Khánh Hà: thế hệ "5x" của thế kỷ trước

DANH ĐỨC 17/07/2007 19:07 GMT+7

TTCT - Nếu Tuấn Ngọc và thế hệ của ban nhạc The Forty Six (sinh năm 1946) là thế hệ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn, thì Khánh Hà thuộc thế hệ chúng tôi, thế hệ “5x” của thế kỷ trước.

Phóng to

Chúng tôi thuộc thế hệ cứ tạm gọi là được may mắn ăn học và “ăn chơi” từ tấm bé (sic!). Càng may mắn hơn khi âm nhạc lại là một đam mê song hành với việc học.

Thật đơn giản vì học hành, nhất là học tiếng Pháp, sau này là tiếng Anh, cho dù là học trường “tây” hay trường ta, chính là một trong những con đường đến với âm nhạc. Phi ngoại ngữ, bất thành... ban nhạc vào lúc mà các ca khúc Pháp còn thịnh hành với những đĩa nhựa của Dalida, Sylvie, Johnny..., và “The British Invasion“ (cuộc xâm lăng của nhạc rock Anh) đổ bộ vào Sài Gòn hầu như đồng thời với các nơi khác trên thế giới qua bộ phim The young ones với Cliff Richard & The Shadows với các cây đàn ghita điện trứ danh của họ vào năm 1963.

Các ban nhạc trẻ Sài Gòn bắt đầu cầm đàn, mò gam chơi lại các hòa tấu khúc Apache, FBI... từ đó. Ngay sau đó là làn sóng tứ quái Beatles với kỹ thuật vừa đàn vừa hát. Hải Âu còn “đình đám” trên sân khấu Taberd với The house of the rising sun, No milk today, Something good (giọng mái)...

Ca khúc Unchained melody đã nổi tiếng từ thời đó với Billy Shane cùng The Spotlights. Ca khúc Việt hầu như là duy nhất được một ban nhạc trẻ trình bày là Mộng dưới hoa qua giọng hát của Jo Marcel cùng với ngón ghita “chặn bobine” của Đức Huy (The Spotlights) - ca khúc ở side A của đĩa 45 vòng này là Et Maintenant.

Khánh Hà thuộc thế hệ nhạc trẻ thứ nhì, cuối thập niên 1960. Thế hệ vừa hát tiếng Anh, Pháp, vừa bắt đầu hát tiếng Việt. Dạo đó, Vi Vân vẫn còn được xem là giọng ca nữ “khỏe” nhất chuyên hát tiếng Anh. Trong những năm 1966, 1967 Vi Vân còn “hùng cứ” ở phòng trà Baccara ở chợ Đũi, gần những cao ốc dành cho quân đội Mỹ (trên đường Hồng Thập Tự). Baccara nổi tiếng là một cabaret đầy nhạc Anh - Mỹ.

Guantanarema (thường được sánh với La Bamba do cùng một style nhạc, và cả với Twist and shout), Those were the days (Tình ca du mục)..., sau này được giới thiệu là nhạc Cuba và nhạc Nga, đã vọng lên ở Baccara từ dạo đó.

Khánh Hà tiếp nối Vi Vân bằng một phong cách mới: hát cả nhạc nước ngoài lẫn nhạc Việt, với những ca khúc hát bè cùng Anh Tú và bé Thúy (em của Khánh Hà). Chính nhờ hát lại các ca khúc ngọt ngào của Carpenters, những ca khúc quá sức da diết như Killing me softly with his song, Sing, Yesterday once more mà kế đó bộ ba này (đổi tên là The Up Tight) trình diễn song khúc Cát bụi - Tình xa một cách tuyệt vời. Anh đã quên mùa thu với Khánh Hà hát chính cũng ngọt ngào không kém...

Duyên số đã đem đến với Khánh Hà một ban nhạc đệm xuất sắc là The Blue Jets (với hai anh em nhà Philippe và Robert T.). Đây là giai đoạn của mối tình đầu của Khánh Hà. Tối tối, nghe chị em nhà Khánh Hà và The Blue Jets trình diễn lại liên khúc Golden slumbers, Carry that weightThe end của The Beatles trên cả mức tuyệt vời, không thể không hiểu ra rằng Khánh Hà đã học từ The Carpenters kỹ thuật trình bày biểu cảm của thể loại ballad và mid-tempo pop, từ The Beatles kỹ thuật trình diễn lúc dịu dàng mùi mẫn, như qua ca khúc Golden slumbers:

Once there was a way to get back homeward (Có một lối để quay về quê nhà)/ Once there was a way to get back home (Có một lối để hồi hương)/

Sleep pretty darling do not cry (Em ơi, đừng khóc)/ And I will sing a lullaby... (Anh sẽ hát ru em...).

Lúc thì nhịp nhàng, sôi động của nhạc rock như qua ca khúc Carry that weight...

Boy, you gotta carry that weight/ Carry that weight a long time (Bạn sẽ phải gánh vác gánh nặng đó lâu dài đấy)...

Học kỹ thuật trình bày, trình diễn chứ không phải copy giọng hát. Mỗi người một giọng hát, ai lại đi chép người khác! Và đó chính là hành trang giúp Khánh Hà khác biệt với các ca sĩ khác, kể cả sau này khi chuyển sang hát nhạc Việt.

Đối với thế hệ “5x” của thế kỷ trước, vẫn còn đó hình ảnh Khánh Hà của Anh đã quên mùa thu trên sân khấu bé xíu của Đêm Màu Hồng, và thấp thoáng đâu đó một cô bé gái ba bốn tuổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận