“Hồ sơ Panama” từ báo chí Nga

DUY VĂN 19/04/2016 17:04 GMT+7

TTCT - Một tuần đã trôi qua kể từ khi tờ Süddeutsche Zeitung số 3-4-2016 cùng nhiều tờ báo trên thế giới nêu ra trong “Hồ sơ Panama” tên tuổi nhiều chính khách và hơn 500 ngân hàng dính vào vụ trốn thuế nhờ 15.600 công ty ma do Mossfon (Mossack Fonseca) thành lập và quản lý.

Tổng thống Putin (phải)
Tổng thống Putin (cầm micro)


Một trong những nguyên thủ xuất hiện nhiều nhất trên báo chí phương Tây liên quan đến “Hồ sơ Panama” là Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù trong toàn bộ hồ sơ không thấy xìcăngđan nào dính dáng trực tiếp đến ông.

Lý do ông Putin lên bìa báo là bởi “một người bạn của Putin, nhạc sĩ người Saint Petersburg Sergey Roldugin, là đồng sáng lập một chuỗi các công ty dính dáng tới Ngân hàng Rossiya và các công ty của cố lãnh đạo Gazprom A. Lesin”.

Trên thế giới đã có nhiều nhân vật tai to mặt lớn phải trả giá cho “Hồ sơ Panama”. Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson phải từ chức hôm 5-4 vì giấu nhẹm công ty ma Wintris Inc., dù luật nghị viện Iceland đòi phải kê khai cổ phần trên 25% trong một doanh nghiệp khi ứng cử quốc hội.

Thủ tướng Anh David Cameron bị kêu gọi từ chức do đã hưởng cổ tức từ một công ty trốn thuế do người cha quá cố của ông lập nên, dù đã bán hết cổ phần sau khi lên làm thủ tướng năm 2010... Tuy nhiên, ở Nga dư luận xoay quanh “Hồ sơ Panama” tương đối im ắng.

Sao các ngài đưa tin ít vậy?

Đó là thắc mắc do đại biểu Đuma Nga Dmitri Gudkov đặt ra cho Thông tấn xã Nga TASS và Hãng tin RT. Ông Gudkov viết trên tài khoản Facebook của mình: “Đề nghị TASS và RT giải thích nguyên nhân về việc đưa tin ngắn gọn và không đầy đủ về cuộc điều tra của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ)...

Có thể ai đó đùa rằng “chỉ 2 tỉ USD thôi mà” (ý chỉ số tiền giao dịch mà ông Roldugin đã thực hiện qua các công ty trốn thuế), nhưng dù sao vẫn rất khó giải thích về 2 tỉ USD đó khi một người, chẳng hạn như một thủ thư ở Kaluga, sống chỉ với đồng lương 10.000 rúp/tháng (gần 150 USD)”.

Tờ Kommersant cắc cớ đem câu hỏi này sang RT thì được tổng giám đốc RT Dmitri Kiselev trả lời là họ “không thảo luận chính sách biên tập của đài với ngài đại biểu”, còn tổng giám đốc TASS Sergei Mikhailov nói TASS “đã đưa tin đúng đắn”, và ông chưa nhận được thắc mắc của Gudkov nhưng cũng “không hứa sẽ trả lời”.

Chủ tịch Ủy ban Đuma Nga về chính sách thông tin Leonid Levin nói Đuma Nga “không thể can thiệp vào chính sách biên tập của các phương tiện truyền thông Nga, cả nhà nước lẫn tư nhân!”.

Thật ra Nga đã phản ứng ngay sau khi “Hồ sơ Panama” được tung ra, qua lời của thư ký báo chí tổng thống Nga Dmitri Peskov cho rằng tài liệu này “không phải là không thiên vị” và “phương Tây đã gây sốc bởi nạn dịch bài Putin”.

Tuy nhiên, câu giải thích của phó chủ tịch phái Dân chủ tự do trong Đuma Nga Igor Lebedev có lẽ sẽ giải tỏa phần nào thắc mắc của công chúng nói chung, người cho rằng “phản ứng chỉ nên có một, đó là không phản ứng gì! Không đúng khi đi biện bạch cho những cuộc điều tra được nêu (trong hồ sơ) về các quan chức; văn phòng tổng thống không phản ứng và họ làm vậy là đúng”.

Còn người Nga nói chung cũng không quá quan tâm lắm đến “Hồ sơ Panama”, theo các kết quả thăm dò do các trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội uy tín Nga công bố.

Ví dụ phó giám đốc Trung tâm Levada, Alexei Grashdankin, nói ông nghi ngờ khả năng những tài liệu này tác động được đến quan hệ giữa công dân Nga với chính quyền, vì “về nạn tham nhũng trong nước Nga thì mọi người đã biết”.

Trong khi người đứng đầu Quỹ “Ý kiến xã hội” Alexander Oslon hứa sẽ làm sáng tỏ vấn đề qua cuộc thăm dò “Những sự kiện nào trong tuần khiến bạn chú ý”, thì nhà khoa học chính trị Stepan Lvov tin rằng dân Nga tiếp nhận thông tin về các công ty ở nước ngoài như một cuộc tuyên truyền chống tổng thống Nga, bởi từ hôm 28-3, bộ phận báo chí của phủ tổng thống đã cảnh báo sắp có một đợt tấn công thông tin nhắm vào ông Putin!

Vì thế, trước những cáo buộc nêu tên ông Putin nhưng không một bằng chứng nào đi kèm để khẳng định các cáo buộc này, ông Peskov đã mỉa mai đây là “các bài tập tuyên truyền thông tin” và rằng “thú thật chúng tôi chờ đợi những kết quả chuyên nghiệp hơn từ công việc của hiệp hội này”.

Ông cũng giải thích chính tinh thần bài Nga là lý do vì sao “trong tài liệu đề cập đến các nguyên thủ, lãnh đạo các nước nhưng hình thì lại đăng toàn ảnh Putin”. Nói tóm lại, thái độ của phía Nga có thể đúc kết trong mấy từ: Tại sao chúng tôi phải mắc công đi phản ứng cho những thông tin còn không có chứng cứ?

Dù cuối cùng, Tổng thống Nga V. Putin ngày 7-4 đã tuyên bố chính thức tại một diễn đàn công dân ở Saint Petersburg: những cáo buộc của ICIJ nhắm vào bạn bè ông đến nay vẫn không có cơ sở pháp lý, và rằng ông tự hào về những người bạn như Roldugin, và “hầu như toàn bộ tiền có được, ông Roldugin đã dùng để mua các nhạc cụ đắt tiền từ nước ngoài về”. Tiền từ đâu ra? Ông Putin giải thích: “Nhiều nhà sáng tạo ở Nga kinh doanh thêm, hầu như cứ hai thì có một làm kinh doanh, theo tôi biết. Sergey Pavlovich (Roldugin) cũng vậy. Ông ta là cổ đông nhỏ ở một trong các công ty của chúng ta và kiếm được tiền ở đó, nhưng không phải là hàng tỉ đôla. Không có chuyện gì như thế!”.

ICIJ cho biết “Hồ sơ Panama” nói Roldugin sở hữu một số công ty, trong đó có Sandalwood nổi tiếng có liên quan tới các hoạt động của các chi nhánh Ngân hàng Rossiya (trong đó ông Rodulgin sở hữu ít nhất 3% cổ phần). Tổng số giao dịch đi qua chuỗi công ty này được ICIJ ước tính khoảng 2 tỉ USD. Ngoài ra, ICIJ phát hiện các hợp đồng của Sandalwood (đã bị thanh lý từ năm 2013) với công ty của cố chủ sở hữu “VideoInternational” Mikhail Lesin là Gloria Market.

Tuy nhiên, theo bình luận của nhà báo Nga thuộc tờ Kommersant Dmitri Burtin, “tính chất các hoạt động của công ty này không có vẻ là tội phạm, cũng như những hợp đồng được ICIJ mô tả năm 2008 của Sandalwood với KamAZ”.

Nói chung, theo tờ báo này, những dữ liệu được ICIJ công bố “không có cơ sở để gắn những phi vụ làm ăn của các tổ chức do ông Roldugin sở hữu với các nhà hoạt động chính trị nào đó”.

Ngoài ra, những thông tin khác trong báo cáo của ICIJ liên quan đến một số chính khách Nga, bao gồm gia đình Bộ trưởng Kinh tế Aleksei Uliukayev, thư ký báo chí Peskov, của các đại diện Bộ Nội vụ, một loạt thống đốc, lãnh đạo đường sắt Nga..., theo nhận định của tờ báo doanh thương Nga này, tạm thời cũng không đủ yếu tố pháp lý, hoặc “có thể các văn bản sẽ xuất hiện sau?”.

Nhà báo Anin
Nhà báo Anin

 

Các nhà báo ICIJ làm việc thế nào?

“Hồ sơ Panama” là 2,6 terabyte tài liệu từ cơ sở dữ liệu của công ty Panama Mossack Fonseca. Sự rò rỉ dữ liệu loại này là ở quy mô chưa từng có. Nó được “một người” mang đến cho báo Đức Süddeutsche Zeitung, nhưng số lượng và quy mô của chúng lớn đến nỗi một tờ báo không thể xử lý. Khi đó Süddeutsche Zeitung mới tìm đến ICIJ nhờ hỗ trợ xử lý và kiểm chứng thông tin.

Đó là lý do gần 400 nhà báo điều tra trên thế giới cùng với Tổ chức Nghiên cứu tham nhũng và tội ác có tổ chức (OCCRP) được huy động tham gia dự án. Nhiều tờ báo hàng đầu thế giới tham gia công bố kết quả điều tra, trong đó có các tờ như The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp)...

Xử lý khối tài liệu đó là cả một công trình vĩ đại. Peter Bale, tổng giám đốc của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Liêm chính công (Center of Public Integrity), nơi thành lập ICIJ, chia sẻ về thách thức với các nhà báo: “Nhận khối dữ liệu này và khiến cho chúng có thể tìm kiếm được, lên danh mục được và quản lý được là khối lượng công việc khổng lồ kéo căng tất cả những bên tham gia, nhưng chúng tôi từng có kinh nghiệm ở các vụ trước đó.

Dẫu vậy, khối lượng tài liệu lần này đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có với hai hội nghị lớn, mỗi cuộc đều hơn 100 người tham dự, ở Washington D.C. và Munich. Mọi người trong dự án đều đã trở thành một người chia sẻ”.

Nhà báo Velikovsky
Nhà báo Velikovsky

 

Từ Nga, tham gia điều tra có các thành viên của OCCRP là Roman Anin, Roman Shleinov, Olesia Shmagun và Dmitri Velikovsky, các nhà báo cũng đang cộng tác cho tờ Báo Mới (Novaya Gazeta) và tờ Vedomosti. Ấn bản mạng Meduza.io đã giới thiệu chân dung và phỏng vấn nhanh bốn nhà báo Nga này.

Theo lời Anin, các nhà báo Nga làm việc như một tòa soạn mini. Không có phân công rõ ràng ai làm gì, họ cũng không nhận được các chỉ đạo gì từ ICIJ, từ ban biên tập tờ Báo Mới, hoặc OCCRP. Quy tắc làm việc của các nhà báo trong “Hồ sơ Panama”, theo Anin, đơn giản là “viết về những gì mình thấy hấp dẫn cho mình lẫn cho độc giả tờ báo.

Ở đây, ý tôi muốn nói là chúng tôi quan tâm tới các quan chức Nga. Chúng tôi chọn những câu chuyện mình cho là quan trọng và đầu tư cho nó”. Anin cho biết trong quá trình một năm qua, có “vài cuộc họp của các nhà báo quốc tế tham gia dự án chủ yếu là để làm quen và phối hợp hành động”. Còn ngoài ra, tất cả công việc của họ đều tiến hành trên nền tảng một diễn đàn trực tuyến được thành lập riêng cho câu chuyện này.

Nhà báo Shleinov
Nhà báo Shleinov

 

Một nhà báo Nga khác, Shleinov, tham gia cuộc điều tra với tư cách thành viên của hai tổ chức ICIJ và OCCRP. Trước đây, Shleinov đã làm việc cho Báo Mới, rồi Vedomosti, tham gia nhiều dự án điều tra phân khúc Nga của ICIJ.

Theo Shleinov, với người ngoài, đây là công việc khá buồn tẻ: “Ngồi sau máy vi tính, vẽ sơ đồ rồi so sánh chi tiết. Sau đó gửi yêu cầu đi các nơi, trò chuyện với những ai chịu nói. Thế thôi. Không có nghĩa vụ gì, mỗi người quan tâm tới nhân vật và câu chuyện nào mình cho là thú vị với đất nước mình”.

Một thành viên Nga khác cũng của OCCRP, nhà báo Shmagun, cũng tham gia “Hồ sơ Panama”, chuyên mổ xẻ phần các chính khách Nga trong Đuma (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện), cho biết thêm một số chi tiết: ICIJ đã thực hiện mọi nỗ lực để giúp đơn giản hóa công việc của nhà báo, tạo cho họ nhiều điều kiện thoải mái khi tham gia.

“Chúng tôi có hai nền tảng điều hành chính, một nền tảng qua đó chúng tôi được truy cập thông tin (một kiểu công cụ tìm kiếm giống Google, nhưng cục bộ, giúp tìm thông tin liên quan tới cuộc điều tra) và một nền tảng khác giúp chúng tôi phối hợp điều tra, trao đổi dữ liệu. Nền tảng này tương tự một diễn đàn mạng mà các nhà báo có thể xin đồng nghiệp giúp đỡ hoặc chia sẻ các ý kiến, phát hiện...”.

Khác với nhà chức trách Nga, Anin không thấy “thuyết âm mưu” trong câu chuyện đình đám này. Anin cho rằng tất cả bắt đầu tình cờ: “ai đó” có được “Hồ sơ Panama” và mang đến cho Süddeutsche Zeitung. “Chúng tôi chẳng biết gì về người này cũng như động cơ của anh ta.

Chúng tôi chỉ làm việc của mình: kiểm tra độ xác thực của thông tin và kể nó lại cho mọi người”. Còn Velikovsky cho rằng: “Ở các nước mà các định chế xã hội và mối liên hệ giữa chính quyền và xã hội chặt chẽ hơn, có thể dễ đoán được phản ứng của xã hội trước những thông tin họ công bố. Chẳng hạn như cuộc điều tra đã dẫn tới tuyên bố từ chức của thủ tướng Iceland.

Nhà báo Shmagun
Nhà báo Shmagun

 

Ở nước Nga, các định chế công dân còn yếu và nhiều người dân tỏ ra thờ ơ, trong khi các nhà lãnh đạo cao cấp tập trung vào tay mình nhiều nguồn lực truyền thông và tài chính”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận