​Khoa học là định mệnh chúng ta

NGUYỄN XUÂN XANH 14/02/2015 21:02 GMT+7

TTCT - Chúng ta sẽ chuẩn bị gì cho niềm tin vào sự đổi đời của đất nước bằng con đường khoa học, công nghệ và giáo dục, vào sự tự khẳng định của cá nhân và quốc gia trên bàn cờ toàn cầu hóa bằng tri thức?

Hãy biến khoa học thành định mệnh của ta (plus.google.com)

Mỗi thời đại có tinh thần và mệnh lệnh của nó. Cuộc cách mạng công nghiệp Anh thế kỷ 18 làm cán cân quyền lực thế giới thay đổi triệt để, tạo ưu thế tuyệt đối cho phương Tây, và thất lợi cho các quốc gia còn ngủ đông trong các chế độ phong kiến. 

Rồi cuộc chiến tranh nha phiến để khuất phục đế chế Trung Hoa (1839-1842), tiếng súng Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1858 hay tiếng súng của tàu chiến Mỹ bắn vào cảng Nhật Bản năm 1853...

Sau những biến cố bạo lực ấy là những tiếng chuông báo hiệu khẩn cấp của thời đại mới: thời đại của khoa học, công nghệ và sức mạnh của nó, thời đại của toàn cầu hóa bằng sức mạnh khoa học và thương mại.

Để ngọn lửa khoa học cháy bùng

Nhật Bản đã sớm sực tỉnh và hiểu những tín hiệu của thời đại hơn ai hết. Cả dân tộc họ quyết tâm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng, muốn sống chết ngay với “bọn man di”, nhưng giới lãnh đạo họ đã nhanh chóng nhận ra ngay: phải học lấy sức mạnh của đám người “man di” kia mới đủ sức chống lại họ hữu hiệu, nếu không muốn tự sát. Gươm không thể chọi với súng và tàu chiến được. 

Các samurai dẹp bỏ việc mang gươm truyền thống, những thứ đã vô hiệu trước cây súng, tự nguyện xóa bỏ giai cấp samurai như đặc quyền bao đời để mở khải hoàn môn cho cả dân tộc, cho mọi tài năng bất cứ từ đâu đến, tham gia vào công cuộc canh tân vĩ đại đất nước. 

Họ cải tổ toàn diện nền giáo dục, xây dựng hệ thống chính trị mới, xây dựng nền kinh tế mới, chuyển cái học nho giáo cũ của Trung Hoa thành cái thực học theo tinh thần Fukuzawa.

Họ hối hả mời hàng nghìn chuyên gia phương Tây sang tư vấn đủ mọi lĩnh vực, từ giáo dục, âm nhạc, luật pháp đến thư viện, viễn thông, bưu điện, quốc phòng... Họ thay đổi toàn diện, triệt để, lấy khoa học, công nghệ và tinh thần khoa học phương Tây làm nòng cốt của cuộc canh tân. 

Những món hàng nhập khẩu đầu tiên về Nhật Bản thời mở cửa là sách vở, là tri thức từ phương Tây chứ không phải hàng tiêu dùng, cũng chưa phải là máy móc để phục vụ sản xuất. Phải thay đổi triệt để cái đầu, phải hiểu thấu đáo nguồn gốc của sức mạnh phương Tây. Căm thù nhưng phải học, và học một cách quyết tâm.

Các quan chức cao cấp trong hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản đã làm một chuyến đi sứ mệnh lịch sử Iwakura gần hai năm trời 1871-1872 sang các cường quốc phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ... để tận mắt nhìn thấy văn minh và rút ra con đường khai sáng cho chính mình.

Ngọn lửa khoa học và văn minh phương Tây từ đó cháy rực tại phương Đông. Sức mạnh của một quốc gia nhỏ bé bỗng dưng trở thành vô địch, chưa đầy 30 năm mà đánh thắng người khổng lồ truyền thống và bậc thầy ngàn năm của mình là Trung Hoa, rồi mười năm sau chiến thắng luôn nước Nga, gây kinh ngạc cho thế giới: Nhật Bản với sự canh tân đang bước vào hàng ngũ các cường quốc thế giới.

Ngọn lửa khoa học và cải cách của Nhật Bản đã lan tỏa sang Trung Hoa và châm ngòi cho phong trào Tự cường Ngũ Tứ của giới tinh hoa vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với niềm tin sắt đá rằng “Khoa học và dân chủ” là con đường duy nhất để đổi đời cái vương quốc rệu rã của vua quan, và chỉ có con đường đó thôi, không có con đường nào khác.

Họ ý thức khoa học và dân chủ là định mệnh của họ. Sự lớn mạnh của Trung Quốc hôm nay thực chất là thực hiện một phần di chúc của lịch sử của phong trào Ngũ Tứ: dùng khoa học để hiện đại hóa đất nước. Thực tế, trong lịch sử của mình, Trung Hoa đã từng là quốc gia hàng đầu về các phát minh công nghệ cho tới thế kỷ 16 và 17 để sau đó rơi vào suy thoái và biến thành một cơ thể chết lâm sàng.

Sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore - những nơi đã mồi từ ngọn lửa văn minh và khai sáng của Nhật Bản - đã chứng minh thành công rực rỡ để trở thành những con rồng châu Á.

Đối diện với những lạc hậu kép

Lịch sử cận đại của Việt Nam chưa từng có một di chúc như thế về niềm tin khai sáng vào khoa học và công nghệ để đổi đời đất nước. Nhìn rộng hơn trong lịch sử Việt Nam, khoa học vẫn là chương còn thiếu vắng. Việt Nam giàu chất thơ văn, tín ngưỡng, nhưng rất thiếu chất khoa học, toán học và tư duy logic. 

Khoa học cho đến nay vẫn chỉ là bánh xe thứ năm trong cỗ xe kinh tế và văn hóa, chứ chưa phải là động lực. Vẫn còn nhiều lời nói trừu tượng về vai trò của khoa học, nhưng thiếu hành động. 

Và hệ quả: Việt Nam đang kẹt vào bẫy thu nhập trung bình và bị lạc hậu so với thế giới, đôi ba lĩnh vực thất thủ ngay trên sân nhà.

Sự lạc hậu về khoa học và giáo dục song hành với sự lạc hậu và yếu kém về kinh tế. Từ thế kỷ 17, với khẩu hiệu “Tri thức là sức mạnh” của Francis Bacon, xã hội đã trở thành xã hội của tri thức. 

Đó cũng là thế kỷ của cuộc cách mạng khoa học. Một thế kỷ sau cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh quốc đã cất cánh trong niềm tin của “thực học”, của khoa học thực tiễn. Xã hội Việt Nam, văn hóa và kinh tế vẫn chưa có tính tri thức một cách hệ thống, hay chỉ có một cách tự phát và ngẫu nhiên, lẻ tẻ.

Mori Arinori (1847-1889), bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật thời Minh Trị, thấy trước cuộc đấu tranh sinh tồn của thuyết tiến hóa xã hội đang diễn ra trên thế giới, đã diễn tả sâu sắc ý nghĩa của giáo dục về tri thức như sau: “Chiến tranh không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cuộc chiến tranh này. Thua cuộc chiến tranh này là sẽ thua cuộc chiến tranh bằng súng đạn”. 

Ông nói thêm: “Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”. 

Chuẩn bị gì cho tương lai?

Hãy biến khoa học thành định mệnh chúng ta - một định mệnh tích cực. Nếu chúng ta không lập trình cuộc đời bằng khoa học thì sẽ bị người khác lập trình vào ý đồ của họ. Kinh tế của thế kỷ 21 là cuộc chiến tranh của khoa học, công nghệ, của kỹ năng, tri thức không có tiếng súng.                                        

Toàn xã hội, giới tinh hoa, giới trí thức, giới trách nhiệm lập chính sách, giới doanh nhân, đặc biệt giới thanh niên, cần được chuẩn bị gì? 

Chuẩn bị cho niềm tin vào sự đổi đời đất nước bằng con đường khoa học, công nghệ và giáo dục, vào sự tự khẳng định của cá nhân và quốc gia trên bàn cờ toàn cầu hóa bằng tri thức, bằng sự học hỏi khoa học và thể hiện nó trong đời sống.

Hãy đổi mới sáng tạo cho kinh tế, cho mọi lĩnh vực cần đến tri thức. Hãy đưa khoa học vào chính trị để có những chính sách đúng và bớt chính trị trong khoa học, thay vào đó là những chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển khoa học.

Thử tưởng tượng nếu ta có 1 vạn quyển sách hay cho xã hội đọc làm gối đầu giường? Và ta đã được chuẩn bị để bước vào đấu trường kinh tế toàn cầu bằng những vũ khí khoa học, từ sân nhà và bước ra thế giới?

Hãy làm cuộc dịch thuật vĩ đại về sách khoa học, công nghệ. Hãy nhờ chuyên gia quốc tế tư vấn. Và làm thật sự chứ không phải chỉ nói. Không nên định hướng chung chung cho thanh niên rồi chẳng có chương trình cụ thể để hỗ trợ.

Samsung đã phát triển phong trào đọc sách là một thí dụ. Tại sao người Việt không? Xung kích của tuổi trẻ là phải nhắm vào khoa học và đổi mới. 

“Trong mắt của công chúng, các diễn viên trên vũ đài thế giới có thể là các vận động viên và các chính trị gia, tướng lãnh và nhà ngoại giao, nhưng không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viện, những thứ vốn ở hậu trường nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra” như cựu chủ tịch Clark Kerr của Đại học California nói về vai trò của tri thức và giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Hãy “bơm” mạnh mẽ các ý tưởng mới vào xã hội bằng dịch thuật và nghiên cứu, bằng kết nối với các quốc gia phát triển. Hãy không biết sợ trước mọi ý tưởng. 

Hãy xóa bỏ các loại hình khoa học tiêu tốn mà không hiệu quả, xóa bỏ những “chiếc bát cơm sắt” không bao giờ vỡ cả, đo lường hiệu quả thiết thực bằng thành quả của lao động sáng tạo, bằng tính khoa học hữu dụng cho xã hội. 

Hãy xóa bỏ cái học từ chương để quay về với thực học. Và kết nối cho được giáo dục, khoa học, đại học và kinh tế thị trường để thành một cỗ máy, cơ thể, chứ không phải là những bộ phận rời rạc, phá bỏ sự thụ động, dửng dưng của các bộ phận với nhau.

Sự khác biệt giữa các quốc gia giàu và nghèo không phải các quốc gia giàu có nhiều tiền của hơn các quốc gia nghèo, mà là các quốc gia giàu sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, có khoa học và công nghệ tốt hơn, khả năng sáng tạo lớn hơn, có mục tiêu kinh tế lớn hơn.

Việt Nam cần phải giương cao ngọn cờ cách mạng khoa học, công nghiệp và cần một thể chế thích hợp để phát huy sức mạnh của nó trong toàn dân. Muốn là một dân tộc tự trọng, trước hết chúng ta phải biết tự kiểm điểm mình và tự thay đổi, thay vì để các quốc gia khác “thay đổi” ta như trong quá khứ với biết bao xương máu. 

Không thể sống mãi trong sức ỳ và bàng quan đối với khoa học, công nghệ, tri thức - những mỏ vàng lớn nhất trên thế giới mà tất cả dân tộc tiên tiến đều đang đầu tư ra sức khai thác - để rồi mộng mơ về tương lai.

Alfred North Whitehead, một nhà khoa học và triết học của Anh, đã viết những dòng sau đây trong một quyển sách của ông: “Trong những điều kiện của cuộc sống hiện đại, quy luật sau đây là tuyệt đối: dân tộc nào không biết đánh giá thước đo của trí tuệ được rèn luyện, dân tộc đó sẽ bất hạnh. Chủ nghĩa anh hùng của anh, vẻ quyến rũ xã hội, sự thông minh, các chiến công của anh trên biển hay đất liền, tất cả những thứ đó không thể đẩy lùi bàn tay của định mệnh. Hôm nay chúng ta đứng vững. Nhưng ngày mai khoa học sẽ đi thêm một bước nữa, và không thể có sự khẩn cầu xét lại một bản án sẽ được dành cho những kẻ thất học”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận