Hậu quả của việc bỏ quên giáo dục đạo đức cho thanh niên

LÊ MINH TIẾN 04/11/2007 01:11 GMT+7

TTCT - Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi trái với thuần phong mỹ tục nơi hai “nạn nhân” (quay cảnh “phòng the”), và hành vi phạm pháp nơi các “thủ phạm phát tán” trong khi họ đều học giỏi và học cao?

Phóng to
TTCT - Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi trái với thuần phong mỹ tục nơi hai “nạn nhân” (quay cảnh “phòng the”), và hành vi phạm pháp nơi các “thủ phạm phát tán” trong khi họ đều học giỏi và học cao?

Đã có nhiều bài viết lý giải hiện tượng này, nhưng theo chúng tôi, đây là hệ quả của việc chỉ quan tâm dạy chữ mà thiếu quan tâm đến giáo dục đạo đức cho giới trẻ nói chung và học sinh sinh viên nói riêng trong thời gian dài vừa qua từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

Hãy bắt đầu từ gia đình. Có thể quan sát và nhận thấy một điều rất nổi bật trong quan niệm của nhiều bậc cha mẹ hiện nay trong việc giáo dục con cái là hình như họ mong muốn chúng thành tài hơn thành người. Ai cũng muốn tìm kiếm cho con vào học các trường tốt nhưng mục tiêu không phải để chúng được chăm sóc tốt hơn, dạy dỗ tốt hơn mà chỉ vì muốn chúng giỏi hơn con của hàng xóm, giỏi hơn con của bạn bè, đồng nghiệp. Con cái bị buộc phải học đủ thứ nhưng không phải vì mục tiêu là sự phát triển toàn diện của chúng, mà vì muốn chúng trở thành một người xuất chúng, trở thành thần đồng...

Đó là ở những bậc học thấp. Còn ở những bậc học cao hơn, cha mẹ cũng chỉ mong con cái học những ngành nghề thời thượng, những ngành nghề có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Có bao nhiêu bậc cha mẹ hiện nay chịu bỏ thời gian dạy con cái biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con lòng khoan dung, sự độ lượng vị tha và những chuẩn mực, giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?

Và liệu có bao nhiêu bậc phụ huynh hiện nay đủ “tự tin” để dạy con điều hay lẽ phải? Bao nhiêu bậc cha mẹ hiện nay đang là tấm gương tốt cho con cái noi theo? Trong một thế giới đang đề cao sự thỏa mãn tức thì những ham muốn bản năng, thì gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy ý thức về cái tốt và cái xấu, về cái đáng làm và không nên làm, nhưng hình như lâu nay các bậc cha mẹ đã không đóng đúng vai trò của mình. Những gì thế hệ trẻ đang làm hôm nay chắc chắn đã có sự góp sức từ trước của gia đình.

Còn nhà trường thì sao? Nhà trường cũng không khác mấy gia đình bởi thiết chế này hiện cũng chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế”. Việc giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho người học gần như bị bỏ quên hoặc bị xem là thứ yếu. Trong khi đó, vai trò của trường học đâu chỉ bó hẹp trong việc dạy nghề mà còn phải truyền tải cho người học những giá trị, chuẩn mực của xã hội để họ trở thành những con người toàn diện, biết sống và biết tôn trọng người khác.

Thậm chí một thời gian dài trước đây trường học còn là nơi dung dưỡng điều xấu, bởi ta mới chỉ nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục từ năm học vừa qua. Chính vì chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức nên trường học chỉ có thể đào tạo ra những con người đầy tri thức, thông thạo các kỹ năng mang tính công cụ nhưng không phải là những người trí thức thật sự. Chính vì không phải là người trí thức nên những “sản phẩm giáo dục” ấy rất “hồn nhiên” gây tổn hại đến người khác và vi phạm pháp luật. Hình như hiện nay chúng ta đang tạo ra một thế hệ trẻ không biết “ý thức tội lỗi” là gì nên những hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi, cuộc sống của họ là điều mà chúng ta sẽ còn phải chứng kiến trong tương lai.

Nói đến những hành vi lệch lạc trong giới trẻ hiện nay thì không thể không đề cập những gì đang diễn ra trong hiện thực của đời sống xã hội. Những vụ việc như “múa kiếm”, tham ô tham nhũng của người lớn được du di cho qua không thể không khiến người trẻ nghĩ rằng “làm sai cũng chẳng sao cả”, vì đâu có thấy những hành vi đó bị trừng phạt thích đáng đâu. Đoàn thanh niên hình như cũng không quan tâm mấy đến vấn đề giáo dục đạo đức làm người cho thanh niên, cụ thể là trong bảy chương trình trọng điểm mà Đại hội Đoàn TP.HCM lần VIII vừa qua đưa ra hình như không có chương trình nào quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho thanh niên. Lẽ nào những hành vi, lối sống phi chuẩn của thanh niên trong thời gian qua chưa đủ để Đoàn quan tâm?

Khi chúng ta mở cửa giao lưu với thế giới thì những luồng văn hóa, những giá trị khác lạ chắc chắn cũng sẽ tràn vào. Vấn đề ở đây là không phải và cũng không thể ngăn chặn các luồng văn hóa ấy, mà phải tạo cho từng thành viên trong xã hội, nhất là giới trẻ, sức đề kháng trước các luồng văn hóa, lối sống ấy. Đừng để giới trẻ hiện nay bị nhiễm “HIV”, tức là đừng để họ bị đánh quị một cách dễ dàng bởi những con virus dù là ít nguy hiểm nhất. Hãy cùng chung tay tạo sức đề kháng cho thế hệ trẻ chứ đừng đổ lỗi cho sự xâm nhập của văn hóa phương Tây nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận