Hoàng gia Anh: phim "thật" hơn đời

XUÂN TÙNG 20/09/2022 11:16 GMT+7

TTCT - Làm phim về hoàng gia ngay khi nhiều nhân vật liên quan vẫn còn sống tưởng là điều cấm kỵ, nhưng có khá nhiều tác phẩm điện ảnh về Nữ hoàng Elizabeth II, vương triều và hoàng tộc Anh. Thậm chí, series truyền hình dài kỳ The Crown (Hoàng quyền) còn khắc họa hoàng gia "thật" hơn thực tế.

Hoàng gia Anh: phim thật hơn đời - Ảnh 1.

The Crown mùa 4, bối cảnh những năm 1980. 2 ảnh trái: Emma Corrin trong vai Diana, Josh O’Connor trong vai Charles, và Olivia Colman vai Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh phải: Gillian Anderson đóng vai Margaret Thatcher. Ảnh: Alex Bailey / Netflix; Des Willie / Netflix

Khi Nữ hoàng Anh qua đời ngày 8-9, The Crown đã có lịch khởi chiếu mùa thứ 5 vào tháng 11 trên Netflix, và đang quay tiếp mùa 6. Trong ngày nhận tin buồn, đoàn làm phim tuyên bố tạm ngưng việc ghi hình để tỏ lòng kính trọng với nguyên mẫu nhân vật chính. 

Tuy nhiên, việc tạm dừng này chỉ kéo dài một ngày; phóng viên báo Metro cho biết đã thấy các diễn viên trở lại bối cảnh quay ở khách sạn The Savoy (London) ngày 10-9. Kế hoạch khởi chiếu mùa 5 cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Nửa hư nửa thực

Nhìn vào các con số, có thể thấy sức hút của The Crown là không thể chối bỏ: bốn mùa phim đã phát sóng kể về quãng thời gian trị vì của Nữ hoàng Anh từ thập niên 1950 đến 1980, thu hút 73 triệu lượt xem trên toàn cầu tính từ khi tập đầu tiên khởi chiếu tháng 11-2016. Danh tiếng của bộ phim cũng tăng dần qua từng mùa trước khi đạt tới đỉnh điểm là thắng lợi vang dội ở giải Emmy 2021 - giật trọn bộ bảy giải thưởng lớn cho dòng phim chính kịch.

Được biết đến là một trong những series phim truyền hình đắt đỏ nhất mọi thời đại, với phục trang, bối cảnh và hiệu ứng đạt ngang tầm bóng bẩy của hoàng tộc ngoài đời thực, khán giả say mê phim sẽ rất dễ tưởng nhầm các tình tiết trong phim với sự thật lịch sử. Tuy vậy, The Crown vẫn là một series lịch sử có yếu tố hư cấu, với một lằn ranh mờ ảo giữa thực tế và hư cấu.

Các mốc thời gian bị tráo đổi thường xuyên, các tình tiết được phóng đại và các cuộc trò chuyện hầu hết đều là tưởng tượng. Danh sách các yếu tố "thêm mắm dặm muối" trong phim được tạp chí Readers’ Digest liệt kê dài dằng dặc, từ việc Nữ hoàng từng có tình cảm ngoài luồng với người bạn thân Porchie (hoàn toàn dựa trên đồn đoán), việc chồng bà - Hoàng thân Philip - đuổi một con voi rừng ở Ấn Độ đi chỉ bằng ánh mắt (hoàn toàn hư cấu), thậm chí giới thiệu các nhân vật giả tưởng như Venetia Scott ở mùa 1.

Với một kịch bản viết "phóng tay" dựa trên cuộc đời của một gia đình phức tạp, có nhiều thành viên vẫn còn sống hoặc chỉ mới qua đời, các biên kịch của The Crown mang trên mình hai gánh nặng: Phim vừa phải đủ kịch tính và thú vị nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố "ngoại giao" với hoàng tộc Windsor.

Giải pháp của biên kịch chính Peter Morgan đưa ra là trung thành với cảm xúc của nguyên tác thay vì bám chấp vào sự kiện lịch sử. "Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tái tạo những chất liệu của từng thời kỳ. Có một số người quan ngại về tính chính xác của các sự kiện lịch sử trong phim, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải truyền tải đúng được tinh thần của từng nhân vật cũng như gia đình hoàng gia" - Robert Lacey, cố vấn lịch sử của phim, cho biết.

Có lẽ thật vậy, đôi khi tiến vào địa hạt của tưởng tượng và hư cấu lại có thể giúp tiến gần hơn với cái gọi là "sự thật" - nhất là những câu chuyện sử đằng sau tấm màn rủ, nơi các sử gia run tay không dám viết vì sợ khi quân phạm thượng.

Hoàng gia Anh: phim thật hơn đời - Ảnh 2.

Các diễn viên vào vai Nữ hoàng Elizabeth II trong The Crown. Từ trái qua: Imelda Staunton (mùa 5), Claire Foy (mùa 1, 2), Olivia Colman (mùa 3, 4). Ảnh: ScreenRant

Hình ảnh "con người hơn" của hoàng gia

Với phần đông khán giả, sức hút lớn nhất của The Crown nằm ở khả năng khiến các thành viên hoàng gia Anh "con người" hơn thay vì xa cách công chúng và kín tiếng với truyền thông, dù vẫn xuất hiện hằng ngày trên báo chí.

Theo cây viết Zoe Willams của tờ The Guardian, hình ảnh của hoàng gia Anh trong thực tế vốn đã mang ít nhiều màu sắc "không thực" - từ việc hạn chế đưa ra ý kiến cá nhân đến các bài phỏng vấn, các tour làm từ thiện được tính toán kỹ lưỡng với truyền thông. Vì vậy, khi The Crown điểm thêm các tình tiết cho câu chuyện hoàng gia, công chúng bỗng có thêm một cái nhìn khác về hoàng tộc: Họ có mục tiêu, có khiếm khuyết, có thách thức cần phải vượt qua, cũng vì thế mà trở nên trọn vẹn và dễ đồng cảm hơn rất nhiều.

Lấy ví dụ, mùa phim thứ ba cho khán giả cái nhìn sâu hơn vào nhân vật Công chúa Margaret (1930-2002), một thành viên luôn đứng ngoài lề và không có vị thế cụ thể trong hoàng tộc, khiến người xem dễ dàng đồng cảm. Nữ hoàng Elizabeth II cũng hiện lên với cả sự mạnh mẽ lẫn yếu mềm trong tập 3 mùa 3, khi phải giữ trọn cương vị vai trò lãnh đạo sau thảm kịch bùn than ở Aberfan.

Ở chiều ngược lại, một số nhân vật hoàng gia có lẽ sẽ không vui lắm khi nhìn thấy câu chuyện bản thân được tái hiện trên The Crown. Một trong số đó là Vua Charles III cùng mối quan hệ đầy tai tiếng với người vợ hiện tại Camilla - mặc cho nỗ lực của các nhà làm phim nhằm kể lại mối quan hệ như một mối duyên tiền định.

Với hầu hết dân chúng Anh, Charles được biết đến qua cuộc hôn nhân đầu tiên đầy sóng gió với Công nương Diana, cũng như mối quan hệ ngoài luồng với Camilla xảy ra cùng lúc. Dù kịch bản có viết cẩn thận ra sao, bộ phim cũng sẽ chỉ nhắc cho công chúng nhớ về "tội trạng" của Charles với người công nương được toàn thế giới yêu mến. "Charles trong khoảnh khắc này là một ví dụ sinh động về bạo lực ngôn từ trong một mối quan hệ" - một khán giả YouTube bình luận về trích đoạn Charles và Diana cãi cọ về Camilla trong The Crown. Hàng ngàn người xem khác đã ấn "like" đồng tình, dù lời thoại trong phim hoàn toàn là giả tưởng.

"Cách đưa tin của báo chí Anh về gia đình hoàng gia luôn có sự tàn nhẫn nhất định. Nữ hoàng thường được buông tha, nhưng Meghan [vợ hoàng tử Harry, nhân vật được coi là "cừu đen" của hoàng gia Anh], đã bị bầm giập bởi nanh vuốt của báo chí. Bộ phim The Crown đã tinh tế nhắc chúng ta rằng họ cũng là con người.

Robert Lacey (cố vấn lịch sử)

Hoàng gia Anh: phim thật hơn đời - Ảnh 5.

Công chúa Margaret trên phim (Vanessa Kirby) và đời thật. Ảnh: Netflix, Getty Images

Hoàng gia có xem không?

Trên thực tế, diễn biến có phần hư cấu của câu chuyện Charles - Diana - Camilla trong mùa phim thứ ba đã gây nên một làn sóng phản ứng trái chiều trên truyền thông Anh. Hàng loạt câu hỏi về tính chính xác của tình tiết, lời thoại được đặt ra. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất, cũng khó trả lời nhất: Các đại diện hoàng gia có xem The Crown hay không?

"Nghĩ mà xem, nếu là thành viên hoàng gia, bạn chẳng được gì khi xem thứ này. Nó sẽ chỉ khiến bạn bực bội" - Valentine Low, một cây viết chuyên về vấn đề hoàng gia cho tờ The Times of London, nhận định. Trên truyền thông chính thống, các gương mặt hoàng tộc chưa có bất kỳ một phát ngôn chính thức nào về phim. Mọi nguồn tin từ Buckingham khi được hỏi về The Crown đều trả lời "Tôi không biết [về phim], và nếu biết, tôi cũng không thể nói cho quý vị".

Dù vậy, người hâm mộ hoàng gia luôn sẵn sàng lùng sục, tìm kiếm những chỉ dấu nhỏ nhất cho thấy nhà Windsor đã xem (hoặc chưa xem) The Crown. Kết quả: Một số nguồn tin nội bộ cho biết Nữ hoàng Elizabeth II khá hài lòng với mùa phim đầu tiên, nhưng không ưng thuận lắm với mùa thứ hai.

"Nữ hoàng hiểu rằng nhiều khán giả coi The Crown như một tái hiện chính xác về hoàng tộc và bà không thể thay đổi chuyện ấy. Tuy nhiên, Nữ hoàng cũng không vui vẻ lắm khi thấy Hoàng thân Phillip được mô tả như người cha cộc cằn, không quan tâm đến tâm lý của con trai", cây bút Adam Helliker của tờ The Express dẫn lời một cận thần của Nữ hoàng.

Có lẽ không khó hiểu khi Charles, khi còn là Thân vương xứ Wales, không có ý định xem The Crown - theo lời vài người bạn của ông. "[Charles] đã từ chối xem The Crown, thậm chí còn giữ khoảng cách nhất định với hình tượng trên phim" - Victoria Ward viết trên báo Telegraph.

Tuy vậy, với cương vị một tổ chức có kinh nghiệm xử lý truyền thông qua nhiều thập niên, hoàng gia Anh hiểu hơn ai hết tác động mà The Crown đang nắm giữ lên bộ mặt đại chúng của họ. Trong thời điểm hiện tại, khi Hoàng tử Andrew dính cáo buộc lạm dụng tình dục, chưa kể gia đình Meghan-Harry đưa ra nhiều cáo buộc phân biệt chủng tộc trong hoàng gia, thì nền quân chủ Anh vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân với 62% tán đồng, theo thăm dò của YouGov vào tháng 6, trùng với lễ kỷ niệm bạch kim của Nữ hoàng.

"Series phim của Peter Morgan đã mang khán giả lại gần hơn với hoàng gia mà không làm thuyên giảm các phẩm chất của gia đình này. Một thể chế khó tưởng tượng nay đã trở nên thật hơn và từ đó, niềm tin và lòng trung thành với hoàng gia cũng tăng theo" - Lacey cho biết.■

1470076

Diễn viên Imelda Staunton trong vai Umbridge (ảnh nhỏ) và vai Nữ hoàng.

Khác với hầu hết phim truyền hình thông thường, The Crown sẽ thay toàn bộ dàn diễn viên sau mỗi hai mùa để đảm bảo ngoại hình và cung cách của nhân vật được trùng khớp với tiến trình thời gian trong phim. Cuối năm ngoái, trang Facebook chính thức của phim đã hé lộ diễn viên mới sẽ đảm nhận vai Nữ hoàng Elizabeth trong mùa 5: Imelda Staunton - người từng gây ấn tượng sâu đậm với khán giả trẻ với vai diễn hiệu trưởng hắc ám Dolores Umbridge trong series phim Harry Potter.

Cũng vì vào vai quá thành công nên khán giả vẫn chưa thể quen được Staunton trong vai diễn mới - họ vẫn thấy "mụ Umbridge phản diện" trong bộ đồ Elizabeth, chứ vẫn chưa phải là Nữ hoàng Anh. Như một người dùng Facebook cảm thán: "Tôi sẽ cứ nhớ đến Umbridge mà ghét luôn vai diễn này của Staunton mất". Dân mạng cũng mặc sức trêu chọc sự lựa chọn này: "Umbridge đã trốn khỏi Viện Hogwarts để trở thành nữ hoàng" hay "[Umbridge] đã bước lên một tầm mới sau cuộc chiến phép thuật [ở phần kết Harry Potter]… Tôi còn tưởng cô ta vẫn bị giam ở Azkaban cơ đấy".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận