Hình bóng “minh quân”

LOAN PHƯƠNG 16/01/2018 04:01 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 92 và là thủ tướng có thời gian tại vị 22 năm, dài nhất lịch sử Malaysia (1981-2003), ông Mahathir Mohamad vừa tuyên bố đảm nhận vai trò ứng viên tranh cử thủ tướng cho đảng đối lập.

Nhưng ông có còn là vị minh chủ được ngưỡng mộ của gần 20 năm trước?

Trong vài năm trở lại đây, ông Mahathir đã trở thành một tiếng nói chống đối mạnh mẽ với Thủ tướng Najib Razak đương nhiệm, người đang mắc kẹt trong một vụ bê bối nhiều tỉ đôla liên quan tới Quỹ nhà nước 1MDB.

Ông Mahathir - nếu đắc cử sẽ là nhà lãnh đạo quốc gia lớn tuổi nhất thế giới - cắt đứt mọi liên hệ với Đảng cầm quyền UMNO (Tổ chức Đoàn kết dân tộc Mã Lai) vào năm 2016 và thành lập đảng của riêng ông, Bersatu, rồi hiện liên minh với Pakatan Harapan để tạo thành nhóm đối lập chính trong cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến diễn ra vào tháng 8-2018.

Ảnh: Kill Your Darlings

Cuộc chiến sống mái

Những chính sách mạnh tay và thực dụng của ông trong thời gian tại vị kéo dài hơn hai thập niên đã giúp nền kinh tế Malaysia cất cánh, trở thành một con hổ châu Á.

Tuy nhiên, di sản về mặt chính trị mà ông để lại không được đánh giá cao như thế. Người phó và thừa kế trên thực tế của ông, Anwar Ibrahim, đột ngột bị loại bỏ vào năm 1998 vì khác biệt quan điểm chính trị, rồi bị bỏ tù 6 năm với các cáo buộc quan hệ tình dục đồng tính (một tội hình sự ở nước Hồi giáo Malaysia) và tham nhũng.

Nhưng nay, họ đã gác lại khác biệt để cùng chung tay đối phó với ông Najib Razak. Ibrahim, đại diện phe đối lập trong cuộc bầu cử năm 2013, bị bỏ tù lần nữa vào năm 2015 với những cáo buộc mà ông nói là có động cơ chính trị.

Do ông Ibrahim đang thụ án, hi vọng của phe đối lập giờ đặt cả vào ông Mahathir (phe đối lập đã nói nếu thắng cử, họ sẽ xin lệnh ân xá từ quốc vương Malaysia cho Ibrahim ngay lập tức để ông quay lại làm thủ tướng, vợ ông này - bà Wan Azizah Wan Ismail - sẽ là ứng viên phó thủ tướng).

Tuy nhiên, các thăm dò dư luận cho thấy hiện liên minh cầm quyền Mặt trận dân tộc (BN, với UMNO là chủ chốt) đang dẫn trước phe đối lập với khoảng cách khá xa, thậm chí đủ để nắm đa số tuyệt đối (hơn 2/3) trong nghị viện, theo The Malaysian Insight. Ibrahim Suffian - giám đốc Trung tâm Merdeka, nơi tiến hành các thăm dò - nói những chia rẽ trong liên minh đối lập đã làm mất ủng hộ viên quan trọng - Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS), khiến khả năng chiến thắng của họ không cao.

“Tôi nghĩ mình có việc phải làm - ông Mahathir nói với CNN tuần trước - Tôi không thể chấp nhận để đất nước bị những con người ích kỷ hủy hoại, những kẻ chỉ nghĩ tới mình và ăn cắp tiền bạc của quốc gia”.

Hi vọng lớn nhất của phe đối lập chính là vụ bê bối 1MDB. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện đòi lại 1,7 tỉ USD “cho người dân Malaysia”, mà các công tố viên nói là khoản rửa tiền bất hợp pháp qua quỹ nhà nước do chính ông Najib thành lập.

Ngoài Mỹ, một số nước khác cũng đã điều tra với quỹ. Nhà chức trách Mỹ nói trong giai đoạn 2009-2015, các quan chức của quỹ này đã phân bổ sai hơn 3,5 tỉ USD. Bản thân ông Najib bị cáo buộc thu lợi từ quỹ, sau khi 681 triệu USD được chuyển vào các tài khoản của ông.

Tới nay, ông vẫn nhất quán bác bỏ mọi cáo buộc và nói khoản tiền trên được “quyên góp” cho ông từ một thành viên hoàng tộc Saudi Arabia.

“Mục tiêu là loại bỏ chính quyền này. Ông ấy (Ibrahim) muốn loại bỏ Najib, tôi cũng thế - Mahathir nói với CNN - Vì thế chúng tôi phải hợp tác, phải quên đi quá khứ.

Tôi đã sắp 93 tuổi, không còn sống bao lâu nữa và đã chuẩn bị rồi, nhưng chừng nào còn có thể đóng góp thì tôi sẽ tiếp tục và ủng hộ Anwar, nếu đó là ý nguyện của đảng”.

Các nhà phân tích nói ông Mahathir quả thực có sức hút và mang lại yếu tố bất ngờ, nhưng cũng lưu ý rằng BN đã lãnh đạo Malaysia không gián đoạn từ khi nước này độc lập vào năm 1957.

Wan Saiful Wan Jan, giám đốc điều hành Viện Các vấn đề dân chủ và kinh tế ở Kuala Lumpur, nói Mahathir “có năng lực ảnh hưởng lên người dân... rất hấp dẫn với cử tri nông thôn vốn cảm thấy liên minh cầm quyền đã không bảo vệ quyền của người Mã Lai”.

Tuy nhiên, Jayum Jawan, giáo sư chính sách công và chính trị ở Đại học Putra Malaysia, nghĩ khác: “Ông ấy (Mahathir) sẽ không ảnh hưởng gì được đến cuộc bầu cử này”.

Di sản hơn 20 năm cai trị

Dễ hiểu là sau ngần ấy năm, mọi lợi hại mà ông Mahathir mang tới cho phe đối lập sẽ phụ thuộc vào việc cử tri Malaysia đánh giá những di sản ông để lại cho đất nước ra sao.

Với mọi ưu điểm của mình, ông Mahathir quả thật là kiểu chính trị gia của một thời đã qua. Ông xuất phát là một người dân tộc chủ nghĩa, gia nhập UMNO năm 1946, ở tuổi 21, khi còn là sinh viên y khoa.

Cuối những năm 1960, ông xuất bản cuốn sách nhiều tranh cãi Thế lưỡng nan của người Mã Lai, trong đó tuyên bố người Mã Lai đã bị gạt ra bên lề xã hội trong thời thực dân và giờ phải chấp nhận địa vị công dân hạng hai.

Cuốn sách đó làm nền tảng cho những chỉ trích gay gắt của ông với “chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây” và những kẻ khác mà ông cho là đàn áp người Mã Lai. Bảo vệ những giá trị dân tộc, ông từng là một gương mặt ưa thích của các nước đang phát triển ở thời kỳ đầy biến động, trước khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Những dự án của ông để thúc đẩy lòng tự hào dân tộc bao gồm tòa tháp từng là cao nhất thế giới - tháp đôi Petronas và dự án biến những đồn điền cọ gần thủ đô Kuala Lumpur - một biểu tượng thời kỳ thực dân - thành “Thung lũng Silicon của Malaysia”.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng phát năm 1997, ông Mahathir bác bỏ những nhận định nói các chương trình chi tiêu mạnh tay của ông là nguyên nhân dẫn tới nợ nần, mà cho rằng đó là một âm mưu của giới đầu sỏ tài chính nước ngoài, bao gồm tỉ phú George Soros.

Ông Mahathir thậm chí đi xa tới mức coi đó là một âm mưu của những người Do Thái chống lại đất nước Hồi giáo của ông. Ông cũng từ chối sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong cuộc khủng hoảng (và Malaysia đã vượt qua thành công bằng các biện pháp kiểm soát đồng tiền và tạm cắt đứt quan hệ với nền kinh tế toàn cầu).

Quan điểm chống phương Tây của ông là nhất quán tới tận những ngày cuối cùng ông tại vị. Ngay trước khi thôi làm thủ tướng, Mahathir còn nói phương Tây, cụ thể là “những kẻ Anglo-Saxon châu Âu (tức Anh và Mỹ)”, thúc đẩy “chiến tranh, tình dục đồng tính và diệt chủng”. Ông còn khẳng định “một bè đảng Do Thái” hiện đang cai trị toàn bộ hành tinh.

Còn gây tranh cãi hơn nữa là những di sản đối nội của ông. Cuốn sách Malaysian Maverick: Mahathir Mohamad in Turbulent Times (tạm dịch:

Kẻ nổi loạn của Malaysia: Mahathir Mohamad trong những thời kỳ hỗn loạn) in năm 2010 của phóng viên người Úc Barry Wain đưa ra nhiều cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm ước tính là Mahathir đã lãng phí của Malaysia 40 tỉ USD khi theo đuổi những viễn kiến “vĩ cuồng” của ông.

Đồng thời, ông đã bắt tay với giới quý tộc Hồi giáo làm suy yếu nghiêm trọng sự độc lập của hệ thống tư pháp và biến UMNO từ “một đảng yêu nước đấu tranh cho độc lập dân tộc” thành “một cỗ máy bảo trợ - câu kết chính trị - tài phiệt hùng mạnh”.

Wain cho rằng UMNO đã “kiệt quệ về đạo đức” và “rỗng tuếch về ý thức hệ”, điều mà nếu lúc này đúng (như các cáo buộc với 1MDB) thì thật trớ trêu, vừa là di sản vừa là lợi thế cho ông Mahathir!

Tờ báo Malaysia New Straits Times đã nhìn sang người láng giềng và bình luận đầy cay đắng: “Tất cả những gì vây quanh Mahathir khiến chúng ta không khỏi nhớ lại người cha sáng lập của Singapore, Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) quá cố.

Cũng là cựu thủ tướng, cũng đầy quyền lực và cũng chọn người kế vị, nhưng ông Lee không phá hỏng quan hệ của mình với người thừa kế, không tấn công và chỉ trích. Việc chuyển giao quyền lực ở Singapore đã diễn ra thật êm thấm”.

Người thừa kế của ông Lee, Goh Chok Tong, kể lại một câu chuyện xúc động: “Ông ấy (Lee) luôn phải đến trước tôi trong các sự kiện (vì ông Goh giờ đã là thủ tướng).

Do tôn kính ông ấy trong vai trò bậc trưởng bối và người hướng dẫn, tôi nói ông ấy không phải giữ lễ như thế ở các sự kiện không chính thức, nhưng ông ấy nói điều đó là rất quan trọng, nếu ta không muốn người dân hiểu sai là ông ấy không tôn trọng tôi”.

Ông Mahathir đã đấu đá với cả hai người kế vị mình cho tới giờ. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Hãy nghe kết luận của nhà báo người Malaysia sống ở Kuala Lumpur, Zan Azlee, trên Asian Correspondent ngày 9-1:

“Nhiều người Malaysia giờ cảm thấy như 20 năm qua không có gì thay đổi, như đang trở lại với năm 1998, khi Mahathir là thủ tướng và Anwar là người phó của ông. Có vẻ như cả BN và liên minh đối lập sẽ chẳng nói được gì khác ngoài những chiêu bài mị dân.

Riêng việc một người đã 92 tuổi, đã cai trị 22 năm, giờ lại quay lại tranh cử đã đủ nói lên điều đó rồi”. ■

Bao nhiêu tuổi là quá già?

Ở tuổi 92, ông Mahathir hơn Thủ tướng Najib đương nhiệm 28 tuổi. Nếu thắng cử, ông sẽ là nhà lãnh đạo quốc gia già nhất thế giới, thậm chí tính cả những nước quân chủ. Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 91 tuổi, hiện là nguyên thủ lớn tuổi nhất, dù cương vị của bà chủ yếu mang tính nghi lễ. 

Cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từng giữ kỷ lục này ở tuổi 93, nhưng năm ngoái ông đã bị lật đổ. Lãnh đạo được bầu dân chủ lớn tuổi nhất thế giới hiện giờ là Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi, 91 tuổi. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận