Hiểm họa từ ngành công nghiệp thuốc giả

LOAN PHƯƠNG 20/04/2016 23:04 GMT+7

TTCT - Tử vong liên tiếp ở Mỹ vì dùng fentanyl, một loại thuốc giảm đau gây nghiện “mạnh hơn heroin 50 lần”, chủ yếu được nhập lậu vào từ Mexico, nơi các băng đảng chế tạo với nguyên liệu rẻ tiền hoặc mua trực tiếp từ Trung Quốc, đã hé lộ cả một ngành công nghiệp sản xuất các loại thuốc giả và độc hại khổng lồ.

Một cảnh sát Trung Quốc đi trên đống thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh-Newsweek
Một cảnh sát Trung Quốc đi trên đống thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh-Newsweek

“Chúng tôi đang chứng kiến lượng fentanyl nhập trực tiếp từ Trung Quốc ngày càng tăng - Carole Rendon, quyền chưởng lý Mỹ ở hạt bắc Ohio, Cleveland (Mỹ), nói - Chúng được vận chuyển theo đường xách tay và là mối lo lớn vì rất dễ gây chết người”.

Nhưng fentanyl chỉ là phần nổi của tảng băng, được chú ý vì dẫn tới tử vong nhanh chóng, còn cả một nền công nghiệp bào chế các loại thuốc giả và độc hại với quy mô khổng lồ đang hoạt động mà tâm điểm là Trung Quốc. Từ văcxin rẻ tiền, thuốc trị sốt rét giả tới fentanyl, tất cả đều có thể được bào chế rồi sau đó tuồn đi khắp nơi từ “công xưởng của thế giới”.

Nếu như ở Mỹ gần như mỗi trường hợp tử vong do thuốc đều được xác định và các tiêu chuẩn về an toàn thuốc men cực kỳ chặt chẽ, thì ở những nước đang phát triển mọi chuyện còn tệ hại tới mức nào?

Thuốc giả lan tràn

Vào giữa những năm 2000, ở Myanmar có 500.000-600.000 ca sốt rét mỗi năm. Loại thuốc chính được sử dụng ở đây là artesunate, một loại thuốc chống sốt rét rẻ tiền, an toàn và phổ biến. Hàng nghìn người đã tử vong có thể vì dùng loại thuốc rẻ tiền này, mà các bác sĩ Myanmar nói chỉ có 20% lượng nguyên liệu cần thiết để tiêu diệt các ký sinh trùng và cứu sống người bệnh.

Tại Pakistan, một loại thuốc trị lao giả đã khiến 100 bệnh nhân mất mạng trong một bệnh viện ở Lahore năm 2012 do gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Ở Ấn Độ, các quan chức nói 8.000 bệnh nhân đã thiệt mạng trong 5 năm tại một bệnh viện vùng núi Himalaya xa xôi vì loại kháng sinh họ dùng sau phẫu thuật chỉ là bột mì.

Tình hình tồi tệ tới mức vào tháng 5-2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải ban bố một cảnh báo về thuốc giả. Mọi loại thuốc đều có thể làm giả, từ thuốc chống sốt rét tới văcxin, kháng sinh, thuốc trị HIV. Loại “tốt” nhất là các loại thuốc giả không có hoặc có rất ít các thành phần trị bệnh.

Còn tệ nhất là chúng gây ra các phản ứng phụ khiến căn bệnh thêm trầm trọng, nhiều khi đe dọa tính mạng người bệnh. Đó thật sự là một ngành công nghiệp đang bùng nổ. Không thể nào có số liệu thống kê chính thức, nhưng số liệu từ các cơ quan thực thi pháp luật cũng đủ để làm giật mình.

Cơ quan điều tra chuyên về dược phẩm của Interpol, Operation Pangea, nói họ tịch thu 2,4 triệu viên thuốc giả và bất hợp pháp trong năm 2011; tới năm 2015 tổng số đã là 20,7 triệu viên, tức mức độ tăng trưởng 1.000% trong vòng 5 năm! Dù nhà chức trách y tế đều biết tác hại của thuốc giả nhưng chính họ cũng không hình dung hết quy mô cho tới khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào tận đầu những năm 2000 (Operation Pangea mới được thành lập năm 2005).

“Hình phạt cho việc làm thuốc giả quá thấp so với buôn bán ma túy và buôn người” - Paul Newton, giáo sư về bệnh nhiệt đới ở khoa y Đại học Oxford (Anh), nói. Bọn tội phạm có thể dễ dàng bỏ túi những khoản lợi nhuận khổng lồ khi nhắm vào những loại thuốc đang có nhu cầu cao, bị đứt nguồn cung hay quá đắt đỏ.

Ước tính từ 100.000 tới 1 triệu người đã chết mỗi năm vì các loại thuốc giả và con số sẽ còn tăng nữa. Con số chính xác là rất khó xác định vì lượng thuốc giả hiện quá lớn và quá tràn lan. Sự phức tạp của ngành công nghiệp dược toàn cầu góp phần vào điều này.

Một viên thuốc có thể phải đi qua hàng chục nước trong quy trình sản xuất, tạo cơ hội cho những kẻ tội phạm tuồn thuốc giả vào trong quy trình đó. Hóa chất được tổng hợp ở Trung Quốc có thể được đưa vào viên nhộng ở Ấn Độ, rồi đóng gói tại Mexico trước khi xuất hiện ở một hiệu thuốc tại Canada.

Năm 2013, một người đàn ông Puerto Rico đã bị nhà chức trách Mỹ tuyên án 2 năm tù giam vì bán hàng trăm nghìn sản phẩm dược giả trên mạng. Người này là đầu mối ở Mỹ cho cả một đường dây thuốc giả do một người Trung Quốc tên là Bo Jiang, sống ở New Zealand, đứng đầu.

WHO ước tính khoảng 30% quốc gia trên thế giới không có một cơ quan quản lý thuốc hoạt động hữu hiệu như Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA).

Nhưng ngay cả ở những nước giàu, nơi thuốc được thử nghiệm thường xuyên, hàng giả vẫn có thể lọt lưới, thường là khi bệnh nhân mua chúng trên Internet. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 90% các loại thuốc mua trực tuyến tới từ một nước khác so với tuyên bố trên trang web bán hàng, thường là từ những nước với hệ thống luật lệ lỏng lẻo và như thế khiến giá thuốc rẻ hơn.

Đi tìm giải pháp

Amir Attaran, giáo sư về luật và dược học ở Đại học Ottawa (Canada), nói với tạp chí Newsweek rằng cần một hiệp ước quốc tế về vấn đề quản lý thuốc và xử lý thuốc giả. Attaran so sánh điều này với ngành hàng không: “Có hàng chục hiệp ước về hàng không dân dụng và nước nào không tuân thủ sẽ không thể bay đi đâu”.

Giáo sư Attaran nói ngành dược cần một hệ thống tiêu chuẩn tương tự trừng phạt các quốc gia không kiểm soát tốt chất lượng thuốc. Hiệp định gần nhất với điều đó hiện là Hiệp ước về tội phạm y dược: từ năm 2011, các quốc gia có thể ký hiệp định không chính thức này, trong đó cam kết truy tố hình sự việc làm thuốc giả trong lãnh thổ nước họ.

Nhưng hiệp ước không mang tính chế tài và nhiều nước không có động cơ để mạnh tay. Giáo sư Attaran thậm chí còn cho rằng ở một số nước như Ấn Độ, Brazil, nhất là Trung Quốc, ngành thuốc giả đóng góp một phần quan trọng tạo ra việc làm cũng như cho nền kinh tế.

Một vấn đề khác là nhiều nước nghèo phải loay hoay giữa cuộc chiến chống thuốc giả và thuốc nhái. Thuốc nhái, như Viagra nhái chẳng hạn, có thể được bào chế với nguyên liệu giống thuốc hợp pháp, chỉ là chúng không có bản quyền phát minh.

Các hãng dược lớn với nguồn lực khổng lồ có thể hướng các cơ quan chức năng về y dược ở những nước nghèo nhắm vào các loại thuốc nhái này do chúng làm hại lợi nhuận của họ, thay vì thuốc giả vốn là thứ thật sự nguy hiểm và làm hại người bệnh. WHO, ngay cả với vị thế toàn cầu của mình, cũng không muốn làm mất lòng các hãng dược lớn, vốn là đối tác gần gũi và những nhà ủng hộ tài chính quan trọng cho tổ chức.

“Sự khác biệt giữa thuốc giả và thuốc nhái có vẻ không đáng kể, nhưng một nửa lý do tại sao thế giới chưa chiến đấu đủ cương quyết với các tội ác liên quan tới dược phẩm chính là vì sự khác biệt đó” - giáo sư Attaran nói.

Một giải pháp khác mang tính kỹ thuật là phải tăng cường khả năng xét nghiệm ra thuốc giả - thuốc thật ở các nước nghèo. Ở những nước đang phát triển, gửi hàng nghìn mẫu thuốc tới một phòng thí nghiệm là điều vô ích, bởi quy trình thường chậm chạp và rất đắt đỏ.

Trong một câu chuyện cụ thể: Năm 2012, nhóm của Patricia Tabernero, một nhà nghiên cứu ở Mạng lưới chống sốt rét thế giới, tới Lào tìm hiểu về vấn đề thuốc giả. Họ đã sử dụng một thiết bị rẻ tiền tên CD-3 do FDA phát minh, khoảng 1.000 USD mỗi cái, để thử nghiệm ngay tại hiện trường. Trong bốn tuần, nhóm của Tabernero đã thu thập các mẫu thuốc từ 144 nhà thuốc tư nhân và thực hiện việc này cho các quan chức y tế Lào xem với hiệu quả rất cao.

Trong khi đó, nhiều giải pháp công nghệ thấp hơn đang giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Sự lan nhanh của điện thoại thông minh cũng góp phần vào cuộc chiến: những nhà sản xuất thuốc hợp pháp giờ đóng gói với các mã mà người tiêu dùng có thể cào vỏ hộp ra rồi gửi tới một số điện thoại nhất định nhằm xác nhận đó đúng là thuốc thật.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận