30/05/2020 09:08 GMT+7

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng khó

Đ.BÌNH - L.ANH
Đ.BÌNH - L.ANH

TTO - Các bộ ngành và cơ quan đã có kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng khó - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng ứng dụng Momo tại siêu thị Co.opMart - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, một số lĩnh vực và khu vực đang tồn tại những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Nhiều nơi, như vùng sâu vùng xa, việc sử dụng thẻ hay tài khoản đâu có dễ dàng. Ngay như người lao động, khi được trả lương qua thẻ thì họ vẫn phải ra cây ATM để rút tiền, chứ có phải họ dùng thẻ đó để đi mua hàng được đâu.

Ông PHẠM QUANG PHỤNG (vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động - thương binh và xã hội)

Phấn đấu 30% người hưởng trợ cấp ở đô thị không dùng tiền mặt

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã giao các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 30% (tính đến hết năm 2020).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Phụng, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết với kế hoạch này, các đơn vị liên quan như Vụ Bảo hiểm xã hội khẩn trương rà soát, bổ sung các văn bản, hướng dẫn và thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội qua ngân hàng phù hợp với điều kiện và nhu cầu đối tượng thụ hưởng.

Cục Người có công, Cục Bảo trợ xã hội nhanh chóng triển khai việc chi trả cho người không dùng tiền mặt với các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận các chế độ an sinh xã hội để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

"Đối với ngành lao động, việc triển khai không dùng tiền mặt là rất khó bởi những nhóm đối tượng chi trả là người nghỉ hưu, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người nghèo.

Mỗi nhóm đối tượng có nguồn tiền chi trả khác nhau, người có công thì hưởng ngân sách từ trung ương, còn đối tượng bảo trợ xã hội lại hưởng ngân sách địa phương. Mà những đối tượng này lại là người già, người có công, người ở vùng sâu vùng xa nên không hẳn ai cũng có nhu cầu dùng tài khoản.

Nhiều nơi, như vùng sâu vùng xa, việc sử dụng thẻ hay tài khoản đâu có dễ dàng. Ngay như người lao động, khi được trả lương qua thẻ thì họ vẫn phải ra cây ATM để rút tiền, chứ có phải họ dùng thẻ đó để đi mua hàng được đâu" - ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, trong các nhóm thuộc ngành lao động, nhóm bảo hiểm xã hội thực hiện khá sớm việc thanh toán, chi trả qua tài khoản cá nhân. Còn người có công, bảo trợ xã hội thì rất khó, hiện vẫn chủ yếu nhận tiền mặt và gần như thực hiện chi trả tiền mặt thông qua bưu điện.

Gỡ 2 nút thắt phí giao dịch và "ví điện tử" cho người dân vùng sâu

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-5, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho biết hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là cơ sở triển khai việc thu phí không tiền mặt nhiều nhất trong các bệnh viện, với 70% phí thu được thông qua các giao dịch không tiền mặt.

"Tuy nhiên, các bệnh viện khác thì chưa triển khai được thanh toán không tiền mặt trên phạm vi toàn bệnh viện mà triển khai nhỏ lẻ ở một số khoa, bộ phận" - ông Tường cho biết.

Ông Tường cũng nhận xét việc triển khai thanh toán không tiền mặt trong ngành y tế chậm hơn mong muốn, do 2 nút thắt: mức phí giao dịch (ngân hàng thu của bệnh viện) trước đây còn cao, 0,8%, sau này hạ xuống 0,5% rồi 0,4%.

Mức 0,4%, theo ông Tường, là hợp lý, do người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí khám chữa bệnh cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán, tỉ lệ viện phí thu trực tiếp chỉ chiếm một phần trong tổng thu của bệnh viện.

Nút thắt thứ 2, theo ông Tường, là một tỉ lệ đáng kể người dân không có "ví điện tử" và các phương thức thanh toán không tiền mặt tương tự, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

"Tương lai nếu có hình thức mobile money - hình thức ví điện tử trên thuê bao di động - có thể gỡ được nút thắt này", ông Tường nói.

Chỉ thị mới của Thủ tướng có yêu cầu ngành y tế sớm triển khai thanh toán không tiền mặt tại bệnh viện, các đơn vị dịch vụ của ngành y tế. Ông Tường cho biết trong năm nay các bệnh viện, đơn vị ở đô thị phải triển khai thanh toán phí dịch vụ không dùng tiền mặt.

Về hạ tầng của bệnh viện có đáp ứng với yêu cầu hay không, ông Tường cho rằng bệnh viện có khả năng đáp ứng yêu cầu.

Việc thu phí không dùng tiền mặt cũng giúp bệnh viện đỡ được nhân lực tham gia các khâu đếm tiền, quản lý tiền thu được, đi nộp ngân hàng mỗi cuối ngày do lo ngại để tiền mặt tại bệnh viện qua đêm không an toàn…

Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thu phí không dùng tiền mặt sẽ cần gỡ những nút thắt đã nói ở trên.

Người tiêu dùng còn thiếu lòng tin

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), mục tiêu Chính phủ giao trong kế hoạch phát triển ngành là thanh toán không dùng tiền mặt đạt tới 50% và 70% giao dịch mua hàng trên website ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hải, cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết giai đoạn từ 2016-2020, Bộ Công thương ghi nhận quy mô thị trường TMĐT B2C (cung cấp cho người tiêu dùng) có mức độ tăng trưởng ổn định với trung bình 30%/năm.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của bộ cũng cho thấy tính đến năm 2019, quy mô thị trường TMĐT B2C Việt Nam đạt 10,08 tỉ USD, với tỉ trọng doanh thu so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước là 4,9%.

Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Bộ Công thương, giai đoạn 2016-2019 có 80% người dân khi được hỏi đều cho biết ưu tiên lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch TMĐT.

Kết quả điều tra cho thấy mặc dù hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt được hoàn thiện và luôn sẵn sàng phục vụ, nhưng người tiêu dùng còn thiếu lòng tin khi mua hàng trên các website/ứng dụng TMĐT và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như lừa đảo qua mạng, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới...

Để nâng cao lòng tin người tiêu dùng, kế hoạch tổng thể phát triển ngành TMĐT đã đưa ra những giải pháp cụ thể dài hạn trong 5 năm. Riêng trong năm 2020, Bộ Công thương đang được giao là đơn vị đầu mối chủ trì, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 52 về TMĐT.

Nghị định mới này dự kiến sẽ bổ sung một số quy định mới về TMĐT có yếu tố nước ngoài, tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT, về thông tin, xuất xứ hàng hóa…

Năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thành lập tổ công tác chuyên trách về TMĐT, đây cũng là điểm mới thể hiện sự quyết tâm trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm mua sắm trên mạng và tăng tỉ lệ mua sắm không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, ông Hải cho rằng hóa đơn điện tử là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

"Mặc dù không quy định bắt buộc 100% doanh nghiệp kinh doanh TMĐT phải sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật nói trên cho phép các doanh nghiệp TMĐT được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và có nghĩa vụ đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy" - ông Hải nhấn mạnh.

N.AN

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng khó - Ảnh 4.
Không tài khoản vẫn thanh toán không tiền mặt Không tài khoản vẫn thanh toán không tiền mặt

TTO - Dù bày tỏ lo ngại với rủi ro do người dùng không cần có tài khoản ngân hàng, nhưng nhiều chuyên gia kỳ vọng việc thí điểm Mobile Money sẽ góp phần thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, khi hầu hết người dân đều có điện thoại.

Đ.BÌNH - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên