​Hẻm “dữ”

HOÀNG MY 02/07/2015 03:07 GMT+7

Chẳng cầu kỳ, kiểu cách, mà chính những đối đãi vô tư ấy khiến cho cả gia đình tôi dần an tâm hiểu rằng câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng là điều hợp lý!

Gia đình tôi vừa dọn sang một quận mới, trong một con hẻm nhỏ. Từ lúc qua lại làm các thủ tục mua bán đến ngày chính thức về ở đều tiến hành vào ban ngày, chính xác là “trong giờ hành chính”. Nên khỏi phải nói, cả nhà tôi choáng tới mức nào khi buổi tối đầu tiên đó mới thật sự biết cái hẻm mình vừa trở thành cư dân quá đông đúc và xô bồ!

Trẻ con ồn ào chạy nhảy, đạp xe bốn bánh nhoay nhoáy. Người lớn xôn xao cười nói, ăn nhậu, nấu nướng ngay trên lối đi. Cơ man là xe máy và các loại xe chuyên dụng khác xếp đầy trong hẻm... Tưởng chừng như cả ngày dài hẻm này luôn “ngủ”, và khi mặt trời vừa lặn là bừng thức dậy, náo nhiệt đến không ngờ.

Ai đó bảo chỉ thích sống ở khu cán bộ công nhân viên này nọ, chắc cũng có lý do của họ. Thử tưởng tượng xem, gia đình tôi đang tọa lạc trong cái hẻm không kém phần ngoằn ngoèo, phức tạp. Ngay đầu hẻm đã được trưng dụng để bán hủ tiếu gõ, dăm ba bộ bàn ghế xập xệ, chan chan húp húp.

Các căn nhà san sát nhau, chẳng cổng rào gì ráo. Bông dừa cạn, hoa mười giờ xếp lớp cùng với rau càng cua, tía tô, cội mai hay gốc chiếu thủy trong những bình những chậu sứt mẻ, lộn xộn. Càng về khuya, đội quân xe kéo, ba gác, xích lô trở về nhà ngơi nghỉ đông đúc, được để ngổn ngang trong hẻm. Dăm người đàn ông già trẻ tay chân mình mẩy xăm trổ rồng phượng...

Mẹ tôi len lén thở dài, không dám buông lời than thở, sợ chồng con thêm ái ngại cảnh nhà mình đã vô nhầm chốn dữ để an cư...

Thế nhưng, cái câu “trông mặt mà bắt hình dong”, càng ở lâu, gia đình tôi mới có thể thấu hiểu là không phải lúc nào cũng đúng. Đó là khi hàng xóm có ông cụ đang đêm đột quỵ, mới hay cả hẻm xôn xao, người một tay phụ đỡ để đưa ông lão đi viện. Chú ba gác máy nhiệt tình đánh xe đi ngay trong đêm cho kịp, vì cứu người như cứu hỏa, chờ xe bệnh viện đến có khi đã lỡ...

Kể từ hôm ấy, nhà tôi nhìn cái dáng vẻ hầm hố của chú với ít nhiều thiện cảm, không còn thấy sợ hãi e dè nhiều như trước nữa. Rồi hôm bà Sáu bán xôi dậy sớm nổi lửa cái bếp dầu để hầm đậu, xong bỏ đi tranh thủ làm việc gì đấy, cái bếp bị đổ, dầu chảy lênh láng, bén lửa phừng phừng. Nhiều người nhớn nháo, cùng xúm vô chữa cháy. Xong rồi góp vô ít ngàn cho bà Sáu “gầy lại vốn”, tiếp tục đẩy cái xe xôi nuôi mấy đứa cháu mồ côi của mình...

Bây giờ, nhà tôi đã thấy vô cùng bình thường khi lối xóm kêu cửa, đơn giản là mang cho con tôi mấy cái bánh bò, bánh tiêu bán ế. Cũng không còn ngạc nhiên đến bất ngờ khi quà trung thu của khu phố là mấy cái lồng đèn bằng lon nước ngọt, do một anh “lúc tỉnh lúc mê” nhưng khéo tay và tốt bụng làm tặng cho bọn trẻ trong hẻm.

Ông bố bà mẹ nào nhận quà xong cũng tự giác “trả tiền” ủng hộ... Tôi nhớ lúc con trai mình bị ho kéo dài, đã có bà bác nhà cuối hẻm tự động hái cho mớ rau tần dày lá mang qua dặn dò “để làm thuốc”. Chẳng cầu kỳ, kiểu cách, mà chính những đối đãi vô tư ấy khiến cho cả gia đình tôi dần an tâm hiểu rằng câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng là điều hợp lý!

Mẹ tôi nay thi thoảng bày biện nấu nướng là đều châm dư thêm chút ít để biếu bà Sáu bên cạnh, hoặc múc cho lũ trẻ con anh bán rau hay bị nhốt ở nhà mỗi khi cha chúng bận đạp xe rong ruổi bán hàng. Hẻm nghèo, nhìn qua thấy “giang hồ” lắm, nhưng ai cũng tốt bụng, thật lòng.

Đừng đánh giá người ta qua cái nghề giúp việc nhà, bán vé số, mua ve chai, hay gì gì đó... Mẹ tôi chép miệng bảo: ừ, ở đây coi vậy mà vui, yên bình!        

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận