Không có đề tài vô bổ, chỉ có người nghiên cứu hời hợt

HOA KIM 17/05/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Thể thao là đối tượng nghiêm túc của nghiên cứu khoa học, và nếu người làm nghiên cứu có đủ tầm và tâm thì sẽ không có chỗ cho những công trình kém chất lượng.

 
 Ảnh: iStock

Luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” vừa bảo vệ thành công gần đây của một nghiên cứu sinh tại Việt Nam gây nhiều tranh cãi. Một trong những lý do chỉ trích phổ biến là đề tài này quá hẹp, không xứng tầm một luận án tiến sĩ.

Đánh giá một công trình có đủ chuẩn hay không là trách nhiệm của hội đồng phản biện, nhưng giữa cơn bão chỉ trích có một luồng ý kiến cho rằng mọi nghiên cứu về thể thao nói chung và cầu lông nói riêng là vô bổ, không giúp ích gì nhiều cho cuộc sống. Có thật vậy không?

Đa dạng đề tài cầu lông

Trước hết cần khẳng định làm nghiên cứu nghiêm túc về cầu lông thì cũng có nhiều hướng, không chỉ quẩn quanh trong việc tìm giải pháp gây dựng phong trào chơi bộ môn đó cho một nhóm đối tượng như một vài luận án “copy & paste” đã được dư luận nêu ra.

Gần gũi nhất với câu chuyện ở Việt Nam có lẽ là đề tài tìm hiểu về tác động của một khóa học cầu lông được thiết kế đặc biệt đối với các giáo viên thể dục tương lai của nghiên cứu sinh người Thổ Nhĩ Kỳ Erhan Devri̇lmez hồi năm 2016.

Nghiên cứu được tiến hành trên 38 sinh viên một chương trình đào tạo giáo viên giáo dục thể chất ở một trường đại học địa phương, với nhóm đối chứng gồm 36 sinh viên có nền tảng tương tự đến từ một trường đại học khác. Nhóm thứ nhất tham gia một khóa cầu lông kéo dài 10 tuần được thiết kế theo khung kiến thức nội dung được đề xuất bởi giáo sư Đại học bang Ohio Philip Ward, trong khi nhóm còn lại học môn cầu lông theo giáo án thông thường.

Kết quả cho thấy sự vượt trội đáng kể về mức độ tiếp thu kiến thức cả chuyên sâu lẫn căn bản của nhóm thực nghiệm so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, phân tích câu trả lời phỏng vấn của các sinh viên cũng cho thấy sự thích thú với môn học được cải thiện so với chương trình cũ. Cuối cùng, tác giả đưa ra khuyến nghị áp dụng mô hình của Ward trong thiết kế khóa học cầu lông dành cho sinh viên sư phạm thể dục, cũng như cần đánh giá lại kiến thức chuyên môn của những người đứng lớp.

Luận án được nộp vào tháng 12-2016, nhằm hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Trường Khoa học xã hội thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông, một trong những trường đại học hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến sĩ Erhan Devrilmez giờ có học hàm tương đương phó giáo sư tại Đại học Karamanoğlu Mehmetbey.

Trên đây chỉ là ví dụ của một hướng nghiên cứu khả dĩ. Tìm kiếm từ khóa “badminton education” (giáo dục cầu lông) trên công cụ tra cứu tài liệu học thuật Google Scholar trả về nhiều công trình đa dạng khác không kém phần lý thú: “Khám phá tác dụng của việc tích hợp máy tính bảng iPad trong cải thiện động lực và kỹ năng chơi cầu lông của học sinh” , “Dạy cầu lông bằng phương pháp vừa chơi vừa tập trong giáo dục thể chất”, “Mức độ hiệu quả của can thiệp cầu lông ở trường tiểu học đối với các kỹ năng vận động cơ bản của trẻ”...

Một luận án tiến sĩ tại Học viện Giáo dục quốc gia thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã phát triển một giao thức hoàn toàn mới dành riêng cho môn cầu lông để điều tra ảnh hưởng của sự mệt mỏi đến hiệu suất trận đấu, độ chính xác trong giao bóng và hành vi thị giác của các vận động viên. Giao thức này sử dụng một máy phóng cầu tự động, giải quyết vấn đề lâu nay trong nghiên cứu thể thao nói chung là rất khó tái lập các phản ứng sinh lý của vận động viên trong một trận đấu thật một cách nhất quán ở môi trường giả định. Tác giả bảo vệ thành công luận án. Tiến sĩ Shannon Chia Jingyi hiện là chuyên gia của Sport Singapore, cơ quan được giao nhiệm vụ phát triển văn hóa thể thao thuộc Bộ Văn hóa, cộng đồng và thanh niên.

Dù lựa chọn đề tài gì, cốt lõi của học vị tiến sĩ là nghiên cứu và điểm chung của các luận văn tiến sĩ đạt chuẩn trên thế giới là phải nguyên bản và góp phần mở rộng ranh giới kiến thức trong lĩnh vực tương ứng. Mục đích của nghiên cứu khoa học liên quan thể thao, vì thế, là để đóng góp đáng kể vào khối kiến thức ảnh hưởng đến việc luyện tập và biểu diễn thể thao, chứ không phải gầy dựng phong trào.

 
 Sơ đồ trong luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của sự mệt mỏi đến hiệu suất thi đấu cầu lông đơn nam của Shannon Chia Jingyi

Những đề tài không lối mòn

Không phải cứ đao to búa lớn mới là tri thức đích thực. Nhiều nghiên cứu về thể thao tưởng như đời thường hoặc nghe qua thì kỳ lạ lại thực sự có giá trị về mặt khoa học. Đơn cử như công trình “Hiệu ứng nơi sinh ở các vận động viên 14-18 tuổi tham gia các môn thể thao cạnh tranh cá nhân và đồng đội” của nhóm tác giả Israel. Nghiên cứu đã phát hiện nơi sinh cũng là một trong những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến khả năng bộc lộ năng khiếu sớm và đạt đến trình độ cao ở các vận động viên trẻ.

Qua đánh giá trên gần 1.400 vận động viên ở các môn thể thao cá nhân (thể dục dụng cụ, judo, bơi lội, quần vợt và điền kinh) cũng như đồng đội (bóng rổ, bóng đá, bóng ném, bóng chuyền và bóng nước), nhóm tác giả nhận thấy lớn lên ở các thành phố có quy mô vừa và nhỏ mang lại cho các em lợi thế hơn so với tuổi thơ ở các thị trấn hoặc thành phố có quy mô khác. Hầu hết trong số gần 150 huấn luyện viên được hỏi cũng tin rằng một số đặc điểm nhất định của nơi vận động viên được nuôi dưỡng (ví dụ: gần các cơ sở thể thao) có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của vận động viên đó.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất dữ liệu về cái mà họ gọi là “hiệu ứng nơi sinh” nên được cân nhắc trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến đào tạo và phát triển tài năng thể thao trẻ.

Không chỉ thi đấu chuyên nghiệp, đôi khi thể thao nghiệp dư cũng là đối tượng nghiêm túc của các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch mới đây đã phát hiện một điều chỉnh nhỏ trong kỹ thuật tiếp đất ở những người đánh cầu lông giải trí có thể giúp giảm đến 25% lực tác động lên gân Achilles ở gót chân.

10 người chơi cầu lông nghiệp dư là nam giới được mời thực hiện các cú nhảy mô phỏng trong phòng thí nghiệm, sử dụng cả kỹ thuật ban đầu của họ lẫn kỹ thuật đã điều chỉnh học theo vận động viên chuyên nghiệp. Lực tác động lên gân Achilles sau mỗi cú nhảy được ghi lại và tính toán bằng cách sử dụng phần mềm phân tích chuyển động 3D. Theo đó, nhờ bàn chân tiếp đất mở ra ngoài hơn trong kỹ thuật đã điều chỉnh, lực cao nhất lên gân Achilles được ghi nhận chỉ là 50 ± 14 N/kg, so với 68 ± 19 N/kg ở kỹ thuật cũ.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục thể thao cũng là một mảng đề tài nổi lên thời gian gần đây. Hai nhà nghiên cứu tại Đại học Bạc Châu (Trung Quốc) đã sử dụng cảm biến thị giác máy tính thế hệ mới để quan sát và phân tích các hình ảnh tĩnh chụp lại chuyển động của vận động viên cầu lông chuyên nghiệp, với tỉ lệ phân loại chính xác các kỹ thuật trên 90%. Kết quả giúp cho việc giảng dạy và huấn luyện môn cầu lông trở nên dễ dàng hơn và giúp người học chuẩn hóa các động tác trong thi đấu.■

Thể thao đâu chỉ là thể chất

Một luận án tiến sĩ năm 2015 của nghiên cứu sinh Karin Moesch đến từ Đại học Lund (Thụy Điển) thì đào sâu vào khía cạnh tâm lý trong thể thao. Cụ thể, công trình tìm hiểu về “một hiện tượng thường được nhắc đến trong thể thao, nhưng vẫn còn ít được hiểu biết dưới góc độ khoa học: quán tính tâm lý” - phần tóm tắt của luận án dẫn nhập.

Chưa có sự nhất trí nào về cách gọi tên hiện tượng này, nhưng quán tính tâm lý có thể được định nghĩa là những giai đoạn trong một trận đấu thể thao trong đó mọi thứ dường như hoàn toàn thuận lợi (quán tính dương) hoặc bất lợi (quán tính âm) cho một đội. Ngôn ngữ thường ngày có những cách gọi khác như “đà hưng phấn” hay “lợi thế tâm lý”. Trong 3/4 số trận đấu bóng ném nữ được tác giả nghiên cứu, mỗi trận đấu có ít nhất 1 giai đoạn kéo dài 5 phút trong đó hiện tượng quán tính tâm lý được ghi nhận. Kết quả này cho thấy có sự tồn tại của hiện tượng này trong thời gian ngắn, nhưng thường không kéo dài toàn bộ thời gian trận đấu. Nghiên cứu còn đề xuất một trong những cách để duy trì trạng thái tâm lý tích cực là đồng đội có hành động khích lệ bằng cách chạm vào nhau sau mỗi pha lập công.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Professional Psychology Research and Practice năm 2015 thậm chí còn cất công tìm hiểu về các sự cố “vượt quá giới hạn” giữa chuyên gia tư vấn tâm lý và khách hàng của mình là các vận động viên thể thao. Theo đó, hơn 40% chuyên gia tâm lý được khảo sát thừa nhận có sự thu hút về mặt tính dục với ít nhất một khách hàng và 13,6% trong số đó đã đi quá giới hạn, chủ yếu thông qua việc đề cập chủ đề tình dục trong các buổi tư vấn nằm ngoài phạm vi chuyên môn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận