12/08/2006 06:05 GMT+7

Hạn chế lớn nhất là sự sáo mòn

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh sự kiện bài văn được điểm 10 giống văn mẫu, tiến sĩ Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trưởng Ban đề thi tuyển sinh ĐH năm 2006 - cho rằng:

NENDkOYw.jpgPhóng to
Học sinh tìm mua sách ngữ văn tại nhà sách - Ảnh: NHƯ HÙNG
TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh sự kiện bài văn được điểm 10 giống văn mẫu, tiến sĩ Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trưởng Ban đề thi tuyển sinh ĐH năm 2006 - cho rằng:

- Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, có mấy bài văn được điểm 10? Có duy nhất một bài, đúng không? Nếu việc làm bài theo một bài văn mẫu dễ dàng kiếm điểm 10 như thế tại sao chúng ta không có hàng trăm điểm 10 văn?

Như vậy, theo tôi cũng cần phải đánh giá đúng. Một trong những yếu tố giúp thí sinh (TS) thành công với môn văn chương là phải đọc nhiều và có xúc cảm. Trong trường hợp này có thể nói TS đã có công mày mò, học hỏi thêm sách tham khảo cộng với sự trùng hợp, đề bài rơi vào tác phẩm mà TS đã có tham khảo… Trong rất nhiều cuốn sách tham khảo khác nhau, em đó đã đọc và học được từ một cuốn có nội dung trình bày rất đúng với yêu cầu của đề thi.

* Trong trường hợp này, chúng tôi cũng cho rằng TS không có lỗi mà do cách ra đề thi, do yêu cầu đánh giá - thể hiện qua đáp án chấm - đã tạo cho “văn mẫu” tồn tại. Và sâu xa hơn nữa, từ cách dạy và học ở phổ thông đã hình thành cách thi cử, kiểm tra kiến thức một cách máy móc...

- Nhìn lại đề thi hiện nay thì có thể nói trong các môn, văn chương ra đề là khó nhất và còn hạn chế nhất. Hạn chế lớn nhất của những đề thi văn là sự sáo mòn, không khác trước là mấy, có nguy cơ lặp đi lặp lại. Nhưng điều này cũng có lý do của nó: giới hạn chương trình, sách giáo khoa với chừng đó tác giả, tác phẩm, năm nào cũng ra đề vào phạm vi đó. HS được học chừng đó kiến thức, với cách tiếp cận các tác phẩm văn chương và yêu cầu đánh giá, kiểm tra kiến thức của HS gần như đã thành khuôn mẫu...

* Nói như vậy tức là cách ra đề thi phải “chiều” theo cách dạy và cách học thụ động, yêu cầu đề thi phải tự giới hạn trong phạm vi kiến thức và năng lực học thuộc của TS?

- Tới đây cách ra đề sẽ khác, đề sẽ ra theo hướng “mở” hơn. Ví dụ như không chỉ tập trung vào một tác phẩm, tác giả mà đòi hỏi TS phải có khả năng tổng hợp, đánh giá, có sự cảm nhận. Yêu cầu là đề phải bám sát chương trình, sách giáo khoa nhưng nếu chỉ ra đề thi y hệt như sách giáo khoa là dở. Đề thi phải kiểm tra được đồng thời kiến thức và kỹ năng của HS sau khi học xong sách chứ.

* Ông nói là “sẽ thay đổi cách ra đề”. Có thể hiểu “sẽ” là thời điểm cụ thể nào? Tại sao những hạn chế, nhược điểm của đề thi lại chưa được khắc phục ngay từ kỳ thi năm nay mà vẫn phải chờ?

- Cũng phải thay đổi dần từng bước nhưng không để kéo dài tình trạng này được. Đề thi phụ thuộc nhiều vào người ra đề. Tác động vào ông thầy không phải là dễ, cũng phải từ từ… Trước hết chính các thầy phải thấy cần có sự thay đổi và thay đổi như thế nào. Về chuyên môn phải do các thầy quyết định…

* Nhưng thật ra thi cử chỉ là một khâu (khâu đánh giá) trong toàn bộ quá trình giáo dục. Ông có cho rằng với cách dạy và học ở nhà trường phổ thông, cụ thể là đối với môn văn, hiện nay có thể thay đổi được cách ra đề thi và yêu cầu đánh giá đối với HS?

- Tất nhiên là thay đổi, cải cách thì phải đồng bộ mới có hiệu quả. Nhưng từ khâu thi cử, đánh giá cũng có thể tạo ra được sự thay đổi. Như đối với chương trình văn học lớp 12 hiện nay, có phạm vi trong từng đó tác phẩm, tác giả. Năm nào cũng ra đề cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ, nếu cứ ra đề theo lối mòn thế nào cũng có sự trùng lặp.

Nếu đề tốt nghiệp THPT đã ra vào phần này, đề thi tuyển sinh năm trước ra vào phần kia, TS có thể đoán “tủ”. Đề văn hiện nay rất phổ biến dạng yêu cầu TS “phân tích vẻ đẹp” của tác phẩm này hay nhân vật kia. Ra đề máy móc, khuôn mẫu thế là có đất cho văn mẫu rồi!

* Thưa ông, với chủ trương sẽ áp dụng phương thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, cách ra đề thi môn văn sẽ như thế nào?

- Môn văn có đặc thù riêng. Đã nói đến văn chương là phải nói đến cảm nhận và khả năng diễn đạt của người học. Nếu có thi bằng trắc nghiệm tất cả các môn, riêng với môn văn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét kỹ. Có lẽ chỉ nên trắc nghiệm một phần kiểm tra kiến thức ngôn ngữ. Còn vẫn phải có phần tự luận để đánh giá năng lực cảm thụ văn chương của người học.

Hoàng Thùy Nhi không có lỗi!

Việc bài văn điểm 10 của em Nhi ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 giống gần như "nguyên bài văn mẫu" trong cuốn sách Kiến thức cơ bản văn học 12 của tác giả Tạ Đức Hiền, tiến sĩ Lê Thuận An, PGS Nguyễn Kim Hoa - NXB Tổng Hợp TP.HCM, không làm chúng ta ngạc nhiên!

Điều đọng lại chua xót trong chúng ta có lẽ là kiểu giáo dục từ chương, học văn mà không cần sáng tạo! Cứ theo những gì thầy cô đã dạy, đem ra làm bài... nguyên xi như vậy là có điểm 10!

Thật ra, từ cấp tiểu học, các em học sinh đã được thầy cô dạy làm văn theo khuôn mẫu. Tả cô giáo thì phải là người dịu hiền, có nước da trắng, có mái tóc dài, có cặp mắt bồ câu, có sống mũi dọc dừa! Hậu quả tất yếu là học sinh học thuộc lòng bài văn mẫu, những bài văn của các vị tiến sĩ, phó giáo sư... để khi làm bài cứ đem bài văn mẫu ra mà chép lại, chắc chắn sẽ được điểm cao!

Đừng trách em Nhi đã "đạo văn" của các học giả, mà hãy xem xét lại cách dạy môn văn trong nhà trường chúng ta. Ngành giáo dục đã cho học sinh được sáng tạo, được nói theo suy nghĩ của mình hay chưa?

LÂM PHÚ QUÝ (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, Long An)

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên