Dùng khoa học xã hội để đào tạo doanh nhân

JON MARCUS (THE ATLANTIC) 06/11/2017 23:11 GMT+7

TTCT - Một chương trình đào tạo kinh doanh của Canada đang đưa văn học, triết học và khoa học xã hội vào giáo án với hi vọng sẽ giúp phát triển cả những lĩnh vực học thuật này lẫn tương lai nghề nghiệp của sinh viên.

Đại học McMaster, gần Toronto, Canada - Ảnh: MMU

Trong sân trường ngập nắng, Pearl Bakhtiari ngồi vắt chéo chân trên cỏ, hào hứng chờ đợi kỳ học mới và say mê lý giải về việc chọn học chuyên ngành chính là triết học và môn phụ là tiếng Pháp ở Đại học McMaster, gần Toronto, Canada.

Thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên chỉ đen và trắng - Bakhtiari, sinh viên năm ba, nói - Khoa học nhân văn mang đến sắc màu cho thế giới đó”.

Tuy nhiên, cô thừa nhận việc lựa chọn ngành học của cô khiến người thân và bạn bè khá lo lắng về những vấn đề thiết thực hơn. “Mọi người nói với tôi, đại khái là học mấy môn đấy thì sao tìm được việc”.

Học xã hội sao tìm việc làm?

Thứ chủ nghĩa hoài nghi đang lan nhanh đó đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh số sinh viên học các ngành nhân văn ở cả Mỹ và Canada. Những người ủng hộ các môn như tiếng Anh, lịch sử, ngôn ngữ, triết học, nghệ thuật thị giác và trình diễn cho rằng điều quan trọng không chỉ là nắm bắt được Shakespeare.

Họ cho rằng vấn đề then chốt là những kỹ năng mà các ngành này dạy cho người học và những gì nhà tuyển dụng muốn ở người lao động.

Sau bốn năm lên kế hoạch, chương trình mới tại Trường Kinh doanh DeGroote của Đại học McMaster hứa hẹn sẽ tạo ra sự kết nối vững chắc hơn giữa hai ngành học.

Theo quảng cáo của trường, đó là chuyên ngành kinh doanh nhắm tới việc tạo ra những lãnh đạo doanh nghiệp tương lai. Sinh viên sẽ phải học triết học, ngôn ngữ, văn hóa và các lớp khoa học xã hội khác để cuối cùng tốt nghiệp với bằng kinh doanh.

Chúng tôi đã nghiên cứu về những kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm và kết quả luôn giống nhau: tư duy phản biện, khả năng truyền đạt, quan điểm văn hóa - Emad Mohammad, giám đốc chương trình mới, Tích hợp khoa học nhân văn và kinh doanh, nói - Nhưng trường kinh doanh không thể dạy những kỹ năng này, chúng tôi không có kiến thức chuyên môn tự thân để giảng dạy triết học, lịch sử và tiếng Anh”.

Trường tìm được đối tác sẵn lòng hợp tác tại khoa nhân văn, vốn cũng đã theo đuổi ý tưởng tương tự một thời gian dài, theo lời trưởng khoa nhân văn.

Sự hợp tác được mong đợi từ lâu này đặc biệt hệ trọng và là chiếc phao cứu sinh tiềm tàng với các chuyên ngành khoa học nhân văn, kể cả ở Đại học McMaster, vốn đang vật lộn để chứng minh tính phù hợp của mình khi số sinh viên đăng ký đang giảm mạnh.

Theo Học viện Khoa học xã hội và khoa học Hoa Kỳ, tỉ lệ sinh viên ngành khoa học nhân văn tại Mỹ đã giảm từ mức cao gần 1/5 tổng số sinh viên hồi những năm 1960 xuống còn 1/20 vào năm 2015, năm có số liệu gần nhất.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Canada, nơi tỉ lệ đăng ký học ngành nhân văn giảm hơn 5% chỉ trong một năm 2015, cũng là năm có số liệu gần nhất - mức giảm mạnh nhất so với bất kỳ ngành học nào. Tỉ lệ sinh viên chuyên ngành nhân văn cũng thấp tương tự ở Mỹ, khoảng 1/20, theo Cục Thống kê Canada.


Biếm họa của The New Yorker. Băng đảng cho sinh viên vay nặng lãi. “Cậu lẽ ra nên nghĩ tới chuyện này trước khi cậu đăng ký học ngành triết học”.-Ảnh: newyorker.com
Biếm họa của The New Yorker. Băng đảng cho sinh viên vay nặng lãi. “Cậu lẽ ra nên nghĩ tới chuyện này trước khi cậu đăng ký học ngành triết học”.-Ảnh: newyorker.com

Áp lực từ người trả tiền

Là do áp lực từ các bậc phụ huynh: Làm sao tìm được việc hả?... Những lý do kiểu như vậy” - Anna Moro, giáo sư dạy ngoại ngữ và ngôn ngữ học, người đã cộng tác với Mohammad để thiết kế chương trình mới, giải thích.

Ngay cả các chuyên gia từ bên ngoài, những người kiểm định để cấp bằng cho chương trình mới, bao gồm một giảng viên khoa xã hội học của chính trường McMaster, cũng nhất trí đề xuất bỏ chữ “khoa học nhân văn” khỏi tên gọi của chương trình. (Những người ủng hộ đã đấu tranh để giữ từ này, họ nói chính sự kết hợp với ngành nhân văn là điều làm nên sự khác biệt cho chương trình). 

Dù mục tiêu của khóa đầu tiên là 80 sinh viên, chương trình chỉ tuyển sinh được 51 sinh viên.

Là phó khoa nhân văn, Moro đảm nhận công việc tuyển sinh đầy khó khăn. Bà nói trong khi nhiều người trẻ hứng thú với khoa học nhân văn, “các bậc phụ huynh khi đến các sự kiện tuyển sinh lại nói: Chúng tôi sẽ cân nhắc ngành điều dưỡng hoặc kỹ thuật”.

Moro thừa nhận trong thời buổi học phí liên tục tăng, quả khó biện minh cho những ngành không có lợi ích kinh tế trước mắt rõ ràng.

Các bậc phụ huynh không sai. Theo Trung tâm quốc gia về hệ thống quản lý giáo dục bậc cao và Hiệp hội Các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ (AAC&U) - tổ chức của các đại học có những chuyên ngành khai phóng, khi mới ra trường, cử nhân ngành nhân văn tại Mỹ trung bình kiếm được ít hơn 5.000 USD mỗi năm so với những người làm nghề chuyên môn.

Và dù họ sẽ đuổi kịp và vượt lên hơn một chút so với nhóm làm nghề chuyên môn vào sau tuổi 40, họ vẫn kiếm được ít tiền hơn tính cả sự nghiệp so với các kỹ sư và những người học các ngành y, khoa học tự nhiên, và toán học.

Theo nghiên cứu của cơ quan thống kê quốc gia của Canada, sinh viên tốt nghiệp một số chương trình nhân văn ở nước này có thu nhập chỉ bằng một nửa, hay thấp hơn, so với kỹ sư và những người có bằng quản trị kinh doanh.

Nhưng những con số này không thể hiện được tầm quan trọng của khoa học nhân văn với vai trò nền tảng cho mọi loại công việc, Moro nói: “Số liệu không cho thấy một điểm: về lâu dài, những người có nền tảng giáo dục khai phóng lại trở thành các CEO” - bà nói.

Các nghiên cứu nhóm tiêu điểm và khảo sát nói chung cho thấy nhà tuyển dụng đánh giá cao những gì các cử nhân ngành nhân văn học được ở trường.

Theo một cuộc thăm dò của AAC&U, 9/10 nhà tuyển dụng nói năng lực tư duy và giao tiếp rõ ràng cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp của ứng viên quan trọng hơn chuyên ngành của họ. Hơn 3/4 ưu tiên ứng viên có hiểu biết về những nền văn hóa khác nhau.

Trong khi ngành khoa học nhân văn sụt giảm, kinh doanh đã trở thành ngành cử nhân lớn nhất, dù một báo cáo của Quỹ Carnegie cho thấy giáo dục cử nhân kinh doanh khá hạn hẹp và không thách thức sinh viên phải suy nghĩ sáng tạo hay đặt những câu hỏi quan trọng.

Theo AAC&U, 9/10 nhà tuyển dụng nói năng lực tư duy và giao tiếp rõ ràng cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp của ứng viên quan trọng hơn chuyên ngành của họ. Ảnh minh họa: loganinsurance

 Phải thuyết phục cả giới làm chính sách

Sinh viên chương trình mới của McMaster sẽ tham gia một khóa học ở khoa nhân văn với tên gọi “Tri kiến và nghi vấn: Những câu hỏi để thay đổi thế giới” và dùng những gì họ học được để xác định xem họ cần thu thập và phân tích dữ liệu gì cho lớp kế toán tiếp theo.

Họ sẽ học “Cấu trúc câu và giao tiếp trong tiếng Anh hiện đại” và “Ngôn ngữ và xã hội” để phân tích kỹ lưỡng ngữ pháp của các báo cáo tài chính và thu nhập.

Họ sẽ xem xét những định nghĩa khác nhau với khái niệm “giá trị” của các ngành khoa học nhân văn và kinh doanh. Mohammad dẫn ra ví dụ về lợi ích ngắn hạn đã trở thành tổn phí trong dài hạn của các hình mẫu xây dựng tại Houston, điều có thể đã khiến thiệt hại do bão Harvey nặng nề hơn, hoặc việc nhập khẩu hàng Trung Quốc tưởng chừng là tiết kiệm nhưng lại gây ra các hậu quả xã hội.

Elisabeth Gedge, giáo viên triết học tại McMaster, nói thời bà đi học những năm 1960, sinh viên “đầy lý tưởng và học vì tình yêu môn học”. Còn bây giờ, theo Gedge, khi chi phí giáo dục đã tăng lên, “chúng tôi phải trả lời những người trả lương cho chúng tôi”.

Điều đó đồng nghĩa phải giải thích tốt hơn những lợi ích thiết thực của việc học triết học, bà nói: “Dù bạn làm công việc gì, bạn cũng sẽ phải lập luận để bảo vệ một việc gì đấy. Bạn phải có khả năng tập hợp những lý lẽ và suy nghĩ thấu đáo những hệ quả. Triết học dạy bạn điều đó”.

Sự kết hợp liên ngành đã trở thành xu thế phát triển nhanh chóng. McMaster đã bổ sung môn phụ là thương mại cho các chuyên ngành nhân văn, và chương trình triết học chính trị thì kết hợp với luật. Tại Hoa Kỳ, Đại học Mount Holyoke kết hợp các ngành khai phóng với lĩnh vực khoa học dữ liệu đang ăn khách, chẳng hạn như sử dụng phân tích định lượng để nghiên cứu văn học của các tác giả nữ.

Với các khoa nhân văn, họ cần nhất vẫn là học viên. “Tồn tại áp lực phải cắt giảm một số chương trình không mang lại lợi nhuận vì doanh thu dựa trên lượng người đăng ký học - Moro nói - Các khoa khoa học xã hội phải giải thích được sự tồn tại của họ”.

Trong số những người Moro cần thuyết phục có cả các thống đốc và dân biểu, những người đề nghị tính học phí cao hơn cho “các ngành không chiến lược” như lịch sử và tiếng Anh (Florida), hoặc loại bỏ hoàn toàn các chương trình không trực tiếp mang lại việc làm (North Carolina), hoặc không mang lại việc làm thu nhập cao mà thị trường đang đòi hỏi (Kentucky).

Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, từng đặt câu hỏi là liệu có đáng cho các sinh viên vay tiền “để học, quý vị biết đấy - tôi không muốn xúc phạm ai - lịch sử La Mã. Ở đây có ai là dân La Mã không?”. Một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump thì đề nghị ưu tiên cho vay với các chuyên ngành kỹ thuật, vốn tạo ra việc làm thu nhập cao hơn, so với các ngành nhân văn.

Từ năm 2007, Học viện Khoa học xã hội và khoa học Hoa Kỳ cho biết các trường đại học hệ bốn năm đều đã giảm số lượng các khoa giảng dạy lịch sử nghệ thuật, tiếng Anh, ngôn ngữ, lịch sử, ngôn ngữ học, văn học và tôn giáo. Kết hợp với các ngành kinh doanh, vì thế, là một hướng ra mà các ngành nhân văn phải theo đuổi lâu dài.

Các doanh nhân có cần được đào tạo về khoa học nhân văn? - Ảnh: freepic

 “Chương trình kinh doanh chuẩn sẽ cung cấp cho bạn nhiều kiến thức. Nó có lẽ là sự chuẩn bị tốt để bạn làm việc cho một doanh nghiệp” - Ryan Sommer, một sinh viên của chương trình mới, nói. Nhưng Sommer không muốn làm công mà muốn tự mình trở thành doanh nhân.

Anh nói anh cần tự tìm hiểu cách làm. Những sinh viên không học khoa học nhân văn cũng sẽ làm được thế, “chỉ là họ sẽ mất nhiều thời gian hơn thôi”.

Astara Truman thì vượt qua sự phản đối của gia đình với ngành nhân văn và thuyết phục họ rằng chương trình tích hợp khoa học nhân văn và kinh doanh sẽ giúp cô hiện thực ước mơ mở một nhà hàng chay. “Cha mẹ tôi đều nói: Con sẽ làm nên trò trống gì với một bằng nhân văn chứ?” - Truman nói.

Nhưng kết hợp giữa kinh doanh và tình yêu triết học bắt đầu khi cô còn học cấp III, Truman tin rằng cô sẽ có thể điều hành nhà hàng theo cách mình muốn. “Tôi muốn suy nghĩ một cách khác biệt” - cô nói thêm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận