Hiện tượng Greta Thunberg và phong trào 'Những thứ sáu vì tương lai'

JULIAN HUESMANN 04/04/2019 04:04 GMT+7

Hôm 15-3 vừa rồi, ở 123 nước khắp các châu lục, khoảng 1,4 triệu người - đa số là học sinh, sinh viên và thanh niên - đã đồng loạt xuống đường tranh đấu. Họ tham gia một phong trào mới để lên tiếng đòi hành động chính trị thích đáng trước khủng hoảng khí hậu. Phong trào này tự xưng là “Những thứ sáu vì tương lai” (Fridays for Future), xuất phát từ thái độ kiên quyết của một cô gái trẻ người Thụy Điển mới 16 tuổi tên là Greta Thunberg.

Greta Thunberg: Bãi khóa vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Wired
Greta Thunberg: Bãi khóa vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Wired

Greta trở thành một biểu tượng của Fridays for Future và hành động của cô bé đã vận động được hàng chục ngàn người trẻ trên khắp thế giới. 

Ngày 15-3, Fridays for Future đã làm nên lịch sử khi tổ chức hơn 2.000 cuộc tập trung xuống đường với sự tham gia của hơn 1 triệu người trên toàn cầu, trở thành phong trào lớn nhất trong lịch sử lên tiếng phản đối sự thờ ơ của giới quan chức chính trị trước những mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra.

Mục đích của họ là gì? Đập vỡ sự im lặng của xã hội và các chính trị gia trước vấn đề này và đòi hành động cụ thể vì một tương lai của loài người và Trái đất. Nhưng phong trào này nổi lên từ đâu?

IPCC và nguy cơ diệt vong

Trong nửa năm vừa qua, những ai theo dõi tin tức và chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu đã phải chịu nhiều cú sốc liên tiếp.

Tháng 10-2018, Ủy ban Liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đặc biệt trình bày cụ thể về những hậu quả và tác động của biến đổi khí hậu tại một hội nghị ở Incheon, Hàn Quốc.

Báo cáo này tổng hợp khoảng 6.000 nghiên cứu, với 91 tác giả từ 40 quốc gia và 133 người đóng góp, cùng hơn 42.000 bình luận từ các nhà khoa học. Theo đó, nhân loại và tất cả các sinh vật trên Trái đất đang đương đầu với mối đe dọa lớn và trầm trọng nhất, chưa từng có trong lịch sử loài người.

Tính từ khi công bố báo cáo này năm 2018, những nhà khoa học và chuyên gia quốc tế cho rằng cộng đồng quốc tế chỉ còn lại 12 năm để hạn chế và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu về mức 1,50C so với nhiệt độ bình quân thời tiền công nghiệp. Đối phó với sự biến đổi khí hậu và những tác động nghiêm trọng là thách thức lớn nhất.

Điều đáng nói là giới khoa học đã nghiên cứu và tìm hiểu về quá trình này trong suốt 3, 4 thập kỷ qua, nhưng chưa hề có một báo cáo nào báo động như vậy. Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự diệt vong trước mắt của toàn nhân loại.

Tại hội nghị vào tháng 11-2018, IPCC kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước phát triển ngay bây giờ phải có phản ứng thích đáng với thực tế của biến đổi khí hậu đang diễn ra và giảm lượng khí thải về 45-50% đến năm 2030 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ chỉ ở mức 1,50C và cuối cùng giảm lượng khí thải còn zero vào khoảng năm 2050. Đây là một thách thức chưa hề có mà nhân loại không thể chạy trốn được - con người chỉ có thể lựa chọn hoặc hành động ngay bây giờ hoặc tiến gần hơn đến nguy cơ diệt vong.

Diana Liverman, nhà khoa học của Đại học Arizona, Mỹ, cũng là một tác giả báo cáo đặc biệt này đã chia sẻ với báo Grist: “Tôi hoàn toàn choáng ngợp trước thách thức chúng ta đang phải đương đầu. Trên chuyến bay về nước tôi đã rơi nước mắt do tinh thần suy sụp khi nghĩ về những hàm ý của báo cáo này”.

Trong 6 tháng vừa qua, tính từ khi báo cáo đặc biệt của IPCC được công bố, ta đã thấy được những hành động cụ thể nào? Đã có chính phủ nào đưa ra bất kỳ chính sách thích đáng nào theo lời khuyên của IPCC hay chưa? Sự im lặng của giới chính trị sau báo cáo có lẽ là những giây phút đau buồn và đáng sợ nhất đối với những ai thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Trong sự im lặng và thờ ơ đó, quyết định bỏ học vào mỗi thứ sáu của cô bé Greta Thunberg để đơn độc ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển có thông điệp “Bãi khóa vì khí hậu” (tiếng Thụy Điển: “Skolstrejk för Klimatet”) đã làm cả thế giới phải suy nghĩ. Cứ như thế, cô bé nghỉ học vào mỗi ngày thứ sáu từ tháng 8-2018 cho tới tận bây giờ.

Tin tức về Greta nhanh chóng lan truyền qua mạng xã hội tại nhiều nước châu Âu. Chỉ vài tuần sau, học sinh và sinh viên ở nhiều nước đã thành lập các tổ chức tương tự ở nhiều thành phố lớn như “Fridays for Future - London”, thậm chí đại diện cho cả nước như “Fridays for Future - England”.

Là người tiên phong, những phát ngôn của Greta Thunberg đã đến tai các chính trị gia châu Âu, gây ra sự chú ý, đồng thời được mang ra thảo luận ở quốc hội một số nước, bao gồm Quốc hội Đức Bundestag.

Phong trào Friday for future thu hút hàng triệu thanh thiếu niên các nước tham gia (Ảnh: FAZ)


Cuộc tranh luận

Một số nhóm phủ nhận thực tế biến đổi khí hậu đã phản bác hiện tượng Greta và phong trào Fridays for Future, bôi bác cô bé bằng những ngôn từ khiếm nhã, đe dọa bạo lực và tố cáo Greta là con rối trong một âm mưu chính trị. Không chỉ mục đích của phong trào được mang ra bàn luận mà hành động nghỉ học để xuống đường ngày thứ sáu hằng tuần cũng gây không ít tranh cãi.

Theo chính quyền một số tiểu bang ở Đức, hành động đó bị coi là vi phạm luật giáo dục công. Vì vậy chính quyền địa phương một số nơi đã quyết định ghi thêm “hành vi bỏ học” vào bằng tốt nghiệp của học sinh. Tuy nhiên, việc bỏ học lại chính là điểm mạnh lớn nhất của phong trào này, như Greta từng nói: “Vì sao tôi phải đi học vì một tương lai sớm có thể không còn nữa, khi không một ai làm gì để cứu vãn tương lai đó?”.

Điều đáng nói ở đây là, những người hiểu biết về tình trạng của Trái đất cũng như quan tâm đến các báo cáo và nghiên cứu của giới khoa học lại là những người trẻ bình thường.

Tại Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP24) tổ chức ở thành phố Kattowice, Ba Lan tháng 12-2018, Greta đã tham gia phát biểu và chê trách nặng nề các nhà lãnh đạo quốc tế vì sự thờ ơ của họ. “Nền văn minh của chúng ta đang bị hi sinh cho một nhóm rất ít người có cơ hội tiếp tục làm giàu. Bầu sinh quyển của chúng ta đang bị hi sinh để những người giàu có như ở nước tôi được sống xa hoa. […] Quý vị nói quý vị yêu con cái của mình hơn bất cứ điều gì, nhưng chính quý vị đang cướp đi tương lai của họ ngay trước mặt họ” - em nói.

Greta Thunberg phát biểu tại COP 24 năm 2018 (Ảnh; Youtube)

Tháng 1 vừa rồi, Greta được các chính trị gia và các tập đoàn kinh doanh lớn nhất thế giới mời phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Greta đặt tên cho diễn từ của mình là “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy” (“Our house is on fire”).

Diễn từ bao gồm đoạn văn nổi tiếng: “Người lớn luôn nói rằng họ nợ thế hệ trẻ niềm hi vọng. Nhưng tôi không cần niềm hi vọng của các người, tôi không muốn các người có hi vọng. Tôi muốn các người phải hoảng hốt, tôi muốn các người cảm nhận nỗi sợ hãi mà tôi cảm nhận mỗi ngày, rồi tôi muốn các người hành động. Tôi muốn các người hành động như thể các người đang trong cơn khủng hoảng, tôi muốn các người hành động như thể nhà mình đang cháy, vì nó thực sự đang bốc cháy”.

Khả năng suy nghĩ và hành động một cách thẳng tính của Greta bắt nguồn từ hội chứng Asperger, một dạng của bệnh tự kỷ. Điều này khiến Greta nói và hành động theo logic riêng của mình, một dạng logic thực ra là bình thường hơn so với xã hội hiện nay, khi những người tự cho mình là “bình thường” không dám nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách chối bỏ những vấn đề phiền toái, hay nói cách khác là chạy trốn thực tế.

Gần đây, một chính trị gia lãnh đạo Đảng Tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner, đã phê bình trên Twitter: “Việc quan tâm đến biến đổi khí hậu là việc của những chuyên gia”. Không may cho ông và những người phản đối phong trào Fridays for Future vì ngày 12-3 vừa rồi, tại một cuộc họp báo công khai ở thủ đô Berlin, Đức, hơn 12.000 nhà khoa học quốc tế từ Đức, Áo và Thụy Sĩ đã công bố danh sách các nhà khoa học ủng hộ phong trào trên. Hội này xưng mình là “Những nhà khoa học vì tương lai” (Scientists for Future).

Để bày tỏ sự ủng hộ với những nhà hoạt động môi trường trẻ, giáo sư Volker Quaschning của Học viện Kỹ thuật và kinh tế Berlin, một người sáng lập hội, đã bác bỏ bình luận của ông Lindner: “Chúng tôi là những chuyên gia và chúng tôi nói thế hệ trẻ đúng”. Tính đến nay, số lượng thành viên trong hội “Những nhà khoa học vì tương lai” đã lên đến 16.000 người, và cũng đã xuất hiện một số nhóm “ăn theo” khác như “Cha mẹ vì tương lai” (Parents for Future) và “Nghệ sĩ vì tương lai” (Artists for Future).

Nhiều người đã hi vọng vào phong trào của Great với mong muốn thấy được những thay đổi lớn không những cấp thiết mà còn phải rộng khắp để đảm bảo một tương lai ổn định, là bước ngoặt cho việc giải quyết những thách thức mà con người không thể trốn chạy hay chối bỏ. Thành tựu lớn nhất của Greta và phong trào cho đến nay là đã đánh trúng trọng tâm của vấn đề, can đảm đối mặt và phơi bày mối đe dọa của biến đổi khí hậu, đưa vấn đề này lên hàng đầu nhằm buộc giới cầm quyền phải đối mặt thay vì tiếp tục “nói một đường, làm một nẻo”, như trong suốt 30 năm qua. ■

Biến đổi khí hậu và hòa bình - ổn định xã hội

Gần đây nhất, 3 đại biểu Quốc hội Na Uy và 2 đại biểu Quốc hội Thụy Điển đã đề cử Greta Thunberg cho giải thưởng Nobel hòa bình.

“Chúng tôi đề cử Greta vì mối đe dọa khí hậu có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến xung đột và chiến tranh”, dẫn lời của đại biểu Freddy André Øvstegård người Thụy Điển trên tờ Verdens Gang.

Thật vậy, mối liên hệ giữa khí hậu với hòa bình và ổn định chính trị toàn cầu là có thật. Một vài ví dụ là chiến tranh ở Syria, khủng hoảng nhập cư ở châu Âu và Trung Mỹ. Climate Central cho rằng trước khi chiến tranh bùng nổ, giai đoạn 2007 - 2010, Syria đã phải hứng chịu một trận hạn hán trầm trọng nhất chưa từng có trong lịch sử 900 năm. Thiên tai đã khiến nhiều nông dân phải bỏ quê và đổ ra thành phố lớn để kiếm sống, làm trầm trọng thêm bất ổn chính trị - xã hội.

Tương tự, bạo lực và buôn lậu ma túy ở Honduras hay các cuộc nội chiến, khủng bố ở Somalia, Mali (châu Phi) không phải nguyên nhân duy nhất khiến hàng nghìn người tự nhiên rời bỏ quê hương. Ngư dân Somalia trở thành cướp biển chính là bởi lượng tôm cá ngoài khơi ngày càng cạn kiệt do hoạt động ngư nghiệp công nghiệp của các tập đoàn lớn ở châu Âu. “Khủng hoảng di cư khí hậu” không còn xa vời mà đang thực sự diễn ra và đã tác động vô cùng nghiêm trọng tới nhiều nước trên thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận