Hillary Clinton sẽ là “Bà đầm thép” của nước Mỹ?

THANH TUẤN 10/05/2016 03:05 GMT+7

TTCT- Trong khi chính sách đối nội phần lớn là sự kế thừa của những tổng thống Dân chủ tiền nhiệm, bà Hillary Clinton lại tỏ ra đặc biệt “diều hâu” trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Đó cũng chính là thế mạnh và sự khác biệt lớn nhất của bà so với các đối thủ.

Bà Clinton rất gần gũi với quân đội Mỹ -wikimedia.org
Bà Clinton rất gần gũi với quân đội Mỹ -wikimedia.org


Sau chiến thắng áp đảo ở đông bắc hôm 26-4 vừa rồi, bà Clinton (thắng 4/5 bang) và ông Donald Trump (5 bang) gần như đã chắc chắn giành được vị trí ứng viên ở hai đảng. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đã trở thành cuộc đấu nội bộ ở New York: bà Clinton từng là thượng nghị sĩ đại diện cho New York, còn tỉ phú Trump cả đời sống và kiếm tiền ở Manhattan.

Gần 30 năm qua, trừ giai đoạn cầm quyền của Barack Obama, chính trường Mỹ hầu như bị chi phối bởi hai gia đình: Bush và Clinton. Các thăm dò hiện tại đều chỉ tới bà Clinton có khả năng chiến thắng cao hơn vào tháng 11 này.

Ứng viên của những nghịch lý

Với cử tri Mỹ, Hillary Clinton không phải là cái tên được ưa thích. Họ không thích một Hillary quá gần gũi với giới tài phiệt Wall Street, không thích một Hillary nhận 150.000 USD cho mỗi bài phát biểu, hàng triệu USD cho các hồi ký, các phi vụ bê bối bất động sản từ thời ông Clinton còn làm thống đốc Arkansas... Vợ chồng Clinton luôn bị coi là quá tham lam và khao khát quyền lực.

Tỉ lệ dẫn về số phiếu đại biểu rất lớn của Hillary trong cuộc đua phe Dân chủ, cũng như việc bà chiếm lợi thế trong các cuộc thăm dò giả định với các ứng viên Cộng hòa cho thấy nghịch lý: trong cuộc bầu cử mà cử tri Mỹ khát khao sự thay đổi, Clinton - ứng viên đại diện cho cái cũ, cho quá khứ - đang chiếm ưu thế.

Vì khát khao thay đổi, cuộc bầu cử Mỹ năm nay đang chứng kiến những bất ngờ mà cách đây hơn một năm không ai nghĩ tới: ứng viên từng được Huffington Post và nhiều báo chính thống Mỹ coi như trò đùa là Donald Trump giờ gần như chắc chắn trở thành ứng viên của phe Cộng hòa, ở đất nước mà mọi thứ “xã hội chủ nghĩa” đều bị coi là xấu xa, ứng viên Dân chủ xã hội Bernie Sanders đang tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ từ lớp trẻ.

Trump là bất ngờ vì theo những tư duy thông thường, cử tri sẽ không bao giờ chấp nhận những ứng viên công kích công khai người nhập cư (gọi người Mễ), nhóm cử tri chính, sỉ nhục phụ nữ, và có chính sách hời hợt kiểu Trump. Với Sanders, người Mỹ từ đầu thế kỷ 20 tới giờ từ bé đã luôn được dạy để thù ghét “chủ nghĩa xã hội”.

Thiếu ý tưởng lớn

Vấn đề chính là Clinton lúc này thiếu ý tưởng lớn, hấp dẫn kiểu mới trong một năm mà cử tri cả hai đảng đều đang rất bất mãn với hiện tại. Vì quá bất mãn nên họ sẵn sàng ủng hộ những ứng viên “khác thường” - những người mà theo tư duy truyền thống thì sẽ không ai chấp nhận.

Dù thích hay ghét họ, các thông điệp của D. Trump (làm nước Mỹ tuyệt vời trở lại) hay B. Sanders là rất rõ ràng và kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ.

Thông điệp của Clinton thì không tạo ra những mới mẻ này: đó là thông điệp của sự tiếp nối nhiều hơn là thay đổi - tiếp tục các chính sách trung dung của phe Dân chủ mà chồng bà, Bill Clinton, và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama theo đuổi về cải cách y tế, cải cách nhập cư, ủng hộ một số chương trình mang tính xã hội như giảm gánh nợ đại học cho sinh viên.

Nhưng với nội bộ Mỹ, chính sách của bà vẫn đang lệch với những vấn đề mà nước Mỹ đối mặt, sự giận dữ và thất vọng mà các cử tri đang có. Các chính sách khác biệt hẳn mà cử tri ủng hộ như cực tả kiểu Sanders hay cực hữu kiểu Trump không phải là điều bà Clinton có.

Bà Clinton vẫn lập luận rằng các chính sách bảo hộ kiểu Trump và Sanders để cứu tầng lớp trung lưu Mỹ hoặc là không thực tế, hoặc là “không Mỹ” một chút nào. Nhưng bà vẫn chưa đưa ra sáng kiến nào đủ mới, đủ hấp dẫn để giải quyết những lo lắng mà phần nào đó là sản phẩm từ tiến trình toàn cầu hóa bắt đầu từ chồng bà, ông Bill Clinton, sau đó được Tổng thống Obama cổ súy.

Thách thức về kinh tế

“Đó là thách thức thật sự, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế”, nhà thăm dò kỳ cựu của phe Dân chủ, Celinda Lake, nói với Politico.

Trên nhiều mảng, cách tiếp cận thực dụng của bà là có sức hút, đặc biệt là về an ninh quốc gia và an ninh nội bộ, những mảng mà ý tưởng mới nhiều khi là rất nguy hiểm. Nhưng với kinh tế, cử tri - đặc biệt là công nhân - muốn những thay đổi mạnh mẽ hơn”.

Phe Cộng hòa, chuyên gia thăm dò Kellyanne Conway thẳng hơn: “Lý lẽ chính của bà vẫn là: ‘giờ là thời của tôi và đất nước đã sẵn sàng cho một tổng thống là nữ, và người đó phải là tôi’ - Politico trích dẫn - Nó giống như tranh cử nhiệm kỳ thứ ba cho Clinton và Barack Obama vậy (vì sự tiếp nối chính sách).

Chỉ vậy thôi đã khiến bạn đau đầu về thông điệp rồi. Đó là hai thời tổng thống khác nhau, với hai đảng Dân chủ khác nhau nhưng bà không thể bỏ ai được vì cả hai người đó đều được cử tri Dân chủ yêu quý và đều có lợi khi ra tổng tuyển cử”.

Những cố vấn của bà Clinton thì cho rằng thông điệp thực dụng của bà đang đạt hiệu quả với chiến thắng liên tiếp trước Sanders ở các bang lớn. “Hillary Clinton đang chiến thắng vì bà đem đến giải pháp thật sự sẽ tạo ra thay đổi - chiến lược gia chủ chốt Joel Benenson của bà nói - Có quá nhiều chỉ trích cay nghiệt trong chính trường và Washington vào lúc này, phần lớn cử tri biết rằng sẽ không có những câu trả lời đơn giản hay dễ dàng với các thách thức.

Đó là lý do Hillary đang kết nối với mọi người khi bà nói về việc phá bỏ các rào cản đang cản trở họ, từ sự tham lam của các tập đoàn cho tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính”.

Diều hâu về đối ngoại

Điểm khác biệt của bà Clinton là chính sách đối ngoại. Bà muốn mạnh tay với Hamas hơn nữa trong vấn đề Israel, khẳng định sẽ buộc Iran phải thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, gây thêm áp lực lên Nga về các vấn đề Syria và Ukraine, quyết ngăn chặn không để IS trở thành một nhà nước thật sự (bằng vũ lực nếu cần thiết), kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông và trong các vấn đề nhân quyền...

Lập trường của bà ấy mang nhiều màu sắc quân sự hơn bất cứ ứng viên nào còn lại trong cuộc đua” - cây bút Trevor Timm của báo Anh The Guardian bình luận.

Theo Mark Lander của New York Times thì Hillary Clinton là nhân vật diều hâu thực sự duy nhất còn lại trong cuộc đua 2016. Điều này cũng không ngạc nhiên khi bà sinh ra ngay sau Thế chiến thứ II và là con một sĩ quan hải quân, người chuyên huấn luyện tân binh. Một trong những động cơ tham gia chính trị của bà là vì cha bà luôn than phiền “nước Mỹ đang bị những người Nga cho ngửi khói”.

Bà đã và vẫn đang là một người “dân tộc chủ nghĩa”, dù chính sách đối nội của bà có ôn hòa đến đâu.

Khi bà Clinton đắc cử vào Thượng viện, bà càng có thêm lý do để quan tâm tới quân đội. Lầu Năm Góc đang phải trải qua quá trình kéo dài đầy tranh cãi về đóng cửa các căn cứ quân sự. Nếu điều này xảy ra ở bang New York bà đại diện, nhiều người dân sẽ mất đi việc làm và nguồn sống.

Vì thế bà quyết giữ được các căn cứ quân đội Mỹ ở bang mình, nhất là Fort Drum, đại bản doanh của Sư đoàn bộ binh sơn cước số 10, ở hạt Jefferson.

Năm 2002, khi bà được lựa chọn một trong hai ủy ban ở Thượng viện (Ủy ban quan hệ đối ngoại và Ủy ban quân vụ), bà đã chọn quân vụ, chấm dứt một truyền thống lâu dài các thượng nghị sĩ New York luôn chọn mảng đối ngoại ở Thượng viện.

Để hoàn thành vai trò của mình, bà Clinton nhận được sự chỉ dẫn và huấn luyện của 10 chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng, gồm Bill Perry, cựu thứ trưởng quốc phòng của chồng bà, và Ashton Carter, hiện là bộ trưởng quốc phòng của ông Obama.

Bà thường xuyên gặp Andrew Marshall, một nhân vật kỳ cựu của Lầu Năm Góc, người có vài chục năm làm việc (gồm cương vị giám đốc) ở Văn phòng đánh giá nội bộ của Bộ Quốc phòng và hiểu biết sâu sắc cách vận hành của cả hệ thống quân đội Mỹ.

Niềm tin của Hillary Clinton với giới quân sự dựa trên quan điểm sức mạnh quân sự đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ nghĩa can thiệp của Mỹ có lợi nhiều hơn có hại, rằng Mỹ có thẩm quyền tới mọi ngóc ngách trên thế giới. “Hillary thật sự thuộc nhóm chính sách đối ngoại truyền thống” - Vali Nasr, chiến lược gia về đối ngoại, nói với New York Times.

Theo Mark Lander thì chưa rõ bản tính diều hâu của bà Clinton sẽ phù hợp thế nào với tâm trạng của cử tri, những người đã mệt mỏi với chiến tranh và nghi ngờ các can dự trên toàn cầu.

Nhưng mặt khác các cuộc thăm dò lại cho thấy cử tri cũng không hài lòng với hình ảnh đất nước mình là một cường quốc già cỗi, đang cố kiểm soát sự suy vong giữa một loạt các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, các đế chế đang trỗi dậy trở lại như nước Nga của Vladimir Putin hay lực lượng chết người mới như IS”.

Và “Nếu cách tiếp cận tối giản của Obama là cần thiết sau giai đoạn hung hăng của người tiền nhiệm thì giờ có lẽ người Mỹ đang cần một giải pháp gì đó ở giữa - một kiểu thực dụng cứng rắn mà Clinton đã cả đời rèn luyện”.

Chắc chắn Hillary Clinton là một thương hiệu mạnh mẽ hơn cho chính sách đối ngoại Mỹ trong năm 2016 so với 2008” - Jake Sullivan, cố vấn chính sách cấp cao của bà thời ở Bộ Ngoại giao, giờ cũng là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử, nói. Sullivan nói bà Clinton muốn giải thích với các cử tri rằng bà có một kế hoạch rõ ràng để đối phó với khủng bố, và phơi bày sự yếu kém của các đối thủ Cộng hòa trong vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia.

Sau những cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, một cuộc thăm dò dư luận do CNN/ORC tiến hành cho thấy 53% người Mỹ ủng hộ đưa quân vào Iraq hay Syria. Nhưng với bà Clinton, quan điểm can thiệp của bà là nhất quán, chứ không chỉ dựa vào các cuộc thăm dò dư luận.■

Billary: Hai nửa của một tổng thể

Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton (1993-2001), chính trường Mỹ bị coi là “lưỡng chính quyền” khi bà Clinton tham gia rất sâu vào quá trình lên chính sách. Bà chính là người đẩy mạnh dự luật để thực hiện các thay đổi về chính sách phúc lợi y tế - đạo luật sau này được coi là di sản lớn nhất của ông Obama - dù nó đã thất bại thảm hại ở Quốc hội Mỹ năm 1996.

Tác giả Sally Bedell Smith trong cuốn For love of politics: Inside the Clinton Whitehouse (Tạm dịch: “Tình yêu chính trị: Bên trong Nhà Trắng của gia đình Clinton”, in năm 2008) kể lại chi tiết trong tám năm cầm quyền Bill và Hillary đã phối hợp chặt chẽ và ăn ý ra sao trong nhiều vấn đề: hai năm đầu bà xuất hiện công khai để thúc các chính sách, những năm còn lại bà là “bàn tay vô hình” giật dây từ hậu trường. Giới quyền lực Washington khi đó biết muốn vận động ở Nhà Trắng, họ sẽ phải “lobby” cả ba nơi: Bill Clinton, Hillary và phó tổng thống Al Gore.

For love of politics là cuốn sách đầu tiên giải thích về mối quan hệ đặc biệt giữa Bill và Hillary, giải thích rằng đó là hai nửa không thể tách rời của một tổng thể và “sẽ không thể hiểu một Clinton nếu không tính nửa còn lại kia”.

“Họ thực sự là một cặp bài trùng từ thời ở Arkansas, và được đặt cho cái tên “Billary” (ghép tên của hai vợ chồng) - một biệt danh vừa có ý chê trách, vừa pha sự ngưỡng mộ” - tác giả viết. Cuốn sách giải thích rằng thần tượng của bà Clinton là Eleanor Roosevelt, một trong những đệ nhất phu nhân Mỹ nổi tiếng và tham gia sâu vào chính trường nhất. Nhưng bà Hillary giờ đã làm được hơn cả Eleanor, với hi vọng trở thành nữ tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trong tương lai không xa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận