Họ tưởng chúng tôi là con nít

TƯỜNG ANH 25/08/2022 06:17 GMT+7

TTCT - Hơn 1.000 tác phẩm văn học đã bị đưa khỏi chương trình hoặc loại khỏi danh sách đọc bắt buộc của sinh viên nhiều đại học Anh.

Họ tưởng chúng tôi là con nít - Ảnh 1.

Hơn 1.000 tác phẩm văn học đã bị đưa khỏi chương trình hoặc loại khỏi danh sách đọc bắt buộc của sinh viên nhiều đại học Anh. Trong số này có các kiệt tác của William Shakespeare, Charles Dicken, Jane Austen, Charlotte Brontë… và cả của những tác giả hiện đại mà sách của họ vừa được vinh danh, theo tường thuật hôm 10-8 của The Times.

"Họ nghĩ chúng tôi là con nít…"

The Times gởi khoảng 300 yêu cầu khảo sát (dựa trên Đạo luật tự do thông tin) tới gần 140 đại học Anh. Kết quả, có 10 trường đại học, trong đó 3 trường thuộc nhóm tinh hoa Russell, đã rút một số sách khỏi chương trình học hoặc biến chúng thành tùy chọn. Là vì họ cho rằng các tác phẩm này có thể gây lo lắng hoặc làm tổn thương sinh viên bởi nội dung "thách thức" của chúng. Nhiều cuốn sách bị khuyến cáo gây "tác động tiềm ẩn lên tâm lý và cảm xúc" người đọc.

Đại học Scotland đưa ra cảnh báo về các tác phẩm kinh điển của Shakespeare, bao gồm A midsummer night’s dream, do "chủ nghĩa giai cấp" của nó và The classic fairy tales do mô tả "sự tàn ác và cái chết của động vật".

Cuốn sách viết về chế độ nô lệ The Underground Railway của Colson Whitehead - từng được cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và ngôi sao truyền thông Oprah Winfrey hoan nghênh nhiệt liệt - cùng chung số phận. Cuốn sách đoạt giải Pulitzer 2017 nhờ "kết hợp bạo lực của chế độ nô lệ cùng với bi kịch chạy trốn vào một huyền thoại về nước Mỹ đương đại", giờ đây bị Đại học Essex loại khỏi danh sách vì "mô tả bạo lực và nạn lạm dụng nô lệ".

Tương tự, sinh viên khoa sử của Đại học Exeter có thể không đọc The History of Mary Prince, một cuốn sách khác về chế độ nô lệ, bởi nó có "các tư liệu về phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và bạo lực cực đoan". Sinh viên sử Đại học Lancaster có thể bỏ qua cuốn The Diary of Thomas Thistlewood vì "những chi tiết liên quan đến các cuộc tấn công tình dục và bạo lực cực đoan". Cuốn sách là nhật ký 14.000 trang của tác giả người Anh Thomas Thistlewood, cung cấp chi tiết về tác giả như một chủ nô ở Jamaica những năm 1800 với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đồn điền và quan hệ chủ nô.

The Times bình luận: việc kiểm duyệt đọc liên quan tới nội dung tác phẩm là chuyện lần đầu tiên xảy ra tại các đại học Anh. Nữ sinh 22 tuổi Elizabeth McGregor, đang theo học phần khởi đầu một tiểu thuyết tại Đại học Essex, than phiền khi nghe tin The Underground Railway không nằm trong danh sách bắt buộc đọc: "'Đã nhiều lần chúng tôi được bảo rằng có thể đọc hoặc không đọc một tác phẩm nếu chủ đề là về chủng tộc, nô lệ hoặc giới tính... Họ tưởng chúng tôi là con nít và nâng niu chúng tôi".

Người phát ngôn Đại học Essex cho biết The Underground Railway "chỉ bị lấy ra khỏi danh sách đọc, một phần vì có cuốn khác phù hợp hơn với mục đích học tập", nhưng với những sinh viên có nhu cầu, cuốn sách vẫn có trong thư viện trường.

Daina Ramey Berry, một chuyên gia về chế độ nô lệ tại Đại học California, cho biết bà lo ngại về "mong muốn hạ thấp, tẩy uế, làm dịu đi lịch sử nô lệ", trong khi theo bà, cần phải đọc những tác phẩm như vậy. Bà nói với tờ The Times: "Có những người thực sự đã làm những điều tàn bạo này. Điều quan trọng là mọi người phải biết những chuyện này đã xảy ra và những con người đó tồn tại".

Họ tưởng chúng tôi là con nít - Ảnh 2.

Tác giả Colson Whitehead và quyển The Underground Railway. Ảnh: Getty

"Thế hệ covid" kém khoan dung hơn "thế hệ Brexit"

Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà các đại học Anh "nuông chiều" sinh viên. The Times kể Đại học Sussex đã rút vở kịch Miss Julie khỏi học phần văn học do tác phẩm thảo luận về tự tử. Quyết định được nhà trường đưa ra sau khi sinh viên phàn nàn về "tác động tâm lý" và "cảm xúc" tiềm ẩn mà tác phẩm mang đến.

The Times cũng kể lại câu chuyện của Jack Ross, người từng là chủ tịch Hội Sinh viên Bảo thủ Sussex trước khi tốt nghiệp năm 2019. Ross kể có một giáo sư "giảng cho cả lớp rằng chiến tranh Iraq xảy ra vì người da trắng muốn giết người da màu, vậy mà không ai nói lại ông ấy". Ross kể thêm: 'Khi một giảng viên khác mô tả Israel là những kẻ xâm lược, tôi giơ tay phát biểu rằng tình hình phức tạp hơn thế và thầy bắt đầu khóc. Tôi thấy mình đành phải đóng kịch để đạt điểm cao".

Nhà triết học Kathleen Stock đã từ chức giáo sư Đại học Sussex vào năm ngoái sau khi bị phản ứng dữ dội về quan điểm của bà liên quan đến tình dục và giới tính, khiến bà bị dán nhãn là kẻ bài chuyển giới.

Trả lời The Times, một người phát ngôn của Sussex cho biết mỗi khóa học sẽ có phần đọc tùy chọn và bắt buộc. "Chúng tôi luôn khuyến khích tư duy phản biện và tranh luận mạnh mẽ trong lớp học…, bất kể khó khăn như thế nào, nhưng mặt khác chúng tôi phải đảm bảo hỗ trợ sức khỏe (tinh thần) của sinh viên".

Tại một đại học Anh khác, Nottingham Trent, các sinh viên khoa Pháp từ nay không cần phải nghiên cứu tạp chí Charlie Hebdo gây tranh cãi, sau khi nó bị gắn nhãn "phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, cố chấp và cấm đoán Hồi giáo". Ấn phẩm châm biếm này đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo tấn công năm 2015 do bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Trường đại học xác nhận với The Times rằng quyết định của họ về tạp chí là "vĩnh viễn".

Theo quan sát của The Times, việc rút một số đầu sách khỏi danh sách đọc cho thấy sinh viên đại học đã trở nên kém khoan dung hơn trong 6 năm qua. Cuộc thăm dò 1.000 sinh viên do Viện Chính sách giáo dục đại học (Anh) thực hiện chỉ ra rằng "thế hệ Covid" muốn có nhiều hạn chế về tự do ngôn luận hơn những người tiền nhiệm của họ (trưởng thành vào khoảng thời gian diễn ra cuộc trưng cầu Brexit).

Hơn 1/3 những người được thăm dò (36%) cho rằng các học giả nên bị sa thải nếu "tư liệu họ dạy xúc phạm nặng nề đến một số sinh viên". Lần khảo sát tương tự hồi năm 2016 của nhóm nghiên cứu cho thấy con số này chỉ là 15%.

76% cho rằng các trường đại học nên "loại bỏ" các đài tưởng niệm các nhân vật gây tranh cãi, chẳng hạn tượng Cecil Rhodes tại Đại học Oriel Oxford, tăng so với 51% trước đó. Trong khi đó, 39% tin rằng hiệp hội sinh viên nên "cấm tất cả những người phát biểu gây xúc phạm" - cao hơn gấp đôi so với 16% vào năm 2016. 86% ủng hộ gắn cảnh báo về nội dung khóa học, tăng so với 68% trước đó. Sinh viên cũng kém khoan dung hơn đối với các chính trị gia chính thống, với 11% muốn cấm Đảng Tory (Bảo thủ) khỏi khuôn viên đại học - tăng từ 6%.

Trước tình hình những đòi hỏi "sự đúng đắn chính trị" gia tăng, Bộ trưởng Michelle Donelan cho biết các nhà lãnh đạo đại học "phải thực hiện các bước tích cực để chống lại thái độ thiếu khoan dung này trong khuôn viên trường, thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận".

Liz Truss, người đang chiến đấu với đối thủ Rishi Sunak cùng Đảng Bảo thủ với mình để trở thành thủ tướng Anh tiếp theo, đã cáo buộc các trường đại học Anh "bảo trợ" và "quá chiều chuộng" sinh viên, cho rằng một nền giáo dục tốt cần được củng cố bởi tự do ngôn luận.

Họ tưởng chúng tôi là con nít - Ảnh 3.

Ảnh: booksthatmatter.co.uk

Những cuốn sách "tội tình"

Việc từ bỏ đọc một cuốn sách, hay loại nó khỏi cuộc chơi, không có nghĩa những điều cuốn sách mô tả hoặc cảnh báo không tồn tại và người đọc sẽ không phải chạm trán với nó trong đời. Nói như nữ Ngoại trưởng Anh Liz Truss: "Cuộc sống thực không đi kèm một lời cảnh báo nội dung, có cố cách mấy chúng ta cũng không thể bảo vệ mọi người khỏi những suy nghĩ dày vò trong suốt cuộc đời của họ".

Lịch sử đã chứng kiến nhiều cơn sóng trào kiểm duyệt mà cuối cùng những kẻ cấm đoán đã ra đi và kiệt tác thì sừng sững ở lại. Năm 1999, các tác giả Margaret Bald, Alexei Evstratov, Nicholas J. Karolides, Don B. Sova từng tổng hợp danh sách "100 cuốn sách bị cấm: Lịch sử kiểm duyệt của văn học thế giới". Một số đầu sách này có thể làm bạn ngạc nhiên khi biết nó từng bị cấm.

1/ Túp lều bác Tom của Harriet Beecher Stowe, xuất bản ở Mỹ năm 1852. Cuốn tiểu thuyết có nhiều nội dung chống lại nhà thờ, nhưng quan trọng nhất là về chế độ nô lệ khiến nó bị cấm, bởi "làm sao một quốc gia ủng hộ bình đẳng lại có thể ủng hộ việc 5 triệu người bị sỉ nhục và bị ép làm việc cho những ông chủ giàu có".

2/ Mặt trận phía Tây yên tĩnh của Erich Maria Remarque, xuất bản lần đầu 1928 tại Đức. Cuốn sách bị coi là "một sự sỉ nhục đối với những người theo chủ nghĩa xã hội quốc gia" và bị cấm ở Đức, Áo, Tiệp Khắc, Ý.

3/ 1984 của George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1949 tại London (Anh), bị cấm vì mô tả chủ nghĩa cộng sản méo mó, bị coi là vô đạo đức và báng bổ.

4/ Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak, xuất bản lần đầu năm1957 tại Ý. Các mô tả cuộc cách mạng Bolshevik trong cuốn sách khiến Liên Xô gọi tác phẩm là "phản cách mạng và vu khống".

5/ Giết con chim nhại của Harper Lee, xuất bản đầu tiên năm 1960 tại New York (Mỹ). Cuốn sách nêu vấn đề phân biệt chủng tộc. Sau khi được đưa vào danh sách đọc bắt buộc ở nhiều trường đại học Mỹ, một số nhóm hoạt động đã vận động cấm cuốn sách.

6/ Bắt trẻ đồng xanh của Jerome D. Salinger, xuất bản lần đầu năm 1951 tại Mỹ. Cuốn sách bị một số trường học Mỹ cấm vì "ngôn ngữ tục tĩu và nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên".

7/ Của chuột và người, tác giả John Steinbeck, xuất bản lần đầu năm 1937 tại Mỹ. Cuốn sách bị cấm ở Ireland do "nội dung tục tĩu, báng bổ".

8/ Lolita của Vladimir Nabokov, xuất bản lần đầu năm 1955. Cuốn sách bị cho là khiêu dâm và bị cấm ở Pháp, Argentina và New Zealand. Tuy nhiên, Hoa Kỳ coi cuốn sách là xứng đáng và cho phép lưu hành.

9/ Khổ vì trí tuệ của Alexander Griboyedov, xuất bản lần đầu năm 1825. Tác giả bị bắt trong vụ án chính trị "Những người tháng Chạp", cuốn sách bị cấm vì "những gợi ý về âm mưu của "Những người tháng Chạp".

10/ Oliver Twist của Charles Dickens, xuất bản lần đầu năm 1838 tại Anh. Nhân vật của cuốn sách, một người Do Thái già và độc ác, đã gây phẫn nộ cho những người Do Thái ở New York, họ đòi cấm vì cuốn sách "kêu gọi căm thù người Do Thái"….■

10 trong hơn 1.000 tác phẩm bị loại khỏi chương trình học hoặc bắt buộc đọc ở một số đại học Anh.

Loại bỏ:

The Underground Railway của Colson Whitehead, Đại học Essex. Lý do: "mô tả bằng hình ảnh về bạo lực và lạm dụng nô lệ".

Miss Julie của August Strindberg, Đại học Sussex. Lý do: "bàn luận về tự tử'.

Cảnh báo nội dung hoặc tùy chọn không đọc:

Giấc mộng đêm hè của William Shakespeare, ĐH Aberdeen. Lý do: "nội dung chủ nghĩa giai cấp".

Romeo & Juliet của William Shakespeare, Đại học Essex. Lý do: "vì bạo lực giữa các gia đình, cưỡng ép hôn nhân, giết người, tự sát".

1984 của George Orwell, Đại học Greenwich. Lý do: "chứa hành vi tự làm tổn thương bản thân, tự sát, đối xử tàn ác với động vật".

The Green Road của Anne Enright, Đại học De Montfort. Lý do: "kỳ thị người béo".

The History Of Mary Prince của Mary Prince, Đại học Exeter. Lý do: "vì tư liệu về phân biệt chủng tộc, nô lệ và bạo lực cực đoan".

Glainne của David Eyre, Đại học Glasgow. Lý do: "bạo lực tình dục/hiếp dâm".

A Diary in the Strict Sense of the Term của Bronislaw Malinowski, Đại học Sussex. Lý do: "vì các vấn đề phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và định kiến chống phụ nữ".

Mentoring của Susan Wallace và Jonathan Gravells, Đại học Wrexham. Lý do: "vì một số nội dung không thích hợp liên quan những người chuyển giới hoặc không phải nhị giới".

(Nguồn: Dailymail.co.uk)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận