Không có chuyến xe nào rong chơi cả!

HOÀNG ĐIỆP THỰC HIỆN 30/06/2017 01:06 GMT+7

TTCT- Nếu ngoài quốc lộ xe container bị gọi là “hung thần”, trong thành phố, xe buýt bị coi là “quan tài bay”. Rất nhiều vụ tai nạn do xe buýt gây ra, rồi lái xe tạt đầu gây bức xúc, giành đường với các phương tiện khác, cả thái độ phục vụ “cà chớn”... Hình ảnh chiếc xe buýt trở nên hãi hùng trong mắt những người đi đường là vì đâu?

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Anh Nguyễn Nhật Thành (41 tuổi), tài xế xe buýt tuyến 95 tại TP.HCM, tâm sự: “Trăm thứ đổ đầu tài xế. Người ta đổ tội đủ thứ, kể cả cho rằng chúng tôi không có lương tâm, chạy xe bạt mạng, chỉ biết mình, không biết người, để các phương tiện khác phải thiệt thòi. Vậy nhưng có ai biết cái khổ của tài xế xe buýt?”.

Nỗi khổ đó là những gì, thưa anh?

- Tôi chạy tuyến 95 (Công ty Xe khách Sài Gòn, viết tắt Saigonbus), tổng quãng đường tuyến này là 19km, mỗi ngày chạy 8 chuyến, và phải có mặt từ lúc 4h30 sáng để nhận xe, đến khoảng 20h30 mới có mặt ở nhà. Tôi nuôi vợ, hai con nhỏ đang tuổi đi học và một mẹ già. Nếu tôi chạy đủ chuyến, không bị cắt, không bị phạt, mỗi ngày thu nhập hơn 200.000 đồng.

Như vậy là nếu chạy đủ 30 ngày/tháng, thu nhập của tôi là 6 triệu đồng. Nhưng rời nhà từ lúc tờ mờ sáng đến khi về tới nhà là rã rời, tôi không thể nào chạy đủ 30 ngày trong tháng.

Tôi nghĩ một người bình thường nếu tự lái xe đi làm, chỉ cần trải qua giờ cao điểm là đã đủ thấy căng thẳng và khó chịu mức nào rồi, bản thân tài xế như tôi căng thẳng từ 5h sáng đến 7h tối. Không có chuyến xe nào mà chạy như rong chơi cả.

Chuyến nào cũng đối phó với đường đông, kẹt xe và ý thức, thái độ của người chạy xe dưới lòng đường. Ngày nào cũng vậy, không thay đổi. Bởi vậy, một tháng tôi phải nghỉ vài ngày để lấy sức, tái tạo sức lao động, cũng là dành thời gian cho con cái và gia đình.

Nay tôi hơn bốn chục tuổi rồi, đâu có làm nghề gì khác được nữa, nên phải chấp nhận cái nghề này, chứ lái xe buýt cực lắm.

Bản thân tôi cũng nhiều lần muốn nghỉ việc, nhưng còn vợ con, mẹ già nên không thể thất nghiệp. Người ta chửi tài xế xe buýt, nhưng chắc không ai thấu nỗi khổ của tài xế.

Đó là nỗi khổ về sự căng thẳng trên đường mỗi ngày. Đó là nỗi cực mỗi khi chậm 5 phút thì chuyến đi bị hủy.

19km đường kẹt thường xuyên, nhưng quy định phải là 65 phút. Khi bị mất chuyến nghĩa là tài phải lái xe sang bến bên kia bằng xe không rồi đón khách chuyến về. Còn nếu mệt mỏi quá, chấp nhận nghỉ luôn hai chuyến.

Nghỉ chuyến nào là cắt tiền chuyến đó, bất kể chúng tôi có sự cố xe cộ hay kẹt xe trên đường, mất chuyến là mất tiền. Bởi vậy, thu nhập sẽ giảm đi từ những sự cố trên đường hay sự cố từ xe cộ.

Rồi mỗi chuyến về, tài lại phải mang giấy vào ký nhận. Mỗi chuyến ký một lần, nếu không ký coi như không đi, mà thực ra mình đi đủ chuyến rồi.

Quên không ký, chậm không ký đều bị bắt lỗi. Mỗi lần bắt lỗi là một lần ảnh hưởng đến bát cơm của các con tôi. Vậy nên phải chạy cho đúng giờ, đúng chuyến.

Mà chạy đúng giờ trong tình trạng giao thông hỗn loạn, không chỉ của giờ cao điểm mà gần như từ sáng đến tối là điều không thể. Vậy nên chúng tôi phải ráng chạy nhanh, đúng giờ, kẻo đi làm mà con không có cơm ăn.

Xem đây, tôi còn ba cái quyết định xử phạt, ngoài phạt tiền vài trăm ngàn còn bị tạm đình chỉ lái xe trong một thời gian. Tôi bức xúc nhiều lắm nhưng chả ai hiểu cho tôi đâu. Người ta chửi xe buýt, chửi tài xế, nhưng chẳng thấy được áp lực của tài xế đối với công việc hằng ngày nên làm sao mà thông cảm.

Đó là lý do xe buýt chạy ẩu?

- Không phải chạy ẩu, chúng tôi sợ va chạm, sợ phạt và sợ tai nạn lắm. Xe buýt lưu thông trên đường thì khác gì các phương tiện khác đâu? Chẳng được ưu tiên gì hết.

Nếu được ưu tiên là phải có đường riêng mà đi. Đi chung trong những con đường bé xíu, chen chúc với xe gắn máy, xe ba bánh, bốn bánh thì ưu tiên cái gì?

Đi trên đường ngoài lo canh thời gian còn phải lo sao cho không va chạm với các phương tiện khác. Va chạm thì công an xử lý nghiêm khắc, không ai hỗ trợ hay nói giúp cho một tiếng đâu.

Gây tai nạn mà có thiệt hại hả, cứ bán nhà đi mà đền chứ công ty không hỗ trợ gì. Vậy nên ai nói tài xế xe buýt cậy được ưu tiên, cậy quyền, cậy to, cậy là phương tiện công cộng mà lái bừa lái ẩu là không đúng đâu. Buýt di chuyển khó khăn, mấy ai nhường cho một chút đường nào.

Ai cũng vì miếng cơm mà hối hả đi lên. Tại sao xe gắn máy nhoi lên, xe hơi bốn chỗ nhoi lên, taxi nhoi lên... không ai chửi, còn khi xe buýt chen đường là bị chửi không ra gì? Chúng tôi ra đường cũng vì miếng cơm cho gia đình, người khác cũng vậy. Đường sá như vậy, có phải lỗi chúng tôi không?

Sao các anh không có ý kiến với công ty?

- Ý kiến nhiều rồi. Nhưng đó là quy định. Ví như trên xe buýt của tôi có lắp máy trả tiền vé tự động, nhưng giờ không xài nữa mà tôi phải thu bằng thủ công, cái máy bán vé tự động ấy vẫn còn chình ình chiếm một phần diện tích ngay lối lên xe.

Nó cũ kỹ, xấu và vô dụng nhưng cũng chẳng ai gỡ xuống. Trên xe tôi vừa là tài xế, vừa là nhân viên bán vé, thu ngân. Mỗi trạm buýt có khách lên, tôi vừa phải xé vé cho khách, vừa lo thối tiền, lại vừa lo quán xuyến chỗ ngồi sao cho hợp lý...

Người đi xe chả phải lúc nào cũng biết nhường nhau đâu. Bởi vậy, làm ngần ấy việc một lúc thì mắt nào nhìn đường, quan sát đầy đủ?

Bán vé xong, thu tiền xong rồi mới đi thì chừng nào mới tới bến? Mà vừa làm cả nùi công việc như vậy vừa chạy xe thì phải cẩn trọng dữ lắm chứ không phải như người ta vừa nghe điện thoại vừa chạy xe gắn máy đâu.

Anh có nói đến các phương tiện khác trên đường, các tài xế xe buýt bức xúc đến mức nào?

- Bức xúc quá đi chứ. Tôi tự hỏi sao có nhiều người đi xe gắn máy mà không quý mạng sống của mình, chạy trối sống trối chết làm gì chứ.

Xe buýt đã “đá xinhan” vào bến để đón khách, vậy mà vẫn có người nhào lên giành đường cho bằng được. Đối với họ, cứ như chậm vài giây thì trời sập xuống ngay không bằng. Lao lên, rồi va chạm với xe buýt. Họ đâu biết rằng tài xế xe buýt đã phải phanh gấp thế nào để tránh việc va chạm.

Thế mà, nếu lỡ không tránh được, có va chạm với xe nào lập tức người ta hè nhau vào chửi tài xế xe buýt, bất chấp ai sai, bất chấp luật lệ như thế nào.

Rất nhiều trường hợp người ta lý lẽ rằng cứ xe to đụng xe nhỏ thì phải đền, bất chấp lỗi bên nào. Tại sao cứ tai nạn xảy ra là y như rằng người ta nghĩ ngay xe buýt có lỗi? Cái này là bất công.

Còn xe hơi thì sao? Tôi thấy bây giờ người ta có tiền, mua xe cũng dễ, có bằng lái cũng dễ quá... Thế nên ra đường chạy lộn xộn không à!

Tôi mà được phép... mắng, chắc tôi mắng quá 2/3 số người lái xe hơi. Họ chỉ chửi phương tiện công cộng thôi, chả bao giờ nhìn lại xem mình đang đi thế nào. Tôi nói thật, bây giờ chê hệ thống giao thông cũng chẳng được, chê người đi xe máy cũng chẳng được.

Chả ai chịu ai vậy là hỗn loạn. Tóm lại, văn hóa đi lại trên đường là gì, có ai biết không, có ai giữ không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận