Khi ông Kim Jong Un đề nghị đàm phán ...

DANH ĐỨC 06/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT- Đề nghị nối lại đàm phán hai miền Nam Bắc Triều Tiên của ông Kim Jong Un trong thông điệp đầu năm 2018 không là một bất ngờ, mà là một diễn biến tất yếu.

*** Error ***
Những nứt gãy liên Triều bao giờ mới có cơ hội hàn gắn? Ảnh: matzav.com

 

Ông Kim đã chọn văn phòng Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên để đọc bài diễn văn chúc mừng năm mới, hoan ca thắng lợi này, và dùng đại từ “tôi” trong xưng hô để khẳng định vai trò lãnh đạo tối cao của ông với toàn thể Đảng Lao động.

Việc sử dụng đại từ “tôi”, vốn quen thuộc ở những chế độ mà vai trò - chiếc ghế lãnh đạo đồng nhất với trách nhiệm và tài trí cá nhân - người lãnh đạo, gián tiếp quả quyết ông Kim là “tác giả” của những chiến thắng này.

Từ vị trí đó, nhân danh Đảng Lao động và Chính phủ Triều Tiên, ông “chân thành cảm ơn nhân dân và quân đội Triều Tiên đã giành chiến thắng” có một không hai trong “lịch sử 5.000 năm” của đất nước này: một cách nói khác để khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên (và ông) mới là Triều Tiên “chính tông”, chứ không phải Hàn Quốc.

Thắng lợi lịch sử

Những “chiến thắng” mà ông gọi là vang dội “5.000 năm lịch sử” là gì? Ông giải thích: “Năm 2017 là một năm đấu tranh anh dũng và chiến thắng vĩ đại, một năm mà chúng ta đã dựng lên một cột mốc khó quên trong lịch sử xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh với tinh thần tự lực và tự phát triển như là động lực.

Năm ngoái, những động thái của Hoa Kỳ và chư hầu nhằm cô lập và dập tắt đất nước ta đã đi đến cực độ, cuộc cách mạng của chúng ta đã phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất”.

Song, vượt qua mọi thách đố của “kẻ thù” vẫn chưa phải là “thắng lợi vượt bậc”, mà là “hoàn thành mục tiêu vĩ đại mang tính lịch sử là xây dựng xong lực lượng hạt nhân quốc gia”.

Ông tự hào mô tả thật chi tiết: “Cách đây một năm, thay mặt Đảng và chính phủ, tôi đã loan báo rằng chúng ta bước vào giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trong năm qua, chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nhằm thực thi chương trình này, một cách an toàn và công khai, qua đó chứng tỏ với thế giới chương trình này đã dứt khoát thành công.

Bằng cách đồng thời tiến hành thử nghiệm một số phương tiện phát tác hạt nhân khác nhau và vũ khí nhiệt hạch cực mạnh, chúng ta đã đạt được định hướng chung và mục tiêu chiến lược, và cuối cùng nước cộng hòa của chúng ta cũng đã có được một sức mạnh ngăn chặn chiến tranh mạnh mẽ và đáng tin cậy mà nay không gì có thể đảo ngược”.

Tạm gác sang một bên những câu hỏi về vai trò “đương nhiên” của hai siêu cường có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc, cũng là “đồng minh” nối khố từ 70 năm qua của Triều Tiên, để tập trung vào câu hỏi then chốt:

“Kẻ thù”, chủ yếu là Mỹ, mà cụ thể trong năm qua chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã làm gì (hay không làm gì) để ngăn trở quá trình làm chủ tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom hạt nhân mà chính ông Kim đã báo trước là sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn chót, ngoại trừ việc la hét rồi rốt cuộc cũng phải cầu cứu Trung Quốc và Nga?

Một chi tiết nhỏ làm thí dụ: Liệu thái độ tẩy chay cả “làng tình báo” Mỹ ngay từ đầu của tân Tổng thống Trump, và sự nghi kỵ cho tới bây giờ, ảnh hưởng gì đến quá trình ngăn cản Triều Tiên thực hiện kế hoạch của họ? Và ai tư vấn cho ông Trump “xổ toẹt” đến nỗi mâu thuẫn với những cơ quan sức mạnh và an ninh Mỹ?

Chìa tay trong thế kẻ cả

Với “thắng lợi lịch sử” “làm vốn”, một thách thức Hàn Quốc không tài nào tự đối phó được, ông Kim kẻ cả chìa tay với miền Nam: “Năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với miền Bắc và miền Nam.

Do lẽ ở miền Bắc, người dân sẽ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước cộng hòa, một sự kiện lớn, tốt đẹp; và ở miền Nam, Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra.

Để không chỉ tổ chức kỷ niệm những sự kiện lớn của quốc gia một cách tuyệt vời mà còn thể hiện được phẩm giá và tinh thần của dân tộc trong và ngoài nước, chúng ta cần cải thiện mối quan hệ liên Triều lạnh giá và vinh danh năm đầy ý nghĩa này như một sự kiện đáng lưu ý trong lịch sử của quốc gia.

Trước tiên, chúng ta nên hợp tác để giảm mối căng thẳng quân sự cấp tính giữa miền Bắc và miền Nam, và tạo ra một môi trường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên...”. Đề nghị này không hề là vô điều kiện. Tiên quyết là hai miền hợp tác với nhau, tức không có chỗ cho miền Nam hợp tác với “kẻ thù”.

Ông Kim nêu điều kiện: “Giới lãnh đạo Hàn Quốc cần phản ứng tích cực với những nỗ lực từ phía chúng ta, thay vì khiến tình hình trầm trọng hơn bằng cách cùng Hoa Kỳ triển khai những động thái liều lĩnh hướng đến một cuộc chiến hạt nhân nhắm vào miền Bắc, đe dọa vận mệnh của cả nước cũng như hòa bình và ổn định trên mảnh đất này.

Hàn Quốc cần ngừng tất cả các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân mà họ tiến hành với các lực lượng bên ngoài, vì những cuộc tập trận này sẽ nhận chìm vùng đất này trong lửa và dẫn đến đổ máu trên đất nước thiêng liêng của chúng ta. Họ cũng nên kiềm chế bất cứ hành vi nào đưa vũ khí hạt nhân và lực lượng xâm lược từ Hoa Kỳ tới đây”.

Ông kêu gọi miền Nam với “ngọn cờ độc lập dân tộc”: “Một khi miền Bắc và miền Nam quyết tâm, chắc chắn có thể ngăn ngừa chiến tranh và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên...

Để cải thiện mối quan hệ liên Triều càng sớm càng tốt, miền Bắc và miền Nam cần giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc cao hơn bao giờ hết và thực hiện đầy đủ trách nhiệm và vai trò của họ đối với thời đại và quốc gia.

Quan hệ liên Triều, với tất cả các mục đích và nội dung, là vấn đề nội bộ của chúng ta, miền Bắc và miền Nam nên giải quyết trên trách nhiệm của mình. Do đó, cả hai miền nên có một quan điểm kiên định rằng sẽ giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương theo nguyên tắc của chính chúng ta”.

Phớt lờ “Kẻ thù”

Ông Kim đã cho thấy ông coi “kẻ thù” như “không có”. Làm sao một đất nước có sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật bé nhỏ so với Mỹ như thế lại có thể “coi nhẹ” nước Mỹ như vậy?

Ông Kim trả lời: “Cho dù Hoa Kỳ có đang nắm giữ cây gậy hạt nhân và đang tìm kiếm một cuộc chiến tranh nữa, họ cũng sẽ không dám xâm lược chúng ta, do lẽ chúng ta hiện đang có một lực lượng răn đe hạt nhân mạnh mẽ”.

Có nhiều cách giải thích, bao gồm giải thích của cây bút bình luận chính trị lâu năm William Bradley trên Huffington Post: “Do sự trớ trêu của số phận, năm 2018 sẽ là kỷ niệm 50 năm một trong những năm nhiều rắc rối nhất trong lịch sử (hiện đại)”.

Năm 1968, đối với nước Mỹ, theo Bradley, “là năm của sự khai sáng... Đó là năm mà những vờ vĩnh rằng nước Mỹ đang chiến thắng trong cuộc chiến leo thang ồ ạt ở Việt Nam bị vạch trần là dối trá lố bịch, một cách đầy kịch tính bởi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân... (năm mà) Tổng thống Lyndon Johnson, tổng tư lệnh của cuộc leo thang, tuyên bố không tranh cử; các cuộc biểu tình của thanh niên ở Mỹ và khắp thế giới trở nên triệt để hơn;

Liên Xô dập tắt thô bạo các phong trào phản kháng ở Đông Âu còn trong trứng nước. 50 năm sau các sự kiện của năm 1968, các câu hỏi cơ bản vẫn chưa được trả lời! Vai trò thích hợp của Hoa Kỳ trên thế giới là gì? Chủ nghĩa can thiệp của Hoa Kỳ nên biến thành cái gì?...

Lúc này, Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy các cuộc chiến đang diễn ra và tiềm tàng của nước Mỹ. Ông đã trở thành “tác nhân gây hỗn loạn” làm rối beng thế giới”.

Bradley rõ ràng nằm trong số những nhà quan sát không hài lòng với cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của ông Trump:

“Các cuộc không kích của Saudi vào thủ đô Sanaa của Yemen, được Tổng thống Trump hậu thuẫn mạnh, đã gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới...

Trong một thế giới bị phân hóa nghiêm trọng, ông Trump đang tìm cách gây chia rẽ hơn nữa. Một số chính khách, dù không phải tất cả, khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, trong những thời kỳ rối ren, đã tích cực tìm kiếm một chỗ đứng cao hơn nhằm tránh nước tích lại thành lũ lụt. Song, đó lại không phải là trường hợp Donald Trump”.

Phân tích của Bradley ít ra đúng với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, khi ông Trump ngày càng tỏ ra hùng hổ, để rồi chính ông Kim phải mấy lần thốt lên:

“Trump đã lộ rõ bản chất là kẻ hủy diệt hòa bình và ổn định trên thế giới, và đang van nài một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” (express.co.uk, 11-11-2017), hay “Trump lại van nài một cuộc chiến tranh hạt nhân” (express.co.uk, 2-12-2017).

Sự lặp đi lặp lại khớp với phân tích của Bradley rằng ông Trump đang thúc đẩy “những cuộc chiến tranh tiềm tàng” và “tìm cách gây chia rẽ hơn nữa”. Hậu quả là suốt hơn hai thập kỷ qua, bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ ở gần miệng hố chiến tranh như năm 2017, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Trong bối cảnh căng thẳng với bom hạt nhân treo trên đầu đó, chính ông Kim, qua thông điệp đầu năm, đã phát đi vài tín hiệu khai thông với người anh em Hàn Quốc, trong thế thắng của “sự đã rồi”. Tất nhiên, đây không phải lần đầu đàm phán Triều Tiên để có thể ảo tưởng, nhất là khi ông Kim đã có trong tay bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa!■

Bradley không phải người duy nhất chỉ trích ông Trump, và những chỉ trích không chỉ là từ Mỹ. Japan Times ngày 1-1-2018 mượn một bài viết của Peter Apps để “thay lời muốn nói”: “Hiện tại, cả Nhật Bản và Hàn Quốc rất thận trọng với ý tưởng về một cuộc tấn công đơn phương của Mỹ, và Hàn Quốc đã nhiều lần tuyên bố họ muốn phủ quyết bất kỳ một hành động nào như thế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận