Hạnh Thúy: xuất sắc trong vai phụ

ĐỖ DUY THỰC HIỆN 03/12/2007 22:12 GMT+7

TTCT - Nhận giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 là một chiến thắng, cũng có thể coi là thành tích khác của Hạnh Thúy, bởi Ba Thuận trong Sống trong sợ hãi là “vai bi đàng hoàng” hiếm hoi trong hàng trăm vai chị đã diễn.

Phóng to
Hạnh Thúy cho chữ ký mệt tay!

Hơn 10 năm đi diễn, chị góp cho sân khấu, phim truyền hình hàng trăm vai phụ, không hẳn đều đậm đà nhưng ấn tượng bởi sự duyên dáng, tròn trịa.

Câu đầu tiên mà diễn viên Hữu Phúc giới thiệu Hạnh Thúy với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là: “Đây là người phụ nữ ốm nhất miền Nam”. Và trong cái nhìn đầu tiên của đạo diễn, ngoài ốm, chị là một người có khuôn mặt khắc khổ, cách nói chuyện “lành” đến mức gần như chỉ là bà nội trợ, quanh quẩn chuyện gia đình. Đạo diễn đâu có ngờ người đối diện ông là một trong những “cây cười” Nam bộ khét tiếng với những vai lẳng lơ, õng ẹo. Hạnh Thúy, cô gái từng kinh qua các nghề: uốn tóc, nhiếp ảnh, người mẫu, diễn viên múa... đã chọn sân khấu, phim ảnh làm nơi trụ lại lâu dài.

Từ cô gái quê Bến Tre thi “đậu thứ hai từ dưới lên” khoa diễn viên Trường Sân khấu - điện ảnh, khóa 1994 - 1997, giờ chị đã đứng vững trong làng kịch nói bằng cái duyên trời cho. Thúy lưu lại trong lòng khán giả không bằng một vai diễn mà bằng hình ảnh một cô đào duyên dáng, tưng tửng, thông minh.

* Tự nhận chưa bao giờ lên phim với một vai “bi từ đầu đến cuối”, lại là lần đầu đóng phim nhựa, chị đã làm gì với Ba Thuận trong Sống trong sợ hãi để có được nhiều thiện cảm của người xem và đồng nghiệp như vậy?

- Phải nói tôi vui vì giải thưởng thì “vừa vừa”, nhưng vui nhiều lắm khi có một khán giả ngoài Bắc, chỉ biết tôi qua phim, đến bắt tay chúc mừng và nói rằng: “Tôi cứ sợ giải thưởng này không thuộc về chị”.

Hai yếu tố đầu tiên mà bạn nói lại thêm phim được đầu tư nhiều, rồi thiên hạ “đồn” Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn rất khó tính làm tôi càng thêm lo. Chính vì vậy, khi ra diễn, tôi không diễn gì cả mà chỉ làm theo đúng những gì mình cảm, lúc đó nhân vật tự bật ra (tôi không dám dùng từ “hóa thân” vì từ này nghe đẹp quá). Có lẽ nhờ vậy mà mọi người dành cho tôi những lời khen?

* Ba Thuận có phải nhân vật làm chị ám ảnh?

- Phim quay trong hai tháng rưỡi, vai của tôi ngắn lắm, chỉ 15 ngày là xong nên tôi chưa kịp bị ám ảnh. Điều làm tôi “ám ảnh” nhiều hơn là phải xa rời không khí thân thiện, đoàn kết của anh em trong đoàn phim.

* Nếu được phát biểu điều gì đó trong đêm trao giải, chị sẽ nói gì?

- Tôi sẽ không cảm ơn vì tôi nghĩ tất cả những người tôi mang ơn đều hiểu. Đây là giải thưởng cấp quốc gia đầu tiên của tôi nhưng nó không phải đích đến.

* Kể cả phim và kịch, chị đã có bao nhiêu vai chính?

- Phim thì chưa có vai chính nào cả, còn kịch thì đã có vài vai.

* Chị nghĩ gì về sự nghiệp mười năm với những vai phụ là chủ yếu?

- Thiệt thòi. Đồng ý được diễn là hạnh phúc, nhưng với tôi, vai phụ thiệt thòi ở chỗ sau một bộ phim hay một vở kịch người ta thường chỉ nhắc nhiều đến những vai chính. Đã có rất nhiều vai phụ bị lãng quên, trong đó có cả vai của những nghệ sĩ kỳ cựu.

Tôi là một diễn viên đóng nhiều vai phụ hơn vai chính, nhưng thật sự tôi nghĩ một người thành công là một người sống được với nghề, có công ăn chuyện làm mỗi ngày. Và như thế tôi cho rằng mình thành công theo tiêu chí đó.

Phóng to
* Đến bây giờ nhìn lại trong số những vai phụ đã nhận, chị thấy vai nào thuộc dạng thành công?

- Tôi không có thói quen điểm lại những gì mình đã làm, vì như vậy dễ sống trong hư danh. Tôi làm xong thì quên hết, chỉ nhớ những gì mình không làm được, những gì mình diễn vô duyên quá, trớt quớt quá... Ngay cả những vai rất ngắn trong Kính đa tròng, Chuyện không của riêng ai, Chuyện cảnh giác, Siêu thị cười... thường người ta diễn rồi quên, nhưng với tôi, đôi lần tôi day dứt vì nghĩ mình vẫn có thể làm tốt hơn.

* Nếu được thay đổi một điều gì trong mười năm đi diễn của chị, đó có phải là mong muốn hoán đổi tỉ lệ vai chính - vai phụ thành 85:15?

- Thú thật, tôi sống hướng nội, nói nôm na là tôi thấy mình thuộc dạng “tâm tịnh”, không màng bươn chải, tranh đấu tìm cơ hội, chưa bao giờ gọi cho đạo diễn nào để xin vai. Tôi tự hào vì điều này tuy biết rằng đó là điều không nên chút nào với một diễn viên. Trong môi trường nghệ thuật như một cái hồ, tôi thấy mình giống như con ốc chìm dưới đáy, còn những bạn bè khác là cá bơi lượn bên trên.

Điều tôi cần không hẳn là vai chính, nhưng lúc nào tôi cũng mong một vai mà ở đó tôi được dốc hết mình cho nó, được sự đón nhận của khán giả, được sự ưu ái và ghi nhận của đồng nghiệp. Tôi chờ đợi vai nội tâm, tính cách đa chiều. Vai đó có ngoại hình, tuổi tác thích hợp với mình thì càng hay.

Những phim Hạnh Thúy từng tham gia: Sống trong sợ hãi, Cái bóng bên chồng, Trăng không mùa, Cô gái Tràpeng, Mẹ con Đậu Đũa, Công ty thời trang, Lẵng hoa tình yêu... Các vở kịch: Nhà có ba chị em gái, Khúc hát cuộc đời... và nhiều kịch truyền hình khác. Chị cũng là một trong những diễn viên được yêu thích qua chương trình Gala cười, Gặp nhau cuối tuần của Đài truyền hình Việt Nam.

Hiện nay, Hạnh Thúy là cộng tác viên các chương trình Kính đa tròng, Chuyện không của riêng ai, Chuyện cảnh giác... của HTV; tham gia nhóm hài Vũ Thanh, Hữu Bình, Hữu Tâm; cộng tác với sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần.

* Khi đứng dưới ánh đèn sân khấu, chị nghĩ sao?

- Tôi tự xác định mình không đẹp xuất sắc, không diễn xuất sắc mà cũng không thật tâm xuất sắc với nghề diễn. Tôi yêu nghề, rất yêu, nhưng thú thật, mỗi khi nhận một vai nào đó, tôi biết mình không đủ “mê” để quên tất cả mọi thứ xung quanh, tôi còn phải nhớ mình còn có gia đình, việc học hành, cơm áo gạo tiền...

* Tự đánh giá sự nghiệp của mình, chị cho ở mức nào?

- Tôi thuộc hạng trung bình, trung bình về thu nhập, trung bình về danh tiếng và cả về thứ tự ưu tiên khi người ta chọn mình vào một vai diễn. Thường khi mời mãi không được một người nào đó, người ta mới tìm đến với tôi. Dĩ nhiên tôi có tự ái nhưng không mặc cảm, cũng chẳng buồn, tôi nghĩ những lúc như vậy tôi sẽ làm cho người ta biết rằng tôi làm được.

Và đến giờ này, tôi tự hào rằng trong những trường hợp như vậy công việc tôi làm rất suôn sẻ và hài lòng người khác.

* Chẳng những với vai phụ, người ta còn nhớ Hạnh Thúy với danh “diễn viên tấu hài”. Chị nghĩ sao về điều này?

- Tấu hài là nhu cầu của xã hội, của sân khấu và của diễn viên, dĩ nhiên không phải là tất cả. Có những diễn viên chính thống cho rằng tấu hài là phi nghệ thuật, nhưng với tôi tấu hài là đỉnh cao. Một diễn viên có thể quăng bắt trong một vở kịch khiến người ta cười, nhưng để người đó ra sân khấu nói suốt 15 phút làm người ta cười đâu phải dễ.

Người ta nói gương mặt tôi chẳng có gì có thể đóng hài được cả. Vậy mà tôi đã kiếm tiền bằng nghề hài được mới lạ. Tôi đóng hài từ ngày mới ra trường đến giờ nên tự cho mình là diễn viên hài. Với tôi, diễn hài khó hơn diễn chính kịch rất nhiều, vì diễn chính kịch - nếu hôm đó không thoải mái, tôi có thể dùng kỹ thuật biểu diễn, kinh nghiệm để lướt qua, còn diễn hài những lúc không thoải mái, tôi không làm người ta cười được.

* Cả lấy tiếng cười và nước mắt khán giả đều là nghệ thuật. Chị thấy mình thích dạng nào hơn?

- Gì thì gì, tôi thích lấy tiếng cười hơn, tôi không thích khóc nên tôi cũng không thích làm người khác khóc. Tại sao tôi có thể làm người ta cười được thì làm họ khóc làm gì?

* Nếu được chọn để diễn chính kịch, chị nghĩ mình có mặn mà 100%?

- Dĩ nhiên, khi cần lấy nước mắt khán giả tôi sẽ làm được.

* Chị khá phóng khoáng, thậm chí chịu chơi trên sân khấu, vậy mà trong cuộc sống đời thường chị lại là một phụ nữ nổi tiếng khép nép, vì sao?

- Tôi cũng thích nổi loạn chứ, cũng ham chơi, nhưng tôi biết thời gian mình không có nhiều. Bao nhiêu phụ nữ khác phải dành thời gian cho gia đình, đằng này mình đã “long nhong” suốt ngày ngoài đường, lo cho chuyện nghề, chuyện học hành của riêng bản thân mình, nếu thêm chuyện “chơi” nữa thì thời gian đâu chịu xiết. Tôi không thể lợi dụng sự bao dung của chồng được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận