Khổ ngắn và khổ dài

KHIÊM ĐỖ 01/09/2022 05:31 GMT+7

TTCT - Phim ngắn hiện giờ đã có hẳn một đời sống riêng, không còn là một phiên bản ngắn, thử nghiệm, thực tập, thử tài của phim dài nữa.

Bài viết của một người đã xem và nghiên cứu nhiều về phim ngắn, để trả lời bạn đọc Liên Hương - một độc giả rất yêu mến TTCT: "Tôi viết email này để đề xuất một chủ đề mà hy vọng TTCT có thể cân nhắc để viết cho những độc giả như tôi hiểu thêm. Đó là phim ngắn với tư cách một thể loại. Tôi có một số suy nghĩ và câu hỏi, nhưng không có chuyên môn để trả lời…".

Khổ ngắn và khổ dài - Ảnh 1.

Cảnh trong bộ phim ngắn Peel của đạo diễn Jane Campion.

Phim ngắn trước đây được coi là một thể loại để huấn luyện tay nghề làm phim. Làm phim nhựa rất tốn kém: in tráng, đèn đóm và máy móc cồng kềnh, vì thế phim ngắn thường dùng khổ nhỏ (như 16mm) của thể phim tài liệu. Tổ quay 16mm chỉ cần 1 người. Tổ quay 35mm cần tới 3 người. Các trường điện ảnh cho sinh viên thực tập làm phim ra trường đều bằng phim ngắn khổ nhỏ vì lý do kinh tế.

Điều này còn cần thiết vì nếu không có phim ngắn sao có được phim dài. Đơn giản vậy thôi, vì phim ngắn tự nó không có một lẽ sống nào hết, trừ phim quảng cáo là thể loại phải thuyết phục được người xem trong vòng dưới 60 giây.

Nhưng 20 năm trước tại Pháp, đã có luật bắt các rạp phải chiếu một phim ngắn đi chung với một phim truyện dài. Có như vậy các nhà sản xuất mới phải bỏ tiền ra đào tạo thế hệ làm phim mới, nâng đỡ điện ảnh và các đạo diễn trẻ, vì hôm nay không có đạo diễn trẻ thì ngày kia sẽ không có đạo diễn già, không có phim ngắn thì sẽ không có phim truyện. Mọi phim ngắn dài đều kể một câu chuyện, nhưng phim ngắn là một thể loại thực tập, nó ít tốn kém hơn nên thử nghiệm thuận tiện hơn. Phim ngắn đôi phần táo bạo hơn phim dài nhờ thế.

Điện ảnh là một nghệ thuật nhưng cũng là một kỹ nghệ rất tốn kém, vốn đầu tư cao hơn nhiều so với văn chương hay thi ca, âm nhạc, hội họa. Những họa sĩ hung hăng màu mè cách mấy thì cũng chỉ phí mấy thỏi mực, vài tube màu và một miếng vải bố. Sản xuất phim thì không thể để đạo diễn làm như vậy được, không thể cho phép làm vì sự màu mè của đạo diễn, gây tốn tiền hoặc rất dễ... đuổi khán giả, vì vậy điện ảnh rất bảo thủ, ôm khư khư cái két ngân hàng. Điều này được thấy ở các bộ phim bán chạy thường có tập 2, tập 3, tập 5, vì như vậy ăn chắc mặc bền.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất phim cũng ý thức được rằng quần chúng xem phim thường chóng chán, cần đổi mới để ăn được tiền chứ không phải để làm gì đó vĩ đại cho nghệ thuật thứ bảy hay là cho nhân loại. Phim ngắn thích hợp để người mới múa võ mới, khi họ được để ý đến rồi thì họ được làm phim dài. Và khi làm phim dài thì đạo diễn trẻ này phải bớt tính cách thử nghiệm đi đôi chút. Như vậy, phim ngắn, phim nhựa ngắn là lò đào tạo, khám phá tài năng để nuôi dưỡng một kỹ nghệ điện ảnh. Các đạo diễn mới có thể xuất thân từ phó đạo diễn hay chuyên môn khác trong ngành như quay phim nhưng thuyết phục nhất là có một phim ngắn họ từng thực hiện để chào hàng.

Jane Campion là một thí dụ phổ thông. Bà được giải Cành cọ vàng phim ngắn ở Cannes (Peel, 1986) và nhiều giải phim ngắn khác trước khi làm phim truyền hình và được làm phim truyện. Rồi bà được Cành cọ vàng phim dài (The Piano, 1993). Đây là một tiến trình thông dụng trong nghề: phim ngắn, phim truyền hình rồi mới được đụng đến phim dài, vì hãng sản xuất cá cược tiền triệu trên một bộ phim truyện.

Quen thuộc với ta là đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim ngắn đầu tay của ông Thiếu phụ Nam Xương (1989) được trình chiếu tại Tuần lễ của phê bình tại Liên hoan Cannes khiến ông được chú ý. Sau đó, ông còn thực hiện một phim ngắn khắc là Hòn đá đợi chờ (1991) trước khi đạo diễn phim dài Mùi đu đủ xanh (1993).

Hai đạo diễn trên không phải là ngoại lệ. Đại đa số đạo diễn phim đều qua tiến trình đó, có phim tốt nghiệp hay phim ngắn, nhiều khi phải qua ngành quảng cáo hay phim truyền hình trước khi được đụng đến phim truyện. Đạo diễn Việt kiều Lâm Lê cũng thế. Sau phim ngắn Rồng mây gặp hội (1980) được để ý, ông mới được thực hiện bộ phim truyện Hòn Vọng phu (Poussière d’empire, 1983).

Khổ ngắn và khổ dài - Ảnh 2.

Poster phim Poussière d’empire (1983). Ảnh: IMDB

Câu hỏi "Có thể so sánh tương quan giữa phim ngắn với phim truyện dài và tương quan giữa truyện ngắn và tiểu thuyết không? Nếu có thì chúng giống và khác nhau như thế nào?" của độc giả Liên Hương, câu trả lời là truyện ngắn là một thể loại riêng biệt với truyện dài do những điều kiện khách quan về báo chí, về xuất bản, khác nhau tại từng nơi, từng nước. Thí dụ ở Mỹ, mỗi tuần mỗi tháng có vô số tạp chí. Mỗi tạp chí đều đăng dăm ba truyện ngắn nên truyện ngắn là một thể loại thông dụng, một thể loại được trọng và một thể loại nuôi được người viết. Ở Pháp, ngược lại, không có tạp chí nào đăng truyện ngắn cả, muốn thành nhà văn bạn bắt buộc phải có truyện dài bán ở hiệu sách.

Tại miền Nam trước 1975, hai thể loại này sống chung được vì có một vài tạp chí đăng truyện ngắn và các tờ nhật báo đều đăng mỗi ngày một đoạn truyện dài gọi là feuilleton. Sau 1 hay 2 năm, các số bài feuilleton này được gom lại xuất bản thành tiểu thuyết. Như vậy các thể loại văn học này hiện hữu và tồn tại trong một môi trường kinh tế nhất định, vì không có môi trường kinh tế đó thì văn sĩ hết gạo chạy rông. Khó khăn trong nghề văn lại chỉ ở khâu phổ biến chứ không phải là ở khâu sản xuất. Nhà văn viết truyện ngắn cần có 1 cây bút bi và 10 trang giấy. Nhà văn viết truyện dài phải có tới 2 cây bút bi và giấy tới 200 trang. Nó khác nhau chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng làm phim ngắn dài thì rất khác ngay từ khâu sản xuất và sự khác nhau đó có thể là vài chục tỉ đồng.

Sang đến khâu phát hành và phổ biến cũng vậy. Số rạp hát ở một thị trường nào đó là nhất định, với số lượng phòng chiếu, ghế ngồi... cụ thể. Ở Thái Lan chẳng hạn, giờ còn có rạp hát có giường nằm hai chỗ. Nhưng dù ngồi hay nằm, không ở đâu và không có mấy ai đi mua vé rạp xem phim ngắn cả, cho dù là một tuyển tập nhiều phim ngắn chung chủ đề. 

Thỉnh thoảng mới có một ngoại lệ, như năm 2020 Netflix trình chiếu 6 phim ngắn Saudi Arabia với tựa 6 cửa sổ nhìn ra sa mạc. Đây là ngoại lệ vì cho tới năm 2018 Saudi còn cấm các rạp hát, vì thế nền điện ảnh này mới lạ và non trẻ, gây hiếu kỳ. Chứ khó mà tưởng tượng một cặp người Thái rủ nhau "Anh ơi, em à, tối này mình đi coi phim ngắn Saudi ở rạp giường nằm". 6 cửa sổ nhìn ra sa mạc hay 7 cửa sổ cũng vậy thôi, nhưng ngắn là em hổng chịu đâu.

Khổ ngắn và khổ dài - Ảnh 3.

Ảnh: Netflix

Ngay trên truyền hình, phim ngắn cũng rất khó phổ biến. Các khổ truyền hình đòi hỏi một chiều dài 55 phút trong khung chương trình 1 giờ chẳng hạn, với 5 phút còn lại dành cho quảng cáo.

Thế giới số và mạng đã mở ra những lối mới trong lĩnh vực điện ảnh. Giờ ở khâu sản xuất ai có cái di động cũng thu hình và thu thanh được, giá cả khỏi cần cân nhắc. 

Một bản in bộ phim truyện nhựa dài 2 tiếng trong hộp sắt nặng chừng hơn 30kg, không so được với 1 cái thẻ nhớ nhưng cách mạng còn ở khâu phát hành. Giá thành của sản phẩm xuống rất thấp nhưng thay đổi lớn là ở khâu phổ biến. Giờ nối mạng toàn cầu và tác giả nào của 1 clip 30 giây Instagram, 60 giây TikTok hay 10 phút YouTube cũng có thể đến với mọi người trên thế giới. Kinh tế của nó cũng khác. 

Phim của bạn có thể xem trả tiền, xem miễn phí và thu tiền quảng cáo. Bây giờ là thời của phim ngắn. Nếu trước không ai mua vé rạp vào phòng tối coi phim 10 phút cả thì giờ không có ai cầm điện thoại coi phim dài 2 tiếng đồng hồ. "Anh ơi, em à, tối này mình đi coi phim ngắn ở trên giường nhà".

Phim ngắn vì thế hiện giờ đã có hẳn một đời sống riêng, không còn là một phiên bản ngắn, thử nghiệm, thực tập, thử tài của phim dài nữa. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận