Khác biệt trong cảm nhận nhiệt độ: 31 độ C lôi thôi

THỦY TIÊN 19/08/2022 07:35 GMT+7

TTCT - Nhiệt độ là một con số khách quan, nhưng cách chúng ta trải nghiệm thì không. Có 116 chỉ số khác nhau để đo lường cảm giác của ta với nhiệt độ.

Khi con gái tôi, đang sống ở nước Đức, phàn nàn thời tiết quá nóng, tới 31 độ C, tôi đã sửng sốt: "Thế có gì mà ghê gớm, ở Sài Gòn đang 35 độ C". Và tháng 12-2021, khi nhiệt độ Sài Gòn xuống 19 độ C, trên phố xuất hiện cả áo len, cậu bạn người Anh của tôi ngẩn ngơ bảo: "Thế mà là lạnh à?".

Khác biệt trong cảm nhận nhiệt độ: 31 độ C lôi thôi - Ảnh 1.

Với phần lớn nước Mỹ, nơi tính nhiệt độ theo thang Fahrenheit, 80 độ F là nóng, nhưng cũng chẳng phải nóng ghê nóng gớm gì, thậm chí thời tiết ấy còn phù hợp để đi dã ngoại. Nhưng tháng trước, trên khắp Vương quốc Anh, trang nhất các tờ báo đều chạy cảnh báo về nhiệt độ có thể lên tới 31 độ C. Khi người Mỹ phát hiện ra rằng 31 độ C nghĩa là 88 độ F, họ chọc ghẹo: "Bọn châu Âu yếu quá nhỉ!".

Nhưng Imeyrick, một người Anh, đã cáu kỉnh làm một video dài dằng dặc nhằm "thông não" cho người Mỹ, giải thích vì sao 31 độ C là không thể chịu đựng nổi đối với dân Anh. "Đầu tiên, bọn ta không có máy lạnh, chẳng thể bói đâu ra một cái ở bất cứ đâu. Thứ nhì, các tòa nhà của bọn ta được thiết kế cho đặc thù xứ ta là mùa hè ôn hòa và mùa đông lạnh giá, nên nó nhằm giữ nhiệt là chính, để tiết kiệm năng lượng nữa. Và thứ ba, cơ thể ta sẽ điều chỉnh để thích nghi với khí hậu nơi ta sống. Bọn ta gặp thời tiết nóng chỉ 2-3 tuần mỗi năm, cơ thể điều chỉnh gì kịp, do vậy về nghĩa đen mà nói thì cơ thể bọn ta không thể xử lý nhiệt". Imeyrick ngổ ngáo kết thúc: "Hãy tự giáo dục bản thân đê!".

Vài người Mỹ có hiểu biết đã đồng tình. Tori Vollmer viết: "Tôi đến từ California, ở đấy 103 độ F vào mùa hè không có vấn đề gì. Nhưng giờ tôi ở Kent, giời 80 độ F và tôi đang chết. Không có máy lạnh là sự khác biệt rất lớn". Rồi một người tên PixieRay kết luận: "Có một thứ gọi là độ ẩm. Ở Anh hoàn toàn khác với Mỹ".

Ngày 18-7, cả Anh và Xứ Wales đều chứng kiến những ngày nóng nhất trong năm từ trước đến giờ, với xác nhận nhiệt độ kỷ lục từ cơ quan khí tượng: vượt quá 30 độ C. Một người Sài Gòn hẳn sẽ mỉm cười trước con số này. Câu hỏi là vì sao cùng một mức nhiệt độ mà nơi thì gây nguy hiểm nghiêm trọng, nơi lại ung dung đón nhận như một ngày hè bình thường?

Là bởi nhiệt độ là một con số khách quan, nhưng cách chúng ta trải nghiệm thì không. Văn hóa ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chúng ta trong thích ứng với nhiệt độ, định hình cách mà cơ thể ta thích ứng thời tiết, cách ta tổ chức cuộc sống để thích nghi. 

Có vô số cách khác nhau để đo cảm giác của một ngày hè nóng nực thực sự như thế nào, dân chúng ở mỗi quốc gia lại đo lường theo một cách riêng. Trong khi ấy, khí hậu lại thay đổi còn nhanh hơn cả trải nghiệm văn hóa và chủ quan của chúng ta về nó. 

Vì vậy, hãy khoan nhạo báng những người ở nước khác khi họ không thể chịu được cùng một nhiệt độ như bạn, bởi mức nhiệt không nói lên tất cả. Margaret Sugg, giáo sư tại Đại học bang Appalachian, giải thích: khi bạn mở cửa nhà bước ra, những thứ bên ngoài ảnh hưởng rất lớn tới cảm giác của bạn về nhiệt độ: độ ẩm, tốc độ và hướng không khí thổi tới, mức độ nóng hôm nay so với trước đây, đêm qua không khí đã mát được tới đâu... Tất cả quyết định cách chúng ta trải nghiệm 31 độ C như thế nào.

Các nhà khoa học sử dụng chỉ số nhiệt để đo sự khác biệt giữa nhiệt độ thực và nhiệt độ cảm nhận. Đây là một công thức kết hợp nhiệt độ và độ ẩm không khí, cho ta biết rằng 31 độ C với độ ẩm 40% thì chưa thành vấn đề, nhưng 31 độ C với độ ẩm 90% thì sẽ có cảm giác như 45 độ C, ra ngoài trời lúc ấy sẽ rất dễ bị say nóng.

Và đấy chỉ là một trong 116 chỉ số khác nhau để đo lường cảm giác của ta với nhiệt độ. Các chỉ số này thay đổi theo quốc gia. Do vậy, ở mỗi khu vực sinh sống, bạn cần có thêm những hiểu biết khác nữa để thích ứng và biết đâu là giới hạn an toàn nhiệt. Một người miền Bắc đi về phía Nam để sống sẽ trải qua một quá trình biến đổi sinh lý theo nghĩa đen để thích nghi với thời tiết, với việc đổ mồ hôi nhiều hơn, lưu lượng máu gần bề mặt da lớn hơn (để giúp cơ thể thoát nhiệt nhanh hơn).

Giới tính cũng có thể ảnh hưởng đến việc ta thấy nhiệt độ tầm nào là thoải mái nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ thấy dễ chịu ở mức nhiệt độ cao hơn nam, cả ở trong nhà và ngoài trời, bất kể họ sống ở đâu. Ở điểm này, có một sự bất bình đẳng không hề nhỏ: các tòa nhà văn phòng thường được thiết kế và chỉnh nhiệt độ để phù hợp với nam giới vốn thường mặc sơmi dài tay, áo vest và giày kín mũi quanh năm. Nếu ai cũng ăn mặc phù hợp thời tiết thì ta đâu mất nhiều tiền để hoặc sưởi ấm hoặc làm mát các tòa nhà nhiều thế.

Trong lịch sử, các xã hội đã phát triển các cách thức khác nhau để đối phó với khí hậu địa phương, những công cụ và hành vi đó đã trở thành phong tục văn hóa ăn sâu. Ví dụ, hơn 80% hộ gia đình ở Tennessee (Mỹ) có điều hòa không khí trung tâm, còn ở Vương quốc Anh chỉ có hơn 5%. Bản chất chủ quan của nhiệt độ càng trở nên phức tạp và lộn xộn hơn khi khí hậu thay đổi - than ôi giờ là ở khắp toàn cầu, với cái nóng và độ ẩm ngày càng cao. 

Thế cho nên, con gái tôi đã phải dẫn người bạn Đức của nó ra chợ châu Á tìm mua một cái quạt máy (siêu thị đồ điện của Đức không có sẵn mặt hàng quạt). Để tồn tại, tương lai cần một nền văn hóa mới - một nền văn hóa thích ứng với nhiệt độ tăng, chắc chắn quạt máy và điều hòa sẽ còn bán rất chạy ở những xứ tuyết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận