Hoạt động đối ngoại của Việt Nam: Khởi động lại trong thời khủng hoảng

DANH ĐỨC 27/11/2022 17:23 GMT+7

TTCT - Đông Nam Á "mở cửa lại" về mặt ngoại giao sớm hơn các khu vực khác với các hội nghị thượng đỉnh dồn dập. Bên lề các tụ hội cấp cao, các nước cũng có những hoạt động ngoại giao riêng, mà Việt Nam nổi lên như một ví dụ điển hình.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam: Khởi động lại trong thời khủng hoảng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - Thái Lan ngày 17-11. Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Tất nhiên, mỗi nước có những nhu cầu và mục đích riêng. Các chuyến thăm Việt Nam của các Thủ tướng Đức, New Zealand và các cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Thái Lan hay Việt Nam - Trung Quốc thể hiện điều đó.

Kinh tế vẫn là trọng tâm

Có thể bắt đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong hai ngày 13 và 14-11. David Hutt, trên chuyên san ngoại giao The Diplomat, trong bài viết tựa đề "Đức xây dựng quan hệ với Việt Nam, phòng ngừa bất trắc trước Trung Quốc".

Bài báo được Đài DW 15-11 đăng lại, giải thích rằng mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Scholz là "thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư" khi "Đức đang mong muốn đa dạng hóa lợi ích ở châu Á" và "Việt Nam đang nổi lên như một đầu mối sản xuất thay thế".

Những tính toán đó cũng là dễ hiểu. Tổng đầu tư của Đức vào Trung Quốc, chỉ tính trong một năm là 2020, lên tới 4,5 tỉ euro. 

Ông Scholz nay phải đề phòng những "trục trặc" đầu tư và thương mại ở thị trường tỉ dân và công xưởng của thế giới này, khi Trung Quốc vẫn chưa biết bao giờ mới ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Nhu cầu này nay càng thúc bách hơn trong bối cảnh Đức "phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các mối quan hệ kinh doanh, tương tự phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp năng lượng", theo bài báo nói trên. 

Tác giả trích lời ông Scholz: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào tìm cách tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế thế giới... nhưng cũng phải hiểu rằng toàn cầu hóa có nghĩa là không chỉ chăm chăm vào mỗi một quốc gia".

Trong bối cảnh chung đó, nhu cầu "đa dạng hóa lợi ích ở châu Á" của Đức trùng hợp với nỗ lực tự khẳng định là một trung tâm sản xuất mới cho thế giới của Việt Nam. 

Vì thế, "Thủ tướng Đức đã kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Việt Nam bằng một thông điệp trấn an cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của đất nước này". 

Cụ thể, ông Scholz cho biết Đức muốn thúc đẩy đáng kể thương mại và đầu tư, hỗ trợ Việt Nam khi các công ty phương Tây đang muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. 

Có lý do hợp lý để ông Scholz tính toán như vậy: Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với GDP được dự báo tăng 7,5% trong năm nay và 6,7% vào năm 2023, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Càng hợp lý hơn khi trong các nước EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thương mại song phương trị giá 7,5 tỉ euro vào năm 2021, và 7 tháng đầu năm nay đã là khoảng 7 tỉ euro, mức tăng trưởng lên tới 18,5%. Cũng cần nhắc Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã có hiệu lực từ năm 2020.

Có thể thấy nay là một sự "bắt đầu" mới. Theo ông Scholz, phía Đức đang cần "những điều kiện pháp lý an toàn khi đầu tư vào Việt Nam do lẽ, với doanh nghiệp (Đức) thì đó gần như là thách thức trung tâm trong hoạt động đầu tư của họ". 

Chính vì thế, phải nỗ lực sao cho các doanh nghiệp có thể luôn luôn tin cậy hoàn toàn vào những gì đã thỏa thuận và vào khuôn khổ pháp luật nước sở tại, ông Scholz nhấn mạnh.

Cần nhắc rằng quan hệ Việt - Đức đã ở tầm Đối tác chiến lược từ tận tháng 10-2011 với việc ký kết Tuyên bố chung Hà Nội dưới thời người tiền nhiệm của ông Scholz, bà Angela Merkel, phản ánh sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau lâu dài giữa hai nước. 

Người trực tiếp đảm trách mối quan hệ này, đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược đã có bài viết vào tháng 10-2021 nêu rõ: "Về chính trị, hai bên đã mở ra nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả như Đối thoại chiến lược, Tham khảo chính sách đối ngoại, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học - công nghệ... nhằm tăng cường hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau".

Về kinh tế, ông đại sứ tóm tắt: "Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch hai chiều tăng dần đều trong 10 năm qua. Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỉ USD, với mức tăng trung bình trên 10%/năm. Năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, còn Đức tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU trong nhiều năm qua". 

Trong lĩnh vực đầu tư, Đức đã vươn lên vị trí thứ ba trong EU với 391 dự án còn hiệu lực và tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỉ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 41 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 218 triệu USD.

Nay, sau 11 năm Đối tác chiến lược, quan hệ đã lên một tầm mới, bao gồm cả quan hệ quốc phòng. Lần đầu tiên một khinh hạm của hải quân Đức, chiếc Bayern, đã vào Biển Đông, ghé thăm Việt Nam, cặp bến Nhà Rồng hôm 9-1-2022, rồi diễn tập thông tin liên lạc với hải quân Việt Nam. Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng Việt - Đức đã được ký đồng thời ở Hà Nội và Berlin hôm 10-11 vừa qua.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam: Khởi động lại trong thời khủng hoảng - Ảnh 2.

Tàu Đức Bayern cập bến Nhà Rồng. Ảnh: Duy Linh

Ba lần gặp gỡ cấp cao Việt - Trung

Bắc Kinh ngày 30-10 đánh dấu chuyến thăm cột mốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, nơi ông được đón tiếp trọng thể với tư cách là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm nước này ngay sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc trước đó mới 8 ngày. 

Ngày 11-11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề thượng đỉnh ASEAN và các đối tác ở Phnom Penh. Chỉ 3 ngày sau, 14-11, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại gặp song phương Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC, Bangkok, Thái Lan. 

Đó là một tần suất tiếp xúc song phương có lẽ chưa từng thấy, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang đóng cửa với bên ngoài vì chính sách zero COVID.

Điểm nhấn tất nhiên vẫn là chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng và tuyên bố 13 điểm Việt - Trung sau đó. 

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia láng giềng đông dân, cũng là những nền kinh tế đang tăng trưởng năng động nhất châu Á, là dễ hiểu. Nhưng quan trọng không kém những thỏa thuận thương mại, kinh tế, đầu tư, là quá trình xây dựng lòng tin trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức cho cả hai nước.

Tân Hoa xã ngày 1-11 mô tả một khung cảnh điển hình cho quan hệ song phương: "Ở huyện biên giới phía nam Bằng Tường thuộc thành phố Sùng Tả, khu tự trị người Tráng, Quảng Tây, xe tải và xe container nối đuôi nhau chở trái cây, vật liệu xây dựng, và trang thiết bị công nghiệp chờ vượt qua biên giới Việt - Trung". 

Bài báo nhắc việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung 30 năm trước và nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành đối tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã dẫn tới thương mại tăng nhanh và nhiều hợp tác thực tế cho các địa phương Trung Quốc như Bằng Tường.

Tuy nhiên, trong khi thương mại song phương lần đầu tiên vượt mốc 200 tỉ USD, lên thành 230,2 tỉ USD vào năm 2021, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc còn lớn và ngày một tăng: 54 tỉ USD vào năm 2021. 

Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn nguyên vật liệu thô và máy móc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và các nước khác do chưa sở hữu một mạng lưới chuỗi cung ứng đủ mạnh. Cũng cần lưu ý hướng phát triển của Việt Nam hiện giờ chính là những gì diễn ra ở vùng duyên hải Trung Quốc vài thập niên trước.

Trong chiều sâu của tình hình thế giới năm 2022 với những biến đổi không ngờ, thậm chí có khi làm biến dạng tình hình, từ sung túc dư thừa đột ngột thành thiếu hụt chẳng hạn, chuyện "ăn đạn lạc" hay "bị văng miểng" (collateral damage) đã trở nên "thường tình". 

Mỗi nước do đó có nhu cầu tìm thêm những "luồng lạch" an toàn, hay nạo vét, làm mới những "luồng lạch" sẵn có. Đa dạng hóa các quan hệ để sống còn qua mọi gian nan là yêu cầu của thời khủng hoảng, cho mọi quốc gia.■

Đường lối đối ngoại đa phương và đa dạng của Việt Nam còn thể hiện rõ qua lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang trong phiên họp ngày 17-11 của Đại Hội đồng LHQ, bao gồm yêu cầu hạn chế sử dụng quyền phủ quyết.

Có lẽ cũng là phản ánh nguyện vọng của nhiều nước mới nổi và nam bán cầu, ông Đặng Hoàng Giang nói HĐBA nên được mở rộng ở cả hai nhóm thường trực và không thường trực, các nước đang phát triển cần được đại diện đầy đủ hơn để phản ánh tỉ lệ tương xứng với tổng số thành viên của LHQ.

Phương pháp làm việc phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả, nhanh nhạy và nhạy bén. Việc sử dụng quyền phủ quyết phải được hạn chế và chương trình nghị sự của HĐBA phải được mở rộng và củng cố để phản ánh các vấn đề mới nổi - bao gồm biến đổi khí hậu.

Chuyển sang các cuộc đàm phán liên chính phủ, ông cho rằng quá trình này cần thực chất, có đầy đủ công cụ và phương tiện thảo luận hơn. "Chúng ta đã trải qua đến 14 năm tranh luận về vấn đề này," ông nói thêm, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán cần được tiến hành một cách thiện chí và minh bạch.

Nhân nói về việc sử dụng quyền phủ quyết, có thể mượn tạm 10 vụ phủ quyết gần đây nhất, diễn ra từ ngày 19-9-2019 trong cuộc họp về tình hình Trung Đông tới ngày 30-9-2022 trong cuộc họp về duy trì hòa bình và an ninh tại Ukraine, Nga dẫn đầu với 9 lần phủ quyết, kế đến là Trung Quốc - 5 lần, và Mỹ - 1 lần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận