Hiểm họa dưới màn đêm

HÀ AN BÌNH 16/05/2011 14:05 GMT+7

TTCT - Trong những năm qua, hầu như năm nào ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cũng xảy ra nhiều vụ dùng súng săn đi săn thú rừng vào ban đêm bắn nhầm vào người. Việc dùng súng săn tràn lan đang là mối hiểm họa đối với đồng bào nơi đây.

Phóng to
Số súng săn lực lượng kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa thu hồi được thời gian qua - Ảnh: H.Đ.

Anh T.V.S., trú tại bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, là một trong những nạn nhân của vụ bắn nhầm. Ngày 30-10-2009, anh S. được cấp cứu sau phát súng bắn nhầm.

Các bác sĩ phát hiện có tới 72 viên đạn chì (còn gọi là đạn ria) nhỏ như hạt đậu găm vào ổ bụng. Bác sĩ Tô Hoài Phương - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết: ”Trường hợp bệnh nhân T.V.S. bị đa chấn thương nặng, được cứu sống là rất hi hữu. Bởi khi bị bắn nhầm bằng một loạt đạn ria, các bộ phận nội tạng của anh S. bị đa chấn thương rất nặng, lại mất máu nhiều và di chuyển quãng đường 250km từ huyện Mường Lát xuống bệnh viện tỉnh. Anh S. là một trong nhiều trường hợp bị thương nghiêm trọng khi đi săn thú rừng trái phép, rất nguy kịch đến tính mạng mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống kịp thời”.

Một trường hợp khác không may, ông H.V.D. (sinh năm 1957, trú ở xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) bị ông V.V.T. dùng súng săm-lếch đi săn thú trong rừng bắn nhầm. Do vết thương quá nặng, ra máu nhiều nên ông D. đã tử vong sau đó.

Theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, trong những năm qua tại 15 huyện có rừng của tỉnh này, cơ quan chức năng đã vận động thu hồi được 8.189 khẩu súng săn các loại, 76 nòng súng kíp, 30 bẫy kẹp. Trong đó, riêng ba huyện vùng cao, biên giới là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, mỗi huyện thu được hơn 1.500 khẩu súng săn các loại. Được biết, hiện nay số lượng súng săn lưu giữ trong nhân dân ở miền núi Thanh Hóa còn tương đối nhiều (ước tính hàng trăm khẩu).

Ông Đào Đình Huy - hạt phó Hạt kiểm lâm huyện vùng cao Quan Sơn - cho biết: ”Trước kia, việc vận động giao nộp súng săn cho cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn, bởi đồng bào quan niệm khẩu súng là bảo vật của gia đình từ đời cha ông truyền lại. Nhưng từ năm 2009, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự, nên nhiều người đã và đang tự nguyện đem súng đến giao nộp cho công an hoặc kiểm lâm”.

Tuy nhiên, do quy định chủ yếu tuyên truyền, vận động đồng bào ở miền núi chứ chưa có chế tài cụ thể về việc cưỡng chế, tịch thu súng săn của đồng bào, nên nhiều gia đình có súng săn vẫn chưa chịu giao nộp. Hiểm họa xem ra vẫn còn rình rập...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận