Hạ lãi vay đi, người ta sẽ sinh con!

YÊN LAM 09/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Lãi suất cho vay có liên quan đến chuyện sinh con đẻ cái của người dân? Câu trả lời là có, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh. Mối liên hệ ở đây là lãi suất càng giảm thì số em bé được sinh ra càng tăng.

Có con là vấn đề nan giải với kinh tế gia đình trong thời suy thoái. Ảnh: bschool.cuhk.edu.hk
Có con là vấn đề nan giải với kinh tế gia đình trong thời suy thoái. Ảnh: bschool.cuhk.edu.hk

Thông thường, tỉ lệ sinh giảm khi kinh tế suy thoái, do lẽ tỉ lệ thất nghiệp tăng và các gia đình sẽ không muốn gánh nặng tài chính phải gánh thêm chi phí của chuyện sinh con đẻ cái.

Thế nhưng theo nghiên cứu công bố hôm 20-12-2019 của Fergus Cumming và Lisa Dettling - 2 kinh tế gia của Ngân hàng Anh (Bank of England), nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay của nhà băng trung ương trong thời đại suy thoái cách đây một thập niên đã kích thích không chỉ nền kinh tế Anh mà còn cả chuyện sinh đẻ của người dân.

Giảm lãi suất cho vay sẽ khuyến khích vay tiền, tăng trưởng tín dụng, song Cumming và Dettling cho rằng các chính sách tiền tệ còn có thể có các ảnh hưởng sâu rộng hơn lên nền kinh tế và sinh kế của người dân mà các ngân hàng trung ương (không chỉ ở Anh) có thể vẫn chưa hiểu hết.

Vì thế mà hai kinh tế gia này đã tiến hành nghiên cứu có tựa đề “Chính sách tiền tệ và tỉ lệ sinh sản: tác động bù trừ của lãi suất vay thế chấp lên chuyện sinh sản”, để xem “liệu các chính sách tiền tệ có tác động lên một trong những quyết định quan trọng nhất của mỗi gia đình: có nên sinh con hay không”.

Theo nghiên cứu, khi lãi suất cho vay được giảm mạnh từ 5% vào mùa hè năm 2008 chỉ còn 0,5% vào tháng 3-2009, đã có thêm 14.500 em bé chào đời ở Anh trong năm cuối của thập kỷ 2000, và tỉ lệ sinh ở quốc gia này cũng tăng thêm 7,5% trong 3 năm tiếp theo.

Nguyên nhân, theo Cumming và Dettling, là do các gia đình đang vay thế chấp (mortgage) áp dụng lãi suất thả nổi (điều chỉnh trên lãi suất cơ sở (benchmark) của ngân hàng trung ương) sẽ hưởng lợi từ chính sách giảm lãi vay để kích thích nền kinh tế. Khi gánh nặng trả nợ ngân hàng giảm, các gia đình sẽ cảm thấy việc có con dễ chấp nhận hơn và quyết định sinh con.

Cumming và Dettling thậm chí còn tính toán được nếu lãi suất chính thức của Ngân hàng Anh giảm 1 điểm phần trăm thì tỉ lệ sinh trung bình ở Anh tăng 2%. Riêng với các hộ có vay thế chấp, tỉ lệ sinh sẽ tăng đến 5%. Ngoài ra, với mỗi điểm phần trăm lãi suất được giảm, số tiền phải trả nợ vay thế chấp với lãi suất thả nổi của mỗi gia đình sẽ giảm 1.000 bảng mỗi quý, đủ để bù đắp chi phí sinh và nuôi con.

Hai nhà nghiên cứu của Ngân hàng Anh cũng khảo sát tình hình lãi suất và số trẻ em sinh ra ở Mỹ trong cùng giai đoạn suy thoái 2008-2009 và kết luận: nếu không có chính sách cắt giảm lãi vay mạnh mẽ như thế, có lẽ nước Anh cũng phải chứng kiến hiện tượng baby bust - tức sự giảm sút đột biến về tỉ lệ sinh sản (trái ngược với baby boom là “bùng nổ trẻ em”) - như nước Mỹ trong thời khủng hoảng tài chính 2008. “Ở cả hai quốc gia này, tỉ lệ sinh bắt đầu giảm gần như ngay khi tỉ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, nhưng ở Anh xu hướng này đã bị đảo ngược sau khi lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm; ở Mỹ, tỉ lệ sinh tiếp tục giảm xuyên suốt cuộc khủng hoảng”.

Cumming và Dettling nhấn mạnh kết quả so sánh Anh và Mỹ cho thấy nếu các gia đình ở Mỹ có thể vay tiền với lãi suất thấp hơn, nước Mỹ có thể đã không phải chịu tình trạng baby bust nghiêm trọng đến thế trong thời đại suy thoái. Thật ra nguyên nhân chính yếu hơn là vì các khoản vay thế chấp ở Anh áp dụng lãi suất thả nổi, trong khi ở Mỹ lãi suất cố định phổ biến hơn.

Điểm khác biệt rất rõ ràng: lãi suất cố định không lên xuống theo lãi suất cơ sở, vì thế ngân hàng trung ương có điều chỉnh lãi suất cột mốc này thì hiệu quả của chính sách đó cũng không đến được với các hộ gia đình. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận