Hệ thống ngân hàng: Rủi ro tín dụng quá tập trung

NAM MINH 27/07/2022 05:26 GMT+7

TTCT - Việc một số ngân hàng lớn đang tập trung tín dụng hay trái phiếu quá lớn chỉ vào một vài tập đoàn khổng lồ là một thực trạng đáng lo ngại với nền kinh tế.

Hệ thống ngân hàng: Rủi ro tín dụng quá tập trung - Ảnh 1.

Ảnh: Water Canada

So với thập niên trước đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên lành mạnh hơn với tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát và hệ số an toàn rủi ro cải thiện đáng kể. 

Nhưng một rủi ro khác đang lớn dần là xu thế tập trung tín dụng tại một số ngân hàng vào số ít tập đoàn tư nhân, thậm chí là các sân sau của ngân hàng mà phần lớn dính đến thị trường bất động sản.

30% tổng dư nợ thuộc doanh nghiệp lớn

Báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng dư nợ tín dụng mà ngân hàng cho các doanh nghiệp lớn vay đạt hơn 3,2 triệu tỉ đồng, chiếm đến hơn 30% tổng dư nợ nền kinh tế, nợ xấu chiếm tỉ lệ 1,65%. 

Riêng nợ xấu với doanh nghiệp có dư nợ từ 5.000 tỉ đồng trở lên là 2,42%, cao hơn tỉ lệ nợ xấu chung của hệ thống. Điều này cho thấy chất lượng cho vay các khách hàng lớn không phải lúc nào cũng hiệu quả như kỳ vọng. 

Ngân hàng Nhà nước vì vậy đã phát đi cảnh báo xu hướng nhiều ngân hàng ngày càng lệ thuộc quá lớn vào danh mục khách hàng doanh nghiệp lớn.

Dĩ nhiên, việc tập trung tín dụng vào số ít doanh nghiệp lớn mang đến nhiều lợi ích. Đó là quan điểm của chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, ông cho rằng nếu ngân hàng tiếp cận nhiều khách hàng, nhiều lĩnh vực mà không kiểm soát được rủi ro thì sẽ dễ nhận lấy thất bại. 

Thay vì làm việc với 10 khách hàng, ngân hàng có thể chỉ cần tập trung vào vài ba khách hàng tốt nhất, lớn nhất để kiểm soát rủi ro, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Nhưng cho vay sân sau hay tập trung kinh tế vào số ít doanh nghiệp gia đình có thể dẫn đến hệ lụy "quá lớn để sụp đổ", đồng thời khả năng phân tán rủi ro của ngân hàng bị hạn chế khi đối mặt với các sú sốc bất ngờ. 

Cách đây hơn một thập niên, hệ thống tài chính từng rơi vào thực trạng tương tự khi tập trung quá lớn lượng tín dụng vào khối doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo 2013 của Chính phủ cho thấy 41 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. 

Tăng nhiều nhất trong số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với 489.260 tỉ đồng, tăng 12,3% so với 2012. 

Mức tăng về cho vay với doanh nghiệp nhà nước này cao hơn mức tăng trưởng dư nợ trung bình của toàn ngành ngân hàng trong năm 2013 là 8,8%. Báo cáo cho thấy, ngay trong năm 2013, phần lớn hơn rất nhiều của phần gia tăng về tăng trưởng tín dụng được dành cho các doanh nghiệp nhà nước. 

Khủng hoảng kinh tế và rủi ro gây đổ vỡ cho hệ thống tài chính khiến Chính phủ đã phải triển khai đề án tái cơ cấu trên diện rộng các tập đoàn, tổng công ty các năm sau đó.

Thực trạng 2013 có vẻ như đang lặp lại, khi hai năm qua, một số tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào số ít khách hàng, cho vay sân sau hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Rủi ro từ cho vay bất động sản

Một bài học rất đáng chú ý cho Việt Nam chính là thị trường bất động sản và tài chính Trung Quốc hai năm gần đây với "quả bom" Evergrande và các vụ khủng hoảng tín dụng ở Hà Nam thời gian qua. 

Những năm trước khủng hoảng 2021, ngoài mảng bất động sản siêu khủng cả trong và ngoài nước, Evergrande còn theo đuổi việc mở rộng sang các dự án kinh doanh xe điện, công viên giải trí, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.

Bên cạnh sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu, hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc này còn huy động hàng tỉ USD từ nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành sản phẩm tài chính WEP (wealth management products - sản phẩm quản trị tài sản), một dạng công cụ nợ với lợi nhuận hằng năm được hứa hẹn trên 10%.

Đứng trước rủi ro đổ vỡ hàng loạt, Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp, kiểm soát Evergande và hàng loạt tập đoàn bất động sản khác. Những động thái này sẽ để lại nhiều hệ lụy cả trước mắt và lâu dài với nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí có thể dẫn tới suy thoái do sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả.

Vì vậy, vào thời điểm này, Việt Nam cần kiểm soát dư nợ tín dụng tại một số tập đoàn lớn, tránh để "quả bom" ngày càng phình to vượt quá giới hạn cho phép. 

Đặc biệt, cần minh bạch hóa thông tin thị trường, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thuộc diện rủi ro, thúc đẩy sử dụng các công cụ kiểm soát hiện đại như áp dụng chuẩn Basel II, chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

Theo Hãng tư vấn Fiingroup, trong năm 2022, ngành ngân hàng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 33% trở lên. Tuy nhiên, ngành này sẽ gặp nhiều thách thức để đạt mục tiêu này do thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh. 

Nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào ngày 30-6-2022, theo thông tư số 14/2021/TT-NHNN. Ngoài các ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần tính đến.

Một yếu tố khác cần theo dõi là sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản. Tính đến cuối tháng 4-2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,288 triệu tỉ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỉ trọng tới 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó nợ xấu chiếm 1,62%. 

"Ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng", Fiingroup nhận định.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận