công năng các khu đất bến cảng cũ luôn được cân nhắc rất kỹ: người ta thường giữ lại một số thành phần kiến trúc có nét đặc sắc gắn liền với khu, cảng như cầu tàu, nhà kho, bến tàu khách, các ụ tàu... để chuyển đổi sang chức năng thương mại dịch vụ, triển lãm, sinh hoạt văn hóa... Các công trình kiến trúc hiện đại cao tầng bố trí trong khu, cảng cũ xen cài với các kiến trúc cũ đã chuyển đổi chức năng tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa nét hiện đại và cũ kỹ, giữa lịch sử và hiện tại, gắn kết các thế hệ cư dân đô thị với thành phố, tạo nên nét đặc sắc và thu hút khách du lịch tới tìm hiểu về lịch sử thành phố.

Ta hãy tưởng tượng một kịch bản sau mười năm nữa: khi việc di dời khu Ba Son, cảng Sài Gòn và Tân Cảng hoàn tất, các cao ốc chọc trời mọc lên như nấm tại các khu đất này thì chỉ còn lại bến Nhà Rồng trơ trọi giữa biển cao ốc ấy. Lịch sử thành phố sẽ biến mất, cùng với nó là các di sản văn hóa và hồn đô thị đã hình thành và tồn tại suốt 300 năm nay. Trước khi quá muộn, thành phố hãy giữ lại một số khung nhà kho, xưởng tàu cũ đặc sắc nhất của cảng Sài Gòn và Ba Son nhằm chuyển đổi công năng thành thương mại dịch vụ, đồng thời gìn giữ lịch sử và truyền thống của thành phố - đầu mối trao đổi thông tin và giao lưu với thế giới quan trọng nhất của cả nước.

2. Gắn kết kiến trúc và không gian cảnh quan chặt chẽ hơn với tự nhiên

Mô hình không gian xanh đô thị theo tầng bậc của thời kỳ công nghiệp hóa ngày nay đang bị thế giới xem xét lại. Các nhà qui hoạch Singapore đang nhận ra những khiếm khuyết trong qui hoạch “thành phố vườn” của họ - một mô hình theo kiểu Anh. Theo đó, khái niệm “vườn” không phải là một thành tố tự nhiên trọn vẹn trong đô thị, mà là một thứ tự nhiên được đóng gói, mảng xanh đô thị “vườn” chỉ là một bánh răng, một chi tiết máy trong tổng thể bộ máy - đô thị. Bởi thế, cư dân rất khó hình thành mối liên hệ chặt chẽ truyền thống với những khu vườn như vậy, nhất là khi thành phần cư dân chủ yếu của Singapore là nhập cư.

Các chuyên gia qui hoạch trên thế giới cũng trân trọng xem xét lại một truyền thống châu Á. Khi trong gia đình có đứa trẻ chào đời, người cha liền trồng một cây xanh trong vườn hoặc ngoài cổng nhà để làm kỷ niệm. Từ đó, cư dân có một gắn bó mật thiết, tâm linh với thiên nhiên và thiên nhiên luôn gần gũi hài hòa với con người và đô thị. Kết hợp hai quan điểm này đã hình thành một mô hình cho không gian xanh đô thị trong thế kỷ 21 như sau: ở cấp độ đô thị và khu đô thị, mảng xanh, công viên được qui hoạch theo tầng bậc và cấp độ như các đô thị châu Âu. Ở cấp độ khu ở, cần có giải pháp thiết kế, xử lý không gian và cơ chế quản lý thực hiện sao cho cư dân khu ở có sự tương tác nhiều hơn với mảng xanh, giúp họ gắn kết chặt chẽ về mặt sinh hoạt và tinh thần với mảng xanh khu ở.

Tại các nền văn hóa Đông Á, yếu tố thiên nhiên, thể hiện qua lý thuyết phong thủy, có trong hầu hết các mặt của đời sống đô thị, gồm cả kiến trúc công trình và tổ chức cảnh quan không gian đô thị. Tại các thành phố ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản, tên gọi công trình, nhất là các cao ốc, thường gắn liền với ngọn núi, con sông hoặc hồ nước nằm trong tầm nhìn từ công trình đó.

Ngược lại, tầm nhìn và hình khối kiến trúc luôn được cố gắng thiết kế sao cho đưa được phong thủy, tức yếu tố tự nhiên trong kiến trúc, ảnh hưởng đến mọi giai đoạn tổ chức mặt bằng công trình, phòng ốc, trang thiết bị... Tại TP.HCM, sự kết hợp giữa công trình và yếu tố tự nhiên thường chưa rõ nét, các sông rạch, hồ đầm tự nhiên không mấy khi được lưu ý đúng mức khi thiết kế qui hoạch khu dân cư hay các cao ốc chọc trời, đôi khi còn bị xem là một cản trở cần gạt bỏ đối với dự án xây dựng. Các cao ốc, công trình xây dựng quan trọng cũng như các quảng trường của thành phố cần có được sự hài hòa với thiên nhiên như truyền thống Đông Á xưa kia.

3. Tổ chức lại không gian đường phố cho phù hợp trình độ phát triển của kinh tế - xã hội đô thị

Hiện nay, việc giao thông cá nhân (xe máy) phát triển quá mức đã khiến nhiều chức năng công cộng và hoạt động đô thị tràn ra hai bên lề đường, thậm chí ra ngay giữa lòng đường, phát triển tràn lan theo dạng tuyến - dải và rất khó quản lý kiểm soát. Với quyết tâm phát triển hệ thống giao thông trung chuyển công cộng kết hợp nhiều phương tiện xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất..., mạng lưới giao thông của thành phố trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến quan trọng, ảnh hưởng việc tổ chức không gian công cộng trên các tuyến trục đường đô thị.

Khi phát triển hệ thống giao thông trung chuyển khối lượng lớn (như tàu điện ngầm, xe điện mặt đất...), việc xây dựng các công trình mang chức năng thương mại dịch vụ dọc các tuyến trục đường sẽ giảm dần. Chức năng công cộng đô thị và thương mại dịch vụ không thể tiếp tục trải dài dọc trục đường, tấp nập hai bên lề đường, tức không còn phát triển theo dạng tuyến mà sẽ phát triển theo dạng nút - điểm, tập trung quanh các nhà ga và bến xe trung chuyển. Ngoại trừ một số tuyến phố thương mại đặc thù, độc đáo vẫn được duy trì và phát triển, các chức năng công cộng quan trọng của trung tâm đô thị và trung tâm quận huyện cần tổ chức theo dạng nút - điểm nhằm thuận tiện sử dụng cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế. Quan điểm này sẽ khiến không gian cảnh quan hai bên các trục đường biến đổi sâu sắc.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết qui hoạch chi tiết xây dựng đô thị chưa xác định rõ tính chất qui hoạch các tuyến đường đô thị phù hợp quan điểm qui hoạch hiện đại. Trong khi đó, tính chất hoạt động của trục đường (đường trục chính đô thị, đường chính khu vực hay đường vào nhóm nhà ở...) lại ảnh hưởng quyết định việc tổ chức hoạt động công cộng đô thị hai bên đường, từ đó có thiết kế mặt cắt đường hợp lý. TP.HCM cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Sở Giao thông công chính và Sở Qui hoạch - kiến trúc trong quá trình xây dựng qui hoạch hệ thống giao thông đô thị nhằm giải quyết càng sớm càng tốt vấn đề bất cập này.

______________

Nguồn tham khảo:

- Hội thảo Asian alterity - Case studies of Asian cities, Singapore, 7-2007
- Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự, Yoshinobu Ashihara, 1998

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận