Khi lằn ranh giới tính bị xóa nhòa

HUY ĐĂNG 02/12/2020 06:30 GMT+7

TTCT - Nhiều người thường đặt ra câu hỏi vui về việc Serena Williams sẽ đứng thứ mấy nếu chuyển sang thi đấu quần vợt đơn nam. Nhưng một viễn cảnh đe dọa làng thể thao nữ lại đang hiện rõ hơn bao giờ hết: sẽ thế nào nếu những tay vợt nam trung bình chuyển sang chơi ở giải nữ?

Saline Soule trên đường chạy. Ảnh: USA Today

Vài tháng gần đây, tranh cãi dấy lên dữ dội ở sân chơi điền kinh trẻ nước Mỹ - nơi ngày càng có nhiều những nữ VĐV không hoàn toàn giống các đối thủ của mình.

Hạng xoàng ở nam, vô địch ở nữ

“Tôi là Selina Soule, tôi tập luyện điền kinh từ năm 8 tuổi và luôn là một trong 5 VĐV chạy hàng đầu của tiểu bang Connecticut (Mỹ). Nhưng bây giờ tôi đã mất vị trí đó. 2 VĐV xuất hiện và đánh bại tôi cùng các cô gái khác ở mọi cuộc đua. Họ tập luyện nhiều hơn tôi hay có năng khiếu tốt hơn tôi không? Tôi không nghĩ vậy. Họ có thứ mà chúng tôi không có - cơ thể của một người đàn ông” - hơn một tuần trước, cô gái 18 tuổi Selina Soule đăng đoạn clip có phát biểu này lên YouTube và lập tức thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.

Selina không phải người đầu tiên đưa vấn đề này ra tranh luận, nhưng câu chuyện của cô gần như là giọt nước tràn ly cho rất nhiều bức xúc của các nữ VĐV trẻ ở Mỹ thời gian qua - kể từ khi Olympic thay đổi các điều kiện để cho phép người chuyển giới có thể thi đấu ở sân chơi thuộc về “giới tính thực” của mình. Nhưng liệu có công bằng không khi cho phép một chàng trai chuyển giới thành nữ thi đấu với các cô gái khác?

“Những chàng trai sinh học” - đó là cách mà Selina gọi hai đối thủ đã đánh bại cô ở hầu hết các giải đấu tiểu bang Connecticut một năm qua. Họ không chỉ vô địch mà còn thiết lập kỷ lục mới với lứa tuổi này ở các nội dung mình thi đấu.

Đáng nói hơn, hai vận động viên chuyển giới vô địch một lèo các nội dung mà họ tham dự, từ 100m, 200m, 400m cho đến 55m trong nhà. Ngoài Soule, còn có Chelsea Mitchell, rồi Alanna Smith cũng là những cô gái bị soán ngôi vô địch trong làng điền kinh trẻ ở tiểu bang Connecticut. Thứ họ đánh mất còn nhiều hơn cả tấm huy chương hoặc tiền thưởng, đó là học bổng để vào các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, vốn thường cấp học bổng cho những sinh viên có thành tích thể thao xuất sắc.

“Sự thật họ là những người không đủ giỏi để vào đến vòng chung kết các giải vô địch bang ở nội dung nam giới. Và họ chuyển giới rồi giành 15 chức vô địch tiểu bang. Bất kỳ ai cũng biết nam giới mạnh và nhanh hơn phụ nữ, với một cơ thể tốt hơn về gân cơ, xương khớp… Đó là lý do nam vốn chỉ đấu với nam, và nữ chỉ đấu với nữ”. Selina đưa ra một ví dụ rõ ràng về sự chênh lệch nam nữ: Allyson Felix - người từng giành 6 HCV Olympic - đạt thành tích tốt nhất sự nghiệp ở nội dung 400m là 49,26 giây. Nhưng dữ liệu cho biết trong năm 2018, có đến 300 nam sinh ở Mỹ vượt qua mốc này.

Thỉnh thoảng cũng có vài giải thể thao nam nữ thi đấu chung, cũng có những lần nữ chiến thắng, thường thấy hơn là ở những nội dung thiên về sức bền như xe đạp hay chạy marathon. Ở những môn thể thao đòi hỏi tốc độ, sức mạnh hoặc khả năng đối kháng, sự chênh lệch nam - nữ thường rõ ràng hơn. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng nếu Serena Williams chuyển sang thi đấu quần vợt đơn nam, cô thậm chí không lọt vào nổi top 200 thế giới.

Mở cửa cho người chuyển giới

Những tranh cãi về người chuyển giới trong thể thao đỉnh cao có lẽ xuất hiện từ thập niên 1970, khi Renee Richards - một tay vợt khá xuất sắc ở nội dung đơn nam - phẫu thuật chuyển giới và gia nhập làng quần vợt nữ ở tuổi 40. Khi Richards được mời dự giải đấu khởi động cho Mỹ mở rộng 1975, 25/32 tay vợt nữ đã bỏ giải để phản đối.

Sau đó nhiều năm, vấn đề về người chuyển giới trong thể thao mới lại làm dấy lên tranh cãi, khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ban hành quy định cụ thể về vấn đề này vào năm 2003. Theo đó, một người chuyển giới cần đáp ứng 3 điều kiện để có thể tham dự Olympic, bao gồm một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, giấy xác nhận giới tính hợp pháp của họ, và trải qua liệu pháp điều trị lượng hormone trước khi tham gia (kéo dài khoảng 2 năm).

Hàng loạt yêu cầu khó khăn khiến cơ hội để những người chuyển giới tham gia các giải đấu đỉnh cao vẫn rất thấp. Một số thậm chí còn không có được giấy tờ vì việc phẫu thuật chuyển đổi giới chưa được hợp pháp hóa ở quốc gia của họ. Chính IOC sau này thừa nhận yêu cầu một cuộc phẫu thuật với những người khỏe mạnh là không phù hợp về mặt luật pháp lẫn nhân quyền.

Đến năm 2015, IOC đưa ra thay đổi. Cả ba điều kiện ban đầu bị bãi bỏ, thay vào đó người chuyển giới chỉ cần đăng ký giới tính thực của mình và đảm bảo không thay đổi đăng ký này trong vòng 4 năm. Quan trọng hơn, họ phải chứng minh được lượng testosterone trong cơ thể ít hơn 10 nanomole/lít trong vòng 1 năm trước khi tham gia các giải đấu. Một thời đại mới với những VĐV chuyển giới mở ra. Không có VĐV chuyển giới nào giành được vé dự Olympic Rio de Janeiro 2016, nhưng có ít nhất 3 người đã có vé đến Tokyo 2020 (được dời sang năm 2021).

Câu chuyện chuyển giới không quá được quan tâm trong làng thể thao đỉnh cao - nơi các VĐV ngoài một số ưu thế về năng khiếu, tố chất trời sinh còn cần đến một hệ thống đào tạo khắc nghiệt. Nhưng ở tầm thấp hơn, cụ thể là các giải đấu trẻ, tầm cỡ quốc gia hoặc thành phố, đó thực sự là vấn đề nóng bỏng. Những người chịu thất bại cay đắng như Selina, Chelsea hay Alanna ngày càng nhiều. Tình trạng đó bắt đầu khiến nhiều nữ vận động viên Mỹ cảm thấy họ bị đối xử bất công.

Bà Christiana Holcomb - cố vấn pháp lý của Alliance Defending Freedom (Liên minh Bảo vệ tự do) - nói: “Việc cho phép các chàng trai thi đấu với các cô gái đã đảo ngược sự tiến bộ kéo dài 50 năm qua của thể thao nữ giới. Chúng ta không nên ép buộc các cô gái trở thành khán giả trong sân chơi của chính họ”.

Selina hay bà Christiana không quá lời. Trong khi Olympic đã nới lỏng luật lệ cho người chuyển giới, các sân chơi trẻ thực ra hầu như không có luật lệ nào, vì đa phần đều thiếu các thiết bị y tế đủ chính xác để kiểm tra nồng độ testosterone của VĐV. Nhiều bang đơn giản cho phép các VĐV trẻ tự đăng ký giới tính của mình, và đó là nguồn cơn khiến nhiều cô gái như Selina cảm thấy bị đối xử bất công.■

Ưu thế của nam giới so với nữ giới trong các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và tốc độ là khá rõ ràng. Nam giới khi trưởng thành đều có xu hướng cao hơn với các chi dài hơn. Tính trung bình, các cơ của họ cũng mạnh mẽ hơn, với khối lượng cơ tổng thể nhiều hơn và ít mỡ cơ thể hơn. Các VĐV nam có trung bình từ 4-12% chất béo trong cơ thể so với 12-23% ở các VĐV nữ. Nam giới cũng có cơ xương lớn hơn, tim, phổi lớn hơn và số lượng tế bào hồng cầu nhiều hơn. Hàng loạt khác biệt đó khiến người ta đặt câu hỏi rằng nếu chỉ đo mỗi nồng độ testosterone liệu có công bằng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận