Khi sinh viên chơi hụi, mua vàng

TRỌNG NHÂN 02/04/2022 02:00 GMT+7

TTCT - 12 năm miệt mài đèn sách để đến được cổng trường đại học, nhiều người trẻ không có thời gian chuẩn bị cho bài toán cuộc đời: chi tiêu ra sao để “sống sót” trong thời sinh viên, tức giai đoạn “quá độ” trước khi chấm dứt phụ thuộc tài chính vào gia đình.

 
 Ảnh: iStock

Trần Nguyễn Quốc Bảo (18 tuổi, quê Quảng Ngãi), sinh viên năm nhất ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), đang nhận 100% “ngân sách” từ gia đình với hạn mức 3 triệu/tháng - con số đã được cả nhà ngồi lại thảo luận kỹ lưỡng nhưng sớm “lạc hậu” trước các cơn bão giá.

Mối lo lớn nhất là mỗi lần có việc từ KTX ĐH Quốc gia TP.HCM ở TP Thủ Đức vào nội ô: vừa tốn tiền xăng xe vừa ăn uống đắt đỏ - một chầu nước ở trung tâm TP tệ gì cũng mất 40.000-50.000 đồng, bằng cả một ngày ăn ở làng đại học.

Với những sinh viên như Bảo, ngoài thắt lưng buộc bụng là điều tất yếu, nhiều bạn trẻ cũng nghiêm túc theo dõi thu chi, hoặc thử sức với các hình thức “tiền đẻ ra tiền” như vàng hay chứng khoán, thậm chí chơi hụi, để gánh nặng cơm áo không ảnh hưởng chuyện học hành.

Giải bài toán chi tiêu

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, chị làm lao động chân tay mất việc, Hồ Ngọc Thương (18 tuổi, quê Long An) lên Sài Gòn nhập học Trường ĐH Tài chính - marketing vào giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 vừa mới qua đỉnh, với chưa đầy chục triệu trong túi - là số tiền cả gia đình dành dụm lâu nay.

Thời gian đầu chỉ phải học online nên Thương đóng xong tiền học là tạm khỏe. Tết Nhâm Dần vừa dứt, trường cho học trực tiếp, không may lại tiếp nối bằng những ngày giá cả biến động, mỗi hạng mục chi tiêu của Thương đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Thương nghĩ ra cách quản lý hiệu quả bằng cách lập bảng tính Excel, ghi lại từng khoản tiêu xài trong ngày - tiền ăn, tiền mua vật dụng cá nhân và đồ dùng chung cho phòng trọ 4 người ở TP Thủ Đức, cũng như khoản thu - tiền công bưng bê cho một quán ăn (khoảng 20.000 đồng/giờ).

Nhằm tối ưu tài chính, cả 4 sinh viên trong phòng trọ của Thương đề ra những “quy tắc vàng”. Thứ nhất, nấu ăn 1 lần cho cả ngày, thường tốn chưa tới 100.000 đồng/ngày cho cả phòng. Thứ hai, hạn chế ăn ngoài. Thứ ba, tận dụng những món hàng mà gia đình mỗi bạn gửi lên như gạo, mắm, muối… Thứ tư, mỗi người sẽ thay phiên đi chợ, hết bao nhiêu “ghi nợ” vào một bảng Excel của phòng đến cuối tháng thanh toán một lượt.

Vì vậy mà giờ đây, Thương chỉ tốn không đến 3 triệu/tháng, chưa tính tiền học phí. “Vất vả nhất là tiền xăng, có tính toán chi li đến mấy cũng không ngờ lại tăng cao đến vậy. Mới tháng trước mình làm thêm ở Bình Tân, mỗi ngày đi đi về về Thủ Đức, đổ 50.000 đồng xăng xài được hơn 2 bữa. Giờ xăng lên cao quá đổ 50.000 không đủ một chặng đi - về” - Thương nói.

Ngoài cân đối chi tiêu, Thương cũng tiết kiệm thêm bằng cách chơi… hụi. Với đóng hằng tháng là 800.000 đồng, thông qua chị ruột ở Long An vào một dây hụi gồm những người quen, Thương xem đây là “một cách tiết kiệm vừa phải với cuộc sống sinh viên và số tiền mình làm thêm có được”.

 
 Hồ Ngọc Thương tại phòng trọ. Ảnh: Trọng Nhân

Tiết kiệm và đầu tư

Có lợi thế hơn những bạn ngoại tỉnh, Viên Anh Vy (21 tuổi, quê TP.HCM) không phải lo một số khoản tiền cố định như nhà ở, ăn uống. Mỗi tháng Vy chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng cho các nhu cầu cá nhân như đi lại, ăn ngoài với bạn bè hay mua sắm một số món đồ lặt vặt. Từ khi là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Vy cho rằng đã đến lúc mình phải tự làm chủ chuyện tiền nong, dừng xin tiền bố mẹ.

Nhận thêm một số công việc marketing, Vy đủ trang trải những khoản chi cần thiết và còn dư ra một khoản độ 1 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này được Vy để nguyên trong tài khoản ngân hàng, không đụng đến, để dành cho những lúc bất trắc hay những chuyện khẩn cấp.

Vy kể bà nội bạn khuyên nếu tiền để không mà không làm gì thì nên mua vàng nhưng với Vy, chuyện bảo vệ tiền khỏi mất giá vẫn chưa quan trọng lắm. “Có lẽ những khoản tiền của mình còn nhỏ nên mình chưa nghĩ sâu xa đến chuyện tích lũy hay đầu tư” - Vy nói.

Trong khi đó, Phạm Vũ Tú Quỳnh (21 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), lại khá nghiêm túc với những bài toán tài chính cá nhân. Từ khi vào đại học đến nay, mỗi tháng tổng cộng Quỳnh chi khoảng 4 triệu cho tiền nhà, ăn ở và sinh hoạt phí. Mỗi khi nhận tiền tháng từ gia đình (khoảng 5 triệu), Quỳnh bỏ ngay 1 triệu vào quỹ tiết kiệm cho “chắc túi”.

Đến đầu năm 3, khi số tiền từ khoản tiết kiệm này đã tương đối lớn, theo sự chỉ dẫn của bạn bè, Quỳnh dùng cho đầu tư vào cổ phiếu để “tiền sinh ra tiền”. Quỳnh kể lúc đầu chơi chứng khoán theo phong cách lướt sóng, “chọn mặt gửi vàng” vào những cái tên sẽ có biến động trong ngắn hạn sau đó được giá thì nhanh chóng bán kiếm lời. Sau một thời gian, Quỳnh nhận thấy mình là dân xã hội lại dành quá nhiều thời gian để canh cổ phiếu, nhưng chốt lời ngắn hạn cũng không được bao nhiêu.

Hiện tại, Quỳnh chuyển sang chơi kiểu dài hạn, bỏ tiền vào những tên tuổi lớn có độ an toàn cao. Mỗi tháng kiếm được tiền từ các công việc làm thêm, ngoài các khoản chi cố định, Quỳnh để tiền vào một khoản tiết kiệm (dành cho những lúc bất trắc cần tiền ngay) và một khoản đầu tư (cổ phiếu). Tỉ lệ giữa 2 mục tiêu này hiện khoảng 3-7, tức cô nàng đang nghiêng về đầu tư. “Đầu năm đến nay thế giới nhiều biến động nên chứng khoán cũng lên xuống thất thường lắm. Tính ra đến lúc này, mình còn đang âm tiền chứng khoán” - Quỳnh nói.

12 tuổi đã “chơi” vàng

Ngô Tường Vy (20 tuổi) sinh ra trong gia đình gặp nhiều khó khăn về tài chính. Gia đình có ba anh em, mẹ Tường Vy hằng ngày vẫn tảo tần với hàng cơm nhỏ trước nhà, trong khi cha cô dù bị suy thận mãn tính vẫn phải cố gắng chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Từ năm lớp 7, Vy đã có ý thức phải tiết kiệm và có khoản chi tiêu cho riêng mình. “Hồi cấp II mình đi bộ đến trường. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm ấy mình đã xác định phải mua một chiếc xe máy, sau này mới đi học đại học ở xa được. Vậy là mình bắt đầu để dành từ đó” - cô kể lại.

Tường Vy gom góp tất cả những khoản tiền mà cô có được, bao gồm tiền mẹ cho hằng ngày để đến trường, tiền lì xì, tiền thưởng từ các cuộc thi mà cô tham gia… Cũng trong năm lớp 7, được sự tư vấn của mẹ, Tường Vy dùng số tiền mà mình tiết kiệm được để mua vàng và tiếp tục giữ thói quen đầu tư này suốt nhiều năm sau đó. Sau 6 năm tích cóp vàng và tiền mặt, Vy tự mua được một chiếc xe máy khi vừa kết thúc lớp 12.

Vy nói môi trường sống đã tác động rất lớn đến ý thức của cô trong việc tiết kiệm. Với mỗi thứ mà Vy muốn mua, cô đều phải tự kiếm ra tiền để chi tiêu chứ không thể xin cha mẹ vì không muốn đổ dồn gánh nặng lên họ.

Tường Vy chia ra thành hai khoản tiền, bao gồm khoản an toàn và khoản tiết kiệm. Cách thức cô quản lý tiền bạc cũng được nâng cao dần sau mỗi giai đoạn. Nếu như cấp II, Vy chỉ tiết kiệm bằng cách gom góp các khoản thu, lên cấp III cô đã biết tự ghi chép các khoản thu vào một quyển sổ tay. Đến nay, khi trở thành sinh viên, Tường Vy chuyển sang theo dõi cả hai khoản thu và chi.

“Phần tiền tiết kiệm dùng cho những mục đích xa. Trước kia là để mình mua xe khi lên đại học, và hiện nay là để sau này mình có thể học lên cao học. Trong khi đó, với khoản an toàn, mình chỉ dành cho những trường hợp bất trắc, đột xuất, ngoài ra nhất định không đụng vào” - cô nói.

Dù biết cách quản lý chi tiêu, Vy vẫn thừa nhận ước muốn sau này mua được một căn nhà là quá xa vời. “Vì vậy, mình quyết định đầu tư cho những trải nghiệm nhiều hơn, bao gồm chi tiêu cho việc học, nâng cao giá trị bản thân hoặc tiết kiệm để đưa cha mẹ đi du lịch, đồng thời chi trả cho các hóa đơn trong gia đình” - Vy chia sẻ.BÌNH MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận