Hơn một thập kỷ vẫn loay hoay “đầu vào”

VĨNH HÀ 28/08/2016 00:08 GMT+7

TTCT - Hơn một thập kỷ qua, các trường ĐH, CĐ vẫn chưa thoát khỏi sự loay hoay của “đầu vào”, để mỗi mùa tuyển sinh lại thêm một lý do nhằm... đổi mới.

 
 

 2016: Những cuộc “đổi ngôi”

Năm ngoái, học sinh nháo nhác rút - nộp hồ sơ, rồi bất ngờ bị loại khi tưởng là đã đỗ. Năm nay đã có sự “đổi ngôi” khá kỳ lạ khi gần 100 trường không tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có rất nhiều trường ĐH lớn - điều chưa từng xảy ra kể từ thời tổ chức thi “ba chung”.

200.000 thí sinh đã xác định nhập học chỉ chiếm khoảng 62% tổng chỉ tiêu. Trong đó có gần 90 trường chỉ tuyển đạt 60-80%. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ GD-ĐT ở thời “ba chung”, số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 chiếm 70-75%.

Nhiều trường ở các mùa tuyển sinh khác hầu như chưa từng phải sử dụng đến đợt tuyển bổ sung, hoặc chỉ dành rất ít chỉ tiêu tuyển bổ sung cho các ngành không hấp dẫn như Học viện Tài chính, Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)... năm nay đều phải thông báo tuyển bổ sung với số lượng khá lớn, có những trường thiếu 800-1.000 chỉ tiêu, số lượng thí sinh xác định nhập học chỉ ở mức 50-60%. Nhiều trường phải hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung so với đợt một 5-6 điểm.

Chuyện chúc mừng, nhắn tin, gọi điện thông báo trúng tuyển tới từng thí sinh trước đây chỉ xảy ra với các trường ngoài công lập, nay là công việc mà nhiều trường ĐH lớn phải làm. Một cuộc chạy đua giành giật thí sinh đang thật sự diễn ra. Với thí sinh, thay vì đôn đáo tìm nơi có nhiều cơ hội, các em được cán bộ tuyển sinh liên hệ trực tiếp năn nỉ, gặng hỏi để buộc có một câu trả lời “có” hay “không” nhập học. Các trường còn liên tiếp lùi thời hạn thí sinh đến xác nhận nhập học để không bỏ sót một thí sinh nào.

Các trường tốp trên còn như vậy nên đối với các trường ngoài công lập, trường ĐH do các tỉnh thành lập, “cuộc chiến” giành thí sinh càng khốc liệt hơn nhiều. Hiệu trưởng một số trường ĐH, CĐ trực thuộc một số tỉnh khu vực miền Bắc, Trung bộ cho biết số thí sinh tuyển bằng hình thức xét học bạ chỉ đạt 20-30%, trong khi hi vọng vào nguồn tuyển từ số thí sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia càng mong manh. Có những trường đến nay chưa có một thí sinh nào thuộc diện xét kết quả thi THPT quốc gia xác nhận nhập học.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, với con số gần 400.000 thí sinh đăng ký vào trên 600.000 trường, tình trạng “ảo” mạnh có thể nhìn thấy từ trước. “Ảo” đương nhiên gây khó cho các trường, nhưng liệu có tốt cho thí sinh, đặc biệt tốt cho mục tiêu nâng chất lượng đào tạo của các trường không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng quy chế năm nay là tốt cho thí sinh. Nhưng đại diện nhiều trường ĐH đang cho rằng Bộ GD-ĐT đã và đang vội vã trong việc đổi mới. Ông Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng thay cho “chợ chứng khoán” của năm trước, năm nay cách bộ bí mật thông tin xét tuyển, không cho thí sinh biết mức điểm các hồ sơ đã nộp làm cơ sở nhằm lựa chọn phù hợp mức điểm cụ thể là làm khó cả cho các trường và thí sinh.

Một số hiệu trưởng cho rằng với tình thế năm nay, chưa chắc thí sinh đã hài lòng với lựa chọn của mình như Bộ GD-ĐT nhận định, vì rất nhiều thí sinh để an toàn đã chọn vào ngành mình không thích, trong khi đó ở đợt xét tuyển bổ sung có trường hạ điểm chuẩn tới 5-6 điểm. Những thí sinh có mức điểm cao thì hết cơ hội, còn nhiều thí sinh điểm thấp lại lọt vào những ngành học từng nằm trong tốp đầu. “Sẽ có rất nhiều thí sinh thay vì sống chết với con đường mình mơ ước, đam mê lại sẽ ngả sang những ngã rẽ thuận lợi trước mắt chỉ vì “đủ điểm đỗ”, hoặc do trường hạ điểm chuẩn” - TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tại Hà Nội, nhận xét.

Nếu trước đây nhiều chuyên gia cho rằng “nên nới đầu vào, thắt chặt đầu ra” thì với việc dễ dãi hơn cho “đầu vào” hiện nay có vẻ như hợp quy luật. Nhưng bản chất của dễ dãi này lại nằm ở chỗ khác.

Ai đã lo đầu ra?

Việc ồ ạt thành lập và nâng cấp nhiều trường ĐH của hơn một thập kỷ chỉ tạm chững lại vào năm 2012-2013, nhưng vẫn để lại hệ lụy khi nhìn vào câu chuyện tuyển sinh năm nay. Theo Bộ GD-ĐT, năm 2015 có trên 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia, năm nay chỉ có 887.000 thí sinh (giảm hơn 118.000), trong đó có hơn 286.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (32%). 

Nếu tính cả số thí sinh tự do dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ bằng kết quả thi THPT quốc gia chỉ có trên 600.000 thí sinh.

Trong khi tổng chỉ tiêu của các trường gửi về Bộ GD-ĐT là 647.000. Nếu tuyển “sạch sành sanh” thì các trường vẫn thiếu chỉ tiêu. Với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhằm kiểm soát chất lượng tối thiểu, nguồn tuyển trong năm nay càng ít. Và nếu các trường lấy mục tiêu “tuyển đủ” thay cho “tuyển chất lượng” thì chất lượng đầu vào sẽ giảm, chứ không khởi sắc như Bộ GD-ĐT lạc quan.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT): “Những năm gần đây, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH ổn định, trong khi chỉ tiêu vẫn ngày càng tăng nên nguồn tuyển giảm”. 

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ được xác định căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường (cơ sở vật chất, chất lượng, số lượng giảng viên...) chứ không do Bộ GD-ĐT giao như trước, nên về lý thuyết, điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường tăng, dẫn tới chỉ tiêu tăng.

Thực tế lại không hẳn vậy. Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành đều có từ 1-2 trường, có nhiều tỉnh số trường ĐH thành lập mới và nâng cấp lên tới con số 5-7 trường chỉ trong hơn một thập kỷ qua. 

Trong khi việc kiểm định chất lượng trường ĐH vẫn ì ạch, nhiều trường ĐH đã bỏ qua hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT về quy trình đào tạo, công bố chuẩn đầu ra. Số trường thực hiện quy trình đào tạo có đào thải ở mức chỉ 10-15% cũng tính trên đầu ngón tay. Giải pháp siết chặt quy trình đào tạo, nâng chất lượng đầu ra vẫn buông lỏng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận