Khi "quan" được "dân" thờ!

NGÔ MINH KHÔI 02/11/2003 07:11 GMT+7

TTCN - Ngày 16-9, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho anh Phan Thế Phương một huyền thoại mới bên phá Tam Giang, nguyên tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được tôn vinh là "ông tổ nghề nuôi tôm".

Phóng to
Miếu thờ ông Phan Thế Phương
TTCN - Ngày 16-9, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho anh Phan Thế Phương một huyền thoại mới bên phá Tam Giang, nguyên tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được tôn vinh là "ông tổ nghề nuôi tôm".

10 năm trước bà con đã xây miếu thờ “ông tổ nghề” của mình rồi. Nghe nói miếu thờ thiêng lắm nên bà con suốt ngày hương khói, cả những người nuôi tôm ở tận Phú Lộc, Phú Vang cũng lặn lội vượt phá Tam Giang về thắp nhang bái tổ. “Ông tổ” là đảng viên cộng sản ấy đã lăn lộn bày cho bà con đào những ao nuôi tôm đầu tiên, kiếm từng giống tôm về cho họ nuôi để mong họ đổi đời, giàu có, để rồi chính mình đã phải chết vì con tôm và sự nghiệp nuôi trồng thủy sản xuất khẩu!

Chúng tôi đến trước hai cái miếu thờ được dựng ngay bên bờ những ruộng tôm mênh mông, quay mặt ra phá Tam Giang, cách Huế chừng 40 km. Miếu được xây công phu, có trụ đứng vững chắc, trên mái chạm trổ rồng chầu, phượng múa theo kiểu kiến trúc cung đình. Chị Khoa, một người nuôi tôm, nói: “Hai cái miếu này, miếu có ảnh thờ bác Phương, còn miếu không có ảnh thờ thổ thần đất đai. Mười năm nay, quê em nhờ hai vị thần này phù hộ nên bà con đã khá giả nhiều...”.

Phá Tam Giang - Cầu Hai mênh mông 22.000ha là “kho vàng” trời phú của tỉnh Thừa Thiên- Huế với trữ lượng hàng trăm ngàn tấn tôm cá quí như cá mú, cá dìa, cá chim, cá đối, cá buôi, hanh... Giàu tiềm năng như thế nhưng trên 30.000 dân vạn chài quanh năm sống bấp bênh trên chiếc đò con, kiếm ăn từng bữa bằng nghề đánh bắt cá tôm thô sơ cha truyền con nối. Đò nào cũng bảy tám đứa trẻ con lít nhít nheo nhóc,không giấy khai sinh,không học hành. Đời người đã khổ lại không an toàn. Cơn bão năm 1985 tràn vào đây đã gây nên cảnh tượng thảm khốc. Hàng ngàn con đò bị cuốn ra biển, trên 300 con người không tìm thấy xác!

Phóng to
Ngôi nhà của một người dân nuôi tôm ở thôn 14
“Chỉ có định cư cho dân và tổ chức nuôi trồng thủy sản xuất khẩu mới cứu được bà con thoát khỏi sự bần hàn” - xác tín này luôn ám ảnh kỹ sư thủy sản Phan Thế Phương. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Nhiều lần anh một mình từ Huế đi đò chợ về vùng Quảng Ngạn, Quảng Công bên kia phá Tam Giang để tìm hiểu, nghiên cứu cách thức định cư cho bà con. Anh đã bàn với lãnh đạo xã Quảng Công thành lập một khu định cư dân vạn chài.

Thế là thôn 14 ra đời với 36 hộ dân vạn đò phiêu dạt, tập tành nuôi tôm theo sự vận động của anh. Ông Phạm Hóa, một chủ hộ nuôi tôm giỏi ở đây, kể lại: “Bác Phương thuyết phục tôi hàng đêm về chuyện đào hồ nuôi tôm. Nghe bác nói, tôi thấy lợi, thế là theo!”. Anh Phương hướng dẫn dân vào Đà Nẵng, Nha Trang mua giống tôm, thức ăn, vận động ngân hàng cho họ vay vốn.

Năm 1988, thôn 14 được 2ha hồ tôm. Đến năm 1989, được 20ha hồ nuôi. Lúc này tôm giống thả rất thưa, chủ yếu là tôm đất, tôm rảo, nhưng năng suất cũng đạt 200 - 300kg/ha. Mừng lắm, mơ cũng không thấy! Chưa bao giờ người dân đầm phá nắm trong tay được vài tạ tôm sú, hơn chục triệu đồng! Những ngày đó kỹ sư Phương luôn bám sát thôn 14. Từ Huế, anh đi đò chợ và lội bộ về đây, mặc quần cộc, may ô lội ra hồ tôm kiểm tra vệ sinh.

Năm 1989, sau “thắng lợi bước đầu” ở thôn 14, anh tổ chức hội nghị nuôi tôm đầu bờ. Có tới 150 đại biểu vượt phá về tận ruộng tôm để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm. Người dân Quảng Công gọi đó là một “hội nghị Diên Hồng” kinh tế đầm phá!

Sau hội nghị đầu bờ ấy, anh Phương đã triển khai việc nuôi trồng thủy sản trên qui mô lớn toàn tỉnh. Cho đến cuối năm 2003 này, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên tới 4.500ha, trong đó có 3.631ha nuôi tôm, sản lượng tôm đạt 2.700 tấn. Năm 2002, nghề nuôi tôm thu 2.551 tấn, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh lên 24 triệu USD.

Từ nuôi tôm quảng canh, chắn sáo, bà con đã bắt đầu nuôi tôm cao triều năng suất cao hơn. Hàng ngàn hộ nuôi tôm đã trở nên giàu có. Những thành quả đáng khích lệ đó đều khởi nguồn từ những trăn trở, lo toan, từ những thử nghiệm ban đầu của anh Phan Thế Phương trong suốt thập niên 1980, đầu thập niên 1990.

Riêng xã Quảng Công, nơi anh Phan Thế Phương lăn lộn trong bốn năm năm trời, hiện đã có 109ha nuôi tôm, năm hồ nuôi tôm trên cát (2ha). Đó là kết quả chưa từng có! Những người dân của làng vạn chài nghèo khổ của thôn 14 năm xưa nay đã trở thành những ông chủ giàu có! Thôn xóm ở thành cụm như phố, sầm uất, xanh tươi. Nhiều ngôi nhà khang trang hai ba tầng mọc lên, tiện nghi không thua gì nhà giàu ở Huế.

Ngày 6-10-1991, trên đường vào Nam nghiên cứu chuẩn bị con giống cho vụ nuôi tôm năm 1992 anh đã bị tai nạn ôtô và mất tại tỉnh Bình Thuận. Đám tang anh là đám tang đông chưa từng có ở Huế sau ngày giải phóng. Hàng ngàn người nuôi tôm từ khắp các ruộng tôm trên toàn tỉnh kéo về gào khóc nức nở, thương tiếc người cán bộ đã lăn lộn dạy cho họ nghề nuôi tôm, tạo công việc làm và cuộc sống ổn định cho dân đầm phá. Không có lời ca ngợi nào hơn hình ảnh ấy!

Sau đám tang, miếu thờ anh Phan Thế Phương được lập. Đây là địa chỉ linh thiêng để bà con nuôi tôm trong tỉnh đến thăm và bái tạ mỗi khi làm ăn thành công. Tấm ảnh tại miếu thờ anh Phương ở thôn 14 được người nuôi tôm các huyện Phú Vang, Quảng Điền nhân thành nhiều bản để lập bàn thờ tại các hồ tôm, trại giống của mình.

Người dân đã thờ phụng một “ông quan” biết lo cho dân như thế đấy, dù đó chỉ là một “ông quan” có chức vụ khiêm tốn!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận