Khi “danh môn chánh phái” cũng lao đao

HUY ĐĂNG 25/05/2019 18:05 GMT+7

Chỉ mất 47 giây để hạ gục Lữ Cương - võ sư đại diện của Vịnh xuân quyền, “gã điên” Từ Hiểu Đông một lần nữa tung cú đấm nặng nề vào lòng tự hào của võ thuật Trung Hoa.

Từ Hiểu Đông (Xu Xiaodong) - Nhân vật gây tranh cãi ở ngay cả Trung Quốc.

Lẽ nào, ngàn năm lịch sử của Thiếu lâm, Võ đang, Thái cực, Vịnh xuân hay tựu trung lại là kungfu, lại hoàn toàn bất lực trước một võ sĩ MMA nghiệp dư?

Lý Tiểu Long đấu Mike Tyson

Có một câu hỏi kinh điển, là đề tài tranh luận không bao giờ dứt trong những cuộc trà dư tửu hậu của giới võ thuật châu Á: Lý Tiểu Long và Mike Tyson nếu đấu nhau, ai sẽ chiến thắng? Hiển nhiên, câu hỏi đó vĩnh viễn không có lời giải. Nhưng hơn 2 năm qua, làng võ Trung Quốc bỗng được khuấy động bởi một cuộc “luận võ” còn ồn ào, rộng lớn, và thực tế hơn. Tất cả bắt đầu từ “gã điên” Từ Hiểu Đông.

Từ đã có biệt danh “Gã điên” từ trước khi anh nổi tiếng. Võ sĩ sinh năm 1979 này xuất thân là sinh viên Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh, nhưng với cá tính ồn ào, chợ búa, khoái văng tục, anh chẳng được ai ưa trong các lớp quyền anh và tán thủ (nội dung đấu đối kháng của môn võ Trung Quốc wushu). Thế rồi khi MMA du nhập Trung Quốc đầu những năm 2000, Từ trở thành người tiên phong bước vào võ đài tự do này.

MMA không phải là một loại võ thành môn thành phái như nhiều dòng võ ở Đông Á, mà là võ đài tự do cho phép các võ sĩ sử dụng nhiều đòn thế, kỹ thuật chiến đấu thực chiến khác nhau. Môn quyền anh mà Từ Hiểu Đông luyện tập là một trong những môn được sử dụng nhiều nhất trong MMA. MMA - khốc liệt, bạo lực và đáng sợ - đối lập với võ truyền thống kungfu ly kỳ, thần bí thế nào thì Từ cũng trái ngược với những võ sư đức cao vọng trọng trong làng võ thuật Trung Hoa thế ấy.

Trên con đường tìm kiếm sự nổi tiếng, Từ nắm đúng thóp của làng võ Trung Quốc. Anh liên tục tung các đoạn video mỉa mai võ thuật truyền thống Trung Hoa lên mạng, lập luận chủ yếu của Từ là võ thuật Trung Hoa cổ truyền thiếu tính thực chiến, còn những màn biểu diễn nội công thượng thừa là bịp bợm.

Thái Cực, Vịnh Xuân lên bờ xuống ruộng

Tất nhiên, các võ sư Trung Quốc chẳng mấy ai chịu nổi sự “láo xược” của Từ. Và rồi trận đấu đầu tiên trong cuộc khiêu chiến của Từ Hiểu Đông với võ thuật Trung Hoa cũng diễn ra vào tháng 4-2017.

Đối thủ của anh là Ngụy Lôi - một võ sư của môn phái Thái cực từng biểu diễn màn dùng nội lực giữ chân chim bồ câu không thể bay khỏi tay. Một bên là cao thủ danh môn chánh phái, lừng lẫy thiên hạ, một bên là một tay được gọi là “cẩu tạp chủng” vô danh, ồn ào, đáng ghét, vọng ngoại, chỉ học võ Tây. Kết quả: Từ đánh gục Ngụy trong... 10 giây. Niềm tự hào kungfu Trung Hoa lãnh đòn choáng váng đầu tiên.

Nếu trước cuộc đấu, Từ Hiểu Đông gây nhiều chỉ trích, tranh cãi ồn ào một, thì những gì sau đó được khuếch đại gấp mười. Hóa ra “gã điên” không nói chơi, thất bại của Ngụy Lôi khiến lòng tự hào của võ học Trung Quốc tổn thương nặng nề.

Từ Hiểu Đông (phải) trong trận giao đấu với Ngụy Lôi. Ảnh: Nijus
Từ Hiểu Đông (phải) trong trận giao đấu với Ngụy Lôi. Ảnh: Nijus

Cơn thịnh nộ nhắm vào Từ kèm những lời thách đấu từ vô số cao thủ danh môn chánh phái khắp nơi. Một năm sau, võ sĩ MMA này lại thượng đài, lần này đối thủ là Đinh Hạo, còn danh tiếng hơn nhiều so với Ngụy Lôi. Đinh Hạo thuộc môn phái Vịnh xuân lừng lẫy, là đệ tử 4 đời của Diệp Vấn - nhất đại tôn sư của Vịnh xuân quyền. Đinh Hạo còn trẻ hơn Từ đến 19 tuổi.

Kết cục, Đinh Hạo khá hơn Ngụy Lôi một chút khi trụ được khoảng 3 phút, nhưng cũng bị đánh “lên bờ xuống ruộng”, nhiều lần ngã sấp mặt. Cuối cùng, trận đấu được xử hòa vì... lực lượng an ninh can thiệp. Nhưng ai cũng hiểu Từ là người chiến thắng áp đảo.

Đến lúc này thì phải thừa nhận võ thuật Trung Hoa hoàn toàn lép vế trước MMA. Đầu năm 2019, Từ một lần nữa thượng đài và lại thắng, lần này bại tướng là Điền Dã - người khoe khoang đã luyện thành những môn công phu thượng thừa “thiết ngưu trửu” (khuỷu tay thép) và “lý hợp thoái” (bước chân nhanh).

Bốn tháng sau, Từ Hiểu Đông tham gia sự kiện Đại hội võ thuật ở Tân Cương để đối đầu với một võ sư Vịnh xuân khác - Lữ Cương. Anh gặp đủ thứ khó khăn vì bị chính quyền liệt vào thành phần cá biệt, do quá khứ bất hảo, nhiều lần tổ chức thi đấu không có giấy phép, bị nhiều đơn thư tố cáo...

Theo xếp hạng của chính quyền, Từ nằm trong thành phần công dân xấu, không được phép đi máy bay, nên phải di chuyển bằng tàu hỏa hơn 40 giờ đến cuộc thi đấu, trong khi đối thủ đi máy bay. Thậm chí Từ còn phải bôi mặt và lấy tên khác là Từ Đông Qua để tham dự trận đấu. Nhưng bất chấp những thiệt thòi đó, Từ vẫn hạ gục đối thủ trong... 47 giây.

Tại ông Kim Dung!

Bốn chiến thắng liên tiếp của Từ trước những võ sư lẫy lừng đã nhấn chìm lòng tự hào của võ thuật truyền thống Trung Hoa. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra không phục. Rất nhiều lý do được viện dẫn. Như trong chiến thắng mới nhất của Từ, nhiều võ sư cho rằng anh đã nắm quá nhiều lợi thế khi đấu với đối thủ nhẹ hơn mình những 30kg (Lữ Cương nặng chưa đầy 60kg). Điền Dã thì cho biết mình bị thương trong lúc tập luyện trước trận.

Còn sau trận đấu Đinh Hạo, phía đại diện Vịnh xuân cho rằng Đinh Hạo gặp khó khăn vì đánh tay không, còn Từ dùng bao tay, chưa kể Đinh Hạo còn gặp nhiều vấn đề về dinh dưỡng trước trận. Thậm chí Đinh Hạo còn tuyên bố đã đánh Từ bị nội thương và trận đấu bị dừng sớm là may mắn cho võ sĩ MMA! Nhiều truyền nhân khác của Vịnh xuân thì tuyên bố thất bại của Đinh Hạo chẳng nói lên điều gì, vì anh ta không phải là người xuất sắc trong môn phái.

Nhưng càng nói, các võ sĩ truyền thống càng cho thấy sự thua kém của mình. Trọng tài Vương Đồng Khánh, người điều khiển trận đấu của Đinh Hạo, cho biết việc anh không mang găng tay là do chính anh lựa chọn, với lý do để phát huy tối đa công phu của Vịnh xuân. Ông Vương còn khẳng định nếu đổi ngược lại, Đinh Hạo đeo găng, còn Từ tay trần, thì Đinh sẽ không trụ nổi 20 giây!

Những lập luận về lệch hạng cân cũng không thuyết phục, bởi các võ sĩ lên lôi đài đều trên cơ sở tự nguyện. Trước trận, Lữ Cương thậm chí còn tuyên bố đã nắm được nhược điểm của đối thủ, và hứa hẹn sẽ dùng tuyệt chiêu điểm huyệt!

Những chỉ trích nặng nề, khiếu nại, tố cáo của giới võ thuật truyền thống nhắm vào Từ càng hạ thấp tinh thần thượng võ thực thụ. Nhiều người hâm mộ xoay sang đổi lỗi cho... Kim Dung - tiểu thuyết gia đã quảng bá rộng rãi võ thuật Trung Hoa thông qua các tiểu thuyết võ hiệp mà chuyện võ trong đó dù rất hay ho, nhưng lại “ảo” cực kỳ (hay chính vì ảo mới hay?).

Tính chất kiếm hiệp trong tiểu thuyết và phim ảnh đã khiến nhiều người ảo tưởng về võ thuật thực thụ.

Xem ra, quá nhiều người đã nhầm lẫn tiểu thuyết kiếm hiệp với sách dạy võ công, nói nôm na là “nhiễm kiếm hiệp”. Cũng phải nhớ rằng xuyên suốt những bộ truyện của Kim Dung, các nhân vật khoe khoang - luôn vỗ ngực tự hào về công phu “chính tông” và bài xích người không cùng đường là “bàng môn tả đạo” hiếm khi có kết cục tốt đẹp.

Từ Hiểu Đông có thể là một kẻ đáng ghét, nhưng thật trớ trêu, giống như nhiều nhân vật tuy “tà” nhưng không “ác” của Kim Dung, anh đã tỏ ra là một người học võ đường đường chính chính, dám làm dám chịu.

Trong khi đó, khả năng thực chiến của võ cổ truyền chưa bao giờ được nghiên cứu đầy đủ, khoa học, mà chỉ là truyền miệng, qua phim ảnh, tiểu thuyết... Thứ tinh túy thật sự mà võ thuật cổ truyền đáng lý cần phải lưu ý giữ gìn nhất: sự điềm đạm, tĩnh tâm, khiêm tốn, thì đang bị hủy hoại, không phải trong tay Từ Hiểu Đông, mà bởi những cãi cọ tầm thường xung quanh các cuộc đấu.■

Mặc dù Từ Hiểu Đông đang “độc cô cầu bại” trước giới võ học truyền thống, trên đấu trường MMA, anh mới ở trình độ... nghiệp dư. Đã có nhiều clip cho thấy khi Từ Hiểu Đông đấu với các võ sĩ muay Thái thường thường bậc trung thì lại ăn đòn mệt nghỉ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận