Họ "ngoan" hơn, dù ít vui hơn

VĨ ANH 07/08/2014 02:08 GMT+7

TTCT - Họ không còn “nổi loạn”, thích bia bọt, ồn ào hay quan hệ buông tuồng. Trái lại, họ lo cho tương lai hơn, học hành nghiêm túc hơn.

Nguồn: Pew Research Center

Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng đó chính là vài nét phác thảo chân dung giới trẻ phương Tây hiện đại mà chúng ta cần biết trong thị trường lao động đã phẳng đi này.

Nếu bạn cho rằng giới trẻ phương Tây sống phóng túng, ồn ào, thích bia rượu, xa xỉ, ít nghĩ về ngày mai... thì hãy từ bỏ ngay định kiến ấy, theo một thống kê mới nhất được tuần san The Economist số ra tuần thứ 2 của tháng 7-2014 giới thiệu.

Giới trẻ phương Tây “ngoan” như thế nào?

Nỗi lo về việc trẻ vị thành niên uống rượu, dùng thuốc và chất kích thích từng là một mối quan tâm không nhỏ với các nước phương Tây. Nhưng các số liệu trên tờ The Economist cho thấy tình trạng dùng rượu và chất kích thích của giới trẻ đã giảm đáng kể. Ở Đức, tỉ lệ trẻ vị thành niên không sử dụng rượu tăng từ 13% (năm 2002) đến 30% (năm 2012).

Cũng ở nước này, số người trẻ tuổi từ 18-25 chết vì sử dụng chất kích thích đã giảm một nửa kể từ năm 2000. Còn ở Mỹ, hiện tượng binge drinking (tạm dịch: nhậu bí tỉ) ở giới trẻ đã giảm một phần ba từ những năm 1990, đồng thời số lượng người trẻ hút thuốc lá cũng giảm nhiều.

Tương tự ở Anh, số trẻ vị thành niên bị bắt hoặc bị cảnh sát cảnh cáo vì sử dụng chất kích thích đã giảm từ 111.000 (năm 2007) còn 28.000 vào năm ngoái. Không những vậy, thống kê cho thấy giới trẻ Anh (sinh vào đầu các năm 1990) còn lịch sự và bớt ồn hơn các thế hệ trước đó khi ở nơi công cộng.

Không những không lạm dụng rượu và chất kích thích, giới trẻ phương Tây cũng cẩn trọng hơn với đời sống tình dục. Một báo cáo ở Viện Guttmacher (Guttmacher Institute) của Mỹ cho thấy trẻ vị thành niên Mỹ đợi lâu hơn cho lần quan hệ đầu tiên. Tỉ lệ trẻ thành niên có thai đã giảm một nửa ở Mỹ và cũng giảm ở Anh.

Các nước châu Âu còn lại, dù không chứng kiến một tỉ lệ lớn trẻ vị thành niên có thai vào những năm 1980 và 1990 như Anh và Mỹ, cũng có số lượng trẻ mang thai giảm. Ngoài ra, theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu thì xuyên suốt Liên minh châu Âu, trẻ vị thành niên là độ tuổi duy nhất có ít bệnh lây qua đường tình dục hơn các độ tuổi khác.

Điều này cho thấy giới trẻ châu Âu cẩn thận và có hiểu biết về việc phòng bệnh trong quan hệ tình dục.

Một hiện tượng nữa xảy ra ở nhiều nước châu Âu là giới trẻ không còn đi chơi đêm nhiều ở các quán bar và quán cà phê. Thay vào đó, giới trẻ ở nhà và tìm đến các phương tiện giải trí ít tốn kém hơn. Các kênh truyền hình cũng dần mất các khán giả trẻ vì họ không còn bị thu hút bởi các chương trình nói về sự nổi loạn hay đời sống xa hoa như ngày trước.

Với hệ thống công nghệ thông tin phát triển, giới trẻ phương Tây tìm đến mạng xã hội và xem các video trên YouTube hoặc các bộ phim trên Netflix. Giới trẻ ngày nay tự tìm ra thú tiêu khiển cho mình.

Các yếu tố thời đại

Những tác động của thời đại toàn cầu hóa không chỉ chi phối đời sống của giới trẻ phương Tây mà còn là thách thức lớn với giới trẻ Việt ngày nay. Giữa một thị trường việc làm mang tính cạnh tranh xuyên lục địa, giới trẻ Việt đang phải đối mặt với những đối thủ có sức nặng về tri thức, năng lực và tính sẵn sàng.

Một lý do khiến giới trẻ “cảnh tỉnh” hơn phần nào nằm ở các hình phạt nặng mà chính phủ các nước châu Âu đặt ra đối với các cửa hàng bán rượu cho trẻ vị thành niên, hay hành vi uống rượu nơi công cộng. Tuy nhiên, lý do chính giải thích hiện tượng giới trẻ phương Tây đồng loạt “ngoan” không đơn giản vì những luật lệ, hình phạt ở mỗi quốc gia.

So với thời kỳ Rượu lậu (Prohibition) ở Mỹ vào các năm 1920 và 1930 thì chính sách cấm rượu khi đó thực chất còn khiến tình trạng nhập và tiêu thụ rượu lậu tăng cao hơn. Như vậy, nguyên do thời đại nào khiến giới trẻ phương Tây “ngoan” như vậy?

Thời đại toàn cầu hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý và sự phát triển giáo dục của giới trẻ ngày nay. Hệ thống kinh tế toàn cầu đã mở cửa cho nhiều công ty tìm kiếm nhân công ở các nước nghèo, giúp cắt giảm chi phí. Những công việc còn lại cho người bản xứ là các công việc đòi hỏi kỹ năng và trình độ giáo dục cao.

Vì vậy, giới trẻ phương Tây ngày nay đối mặt với sức ép lớn từ thị trường việc làm, đòi hỏi họ phải trau dồi liên tục các kỹ năng nghề và trình độ học vấn. Điều này lý giải việc số lượng những người trẻ ở độ tuổi 20 đầu tư học cao học đã tăng 1/3 so với trước đây.

Trên thực tế, giới trẻ ngày nay đối diện với một hệ thống kinh tế có phần phức tạp và bất ổn hơn ngày trước, khiến sự chuyển giao giữa tuổi trẻ và tuổi trưởng thành trở nên mập mờ.

Theo Gill Valentine trong bài viết “Bước qua ranh giới: Sự chuyển giao giữa tuổi trẻ và tuổi trưởng thành”, việc người ta kéo dài quá trình học để đáp ứng thị trường công việc thời toàn cầu hóa cũng tương đồng với việc kéo dài tuổi trẻ. Điều này dẫn đến việc nhiều thanh niên phương Tây ngày nay vẫn tiếp tục sống với cha mẹ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập.

Trong quyển Tuổi trẻ và xã hội: khám phá những khía cạnh xã hội của trải nghiệm tuổi trẻ, hai tác giả Rob White và Johanna Wyn đưa ra các số liệu cho thấy giới trẻ phương Tây đang gặp vấn đề trong việc chuyển giao từ đời sống sinh viên sang đời sống làm việc và chưa thể làm chỗ dựa kinh tế cho bản thân.

Thay vào đó, họ chọn giải pháp vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải phần nào các tiêu tốn sinh hoạt. Ở một số quốc gia như Mỹ, việc chính phủ không những không hỗ trợ kinh tế cho sinh viên học đại học và cao học mà còn tăng mức học phí đã làm rất nhiều người trẻ tuổi rơi vào những món nợ khổng lồ sau đại học.

Một thống kê công bố trên Time cho biết một sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp nợ 33.000 USD, tăng 10% so với năm 2013. Với sức ép kinh tế như vậy, giới trẻ phương Tây khó thể nào tiêu tốn nhiều tiền bạc vào rượu, thuốc và các trò chơi xa xỉ.

Một lý do nữa góp phần giải thích hiện tượng trẻ “ngoan” chính là ở cách dạy con của các bậc cha mẹ phương Tây. So với các thế kỷ trước, phụ huynh ở thế kỷ 21 đã có sự quan tâm mật thiết hơn tới đời sống con cái, phần vì họ có ít con hơn, phần vì độ tuổi trung bình khi sinh đứa con đầu của họ cũng tăng lên. Họ theo học các lớp về dạy con, đọc sách để hiểu tâm lý của trẻ, hằng ngày kiểm tra bài tập, trò chuyện để hiểu con mình muốn gì.

So với những thời đại trước khi mà các bậc cha mẹ thường không có nhiều thời gian dành cho con cái và “thương cho roi cho vọt”, cách giáo dục đề cao việc lắng nghe con và hiểu con được xem là có hiệu quả cao hơn.

Theo Jennifer Morse trong bài báo xã hội học “Cha mẹ hay ngục tù?”, mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ là nơi cơ bản hình thành lòng tin, sự công bằng và tình thương cảm với đồng loại. Đây là nền tảng cơ bản để xây dựng được “lương tâm” trong con người trẻ mà chính lương tâm, chứ không phải sự sợ hãi đòn roi, mới giúp trẻ định hướng đúng sai phải trái trong đời sống sau này.

Cách dạy con đúng đắn của các bậc cha mẹ phương Tây là một trong những yếu tố giúp giới trẻ ngày nay sống nghiêm túc và có trách nhiệm hơn.

Khi trẻ ngoan không vui

Mặc dù giới trẻ ngày nay ngoan, chín chắn, ít gây rắc rối hơn xưa, nhưng số liệu cũng cho thấy họ gặp nhiều bất ổn về tâm lý hơn. Họ vẫn nằm trong vùng đối tượng dễ bị mắc chứng trầm cảm và sợ hãi nhất. Họ ít hài lòng hơn với công việc so với cha mẹ hay ông bà họ, và có sự lo ngại đến mức cực đoan về việc xây dựng một sự nghiệp.

Thống kê cũng cho thấy ai càng dành nhiều thời gian lên các mạng xã hội thì càng ít hài lòng với cuộc sống. Một lý giải cho hiện tượng này có thể là việc so sánh bản thân với những người thành công trên mạng xã hội đã khiến nhiều người trẻ tuổi trở nên thất vọng và chán chường với bản thân.

Nhìn chung, giới trẻ phương Tây ngày nay đang đối mặt với một thời kỳ chuyển giao lớn, khi mà toàn cầu hóa không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống kinh tế của từng quốc gia mà còn gián tiếp chi phối đời sống giáo dục và xã hội của những người trẻ tuổi.

Trong một thời đại mà ranh giới giữa tuổi trẻ và sự trưởng thành trở nên hết sức mập mờ, những đứa trẻ phương Tây buộc phải lo nghĩ về tương lai của chúng sớm hơn và phải vận dụng thời gian đi học để kiếm tiền trang trải. Điều này gây tác động tích cực đến các vấn đề xã hội mà trẻ thành niên trước đây thường mắc phải, như giảm thiểu số lượng trẻ dùng rượu, chất kích thích gây nghiện hay có thai ngoài ý muốn.

Ngược lại, những đứa trẻ buộc phải lớn nhanh này lại đối đầu với các nguy cơ về tâm lý và sức ép nặng nề từ xã hội đòi hỏi chúng phải trở thành những cá thể vượt trội và thành công sau này.

Ngày nay ở nhiều nước phương Tây, tấm bằng thạc sĩ trở thành mục tiêu cơ bản nhất của sinh viên. Quá trình rèn luyện vừa đi học vừa đi làm để giành lấy được một phần tự do kinh tế cho bản thân khiến giới trẻ phương Tây có nhiều kinh nghiệm và sự linh hoạt trong công việc, kể cả khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Chính phủ một số nước châu Âu, điển hình là các nước Bắc Âu, còn hỗ trợ sinh viên thông qua việc rút ngắn chương trình học từ bậc đại học sang cao học, kết hợp với thực tập và tạo liên kết giữa nhiều đại học trong châu Âu và Mỹ, giúp sinh viên có cơ hội được học và thực tập ở những quốc gia khác nhau.

Vì vậy, giờ đây không còn quá hiếm hoi để gặp một người trẻ phương Tây có học vấn cao, ngoại ngữ tốt cùng nhiều kinh nghiệm làm việc và sự linh hoạt, tính thích nghi cao với nhiều môi trường khác nhau. Đây sẽ là những đối thủ nặng ký cho giới trẻ Việt trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa ngày nay.

Nguồn: http://www.ifeminists.net/introduction/editorials/2003/0819morse.html Parent or Prison, Jennifer Morse Valentine, G., 2003, “Boundary Crossings: Transitions from Childhood to Adulthood” in Children’s Geographies, vol. 1:1, pp. 37-52 White, R. &Wyn, J., 2008,Youth and Society: exploring the social dynamics of youth experience, Oxford University Press: Oxford

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận