Khi Hillary Clinton loạng choạng

THANH TUẤN 19/09/2016 19:09 GMT+7

TTCT - Hillary đang dẫn 7 điểm toàn quốc. Hillary đang dẫn 10 điểm. Hillary đang chi phối ở một loạt bang tranh chấp. Tất cả những lợi thế đó có thể đang bị xóa sạch sau cuộc khủng hoảng mới nhất của ứng viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Mỹ: sức khỏe.

Bà Clinton ở buổi lễ tưởng niệm vụ 11-9 tại thành phố New York -latimes.com
Bà Clinton ở buổi lễ tưởng niệm vụ 11-9 tại thành phố New York -latimes.com


Những bước đi loạng choạng của bà Hillary Clinton khi bà buộc phải bỏ ngang lễ kỷ niệm 15 năm vụ 11-9 ở New York đang đẩy chiến dịch chạy đua tới Nhà Trắng của bà vào cuộc khủng hoảng mới. Phe Dân chủ, từng rất tự tin vào chiến thắng, đang cảm thấy chênh vênh hơn bao giờ hết về tương lai ứng viên tổng thống của họ. Còn những người sợ hãi cách hành xử bạt mạng của Donald Trump đang lo sợ viễn cảnh tồi tệ nhất cho nước Mỹ.

48 giờ tồi tệ

Đây có thể coi là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất đối với bà Clinton từ đầu chiến dịch tranh cử tới giờ. Trước đó, bà đã liên tục dẫn xa đối thủ Trump kể từ tháng 6. Sự cố diễn ra trong đúng khoảng 48 tiếng có thể coi là tồi tệ nhất trong chiến dịch tranh cử của bà cho tới lúc này.

Ngay trước đó, bà Clinton nói một nửa những ai ủng hộ Donald Trump là “những kẻ đáng khinh” - một phát ngôn sau đó bà phải xin lỗi. Một loạt thăm dò công bố cuối tuần cũng cho thấy bà dù vẫn dẫn Trump, nhưng tỉ lệ đã rút ngắn đáng kể. Ở một số bang tranh chấp, tỉ lệ giờ đã rất sát sao thay vì cách xa như trước.

Phe Dân chủ đang dần nhận ra một vấn đề lớn hơn với ứng viên của họ: bà Clinton có thói quen giấu giếm và giữ bí mật quá nhiều thông tin. Bà từ lâu vẫn dựa vào nhóm nhỏ những cố vấn và trợ lý lâu năm, những người có cùng quan điểm về chính trị với bà. Một số cố vấn như Huma Abedin và Cheryl D. Mills đã làm việc với bà kể từ những năm 1990 tới giờ.

Trước ngày 11-9, bà Clinton đã có vài dịp để công khai thông tin bà bị viêm phổi (được phát hiện trước đó hai ngày) nhưng bà đã không làm vậy. Tới chủ nhật, khi các phóng viên nghe tin bà buộc phải rời sớm ở lễ kỷ niệm 11-9, họ được nói lại là bà bị “nóng quá”.

Chỉ đến hơn năm tiếng sau, sau khi đoạn video bị lộ trên Twitter cho thấy bà đi loạng choạng và có lúc gần như ngất đi khiến cận vệ phải dìu bà vào xe, thì lúc đó ban vận động tranh cử cho bà mới ra thông báo dẫn lời bác sĩ nói bà bị viêm phổi và đã uống kháng sinh.

Sự cố này ngay lập tức dồn áp lực lên cả bà Clinton, 68 tuổi, và ông Trump, 70 tuổi, về việc công khai thông tin sức khỏe của mình. Cả hai phe đều đã khẳng định sẽ công bố thêm thông tin sức khỏe của các ứng viên. Cách thức mà thông tin bệnh tật của bà bị rò rỉ cũng khiến những người ủng hộ bà lo lắng, còn đối thủ thì có cớ chỉ trích: bà có xu hướng giấu bệnh, tránh né và thường lấy cớ “chuyện riêng tư” mỗi khi cảm thấy có đe dọa về mặt chính trị.

Những lo lắng của phe Dân chủ

Phe Clinton và Đảng Dân chủ có lý do để lo lắng về chuyện sức khỏe: năm 2012 bà từng bị ngã, sau đó bị choáng não và phát hiện máu cục. Các đối thủ của bà đã liên tục đưa ra các thuyết âm mưu khác nhau về việc bà không đủ khỏe để đảm bảo chức vụ tổng thống.

Các đối thủ chính trị trước giờ vẫn luôn nhắm vào vấn đề sức khỏe của đối thủ trong các chiến dịch tranh cử: đối thủ của Ronald Reagan liên tục đặt dấu hỏi về sự sắc sảo trí tuệ của ông, những người ủng hộ Bill Clinton từng rất vui mừng khi thấy video George H.W. Bush (Bush cha) bị ói sau bữa tối với thủ tướng Nhật.

Dwight Eisenhower bị nhồi máu cơ tim và một loạt vấn đề sức khỏe khác năm 1955 đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch tái cử của ông một năm sau đó.

Phe Cộng hòa thực tế từ cách đó hơn một tuần đã tấn công vụ bà Clinton liên tục ho trong các buổi vận động. Một loạt thuyết âm mưu về chuyện bà bệnh nặng đã được các trang thân Cộng hòa tung ra. Ông Trump đặc biệt luôn thổi phồng các thuyết âm mưu này và liên tục đặt dấu hỏi về chuyện đó mỗi khi có dịp.

Ngay sau khi bà Clinton bị ho tuần trước, Drudge Report đã cho đăng tấm hình giả bà đeo khẩu trang khi đi trên máy bay tranh cử của mình.

Hôm 12-9, phe bà Clinton thừa nhận là đã mắc sai lầm. “Chúng tôi đã có thể làm được tốt hơn thế. Nhưng thực tế là dân chúng đã biết nhiều hơn về Clinton hơn bất cứ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử” - Jennifer Palmieri, một phát ngôn viên phe Clinton, viết trên Twitter.

Bà Clinton, ở tuổi 69, là một trong những ứng viên tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử, đã thông báo sẽ đi vận động trở lại từ ngày 15-9 ở Florida, một trong những bang tranh chấp quan trọng. Trả lời Politico, cố vấn lâu năm của bà, James Carville, nói: “Các bác sĩ đều nói là bà khỏe mạnh” Nhưng ông thừa nhận là “Đây sẽ là chuyện mọi người liên tục nhắc tới”.

Giải thích thêm trong cuộc phỏng vấn với Anderson Cooper tối 12-9 trên CNN, bà Clinton nói quyết định giữ thông tin sức khỏe bí mật vì không nghĩ “Mọi chuyện lại quan trọng đến thế”.

Tác động ít hay nhiều?

Cuộc bầu cử lúc này vẫn còn khoảng tám tuần nữa mới đến ngày bỏ phiếu. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên chỉ còn cách hai tuần.

Theo Edward-Isaac Dovere của Politico, có thể diễn biến cuối tuần vừa rồi sẽ không thay đổi nhiều cuộc chạy đua. Hầu hết những cử tri đã biết là họ bỏ phiếu thế nào nên số bị ảnh hưởng vì thông tin sức khỏe của bà hay tuyên bố “đáng khinh” kia chỉ là số nhỏ.

Thực tế nhiều nhân vật Cộng hòa quan trọng lúc này vẫn lưỡng lự không tin vào cơ hội thắng của Trump. Dù rằng phe Cộng hòa đã bắt đầu có niềm tin hơn sau những cú vấp ngã, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, của đối thủ trong tuần vừa rồi.

Theo Dovere thì có nhóm người chưa biết mình lựa chọn thế nào thực ra là nhóm “rất, rất nhỏ”. “Chuyện cho rằng còn nhóm cử tri độc lập rất lớn ngoài kia đang chưa biết được lựa chọn của mình chỉ là chuyện viễn tưởng” - Jim Hodges, cựu thống đốc bang South Carolina và là người ủng hộ Clinton, nói.

Cuộc thăm dò của Washington Post/ABC News hôm 11-9 cho thấy 7/10 cử tri đã “biết chắc” họ chọn ứng viên nào rồi và con số này tương đương thời điểm này trước bầu cử hồi 2008.

Các thăm dò tháng trước của Fox News cho thấy 74% cử tri nói họ không quan tâm chuyện bà có đủ khỏe để làm tổng thống hay không. Đáng chú ý là có tới 60% cử tri nói Clinton đủ năng lực làm tổng thống so với 36% cử tri nói Trump, một rào cản rất lớn cho ứng viên của phe Cộng hòa.

Nhưng con số cử tri ủng hộ bà Clinton so với Trump đang bị thu hẹp dần từ 48%-39% hồi tháng 6 xuống chỉ còn 46%-41% trong các thăm dò mới nhất của Washington Post/ABC. Truyền thông Mỹ nói chung vẫn tỏ ra thận trọng về viễn cảnh tương lai cuộc bầu cử, nhưng nhiều hãng tin bảo thủ, như Fox News, đã ngay lập tức đặt câu hỏi “Giờ sao đây?” và nêu ra khả năng bà Clinton phải bỏ cuộc.

“Các quan chức Dân chủ hẳn là đã nên bắt đầu thảo luận khả năng một kế hoạch B” - Fox News ngày 14-9 bình luận. Quy định của Đảng Dân chủ nói Ủy ban toàn quốc (DNC) của đảng có quyền “bổ nhiệm những vị trí còn trống cho các đề cử tổng thống và phó tổng thống” khi đại hội toàn đảng không thể nhóm họp.

Theo điều lệ đảng, chủ tịch DNC hiện là Donna Brazile, có quyền triệu tập một cuộc họp đặc biệt và bổ nhiệm người thay thế dựa trên nguyên tắc đa số phiếu.

Các nhà phân tích khẳng định kịch bản này là cực kỳ khó xảy ra, và DNC không có quyền buộc bà Clinton thôi tranh cử. Cuộc họp chỉ được tổ chức nếu bà tự nguyện công bố rút lui. Tuy nhiên, cựu chủ tịch DNC Don Fowler đã nói trên Politico rằng đảng cần một kế hoạch B ngay lúc này.

Fox News cũng đồn đoán rằng DNC đang cân nhắc triệu tập “họp khẩn cấp” để trao đổi về khả năng phải thay thế bà Clinton, dù cũng khẳng định quyền ứng viên hoàn toàn là do bà Clinton chứ không phải đảng quyết định.

Trong khi cảnh báo “không nên phản ứng thái quá”, Fox News vẫn nêu ra một số cái tên. Hôm 12-9 chẳng hạn, trong một sự kiện ở Ohio, Thống đốc Dân chủ của bang này Ted Strickland đã giới thiệu ứng viên phó tổng thống của bà Clinton, Tim Kaine, là “sẵn sàng trở thành tổng thống” nếu cần thiết.

Ngoài Kaine, những cái tên cũng được nhắc đến là thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton ở vòng sơ bộ; Phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren.

Việc thay thế ứng viên của một đảng lớn là cực hiếm nhưng không phải chưa có tiền lệ. Điều này từng xảy ra năm 1972 khi ứng viên phó tổng thống của phe Dân chủ, thượng nghị sĩ Thomas Eagleton (ứng viên tổng thống là George McGovern), rút lui vào tháng 7 sau khi có tin ông gặp vấn đề sức khỏe thần kinh.

Eagleton sau đó được thay bằng Sargent Shriver vào tháng 8, điều dẫu sao cũng không còn quan trọng bởi bộ đôi McGovern-Shriver đằng nào cũng thảm bại dưới tay tổng thống đương nhiệm lúc đó là Richard Nixon.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều với vị trí ứng viên tổng thống của một đảng được chờ đợi thắng cử, và nếu sự việc xảy ra vào khi cuộc bầu cử đã ở rất gần.

“Vấn đề sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu như những lá phiếu đã được in và người dân đã bắt đầu bỏ phiếu” - Rick Hansen, người điều hành trang blog Election Law (Luật bầu cử), nói. Những lá phiếu đầu tiên, cho các cử tri Mỹ vắng mặt không thể tới các hòm phiếu, đã được gửi đi qua đường bưu điện từ ngày 9-9 ở North Carolina và nhiều bang sẽ nối bước.

Tới giữa tháng 9 là hết hạn để cả hai đảng đăng ký ứng viên ở tất cả các bang, đồng nghĩa với việc để thay thế ứng viên, có thể cần một phán quyết từ tòa án, thậm chí là Tòa tối cao, và viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng hiến pháp là rất đáng sợ dù nhỏ nhoi. ■

Minh bạch - sự khác biệt

Một loạt dấu hỏi của báo giới về tình hình sức khỏe của bà Clinton khiến phe Clinton rất khó chịu khi họ muốn chỉ rõ sự khác biệt giữa bà với phe Trump về vấn đề minh bạch.

Phe Clinton đã công khai thông tin nộp thuế, phe Trump thì chưa. Bà đã công khai một loạt các đề xuất chính sách, phe Trump hoàn toàn chưa có. Bà công bố nhiều hơn chi tiết sức khỏe, phe Trump chỉ có một lá thư từ bác sĩ mà bị chỉ trích là viết rất thiếu chuyên nghiệp.

Nhưng dù công bố nhiều thông tin hơn, áp lực giờ lại đang dồn lên phe bà. “Bà hoàn toàn minh bạch hơn Trump rất nhiều khi liên quan tới các vấn đề quan trọng, cả về ý tưởng chính sách - cựu nghị sĩ bang Massachusetts Barney Frank nói với New York Times - Ở đây có cả mong muốn cá nhân về riêng tư cũng như e ngại rằng thông tin sẽ bị sử dụng cho các mục đích chính trị”.

Người quản lý chiến dịch tranh cử của bà, Robby Mook, nói Clinton không muốn để bệnh tình cản trở. “Bà ấy chỉ muốn là cắn răng vượt qua tất cả - ông nói với MSNBC - Và tôi nghĩ tính cách đó sẽ khiến bà trở thành tổng thống vĩ đại”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận