Joseph Brodsky: “Kẻ ăn bám xã hội” đoạt Nobel văn chương và để lại một hồn thơ bất tử

PHẠM NGỌC THẠCH 
(*) 07/05/2019 20:05 GMT+7

TTCT - Tháng 5 này có sinh nhật của một trong 6 nhà văn/nhà thơ viết bằng tiếng Nga từng đoạt Nobel văn chương, nhưng lại ít được giới thiệu ở Việt Nam nhất. TTCT mời bạn gặp Joseph Brodsky cùng những bài thơ trác tuyệt của ông.

Một trong những bài thơ đầu tay của Joseph Brodsky:

Vĩnh biệt, hãy quên, đừng hờn trách...

Vĩnh biệt,

hãy quên,

đừng hờn trách.

Những tình thư là cầu nối

em nên đốt

thì hơn.

Con đường dũng cảm em đi

sẽ là con đường thẳng

giản đơn.

Rồi đây giữa mịt mù tăm tối,

ánh sao đêm sẽ thắp sáng cho em

niềm hi vọng

của bàn tay sưởi ấm

ngọn lửa hồng.

Rồi bão tuyết, mưa giông,

tiếng gào thét cuồng điên của lửa,

vận may sẽ đón chờ em phía trước,

hơn là ở bên anh.

Thật tuyệt vời và mạnh mẽ vô cùng

nhịp đập trái tim em

sẽ rộn ràng trong lồng ngực.

Anh chúc phúc cho người,

có lẽ,

sẽ cùng em sánh bước

suốt con đường.

(1957)

Bi ca

                       Tặng M.B.[1]

Này em yêu, vẫn quán rượu ấy.

Vẫn những thứ nhảm nhí nguệch ngoạc trên tường,

giá cả vẫn vậy. Rượu có ngon hơn?

Anh không nghĩ thế; chẳng ngon mà chẳng dở.

Chẳng có gì thay đổi. Thật tốt là tất cả vẫn như xưa.

Chàng phi công lái máy bay chở thư, ngồi một mình,

nốc vodka, như thiên thần sa đọa. Tiếng vĩ cầm

trong kỉ niệm xưa vẫn làm rung động

trí tưởng tượng của anh. Ngoài cửa sổ

thấp thoáng những mái nhà, trắng tinh khôi như thời thơ ấu,

một hồi chuông đổ. Trời đã tối sầm.

Sao em lại dối anh? Và sao tai anh

không phân biệt được lời thật giả,

vẫn cứ muốn nghe những lời mới mẻ,

mà em không biết nói, những lời bặt âm, xa lạ,

nhưng chỉ có thể vang lên đầy quyền uy

bằng giọng nói của em, như ngày xa xưa đó.

[1] Marianna Basmanova, nữ họa sĩ người St. Peterburg, người yêu của Brodsky; hai có chung một người con trai là Andrei Basmanov.

Joseph Brodsky
Joseph Brodsky

Joseph Brodsky (tên tiếng Nga là Iosif Aleksandrovich Brodsky) sinh ngày 24-5-1940 tại Leningrad (St. Peterburg) trong một gia đình người Nga gốc Do Thái. Tuổi thơ của ông trải qua những năm tháng khốc liệt của Chiến tranh thế giới II: trận phong tỏa Leningrad, sơ tán, thời kỳ nghèo khó sau chiến tranh và những năm vắng bóng cha - một phóng viên nhiếp ảnh quân đội.

Năm 1954, sau khi học hết lớp 7, ông nộp đơn vào Trường cao đẳng hải quân Baltic nhưng không được nhận. Năm 1955, ông bỏ học để làm thợ tiện tập sự tại nhà máy Arsenal với ý định kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 16 tuổi, ông có mong muốn trở thành bác sĩ và làm phụ việc giải phẫu tử thi tại nhà xác bệnh viện tỉnh, song cuối cùng không theo đuổi sự nghiệp ngành y. Từ năm 1957, ông làm công nhân của đoàn địa chất thám hiểm thuộc Viện Địa chất & khoáng sản liên bang, làm việc ở nhiều nơi như Bạch Hải, Đông Siberia, Bắc Yakut... Mùa hè năm 1961, do suy nhược thần kinh, ông trở về Leningrad. Vào thời gian đó ông đọc rất nhiều, thơ ca, triết học, văn hóa tôn giáo, tự học tiếng Anh, tiếng Ba Lan.

Ông làm thơ từ năm 16 tuổi, đến năm 1960-1961 ông bắt đầu được biết đến tại những diễn đàn văn chương Leningrad và được công nhận là một nhà thơ, một dịch giả tài năng. Năm 1964, Brodsky bị bắt vì một tội danh khá mơ hồ là “ăn bám xã hội” và bị đưa đi cải tạo 5 năm tại tỉnh Arkhalgelsk, miền bắc nước Nga. Nhờ sự can thiệp của các nhà văn trong và ngoài nước, năm 1965 ông được trở về Leningrad và được nhận vào làm việc tại chi nhánh Hội Nhà văn Liên Xô với chức danh phiên dịch để tránh bị kết tội “ăn bám xã hội”.

Những vật dụng còn lại của Joseph Brodsky
Những vật dụng còn lại của Joseph Brodsky

Năm 1968, Brodsky được mời tham dự Ngày hội thơ quốc tế (Poetry International Festival) tại London. Thời kỳ này, thơ của Brodsky được dịch và giới thiệu ở nước ngoài qua các thứ tiếng Anh, Ba Lan, Ý, Đức... Năm 1971, ông được bầu chọn làm thành viên của Viện Mỹ thuật Bavaria, Munich (Đức). Điều này không làm hài lòng một số quan chức văn nghệ tại Liên Xô. Năm 1972, ông bị trục xuất khỏi Nga, phải bay sang Vienna bằng visa của Israel, rồi sau đó là Hoa Kỳ. Từ đấy, Brodsky sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh.

Năm 1977, ông nhập quốc tịch Mỹ và làm giáo sư văn chương cho Trường Five College ở Mount Holyoke, Massachusetts. Năm 1978, Đại học Yale trao cho ông bằng tiến sĩ văn chương danh dự. Năm 1979 ông trở thành thành viên của Viện Hàn lâm nghệ thuật - văn chương Mỹ. Năm 1981 ông được Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm thiên tài. Năm 1986, cuốn tiểu luận về nghệ thuật và chính trị Ít hơn một (Less than One) của ông được giải thưởng của Giới phê bình sách quốc gia (Mỹ). Năm 1987 ông được trao giải Nobel văn chương và năm 1991 nhận được giải thưởng của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Năm 1990, trong thời gian dạy văn chương tại Pháp, Brodsky gặp và cưới Maria Sozzani, một sinh viên trẻ người Ý gốc Nga. Họ có với nhau một con gái tên Anna Brodsky vào năm 1993. Năm 1995, Brodsky được tặng danh hiệu công dân danh dự của thành phố St. Peterburg, Liên bang Nga.

Joseph Brodsky qua đời ngày 28-1-1996 tại căn hộ của mình ở Brooklyn Heights, New York, Mỹ vì nhồi máu cơ tim. Trên mộ phần của ông ở nghĩa trang trên đảo San Michelle, Venice, Ý thoạt tiên chỉ cắm cây thập giá bằng gỗ đơn sơ ghi tên ông; vài năm sau họa sĩ người Nga Vladimir Radunsky làm một tấm bia tưởng niệm bằng đá, mặt trước khắc tên tuổi của ông bằng tiếng Anh và tiếng Nga, mặt sau là dòng chữ bằng tiếng Latin “Letum non omnia finit” (Chết chưa phải là hết).

Joseph Brodsky
Joseph Brodsky

Những người đến thăm mộ ông thường để lại những viên sỏi, thơ, bút chì, ảnh chụp, thuốc lá Camel (loại thuốc sinh thời ông ưa hút) và rượu whiskey... ■

Lời khai của Brodsky trước tòa về tội “ăn bám” năm 1963, được thư ký của phiên tòa ghi lại và sau đó được phổ biến:

Tòa: Thâm niên lao động của anh là bao lâu?

Brodsky: Khoảng chừng...

T: Chúng tôi không quan tâm cái “khoảng chừng”!

B: 5 năm.

T: Anh đã làm việc ở đâu?

B: Ở nhà máy. Tại các đoàn địa chất...

T: Anh đã làm ở nhà máy bao lâu?

B: Một năm.

T: Làm nghề gì?

B: Thợ tiện.

T: Nói chung chuyên môn của anh là gì?

B: Nhà thơ, nhà thơ - dịch giả.

T: Ai công nhận anh là nhà thơ? Ai xếp anh vào hàng ngũ nhà thơ?

B: Không ai cả. (Không có phản hồi). Thế ai xếp tôi vào loài người?

T: Thế anh có học cái đó không?

B: Cái gì?

T: Cái nghề làm thơ ấy? Anh đã không học hết đại học, nơi người ta đào tạo... người ta dạy...

B: Tôi không nghĩ... tôi không nghĩ rằng học vấn mang lại điều này.

T: Thế thì cái gì?

B: Tôi nghĩ, đó... (bối rối) là ý Chúa...

T: Anh có đề nghị gì với tòa không?

B: Tôi muốn biết tôi bị bắt vì tội gì?

T: Đấy là câu hỏi, không phải đề nghị.

B: Thế thì tôi không có đề nghị gì.

6 nhà văn/nhà thơ viết bằng tiếng Nga từng đoạt Nobel Văn chương:

Ivan Alekseyevich Bunin (1870-1953) đoạt Nobel 1933.

Boris Leonidovich Pasternak (1890-1960) Nobel 1958.

Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905-1984) Nobel 1965.

Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008) Nobel 1970.

Joseph Brodsky (1940-1996) Nobel 1987. S

vetlana Alexandrovna Alexievich (1948) đoạt Nobel 2015.

  (*) Dịch thơ và giới thiệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận