TTCT - Việt Nam có gì hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài? Người ta đã nghiên cứu và cho rằng độ hấp dẫn phụ thuộc vào bốn nhân tố cơ bản.

Phóng to
TS Võ Trí Thành cho rằng giai đoạn đầu của thu hút FDI vẫn chưa chấm dứt, nghĩa là VN vẫn chưa thể dứt khoát với những dự án thâm dụng lao động (Ảnh chụp tại Công ty Two Jvina ở Đồng Nai) - Ảnh: L.N.M.

Thứ nhất, các điều kiện vĩ mô như thị trường - đo bằng GDP bình quân đầu người, đặc điểm tầng lớp trung lưu, quy mô thị trường, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỉ giá hối đoái... Thứ hai, nguồn lực sẵn có như tài nguyên thiên nhiên, số lượng và chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng. Thứ ba, thể chế.

Báo chí và dư luận gần đây nói quá nhiều về những ưu đãi “cứng” mà Chính phủ VN dành cho các nhà đầu tư nước ngoài mà theo tôi, mới chỉ đúng một phần và trong một thời kỳ thôi. Thể chế lớn hơn thế nhiều: đó là khuôn khổ pháp lý có nhất quán không, chính sách có được thực thi hiệu lực không - đây là điểm VN hay bị chê nhất, quy trình có rắc rối không, bộ máy có quan liêu không…

Riêng khía cạnh ưu đãi có nhiều loại như cách thức hỗ trợ và ưu đãi hay được nói tới nhiều nhất là ưu đãi tài khóa như các loại thuế, phí... Nhóm đặc điểm hấp dẫn thứ tư là độ mở cửa: cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực nào, đến đâu.

Nếu nhìn vào bốn nhóm này thì nhóm thứ tư là VN đạt điểm khá cao mặc dù còn nhiều chuyện phải mở tiếp như kết cấu hạ tầng hay dịch vụ. Với nhóm 1, trong vài năm qua tăng trưởng kinh tế chậm lại, ổn định vĩ mô còn nhiều điều phải làm nhưng có cái tốt bù lại là tầng lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện.

Với nhóm 2, tài nguyên thiên nhiên của VN thuộc loại trung bình so với thế giới; chất lượng lao động của VN có quá nhiều vấn đề: tuy năng động, trẻ, số người biết chữ cao, cần cù nhưng lại không có lao động chất lượng cao, tính kỷ luật và sức bền tốt.

Nhóm 3, các nhà đầu tư hay chê chúng ta về tệ quan liêu, tham nhũng, không nhất quán trong nhìn nhận và thực thi luật pháp... Với ưu đãi về thuế, VN phải rất thận trọng vì có thể tạo ra cuộc “cạnh tranh từ đáy”, như đã xảy ra khi các tỉnh đua nhau xé rào ưu đãi đầu tư về thuế suất, giá thuê mặt bằng... Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đó không phải là điều mang tính quyết định đối với sự lựa chọn của nhà đầu tư cũng như chất lượng của FDI.

Thúc đẩy liên kết

Dù muốn làm càng nhanh càng tốt, nhưng nguồn nhân lực chưa đâu vào đâu, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu đồng bộ, thể chế chưa cải thiện mạnh mẽ... thì cũng không thể đốt cháy giai đoạn được.

Một trong những điểm cần thiết kế lại trong chiến lược thu hút FDI là tạo điều kiện cho liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Để đạt được sức lan tỏa từ FDI, doanh nghiệp Việt phải tham gia được vào chuỗi giá trị.

Công nghệ cao có thể nằm ở bất cứ khâu nào, từ thiết kế, nghiên cứu và triển khai, lắp ráp, sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ sau bán hàng... bởi vì công nghệ không chỉ máy móc là đủ mà còn có cả quản trị đi kèm.

Người Việt thường học các kỹ năng, bí quyết ở phân phối, quảng bá khá tốt, còn một số lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu và triển khai thì khó hơn, phải học dần. Để lan tỏa, có thể là tạo mạng lưới liên kết theo hình thức: một doanh nghiệp tiên phong đi đầu, thường là tập đoàn đa quốc gia, rồi các doanh nghiệp khác tham gia ở lớp 1 để cung ứng cho doanh nghiệp tiên phong đó, lớp 2 để cung ứng cho doanh nghiệp ở lớp 1... Càng tiến lên ở tầng lớp cao hơn thì năng lực công nghệ càng cao.

Ràng buộc

Cách nữa là phải thông qua chính sách vừa ưu đãi, vừa ràng buộc mới mời được các doanh nghiệp FDI công nghệ cao vào “sân chơi” để đưa doanh nghiệp VN tiến lên được. Ngành xe máy ở VN là một ví dụ điển hình. Tuy có nhiều doanh nghiệp thất bại nhưng cũng có những hãng như Honda có tỉ lệ nội địa hóa lên tới 90-95%, và nhiều doanh nghiệp VN khác không chỉ làm chủ được việc sản xuất xe máy mà còn thích ứng, tức là có sáng kiến, cải tiến để vừa sản xuất được, vừa có được mô hình quản trị thích hợp.

Và, phải tìm ra một số lĩnh vực VN có thể đi nhanh hơn, ví dụ như trong ngành công nghệ thông tin. Bài học ở đây cho doanh nghiệp là phải dám chơi và dám cạnh tranh. Nếu không có cạnh tranh, không biết chơi với người khổng lồ thì khó lớn lên được.

Những lợi thế sẵn có của VN sẽ khiến chúng ta vẫn tiếp tục thu hút FDI sử dụng nhiều lao động và khai thác tài nguyên. Có thể nói giai đoạn đầu của thu hút FDI chưa chấm dứt. Nhưng với những loại dự án sử dụng thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng môi trường... thì phải kiên quyết từ chối. Đồng thời, chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh để thu hút FDI trong giai đoạn tới theo hướng gắn với quan điểm phát triển mới. Có chỗ có thể nhảy nhanh, như công nghệ thông tin, nhưng có chỗ phải là một quá trình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận