Kho cổ vật nặng ký của "Hai Lúa" Chư Prông

HUỲNH VĂN MỸ 03/11/2013 04:11 GMT+7

TTCT - Trái với những nhà sưu tầm cổ vật có điều kiện kinh tế khá giả, sống ở đô thị, anh Nguyễn Văn Hưng là một nông dân nghèo ở buôn làng heo hút.

Anh Nguyễn Văn Hưng và con dao (đao) đá cực lớn, dài 65cm, bản lưỡi dài 19cm, chỗ rộng nhất 14cm, chỗ dày nhất 3cm - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Anh sở hữu hàng ngàn hiện vật giúp các nhà khảo cổ học có thêm dữ liệu quý cho việc nghiên cứu về nền văn minh của các tộc người tiền - sơ sử Tây nguyên vốn được mở ra hơn một thập kỷ nay.

Từ thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đến nhà anh Hưng ở làng Lân, xã Ia Kly là những đoạn đường dốc trơn trượt vì mưa. Nhà thưa, đường vắng, lại có nhiều ngã rẽ vào nương rẫy, nếu không có người dẫn đường thì không dễ tìm đến ngôi nhà của anh nằm khuất nơi rìa làng.

Trong ngôi nhà tôn giống một căn trại dài có vách chắn, rộng chưa đầy 40m2, chứa đầy cổ vật. “Kiếm được đồng nào là mình bỏ ra mua cổ vật, chỉ chừa một ít để lo cho sắp nhỏ. May là có bà xã giúp lo chuyện rẫy nương” - người nông dân 43 tuổi, quê ở tỉnh Tuyên Quang, giải thích.

Giới thiệu lướt qua các loại cổ vật của nhiều thời kỳ, anh Hưng dừng lại ở bộ sưu tập đá, đồng thuộc giai đoạn tiền - sơ sử. Anh cho biết những đồ sành sứ, đồng thau này mua của người Gia Rai ở địa phương và cả người Kinh dưới đồng bằng, tốn khá nhiều tiền vì chúng rất quý, ai nhìn cũng thích. Nhưng quý hơn, có ý nghĩa hơn với anh là những đồ đá, đồ đồng thời tiền - sơ sử.

“Mình nhìn nó để biết con người cách đây mấy ngàn năm đã sống như thế nào. Chúng giúp các nhà khảo cổ tìm hiểu về người tiền sử ở xứ sở này. Để có hiện vật nghiên cứu, các nhà khảo cổ phải khai quật rất công phu, có khi chỉ thu được dăm bảy hiện vật họ vẫn vui mừng, cho là thành công. Vậy tại sao mình không cố sưu tập chúng?” - người chủ “bảo tàng” chỉ mới học xong lớp 7 nói.

Một số công cụ đá với đủ hình dạng, kích cỡ, được làm từ nhiều loại đá khác nhau - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Không còn chỗ trong ngôi nhà tạm chật chội, một số rìu đá được đổ thành đống ngổn ngang - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Đá đục lỗ giữa (hàng giữa đang được làm dang dở, hai cái ở hàng cuối bị vỡ) - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Chiếc gương đồng có chữ Trung Quốc (lối chữ triện). Bốn chiếc gương đồng được cho là du nhập từ bên ngoài vào vùng văn hóa tiền - sơ sử Tây nguyên - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Để qua một bên những chiếc rìu đồng, gương đồng, anh Hưng kéo ra hàng bao tải đựng những công cụ đá như rìu, cuốc, bàn mài, cưa, chày nghiền... với nhiều hình dạng, kích cỡ, được làm từ các loại đá khác nhau. Trong suốt 10 năm sưu tầm hiện vật đá ở Chư Prông, anh cho biết đã tìm thấy vài chục địa điểm có thể được xem là xưởng chế tác công cụ đá tiền sử bên những con suối trong vùng.

Để có cứ liệu giúp các nhà khảo cổ tiện nghiên cứu và cũng để người xem biết được việc chế tác công cụ, vật dụng đá của người tiền sử như thế nào, anh Hưng đã thu gom hàng bao tải mảnh tước, mảnh đá dăm bị tách ra trong quá trình đập đẽo, chế tác công cụ.

Vẫn tiếp tục công việc sưu tầm khi cho rằng Chư Prông và các vùng lân cận vẫn còn những xưởng chế tác đồ đá của người tiền sử, anh Hưng chỉ e rằng mình không đủ tài lực. Và các cổ vật ngàn năm tuổi này dễ bị vùi lấp vì thiên nhiên, con người trong các hoạt động sản xuất, xây dựng.

Dốc lòng cho việc sưu tầm cổ vật, bao năm qua gia đình anh Hưng vẫn còn sống chật vật, nợ nần. Mái nhà tôn tạm bợ của anh được nới dài ra dần để chứa cổ vật một phần nhờ sự giúp sức của các chủ mỏ đá trong vùng (anh làm thêm nghề đục đá xây dựng cho các chủ mỏ đá khi vào Chư Prông lập nghiệp năm 1998, rồi lập gia đình năm 2000).

“Mình mong có được sự hỗ trợ phần nào của Nhà nước để làm cái nhà ra gần đường trưng bày các cổ vật cho nhiều người xem. Mình tin sẽ có nhiều người đến với nhà trưng bày” - anh tâm sự.

______________________

Những đóng góp đáng quý cho nghiên cứu

Đầu tháng 7-2013, ông Phan Thanh Toàn, chuyên gia nghiên cứu về thời đại đá của Viện Khảo cổ học Việt Nam, đã được tiếp cận kho cổ vật của anh Hưng. Tại hội nghị thông báo khảo cổ học hồi cuối tháng 9-2013, ông Toàn đã có bài giới thiệu về bộ sưu tập mà ông đánh giá là rất quý trong nghiên cứu khảo cổ học vì chúng có tuổi từ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng thau (cách nay 4.000-3.000 năm) và các giai đoạn lịch sử khác.

Ông Phan Thanh Toàn - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Chư Prông nằm không xa di chỉ khảo cổ học Lung Leng được phát hiện cách đây không lâu ở Kon Tum. Tạm coi các điểm phân bố ở Chư Prông là một di chỉ, liệu có mối liên hệ nào giữa hai di chỉ này không? Anh Hưng nói đã tìm thấy vài chục địa điểm chế tác những hiện vật đá này ở địa bàn Chư Prông, đây có phải là lần đầu phát hiện các xưởng chế tác đồ đá tiền sử không, thưa ông?

- Ông Phan Thanh Toàn: Thật ra các hiện vật đá được chúng tôi tìm thấy ở huyện Chư Prông khá lâu rồi. Chúng tôi từng khai quật các di chỉ công xưởng chế tác đá như thôn Bảy (thị trấn Chư Prông) năm 2003, Ia Mơr 2008, ngầm Ia Mơr 2008, làng Krông (cũ) 2008, Tai Pêr (xã Ia Ko) 2002, làng Ngol 2004... Hiện trong khu vực này có gần mười di chỉ xưởng chế tác công cụ đá đã được biết.

Những địa điểm anh Hưng vừa cho biết chỉ góp phần thêm vào những gì chúng tôi biết trước đây, nhưng như thế cũng rất đáng quý. Những hiện vật ở đây gần với nhóm văn hóa Tai Pêr và ít nhiều cũng tìm thấy mối giao lưu với di chỉ Lung Leng ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được chúng tôi nghiên cứu từ năm 1999.

* Bốn chiếc gương đồng trong sưu tập của anh Hưng có niên đại sớm muộn ra sao, có giống như các gương đồng khai quật được ở các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh vốn được cho là ở thời Tây Hán du nhập?

- Về bốn chiếc gương đồng này, chiếc có chữ Trung Quốc cổ chưa xác định được niên đại, nhưng có thể dự đoán tuổi của nó phải trước Công nguyên. Với mức độ phong hóa của patine đồng, tôi cho rằng nó còn cổ hơn gương đồng tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh. Ba chiếc còn lại có hình hoa sen, niên đại muộn hơn, sau Công nguyên.

Theo tôi, cả bốn chiếc gương đồng này là hiện vật trao đổi từ bên ngoài vào chứ không phải hiện vật bản địa. Ba gương đồng được anh Hưng sưu tập ngay tại Chư Prông là điều độc đáo, mới lạ trong nghiên cứu vì lâu nay ở các di chỉ khảo cổ học được khai quật tại vùng Tây nguyên chưa tìm thấy loại hiện vật vốn được du nhập từ bên ngoài vào.

* Từ những đồ đá, đồ đồng tìm thấy ở Chư Prông, có thể thấy được mối quan hệ nào giữa cư dân đồ đá ở vùng cao nguyên này với cư dân văn hóa Sa Huỳnh?

- Hiện chúng tôi có rất nhiều tư liệu về mối quan hệ vùng văn hóa tiền - sơ sử Tây nguyên với văn hóa Sa Huỳnh, những nghiên cứu mà trước năm 1999 chúng tôi còn rất hạn chế. Trong công trình “Văn hóa Sa Huỳnh nhìn từ Tây nguyên”,

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, một chuyên gia tiền sử hàng đầu của Việt Nam, đã giải thích rõ điều này. Theo ông, đó là nhờ những năm gần đây giới khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hàng trăm di tích khảo cổ, niên đại hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí ở Tây nguyên, xác lập sự hiện diện của một số văn hóa khảo cổ, trong đó có văn hóa Biển Hồ (tỉnh Gia Lai) và văn hóa Lung Leng, nơi tìm thấy hàng trăm mộ chum (quan tài gốm), táng thức đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

Phải thừa nhận rằng Tây nguyên trong tiến trình phát triển là vùng đất năng động, sáng tạo và có giao lưu rộng mở với khu vực xung quanh, có đóng góp cho văn hóa khu vực, đồng thời biết tiếp thu tinh hoa kỹ thuật xung quanh, làm giàu thêm văn hóa đặc sắc của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận