20/09/2006 04:18 GMT+7

Khát vọng một con đường

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Trong bao cảnh đời khốn khó của nhiều tân SV bước chân vào cổng trường đại học, có câu chuyện về đôi bạn gái ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). Cả hai đều đang vất vả kiếm sống và có chung một khát vọng: chinh phục đỉnh cao học tập.

Si7kyvsH.jpgPhóng to
Ngô Thị Ngân và chồng củi sắp bán để góp tiền đi học - Ảnh: Vũ Toàn
TT - Trong bao cảnh đời khốn khó của nhiều tân SV bước chân vào cổng trường đại học, có câu chuyện về đôi bạn gái ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). Cả hai đều đang vất vả kiếm sống và có chung một khát vọng: chinh phục đỉnh cao học tập.

“Chỉ thi cho biết thôi, chứ không dám mơ đi học”

Nhà của mẹ con chị Kim tựa như cái lều nát giữa khối 4, xã Khai Sơn, huyện miền núi Anh Sơn. Tài sản lớn nhất, ngoài hai chiếc xe đạp cà tàng, là đống củi đã khô giòn - sản phẩm do cô con gái lớn của chị là Ngô Thị Ngân đi gom trong rừng xa về sau mỗi buổi học.

Nghèo lắm nên khi Ngân thi đạt 27 điểm (Hóa 9,75, Toán 9,25, Lý 8 điểm) vào khoa Sư phạm Hóa Trường ĐH Vinh, đó là niềm vui lớn nhất của cả nhà, nhưng cả ba mẹ con đã òa khóc bởi “tuy biết con học giỏi nhưng tôi không cho nó học vì biết lấy chi cho con vô trường” - chị Kim ngậm ngùi...

Con đường đi học của Ngân thật vô cùng chông gai. Ngày vào lớp 9, tưởng chừng như Ngân đã phải xa trường vì dù thương con cỡ nào mẹ Ngân cũng nhiều lần đánh, rồi đốt tập sách vì sợ con mình “nghiện” học không ai lo cho gia đình. Những lúc đó Ngân trốn sang nhà bạn tìm nơi học bằng được. Kể lại những chuyện đau lòng này, chị Kim nói trong nước mắt: “Hồi đó tôi bị bệnh nặng, đi viện mổ cắt u không ngờ lại di căn xuống tay. Thằng con út thì bị đau não. Nhà không còn gì ăn, tôi lo quá nên bấn loạn đốt sách của con. Vậy mà nó vẫn xin “mẹ gắng cho con học”. Đêm tôi thấy con học rồi ôm lấy sách ngủ mà lòng như xát muối, không cầm được nước mắt. Càng thương con hơn khi nghe nó nói: Con chỉ thi cho biết điểm thôi chứ không mơ vào đại học mô mẹ ạ”.

Bây giờ Ngân chuẩn bị nhập trường mà ba mẹ con vẫn chỉ biết loay hoay nhìn vào đống củi đã héo khô. Ngân động viên mẹ: “Xuống trường vừa học con vừa đi làm gia sư. Thể nào cũng sống và học được, mẹ đừng lo”.

ogBR44Pf.jpgPhóng to
Cao Thị Niềm Tin mơ một ngày nhổ cỏ, hái đậu thuê được 20.000đ - Ảnh: Vũ Toàn
“Cắm” bìa đỏ cho con đi học

Bạn học thân thiết của Ngân là Cao Thị Niềm Tin ở xóm 3, cùng xã. Khi tôi đến, Tin đang đi hái đậu ngoài cồn Đá. Cha Tin nằm liệt giường hơn một năm nay do tai nạn giao thông. Mẹ Tin, người gầy đen như thanh củi cháy, bảo: “Sau khi nhận được giấy báo vào Trường Lao động xã hội ở Hà Nội, Tin đi làm cỏ thuê cho nông trường chè vào buổi sáng, buổi chiều đi hái đậu thuê cho bà con trong làng, mỗi ngày mong kiếm được 20.000 đồng, gom góp thêm chục, thêm ngàn để nhập trường”.

Nhà Tin có bốn anh em. Anh trai đầu Cao Thượng Nguồn học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên phải bỏ học, xin đi “chạy bàn” trong quán ăn ở Vinh để kiếm tiền nuôi ba em ăn học. Khi người cha bị tai nạn, Nguồn bỏ việc trở về quê cày bừa thay cha. Tin kể: “Bạn bè đi học thầy nhưng cháu chỉ đi học bạn thôi”. Tin học thâu đêm. Sáng dậy từ 3g học tiếp. Nhiều khi Tin học rồi thiếp đi trên bàn.

Những ngày đông rét giá, Tin vẫn đi học với chiếc áo thường ngày, thấy vậy các bạn trong lớp góp tiền mua áo ấm cho Tin. Cảm động trước tấm lòng của bạn, thương người cha không may gặp hiểm họa và thương cả mẹ nghèo, Tin càng quyết tâm thi đậu đại học, vì “vào đại học là khát vọng của cha mẹ cháu và cũng là khát vọng của cháu”.

Khát vọng là thế nhưng khi ngồi tính cách cho con nhập trường, mẹ Tin không thể trả lời được câu hỏi: làm sao có đủ hơn 760.000 đồng mỗi tháng cho Tin ăn học ở Hà Nội theo như yêu cầu trong giấy báo. Cả hai mẹ con lại sụt sùi nước mắt: “Đến thế này thì tui phải “cắm” bìa đỏ thế chấp tạm cho con đi học. Nợ nần đành tính sau” - mẹ Tin nói.

CLB những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP.HCM:

Tiếp sức đến trường 60 tân SV

Đây là năm thứ ba Câu lạc bộ những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP.HCM tiếp tục phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình học bổng Tiếp sức đến trường dành cho các tân SV quê Quảng Trị.

Năm nay, việc tiếp sức dự kiến tổ chức tại Thành cổ Quảng Trị vào ngày 24-9 với 60 suất học bổng dành cho tân SV có hoàn cảnh khó khăn không thể nhập học, với tổng số tiền là 150 triệu đồng.

Theo kế hoạch, các tân SV sẽ tiến hành lễ dâng hương và viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị. Ban tổ chức cho biết trao học bổng tại đây không chỉ tạo điều kiện cho các em cảm nhận về một địa danh lịch sử thiêng liêng mà còn là một hoạt động mang ý nghĩa nhớ nguồn đối với các tân SV trước khi bước vào giảng đường đại học.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên