Hội An - Về đâu hồn phố?

KIM EM 09/05/2018 18:05 GMT+7

TTCT - Một người bạn của tôi là một cựu nhà báo người Pháp, đã say mê Hội An như người tình. Nhưng lần trở lại miền Trung mới đây, chị kiên quyết không vào Hội An mà nằng nặc đòi đi Huế. Chị than phiền, Hội An không còn là Hội An nữa rồi.

Không gian nhỏ hẹp của Hội An luôn ken dày du khách cả trên bến lẫn dưới thuyền. Ảnh: K.E.
Không gian nhỏ hẹp của Hội An luôn ken dày du khách cả trên bến lẫn dưới thuyền. Ảnh: K.E.

Phố đã mất đi cái hồn của phố bởi sự xô bồ, náo nhiệt và chật chội. Sự bình yên của Hội An đã mất. Thà không trở lại để đỡ thấy buồn.

Cũng như chị, là đứa con của Hội An, tôi cũng đã buồn bởi Hội An của tôi đã mất dần đi những thứ mà tôi hay gọi là hồn phố. Sự tĩnh lặng của phố đã không còn. Những ngôi nhà cổ dọc theo các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng... trở thành nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê, bán hàng lưu niệm, áo quần may sẵn với hàng hóa bày cả ra lối đi, bán mua huyên náo suốt cả ngày lẫn đêm.

Những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ấy phần lớn đã sang tên đổi chủ. Người tứ xứ về Hội An buôn bán, làm ăn. Chủ nhân của các ngôi nhà cổ ấy, vì nhiều lý do, đã bán hoặc cho thuê cho chủ mới làm ăn, còn họ dạt về ngoại ô sinh sống. Điều hấp dẫn của Hội An đối với du khách năm châu không chỉ là không gian yên bình của phố mà còn vì sự thuần hậu, tử tế của con người Hội An, sự an bình của môi trường xã hội. Song hấp lực ấy đã dần mai một bởi những chủ nhân sinh sống nhiều đời trong các ngôi nhà cổ góp phần tạo nên cái hồn của di sản văn hóa Hội An giờ đã không còn.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại - du lịch Hội An, năm 2017 có 3,2 triệu lượt khách đến tham quan đô thị cổ. Con số này tăng dần đều trong suốt hơn 10 năm qua. Với diện tích khu phố cổ chỉ 0,3km2 nhưng mỗi ngày đón gần 1.000 lượt khách đến tham quan. Có thể thấy rất rõ áp lực của sự phát triển du lịch đè lên không gian nhỏ hẹp của phố cổ Hội An.

Từ sáng sớm đến chiều tối, người đổ về phố như đi trẩy hội. Khi màn đêm buông xuống, sự tĩnh lặng của phố như bị bủa vây trong ánh sáng của những dãy đèn lồng giăng mắc khắp nơi, của hàng quán xôn xao, mời gọi, chèo kéo.

Để phục vụ cho hàng nghìn khách đổ về Hội An mỗi đêm, các hàng quán tìm mọi cách thu hút khách bằng kiểu kinh doanh bất chấp quy định. Chuyện khách bị “chặt chém”, chèo kéo, thậm chí bị đánh đập và cướp tài sản đã là chuyện thường ngày ở phố cổ.

Thống kê cho thấy: năm 2016 Hội An xảy ra 57 vụ vi phạm hình sự thì năm 2017 có 80 vụ, nhiều vụ trong số này là cướp giật, trộm cắp. Thậm chí đã có những vụ đánh nhau đổ máu và du khách nước ngoài phải đâm đơn cầu cứu chính quyền. Cái “nhân tình thuần hậu” đã đi vào ca dao, dân ca của người Hội An xưa giờ đã là quá khứ.

Phố cổ Hội An với những con phố nhỏ chỉ “đi dăm phút đã về chốn cũ” nhưng hằng ngày phải chứa một khối lượng người quá đông nên luôn trong tình trạng chật cứng, quá tải. Đó là ngày thường. Vào lễ, tết, những ngã đường dẫn vào trung tâm phố cổ đều bị tắc nghẽn bởi xe và người. Mỗi ngày, có hàng trăm chiếc xe ca chở khách du lịch trên 50 chỗ ngồi chen chúc đậu đỗ dọc sông Hoài từ Cẩm Hà về đến chùa Cầu tạo nên một sự bức bối, ngột ngạt cho bất cứ ai muốn vào phố. Câu chuyện quy hoạch đậu đỗ xe vào phố cũng là chuyện thời sự ở phố cổ.

Bởi nếu cứ để cho các tài xế xe du lịch muốn đậu đỗ tùy tiện như hiện nay, phố cổ Hội An sẽ như một bãi đậu xe lộ thiên không hơn không kém. Và áp lực đó ngày càng gia tăng khi số lượng khách mỗi ngày đến Hội An một đông hơn.

Không chỉ có phố cổ quá tải, xô bồ mà các điểm du lịch, các làng nghề ven ngoại ô Hội An cũng đang trong tình trạng làm ăn chụp giật. Đã có những lời than phiền, những tiếc nuối về một Hội An không biết gìn giữ tài sản lớn nhất của mình là nếp nhà, nếp ăn ở của người Hội An.

Bên cạnh đó, các dự án xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch có quy mô lớn đang hối hả thi công để đưa vào kinh doanh bất chấp các khuyến cáo của UNESCO về bảo tồn di tích cổ Hội An, bảo tồn di sản văn hóa quý hiếm của nhân loại. Áp lực phát triển du lịch đã làm cho phố cổ Hội An càng thêm mong manh, dễ tổn thương.

Giữ cho Hội An có sức hấp dẫn riêng bằng sự bình yên, hiền hòa vốn có của nó là việc phải làm, đó là sự sống còn của du lịch Hội An. Điều này chỉ có được khi Hội An có một cơ chế riêng để quản lý, điều hành các hoạt động thương mại - du lịch, chứ không phải làm theo kiểu hương ước làng xã như trước nay vẫn làm khi lượng khách đến Hội An mỗi năm vài trăm nghìn lượt như trước đây.

Nếu không kịp thời có những giải pháp cứu Hội An và chấn chỉnh tình trạng phát triển du lịch tự phát và xô bồ như hiện nay, di sản văn hóa thế giới Hội An sẽ chỉ còn trong hoài niệm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận