14/04/2018 14:11 GMT+7

Khi tổng thống Mỹ nhắc chuyện TPP

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lúc này có thể là sự trấn an cho đồng minh và cả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ…

Khi tổng thống Mỹ nhắc chuyện TPP - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP ngay sau khi nắm quyền - Ảnh: AFP

Trong ngày đầu tiên làm việc dưới tư cách tổng thống Mỹ, ông Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP và tuyên bố chấm dứt thời kỳ của những thỏa thuận thương mại đa phương. Hơn một năm sau, đã có những tín hiệu nói rằng ông cân nhắc quay lại với TPP, một hiệp định mà ông cho là "thảm họa".

Có cửa quay lại

Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã chỉ đạo giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét việc đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán TPP. Thông tin này do thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse đưa ra hôm 12-4 (giờ Mỹ).

Thực tế theo lời ông Kudlow, đến nay chưa có quyết định nào được đưa ra và việc trở lại TPP mới chỉ dừng ở dạng "cân nhắc". Trao đổi với Đài Fox, cố vấn kinh tế cao cấp của ông Trump nói: "Một trong những mục tiêu hiện nay là phải phát triển kinh tế, tăng lương, tăng số lượng việc làm, giống như mọi chương trình khác của ông Trump mà thôi".

Giữa lúc tin tức về việc trở lại TPP thu hút dư luận, ông Trump "ra điều kiện" bằng cách khẳng định các thành viên TPP (nay là CPTPP - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cung cấp những điều khoản tốt hơn cho Mỹ, so với những gì diễn ra ở thời cựu tổng thống Barack Obama. Trên Twitter ngày 12-4, Tổng thống Mỹ viết: "Chỉ gia nhập TPP nếu nó cung cấp những điều khoản tốt hơn đáng kể so với thời tổng thống Obama. Chúng tôi đã có thỏa thuận song phương với 6 trên 11 quốc gia TPP và đang tìm cách thỏa thuận với nền kinh tế mạnh nhất - Nhật Bản, nước đã gây khó cho thương mại Mỹ nhiều năm nay".

Bất chấp việc bất ngờ bị "chỉ mặt, đặt tên", Nhật Bản vẫn cho biết hoan nghênh quyết định quay lại của chính quyền Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Taro Aso hôm 13-4 nửa chào đón, nửa thận trọng. Ông cho rằng nếu có thật thì tốt, song vẫn phải cẩn thận thẩm tra tin tức ấy, bởi "ông Trump là một nhân vật có thể thay đổi tức thì, nên ông ấy có thể nói một số điều khác nhau ngay ngày hôm sau".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Mỹ trở lại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cho biết ông muốn TPP mở rộng về tầm nhìn để trở thành hiệp định có sự tham gia của Mỹ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Trả lời phỏng vấn Nikkei và Financial Times, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc Mỹ trở lại TPP sẽ đóng góp "lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên", và là sự thúc đẩy tuyệt vời cho sự phát triển của khu vực và thế giới.

TPP trong vai trò liên minh

Không như một số thỏa thuận thương mại khác, TPP là một hiệp định mang tới sự liên kết sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là nhấn mạnh chính trị - chính sách. Đó có lẽ là lý do ông Trump, thậm chí cả khi rút khỏi TPP, vẫn luôn để ngỏ khả năng quay trở lại.

Tính thời điểm trong phát biểu của ông Trump về TPP có thể được lý giải đơn giản rằng ngày 17 và 18-4 tới, ông sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Mar-a-Lago. Nhật Bản là đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ, lại là nước quyết tâm nhất với TPP. Vì vậy, đây có thể là con bài ông Trump đang nắm trong tay để thỏa thuận với ông Abe.

Thứ hai, bản thân Nhật Bản xem TPP là "món vũ khí" chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, và đây cũng là điều mà Mỹ hướng tới. Hồi tuần trước, ông Kudlow cũng thừa nhận Tổng thống Trump đang cố tìm một "liên minh sẵn sàng" để chiếm lợi thế trước Trung Quốc giữa bối cảnh có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại. Mà lúc này, TPP chính là thỏa thuận cung cấp cho ông Trump một liên minh đủ tầm.

Thượng nghị sĩ Sasse xác nhận lợi ích của TPP trong việc giúp Mỹ chống lại các hành động mà Washington gọi là đánh cắp tài sản trí tuệ và sản xuất dư thừa, là gia nhập các hiệp định đa phương như một "phương án thông minh. Ông nói: "Điều tốt nhất Mỹ có thể làm để đẩy lui các chiêu trò của Trung Quốc là dẫn đầu 11 quốc gia Thái Bình Dương khác, những nước tin vào tự do thương mại và luật pháp".

Trans-Pacific Partnership (TPP) là một hiệp định thương mại đa phương có sự tham gia của 12 thành viên gồm Mỹ, Nhật Bản, Mexico, Canada, Úc, New Zealand, Việt Nam, Peru, Chile, Malaysia, Singapore và Brunei. Năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP, nhưng các nước còn lại vẫn tiếp tục đàm phán giữ lại thỏa thuận này. TPP không có Mỹ gọi là TPP-11, với tên chính thức đổi lại thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP).

Ông Trump: Mỹ sẽ gia nhập TPP nếu cải thiện điều khoản Ông Trump: Mỹ sẽ gia nhập TPP nếu cải thiện điều khoản

TTO - Trong tuyên bố mới nhất trên Twitter, tổng thống Mỹ cho biết Washington sẽ chỉ gia nhập lại TPP nếu thỏa thuận này có những điều khoản “tốt hơn đáng kể” so với những điều khoản trước.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên