Hết đất chôn nếu không hỏa táng

TTCT - Trong khi các nghĩa trang cũ chưa di dời, nhiều nghĩa trang mới được xây thêm. Không ít địa phương lo sẽ hết đất chôn nếu không hỏa táng.

 

 

Sau gần 50 năm hoạt động, ngày 1-7-2010, khu địa táng của nghĩa trang lớn nhất Hà Nội - nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa vì không còn đất phục vụ địa táng.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thời điểm đó việc đóng cửa khu địa táng tại nghĩa trang Văn Điển là bắt buộc, chỉ duy trì các dịch vụ cải táng và an táng đối với những ngôi mộ đã địa táng trong nghĩa trang, dần đưa nghĩa trang Văn Điển chuyển sang mô hình công viên nghĩa trang.

Nhiều nghĩa trang hết đất địa táng

Trong giai đoạn đó, không chỉ nghĩa trang Văn Điển hết đất địa táng, hàng loạt nghĩa trang xa trung tâm TP như nghĩa trang Thanh Tước (H.Mê Linh), nghĩa trang Yên Kỳ (H.Ba Vì) cũng báo động “hết đất địa táng”.

Ông Hoàng Thành Thái, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết từ thực tế khó khăn về quỹ đất tại nhiều nghĩa trang, các sở ngành của TP khi đó đã cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng.

Năm 2010, UBND TP Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng với hai nhóm đối tượng: các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và nhóm người có công đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; người đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm điều trị bệnh nhân HIV của TP; người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ không có người thân, chết trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, hỗ trợ từ 1,5-3 triệu đồng với thi hài người hỏa táng, tùy theo người lớn hay nhỏ. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí vận chuyển 500.000 đồng/trường hợp ở nội thành, 1 triệu đồng/trường hợp ở ngoại thành.

Cũng theo quy định trên, thời hạn hỗ trợ hỏa táng chỉ thực hiện trong 3 năm: 2010-2012. Nhưng trước thực tế rất nhiều nghĩa trang lớn của Hà Nội đều hết đất địa táng, các nghĩa trang của các huyện, xã cũng cạn kiệt quỹ đất phục vụ chôn cất, UBND TP Hà Nội phải thực hiện tiếp chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng sau năm 2012 thành hỗ trợ không có kỳ hạn.

Ông Phạm Văn Quang, phó chủ tịch UBND P.Đức Giang (Q.Long Biên), cho biết nếu không có chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, việc an táng cho các trường hợp mất trên địa bàn phường là cả vấn đề lớn.

Bởi phường không có nghĩa trang trên địa bàn, còn địa táng ở các nghĩa trang khác thì rất xa. Theo ông Hoàng Thành Thái, đến nay gần như 100% ở khu vực các quận đều hỏa táng, còn ở các huyện, tỉ lệ hỏa táng cũng đã lên tới 70%.

Miền Trung: chưa muốn hỏa táng

Tại các tỉnh miền Trung, việc hỏa táng đang gặp rào cản lớn nhất: quan niệm của người dân từ bao đời nay cho rằng hỏa táng không tốt, không được nguyên vẹn thân xác. TP Đà Nẵng, nơi hiện có nghĩa trang Hòa Sơn 300ha, Hòa Ninh 100ha, đang nghiên cứu quy hoạch thêm một nghĩa trang ở xã Hòa Phú (H.Hòa Vang) 100ha để phục vụ cho việc di dời mộ ở vùng giải tỏa và an táng những người mới chết.

Chưa kể hàng trăm nghĩa trang gia tộc nằm rải rác khắp nơi. Ở khu vực nội thành, hàng ngàn ngôi mộ trước đây chôn xen lẫn trong các khu dân cư đã di dời lên phía tây.

Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch lại đô thị Đà Nẵng đến nay đã có khoảng 50.000 ngôi mộ chôn rải rác, không theo quy hoạch ở các nghĩa trang gia tộc tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ... được di dời tập trung về nghĩa trang Hòa Sơn.

Ông Thái Đình Hoàng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, nói trong điều kiện dân số tăng nhanh, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp ngày càng nhiều, đất dành cho xây dựng nghĩa trang ngày càng bị thu hẹp, nên giá huyệt mộ ngày càng tăng.

Theo ông, quỹ đất dành cho địa táng ngày càng hạn hẹp, ô nhiễm do địa táng đang là thách thức không nhỏ đối với môi trường của TP Đà Nẵng, nên việc chuyển đổi từ địa táng sang hỏa táng là xu thế bắt buộc, tiết kiệm quỹ đất dành cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Hình thức hỏa táng ở Đà Nẵng xuất hiện từ năm 2009. Nhưng năm 2016 toàn TP Đà Nẵng chỉ có 215 trường hợp người chết được hỏa táng. Như vậy so với Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng thì hình thức hỏa táng đến với Đà Nẵng muộn nhất. Số ca hỏa táng bình quân trong một năm chỉ tương đương số ca hỏa táng của TP Hà Nội 20 ngày, TP.HCM 10 ngày và Hải Phòng 1 tháng” - ông Hoàng nói.

Để thay đổi từ địa táng sang hỏa táng, Đà Nẵng có chủ trương miễn phí 100% không thời hạn cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, miễn 100% có thời hạn đối với công dân có hộ khẩu tại Đà Nẵng đến hết năm 2017, miễn 100% đối với mộ nằm trong các dự án phải di dời, giải tỏa.

Tuy nhiên, số ca hỏa táng từ thời điểm khánh thành Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (tháng 12-2009) đến nay cũng hết sức ít ỏi. “Phong tục địa táng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Đà Nẵng nói riêng và người miền Trung nói chung.

Dải đất miền Trung thì hẹp, đất dành cho sản xuất ít nhưng đất dành cho địa táng thì nhiều (đất cát, đất gò đồi chiếm phần lớn)” - ông Hoàng nói.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa muốn chuyển sang hỏa táng là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ việc hỏa táng chưa đồng bộ. TP chỉ mới xây dựng được Trung tâm hỏa táng An Phước Viên nhưng chưa có nhà lưu tro cốt.

Đến nay, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt 1,4ha đất tại khu nghĩa trang Hòa Sơn để xây dựng nhà lưu tro cốt. Hiện đa số lọ tro cốt sau khi hỏa táng đang được lưu tạm tại An Phước Viên, một số được gia đình gửi tại các chùa (chi phí tương đối cao, theo thân nhân người từ trần thì từ 4-5 triệu đồng/năm dưới hình thức tự nguyện).

Ngoài ra, theo ông Hoàng, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. Ông cho rằng nên có quy định bắt buộc một số đối tượng khi từ trần phải hỏa táng như đối tượng mắc bệnh xã hội, bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, đối tượng xã hội đang nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở khi từ trần không có thân nhân...

TP.HCM: hỗ trợ người dân chi phí hỏa táng

UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 14/2015/QĐ-UBND ngày 10-3-2015, phê duyệt kế hoạch triển khai đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn TP. Theo UBND TP, hỏa táng là hình thức văn minh, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Các đề án quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP đã không dành nhiều đất cho mục đích địa táng.

Với quy hoạch 0,5m2/mộ và nhu cầu địa táng như hiện nay, diện tích đất cho nhu cầu này tại TP.HCM hằng năm lên đến 11,5ha. Theo Sở TN&MT TP, việc quy hoạch đất nghĩa trang trên địa bàn TP phải phù hợp định hướng phát triển không gian xây dựng.

Trong khi đó, các năm gần đây, tỉ lệ người dân TP sử dụng hình thức hỏa táng đã tăng lên khá cao. Xu hướng hiện nay là di dời các nghĩa trang ở các quận nội thành, đồng thời quy hoạch một số khu nghĩa trang, khu lò cốt ở các huyện vùng ven.

Hiện số lượng khu lò cốt với công nghệ thiêu hiện đại đáp ứng đủ nhu cầu hỏa táng của người dân TP nên sở dành phần đất quy hoạch nghĩa trang, chưa kêu gọi đầu tư thêm.

Thay vào đó, tập trung di dời các nghĩa trang nằm trong nội thành, tập trung ở Q.2 (ba khu), Q.3, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú... với tổng diện tích khoảng 44ha, riêng nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) tổng diện tích khoảng 53ha.

Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời nghĩa trang ở các quận nội thành thường do UBND quận, huyện đề xuất, nhưng phải trên quan điểm ưu tiên phục vụ các công trình công cộng như trường học, công viên…■

Địa táng gây ô nhiễm, tốn chi phí

Tiến sĩ - đại đức Thích Chúc Tín, chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP Đà Nẵng - cho biết địa táng không chỉ tác động kinh tế - xã hội, tâm lý lo sợ của người còn sống mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Xác chết chôn lâu ngày dưới đất sẽ tan ra, phân hủy, sinh ra các vi khuẩn có hại, ngấm vào mạch nước ngầm làm ô nhiễm môi trường, phát tán vi khuẩn gây bệnh đến con người. Nếu thực hiện việc hỏa táng sẽ giảm được chi phí xây dựng, bảo quản và đi thăm viếng mồ mả cho người dân, giảm bớt được nhiều vấn đề như xây dựng, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng di dời... Không phải xây cất mộ là khoản tiết kiệm lớn cho xã hội, tiết kiệm được gỗ làm áo quan lớn dùng cho địa táng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận