Khi "dân" kiện "quan"

ĐOAN TRANG THỰC HIỆN 16/11/2003 18:11 GMT+7

TTCN - Gần đây đã xuất hiện tình hình người dân đi kiện chủ tịch một tỉnh, một công ty tư nhân đi kiện UBND một thành phố... Những câu chuyện “dân đi kiện quan” được nhìn nhận và đánh giá như thế nào? Nó giống như “Thu Cúc đi kiện” không? Hay như “cóc kiện trời”?

Phóng to
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng
TTCN - Gần đây đã xuất hiện tình hình người dân đi kiện chủ tịch một tỉnh, một công ty tư nhân đi kiện UBND một thành phố... Những câu chuyện “dân đi kiện quan” được nhìn nhận và đánh giá như thế nào? Nó giống như “Thu Cúc đi kiện” không? Hay như “cóc kiện trời”?

Câu trả lời còn ở thì tương lai. Nhưng rõ ràng sự xuất hiện công khai của những câu chuyện “dân kiện quan” đã cho thấy chính công cuộc “Đổi mới” do Đảng khởi xướng từ năm 1986 đã đặt cơ sở cho xu thế dân chủ hóa trong đời sống và sinh hoạt xã hội trên nhiều mặt. Và tiến trình dân chủ này đang ngày một trở nên mạnh mẽ.

Tôi rất hoan nghênh!

Cũng bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng nhiệt tình trả lời khi phóng viên TTCN hỏi ý kiến của ông về hiện tượng “dân kiện quan”. Phó thủ tướng nói:

- Tôi mới đọc báo, thấy một công ty kiện UBND TP.HCM. Người dân thực hiện đúng pháp luật là Chính phủ hoan nghênh. Đây là một sự kiện, một vụ việc, nhưng đánh dấu một bước tiến về pháp luật, nhà nước pháp quyền, dân chủ.

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Vụ việc này tôi chưa biết ai đúng, ai sai, còn chờ phán quyết của tòa, nhưng đó là dấu hiệu tốt đẹp của xã hội chúng ta. Chúng ta sẽ tiến tới việc mọi tranh chấp đều qua tranh tụng trước tòa. Bên kiện cùng bên bị kiện phải có mặt trước tòa thì sẽ tìm ra công bằng, lẽ phải. Tôi rất hoan nghênh!

* Từ trước đến nay dân ít dám đi kiện quan. Người dân cho rằng có đi kiện cũng chẳng được gì, thậm chí mang họa vào thân.

- Đó là vấn đề lịch sử. Lịch sử đã để lại như thế. Tôi thừa nhận có tình trạng này, nhưng trình độ kinh tế, trình độ pháp luật, dân chủ không đứng yên mà có quá trình phát triển. Phát triển kinh tế đi liền phát triển văn hóa xã hội. Muốn xã hội tốt đẹp phải có quá trình. Tôi hi vọng trên cơ sở pháp luật, theo đường lối chủ trương dân chủ của Đảng, mọi công dân ngày càng có thêm điều kiện để thực hiện đúng quyền làm chủ của mình. Nếu trong khuôn khổ pháp luật hiện nay, điều kiện xã hội như hiện nay, thì việc người dân đi kiện quan cũng nhằm đi theo một chiều hướng tốt đẹp.

Phóng to
Tiến sĩ luật Phan Trung Lý - phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
Hiện tượng bình thường ở xã hội dân chủ

“Tôi rất quan tâm đến câu chuyện “dân kiện quan”. Đây là hiện tượng bình thường, rất bình thường, nhưng lại nói lên nhiều vấn đề”. Tiến sĩ luật Phan Trung Lý - phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội - nói với phóng viên TTCN như vậy bên hành lang Quốc hội chiều ngày 12-11.

* Cách đây không lâu, người dân kiện chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây, một doanh nghiệp ở TP.HCM chính thức đâm đơn kiện UBND TP. Hiện tượng này có thể xem là tốt hay xấu, thưa ông?

- Tôi cho đây là hiện tượng bình thường ở một xã hội dân chủ. Lúc đầu có thể một số người cho đây là điều không bình thường, hoặc là có vấn đề gì đó, nhưng không phải. Càng ngày người dân càng hiểu rõ hơn về quyền của mình mà hiến pháp đã qui định, trong đó có quyền khiếu nại tố cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng mọi hình thức hợp pháp, ví dụ đâm đơn ra tòa kiện.

* “Dân kiện quan” thường được ví như “Cóc kiện Trời”. Do vậy, chỉ là khi thật sự oan ức, người dân mới “dám” đi kiện “quan”?

- Đúng là khi thật sự oan ức, bức xúc lắm, người dân mới đem đơn đến chốn công quyền hoặc đâm đơn ra tòa kiện, nhất là khi người bị kiện lại là... “quan”. Trước đây ít có chuyện này, không có nghĩa trước đây người dân không oan, không bức xúc. Nhưng do hiện nay những qui định của pháp luật ngày càng đầy đủ hơn, tạo điều kiện cho công dân thực hiện đầy đủ quyền của mình. Hơn nữa, càng ngày trình độ dân trí càng cao. Ở đây còn có thêm một vấn đề là niềm tin của người dân đối với cơ quan hành pháp, trong đó có tòa án.

Người dân quan niệm “dân kiện quan” như “Cóc kiện Trời” cũng có lý do. Không phải không có cơ sở để người dân nghĩ như vậy. Cơ sở đó là: những qui định của ta chưa đủ đảm bảo để người dân tin là họ kiện đúng pháp luật; thiếu công minh trong phán xét của tòa đối với cơ quan này qua một số vụ “chạy” án hoặc không “chạy” thì cũng nể nang cơ quan hành chính. Người ta cho rằng quan hành chính to hơn quan tòa. Quan tòa mà được quan hành chính tiếp một bữa cơm là thấy... sướng rồi, làm sao xử được nữa. Với pháp luật, sai là xử, chứ không cần biết đấy là quan nào.

* Ông có bình luận gì về việc một công ty tư nhân dám kiện UBND TP?

- Vụ ở TP.HCM tôi không bình luận đúng hay sai. Việc này phải do tòa phán xử. Theo tôi, doanh nghiệp cũng có quyền kiện cơ quan hành chính ra tòa. Tôi nghĩ họ đã không tìm được những biện pháp có thể bảo vệ được mình nên mới phải nhờ đến tòa.

* Có nhiều ý kiến cho rằng kiện như vậy dễ bị... trù dập?

- Qua thực tế người ta nói thế cũng đúng. Nhưng theo tôi cần nhìn từ hai phía. Thứ nhất, công dân phải biết chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính là thực hiện đúng qui định pháp luật. Còn một số cán bộ nào đấy có hành vi trù dập, cán bộ có biểu hiện tiêu cực là điều pháp luật không cho phép. Riêng việc trù dập thì Luật khiếu nại tố cáo đã có riêng một điều khoản nghiêm cấm.

* Luật là thế, nhưng dù sao người dân cũng rất ngại...

- Đúng là nhiều người ngại ra tòa, dù họ là nguyên đơn hay bị đơn. Phải làm sao để người dân không mặc cảm. Cán bộ công chức cơ quan hành chính cũng đừng có quan niệm không hay đối với người đi kiện mình ra tòa. Đừng coi đấy là điều không bình thường, đặc biệt không nên có ý nghĩ trù dập hay cản trở người dân đi kiện. Ngược lại, cơ quan hành chính cần nhận thức bản thân mình phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, rà soát xem còn những khúc mắc gì ở phía người dân để giúp họ giải quyết thấu đáo. Có làm tốt như vậy thì người dân đâu phải đi kiện làm gì!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận