Harvey Weinstein, nữ quyền và luật im lặng

CHIÊU VĂN 25/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Việc đổi tình dục lấy các lợi ích vật chất đã có từ thời con người còn ở trong hang động, vấn đề là một số kẻ quyền lực của thời hiện đại vẫn còn tiếp tục kiểu hành xử thời ăn lông ở lỗ đó.

Môi trường làm việc vẫn còn là một nơi quá khắc nghiệt với nữ giới. -Ảnh: NY Employment Lawyer
Môi trường làm việc vẫn còn là một nơi quá khắc nghiệt với nữ giới. -Ảnh: NY Employment Lawyer

 Thật ra thì trong giới giải trí, kiểu đổi chác đó có lẽ cũng lâu đời như chính ngành giải trí vậy, và tương tự với nó là luật im lặng.

Phá vỡ luật im lặng

Các nữ diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ bị đặt vào những tình thế rất tồi tệ: lựa chọn giữa lên tiếng và đánh mất sự nghiệp của mình, hay im lặng để tiếp tục với những kẻ đáng ghê tởm như Harvey Weinstein.

Hàng chục nữ diễn viên, bao gồm nhiều ngôi sao hạng A như Gwyneth Paltrow hay Angelina Jolie, đã lần lượt lên tiếng trong tuần rồi sau nhiều năm im lặng về việc bị Weinstein - một ông trùm của ngành giải trí ở Hollywood suốt nhiều thập niên - sỉ nhục, quấy rối và cưỡng ép quan hệ.

Những bào chữa của ông trùm phim ảnh 65 tuổi Weinstein, đồng sáng lập của Hãng Miramax và Công ty Weinstein đầy quyền lực, ngay sau khi tin tức được tiết lộ trên tờ báo Mỹ The New York Times, cho thấy thứ tư duy man rợ còn ăn sâu bén rễ ra sao trong ngành giải trí.

“Tôi không biết có cách nào tốt hơn, những ngày xưa chúng tôi vẫn làm như thế” - Weinstein nói. Quả thật, các giá trị của con người có thay đổi theo thời gian, và bối cảnh.

300 năm trước, sở hữu nô lệ là điều bình thường. 100 năm trước, phụ nữ không có quyền bỏ phiếu. 50 năm trước thôi, phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình là chuyện hiển nhiên.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ở những năm 2000, người ta vẫn còn có quyền hành xử như thời còn sống trong hang động.

Một lời bào chữa khác của Weinstein với NYT là vào những năm 1960-1970, “mọi quy tắc về hành xử ở nơi làm việc khác bây giờ”. Nhưng đó cũng chính là lý do chúng ta phải thay đổi. Diễn viên không phải là nghề nghiệp duy nhất mà phụ nữ phải chịu những áp lực bất công như thế.

Ngay cả ở một xứ sở được coi là cấp tiến như Mỹ, ở một nhân vật lẽ ra là cấp tiến như Weinstein (ông là đảng viên Dân chủ, ủng hộ công khai ứng viên Hillary Clinton ở kỳ bầu cử vừa rồi, và một con gái của cựu tổng thống Barack Obama là thực tập sinh ở công ty của ông), tình trạng xâm hại tình dục ở các không gian văn phòng đã là vấn đề nhức nhối một thời gian quá lâu.

Trong khắp các ngành nghề, vẫn còn những người đàn ông quá quyền lực, quá giàu có, quá ảnh hưởng, không thể đụng tới.

Tháng 10-2016, Washington Post đăng tải một đoạn video trong đó ông Donald Trump đang huênh hoang về việc để chinh phục phụ nữ “cứ chụp lấy bộ phận sinh dục của họ là xong”, và giờ ông đang làm tổng thống Mỹ.

Trump có lẽ sẽ không bao giờ dám nhắc lại điều đó, ít ra là ở chỗ công khai, nhưng thực tế là ông vẫn không hề hấn gì, bất chấp việc hơn một chục phụ nữ đã ra mặt và nói ngài tổng thống trước kia từng làm thế với họ (một kiểu khác), từ ép họ hôn tới xâm hại tình dục (ông Trump bác bỏ các cáo buộc).

Đóng góp của báo chí

Hoặc bị phớt lờ, hoặc được dàn xếp bằng tiền, hoặc đơn giản là nạn nhân im lặng, không biết bao nhiêu vụ việc như thế đã vĩnh viễn trôi vào bóng tối. Quá nhiều phụ nữ đã phải ngậm đắng nuốt cay như thế, và đó là những lúc mà các tờ báo dấn thân như NYT vào cuộc.

Trong sáu tháng qua, tờ báo này đã đăng ba phóng sự điều tra lớn về xâm hại tình dục ở các ngành truyền thông, công nghệ và phim ảnh.

Rất nhiều yếu tố khiến những cáo buộc về xâm hại tình dục khó đưa tin. Trong cả ba trường hợp đó, các phóng viên NYT nói nguồn tin của họ rất miễn cưỡng trong việc lên tiếng vì những cáo buộc của họ không dễ chứng minh, vì lo sợ sự trả thù, và trong nhiều trường hợp, họ chấp nhận dàn xếp bí mật.

Quá nhiều thách thức, những câu chuyện như với Weinstein đòi hỏi nhiều tháng trời làm việc cật lực. “Khiến mọi người lên tiếng về những trải nghiệm đau đớn như thế đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, và xây dựng lòng tin - Matt Purdy, phó tổng biên tập NYT, nói - Chúng tôi đã để các phóng viên có thời gian và hỗ trợ các biên tập viên của mình vì đây là một đề tài đòi hỏi phải làm lớn, làm công phu và làm thật đầy đủ”.

Câu chuyện của Weinstein chẳng hạn, đã tiêu tốn bốn tháng trời làm việc cật lực của hai phóng viên, Jodi Kantor và Megan Twohey, bao gồm nhiều đêm thức trắng ở văn phòng trong những tuần lễ cuối cùng.

Biên tập viên của họ, Rebecca Corbett, trưởng ban phóng sự điều tra của NYT, còn ở lại lâu hơn. Các phóng viên và biên tập viên cũng không miễn nhiễm với những đe dọa và mua chuộc mà nguồn tin của họ đối mặt. Weinstein từng dọa kiện NYT.

“Ông ấy có cả một đội quân tư vấn pháp lý và luật sư để tấn công chúng tôi” - Kantor nói. Nhưng cuối cùng, cũng như Jolie, Paltrow và vô số những người khác, họ đã đứng vững, để lôi tất cả những nhơ bẩn này ra ánh sáng, để một lần nữa, chúng ta lại phải nhìn nhận lại các giá trị của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận