Hầm tránh trú bão thay cho di tản dân

TTCT - Nhân đọc bài “Xây hầm tránh bão” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 28-9) tôi rất vui mừng cho bà con một số xã thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vì đã chọn được giải pháp khá an toàn, hiệu quả nhiều mặt khi phải đứng trước sự hung hãn của thiên nhiên.

Giải pháp xây hầm tránh trú bão tuy không mới nhưng mang lại lợi ích nhiều mặt, Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu lúc này thật có ý nghĩa, khiến chúng ta thấy cần phải xem lại giải pháp di dân đã được áp dụng từ nhiều năm qua mỗi khi có bão dữ. Di tản dân quá tốn công sức, phương tiện, tiền của và phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác, đôi khi chuẩn bị không chu đáo, sự phối hợp không nhịp nhàng còn gây ra những hậu quả thương tâm đáng tiếc!

Giải pháp hầm tránh trú bão nếu được tổ chức hợp lý, đảm bảo được các tiêu chí an toàn sẽ đơn giản, tiện lợi, đạt hiệu quả và ít tốn kém hơn gấp bao nhiêu lần so với giải pháp di tản mà người dân, nhất là người già và trẻ em lại được ở tại chỗ, sẽ không phải khổ sở trăm bề như khi phải di tản. Mô hình này cần được các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh kịp thời những điểm hạn chế để có thể nhân rộng cho nhiều vùng thường xuyên bị bão khác.

Tuy nhiên, hầm tránh trú bão không phải muốn xây dựng ở đâu cũng được, vùng nào cũng áp dụng được, mà chỉ phù hợp vùng đồi núi, đất cao không bị ảnh hưởng mưa lũ, còn vùng đồng bằng, hạ lưu các sông suối đất thấp, không có đê ngăn sóng biển an toàn thì không nên áp dụng. Và dù không sử dụng thường xuyên nhưng cần phải đảm bảo các tiêu chí an toàn như sau:

- Vùng đất làm hầm phải cao ráo, an toàn, có nền đất móng vững chắc và không bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng hoặc có thể bị nước lũ dồn về nhấn chìm.

- Không được quá gần vùng vách đồi núi có nhiều đất đá cheo leo nguy hiểm hay rừng cây cổ thụ để tránh bị sạt lở núi, cây ngã, đá đè khi mưa bão đi qua.

- Nền đáy hầm phải tôn cao hơn mặt đất xung quanh và được thiết kế, đầm nện sao cho khi mưa lớn nước bên ngoài không chảy thấm được vào bên trong hầm.

- Vách hầm không cần quá cao, chỉ nên vừa khỏi đầu người, nhưng phải đảm bảo được độ vững chắc, tránh được mưa tạt gió lùa, đảm bảo có đủ dưỡng khí và làm thông thoáng được dễ dàng khi cần. Tốt nhất là xây bằng đá hộc, gạch thẻ, có khả năng thì đổ bêtông cốt thép, hoặc cũng có thể làm tạm bằng đất cát vô bao loại tốt chất nhiều lớp chồng lên nhau đạt độ cao cần thiết và nhớ chừa những lỗ thông hơi.

- Mái hầm là phần quan trọng, cũng cần phải chọn những loại vật liệu tốt, an toàn, chịu được gió lớn, ngăn được mưa to và không xảy ra thấm dột. Đặc biệt mái hầm cần có sức chịu lực khá để trong gió bão những vật nặng từ nơi khác bay tới có rớt trúng hầm thì người bên trong vẫn được an toàn.

- Mỗi hầm cần phải bố trí có một góc nhỏ dự trữ lương thực, thực phẩm, lương khô, thức ăn làm sẵn hoặc nhiên liệu, nước sạch tối thiểu... nhằm giúp người chịu được đói lạnh đến khi bão tan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận