Hội sách và... 100 năm

PHAN XUÂN LOAN 20/09/2017 21:09 GMT+7

TTCT - Có thể nói điểm nhấn lớn nhất của hội sách quốc tế thường niên Matxcơva lần thứ 30, diễn ra tại khuôn viên Triển lãm các thành tựu kinh tế quốc dân ở Matxcơva từ ngày 6 đến 10-9-2017 là gian trưng bày mang tên Báo chí 1917.

Một góc thú vị của Báo chí 1917, khi các biếm họa cũ và mới được cùng giới thiệu.-Ảnh: P.X.L.
Một góc thú vị của Báo chí 1917, khi các biếm họa cũ và mới được cùng giới thiệu.-Ảnh: P.X.L.

 Một sự tình cờ của thời gian? Hội sách năm nay diễn ra đúng 100 năm Cách mạng tháng Mười, một cột mốc thời gian và lịch sử quá lớn cho một đất nước để không thể không nhìn lại.

Nhưng trước những biến động thời cuộc hiện nay, ban tổ chức hội sách đã chọn góc nhìn chính về “Báo chí 1917”.

Gian trưng bày là một dự án văn hóa - lịch sử của Hội các nhà xuất bản và Hiệp hội xuất bản và truyền thông đại chúng liên bang, mục đích, như ông Sergey Nikolayevich Moiseyev, chủ tịch Hội các nhà xuất bản, nhận định thời sự có thể được chuyển tải từ nhiều góc nhìn, từ lời kể của dân gian (dễ dàng chủ quan hoặc phiến diện), phản ánh trong văn học nghệ thuật (có sự hư cấu), và trên báo chí.

Báo chí tường thuật bằng con số, bằng sự kiện, khách quan ở mức độ có thể, đồng thời qua cả ngôn ngữ của thời đại và do đó, có thể tạo ra một bức tranh tin cậy.

Trong một gian trưng bày khá rộng ở một hội chợ mà các quầy sách khác phải chen chúc, người xem được giới thiệu những tờ báo “Thương nhân”, “Tin tức” bản gốc của những năm 1917-1920 (và các thương hiệu này vẫn còn được duy trì).

Họ cũng gặp lại các ấn bản biếm như “Бич”, “Барабан” (Tiếng trống) khá sắc sảo mà đến nay đã... tuyệt chủng.

Sự “biến mất” của những tiếng cười chua cay này (kể cả sau này, còn phảng phất ở tờ “Cá sấu” một thời đình đám nhưng cũng đã “qua đời”) phần nào khẳng định những dòng thông cáo báo chí của trưng bày:

Báo chí như tấm gương, như chất xúc tác, như giấy quỳ, như nạn nhân, như một nhân vật hoạt động của vở kịch “cuộc đời””.

Còn lại, hội chợ sách 2017 cũng phản ánh phần nào không khí chính trị xã hội Nga. So với hội sách 2015, hội sách 2017 có gian “Cộng hòa Crưm” chủ yếu trưng bày sách về đất nước, con người - một chi tiết mang dấu ấn chính trị.

Những gian sách nước ngoài ở hội chợ cũng không phong phú hơn những năm trước. Ngoài gian sách của Trung Quốc khá hoành tráng và ầm ĩ, chỉ còn vài gian hàng sách của Hàn Quốc, Ai Cập và Iran, bên cạnh lẻ tẻ một số nước láng giềng và cựu cộng hòa Xô viết như Belarus, Armenia...

Điều còn lại vẫn là dòng người rồng rắn đội mưa chờ mua vé mà như bà Natalia V., một cư dân Matxcơva đã về hưu, cho biết năm nào cũng đi hội sách để “tìm mua sách mới và giao lưu với các tác giả”.

Các cô cậu bé tại gian thiếu nhi (nơi các tác giả truyện thiếu nhi kể chuyện sách và thiếu nhi trình diễn các tiết mục văn nghệ) thì “theo ba mẹ đi chơi và mua sách”.

Sách thiếu nhi Nga vẫn đẹp và đa dạng. Người Nga vẫn đọc. Các cuộc giao lưu sôi nổi giữa các tác giả và người đọc trong cao điểm khai trương ngày 6-9 đã thừa nhận điều đó.

Những bản sách kinh điển được in lại khá đẹp bên cạnh những tác phẩm mới mà các tác giả của chúng đang tìm chỗ đứng trong lòng độc giả qua những cuộc giao lưu ngoài kia, có phần lấn át những bản sách thị trường về làm giàu, làm đẹp đầy rẫy ở những nhà sách bên ngoài. Ấn tượng ban đầu là như thế.■

Giao lưu tác giả - độc giả tại Hội chợ sách quốc tế Matxcơva 2017. -Ảnh: P.X.L.
Giao lưu tác giả - độc giả tại Hội chợ sách quốc tế Matxcơva 2017. -Ảnh: P.X.L.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận