Khi ông Putin hướng Đông

HỮU NGHỊ 17/09/2012 20:09 GMT+7

TTCT - Đầu tư 20 tỉ USD để thành phố Vladivostok “lột xác” hầu tiếp đón Hội nghị APEC (1), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy tham vọng hướng Đông của ông lớn dường nào, cùng với những tính toán chiến lược cho một nước Nga của thế kỷ 21 qua việc mời gọi nước ngoài đến khu vực Viễn Đông để đầu tư.

Phóng to
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia buổi lễ giới thiệu chiếc chìa khóa biểu tượng khi viếng thăm Đại học Viễn Đông ở Vladivostok ngày 10-9 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC Vladivostok hôm chủ nhật 9-9, Tổng thống Nga Putin tỏ rõ ý muốn đó: “Nhất định chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và cải thiện điều kiện sống ở khu vực Đông Siberia. Chúng tôi sẽ sử dụng và tận dụng những vận hội mới mà sự hội nhập và hợp tác với các láng giềng châu Á - Thái Bình Dương đang mở ra” (2). Có hai vế trong phát biểu này: nay là lúc khu vực Viễn Đông của Nga được đầu tư thích đáng, nay cũng là lúc nước Nga gắn chặt với châu Á - Thái Bình Dương thay vì chỉ với châu Âu như trong suốt bề dày lịch sử.

Đầu tư cho tương lai

Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đua nhau xây đường sắt cao tốc, bến cảng cùng sân bay siêu hiện đại mà không hẳn tất cả đều thật sự cần thiết, Nga vẫn cứ lẹt đẹt trong việc đầu tư vào khu vực Viễn Đông lắm tài nguyên của mình.

Thật vậy, mãi đến năm 1860, sau khi một tàu chở hàng của hải quân Nga hoàng tên Manchur dưới quyền hạm trưởng Alexey K. Shefner tình cờ phát hiện và ghé vào khu vực mà nay gọi là cảng Vladivostok, một toán 28 binh sĩ cùng ba sĩ quan được phái đến đóng đồn ở khu vực cực đông trên Thái Bình Dương này. Bấy lâu nay, Vladivostok được biết đến như là căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương của Nga hơn là một thành phố non 600.000 dân. Thành ra có thể hiểu tại sao ông Putin đã đầu tư tiền của vào đây nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 24.

Khi được hỏi về số kinh phí được cho là lên đến 600 tỉ rúp (18,74 tỉ USD) cho hội nghị này, ông Putin đã xua sạch những đồn đại: “Làm gì đến 600 tỉ! Đã dành đến 300 tỉ cho đường ống dẫn khí từ Sakhalin đến Vladivostok rồi. Đó không phải là đường ống dẫn khí phục vụ xuất khẩu, mà để cung cấp khí đốt cho khu vực Primorye (tức đơn vị hành chính mà Vladivostok thuộc về). Ngoài ra còn các hệ thống cung cấp nước, mở rộng đường băng sân bay, xây dựng một nhà ga, ba con đường mới cùng ba cây cầu... Tất cả chi tiêu đó chẳng dính dáng gì đến đảo Russky (tức nơi diễn ra hội nghị)... Chúng tôi phải đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở nhằm giúp phát triển khu vực này về lâu về dài”.

Những giải thích của ông Putin là xác thực nếu so lại với những nhận xét của giới doanh nhân APEC trong cuộc gặp các lãnh đạo công ty, tập đoàn: “Việc nước Nga không theo kịp được các nước láng giềng trong việc xây đường sá, đường sắt cùng các hạ tầng cơ sở khác khiến nước Nga phải trả giá đắt. Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đua nhau xây đường sắt cao tốc, bến cảng cùng sân bay siêu hiện đại mà không hẳn tất cả đều thật sự cần thiết, Nga vẫn cứ lẹt đẹt trong việc đầu tư vào khu vực Viễn Đông lắm tài nguyên của mình” (3).

Tương lai là với châu Á

Suốt lịch sử nước Nga cho đến cuối thế kỷ 20, từ các Sa hoàng đến các lãnh tụ Liên Xô cũ, nước Nga vẫn chủ yếu giao thương với châu Âu. Tổng thống Putin phải thừa nhận trong cuộc họp báo rằng “2/3 lãnh thổ Nga nằm ở châu Á, song cốt lõi của ngoại thương chúng tôi, hơn 50%, lại là với châu Âu, trong khi châu Á chỉ chiếm có 24%”. Vậy mà có khi vừa buôn bán vừa gây gổ như chuyện Tập đoàn Nga Gazprom bán khí đốt cho EU, đang yên ổn thì từ năm ngoái các văn phòng của Gazprom ở châu Âu bị điều tra. Trong khi đó, EU cứ đòi Nga hạ giá bán khí đốt. Tất nhiên Nga bực dọc và đem chuyện này ra nói với EU.

Trong cuộc họp báo hôm chủ nhật, ông Putin buộc phải làm rõ nội vụ: “EU trợ giá cho nền kinh tế các nước thành viên chưa đủ, còn trợ giá cho cả những nền kinh tế các nước thuộc Đông Âu, lại còn quyết định gán một phần gánh nặng trợ giá đó cho chúng tôi. EU muốn bảo toàn thế lực chính trị của mình, song lại muốn chúng tôi trả tiền cho điều đó!”.

Tuy ông Putin không nêu đích danh nước nào thuộc Đông Âu cũ mà nay thuộc EU và EU đòi Nga phải tiếp tục trợ giá như khi còn trong Liên bang Xô viết cũ, song ai cũng nhớ đến những mùa đông “cãi cọ” vì giá khí đốt với Ukraine trong chục năm qua... Không rõ có mối liên hệ gì giữa việc EU điều tra các chi nhánh của Gazprom với yêu cầu chia sẻ gánh nặng trợ giá này hoặc các biện pháp đánh thuế của phía Nga, song nay thiên hạ đã gọi đó là một cuộc “chiến tranh lạnh thương mại” như có thể thấy trong câu hỏi dành cho ông Putin.

Có một thực tế là buôn bán với EU khó khăn bao nhiêu thì buôn bán với châu Á thoải mái bấy nhiêu, ngay cả với một nước đang có những tranh chấp lãnh thổ là Nhật. Trong khi hai bên còn đang “hầm hè” nhau vụ quần đảo Kuril, song điều đó không cản trở giao thương giữa hai nước. Thứ bảy tuần rồi, ngay tại Hội nghị APEC, Nga và Nhật đã ký một hợp đồng trị giá 7 tỉ USD. Đối với phía Nga, đây là một biện pháp giúp Gazprom bớt lệ thuộc vào thị trường EU. Còn đối với phía Nhật là để có thêm một nguồn cung cấp năng lượng mới sau sự cố Fukushima năm ngoái.

Được biết, năm ngoái Nhật tiêu thụ đến 83 triệu tấn LNG (khí hóa lỏng), tương đương 1/3 lượng LNG toàn cầu sử dụng. Và toàn bộ số khí đốt này được chuyên chở từ Trung Đông bằng đường hàng hải. Với những bất trắc cũ (cướp biển, xung đột vùng Vịnh...) và mới (tranh chấp lãnh thổ suốt Thái Bình Dương), một nguồn cung cấp ngay sát bên, nhất là từ một nước khó ai “giỡn mặt” ngáng trở được như Nga, Nhật có thể thở phào.

Chỉ tiếc là phía Nga hiện mới chỉ cung ứng được có 10 triệu tấn, song không hề chi: nghị định thư mà tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller và tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nhật Ichiro Takahara vừa ký hôm thứ bảy trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã dự trù nâng gấp đôi sản lượng này lên (4). Ký hiệp định với Nhật thì được, song ký với EU khai thác mỏ khí Shtokman thì Gazprom gác lại. Không chỉ bán khí đốt cho Nhật, Gazprom còn bán cho Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một đại học tầm cỡ cho Viễn Đông

Thí dụ buôn bán khí đốt của Gazprom với Nhật là một minh họa cho chính sách hướng Đông của ông Putin. Song vấn đề không chỉ là xuất khẩu tài nguyên, mà còn là làm sao để dân của mình thật sự có vai trò trong quan hệ đối tác đó. Điều mà ông Putin nói là để “cải thiện đời sống người dân ở Viễn Đông” không chỉ là đường sá, cầu cống, sân bay mới xây... nhân dịp hội nghị APEC, mà là một trường đại học tầm cỡ cho thành phố 600.000 dân này.

Tổng thống Putin giải thích: “Chúng tôi chưa có một đại học cấp liên bang. Chúng tôi chưa từng tạo lập ra một đầu não trí thức ở Viễn Đông. Tôi nghĩ rằng cần phải đầu tư cỡ đó cho những dự án như thế. Nay chúng tôi vừa mới có được trường đại học cấp liên bang ở Viễn Đông. Mục tiêu chủ yếu của chúng tôi giờ đây là bổ sung chất xám vào trong những bức tường này. Chúng tôi có thể tiếp tục công việc và thu hút chuyên gia từ các nước khác. Và từ đó chúng tôi có thể đề ra một lô mục tiêu tầm cỡ khác”.

Một sự kiện quan trọng không chỉ với số khách đến rồi đi, để lại những cung điện huy hoàng cho rêu phong bám, mà là để người dân làm gì được với sự kiện đó. Song song với hướng Đông trong giao thương, ông Putin còn hướng Đông trong chính cộng đồng dân chúng Nga.

____________

(1) http://www.nytimes.com/2012/09/07/world/europe/at-asia-pacific-meeting-putin-focuses-on-the-far-east.html
(2) http://www.apec2012.ru/news/20120909/462965584.html
(3) http://www.chron.com/business/article/Russia-seeks-to-close-infrastructure-gap-with-Asia-3849264.php?World_Business_News=
(4)
http://www.iii.co.uk/news-opinion/reuters/news/52280

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận