Gửi một tấm lòng

QUỐC LINH 01/09/2012 22:09 GMT+7

TTCT - “Tôi tin vào việc mình làm và tâm niệm nếu làm được việc gì có ích, dù lớn hay nhỏ, thì cố mà làm” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói về những ngày đồng hành của ông với Tuổi Trẻ suốt năm năm qua trong chương trình “Tiếp sức đến trường”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (trái) trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên Huế - Ảnh: Thái Lộc

Mỗi một suất học bổng, đối với ông, là một giấc mơ học hành được hiện thực hóa. Và là một niềm vui không gì thay thế được.

Tiếp sức giờ chót

Bốn năm trước, một ngày gần cuối hè 2008, trong cuộc gặp giữa ông và những người bạn lâu năm, nhà báo Hàng Chức Nguyên (nguyên trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ) cho biết một số bạn đọc của báo đã ủng hộ 15 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên Huế - Thừa Thiên - Huế, nhưng cần tìm thêm 10-15 suất nữa để có thể bắt đầu một chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” ở vùng đất này. Ba người đồng hương Huế, trong đó có ông, đã ngồi lại bàn bạc cùng nhau vận động.

Nhưng ngày trao học bổng đã cận kề mà tiền vẫn chưa có trong tay. Có người hứa rồi lại mất tăm vào giờ chót trong khi danh sách sinh viên nhận học bổng đã được lập. 

May mắn đến vào giờ chót, một nhóm đồng hương Huế trong Công ty APAVE mà phần lớn là cựu sinh viên công chánh tạo tác của Viện đại học Huế ngày xưa đã góp tặng bảy suất học bổng. Lần hồi lại có thêm 14 suất. 

Năm đó, buổi lễ tặng học bổng ấm cúng dành cho 29 tân sinh viên nghèo được tổ chức tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở TP Huế, đánh dấu sự ra đời của chương trình “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên Thừa Thiên - Huế.

Học bổng trao đúng người

“Ngay khi biết Quảng Trị khởi đầu chương trình “Tiếp sức đến trường” này, tôi đã muốn làm một cái tương tự cho Huế nhưng tìm mãi mà không biết bắt đầu từ đâu vì tôi không phải là doanh nhân, cũng không quen biết nhiều doanh nhân nên không biết lấy tiền đâu để làm” - ông nhớ lại. 

Dư âm tốt đẹp của lần tiếp sức năm 2008 đã tạo đà cho việc ra mắt câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” - ý tưởng của ông - vào năm sau đó. Nói là câu lạc bộ chứ thật ra chỉ mình ông đứng mũi chịu sào, làm mọi cách miễn sao đầu năm học mới có được học bổng cho sinh viên.

“Vận động được một suất học bổng thật rất khó. Ít ai bỏ ra 5 triệu đồng cho không người mà mình không quen biết, không gặp mặt, thậm chí cho rồi cũng chẳng biết người nhận học bổng mình tặng là ai” - ông bộc bạch. 

Biết vậy, ông tự tay viết từng email gửi cho rất nhiều bạn bè và sinh viên cũ, rồi cất công soạn đi soạn lại, in và photocopy cả trăm thư vận động gửi qua đường bưu điện hoặc chuyển trực tiếp cho bất kỳ ai mà ông quen biết. 

Những bức thư mở đầu bằng lời nhắn tha thiết đến các nhà tài trợ, rằng với học sinh nghèo, học tập là con đường tốt nhất để giúp chính họ và gia đình thoát nghèo, mà điều đó lại tiếp tục góp phần giải thoát nghèo đói cho quê hương. Rồi ông lại kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời.

Vậy mà cũng có khi chờ mãi, đến sát ngày trao vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ những nhà hảo tâm. Ông điện thoại, gửi email nhắc, có khi “đánh liều” nhờ ứng trước để kịp trao cho sinh viên, vận động được hay không tính sau. 

Cứ thế, mỗi năm số học bổng ông kêu gọi được lại tăng lên. Từ lần đầu tiên năm 2008 với 29 suất (trong đó ông vận động được 14 suất), năm sau ông vận động được 81 suất, rồi 84 suất (năm 2010), lên 86 suất (năm 2011). Năm 2012, ông đã có trong tay 90 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên nghèo.

Ông nói về cách làm của mình: “Tôi gửi danh sách tân sinh viên nghèo đã qua xác minh và được chọn với đầy đủ thông tin cần thiết để các nhà tài trợ quyết định. Mỗi bạn được nhận học bổng đều biết tên nhà tài trợ và nếu muốn, nhà tài trợ có thể liên hệ với sinh viên đó. Đây cũng là cách để bảo đảm nguyên tắc 100% tiền tài trợ học bổng đều đến tay sinh viên nghèo”.

Ông khoe mới đây, nhờ một tấm ảnh của ông xuất hiện trên Tuổi Trẻ nhân 10 năm ra đời học bổng “Tiếp sức đến trường”, một mạnh thường quân gốc Bình Định quen biết ông đã liên lạc, nhờ ông kết nối để tham gia chương trình với 120 triệu đồng tiếp sức cho tân sinh viên quê mình. “Vậy là đủ vui rồi, vì sẽ có thêm mấy chục sinh viên nghèo nữa có cơ hội đến trường” - ông hào hứng chia sẻ.

Mỗi lần gặp ông, chủ đề chính trong câu chuyện luôn là mối quan tâm làm sao để học bổng phải đến đúng tay người đang cần, người xứng đáng nhận. 

“Tôi muốn học bổng đến được với những em dù gặp khó khăn nhưng có tấm lòng. Vì chỉ khi có tấm lòng, các em mới biết nghĩ đến tương lai xa hơn, nghĩ đến việc sẽ giúp trở lại những người khó khăn khác” - ông giãi bày.

Chính vì bỏ rất nhiều thời gian rà đi soát lại từng hồ sơ xin học bổng, chăm chú từng câu chữ trong lá thư đề đạt nguyện vọng để cảm nhận được điều trải lòng của mỗi sinh viên trên trang giấy, nên ông lại xót xa hơn khi số người cần thì nhiều mà số học bổng lại có hạn. 

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống chia sẻ: “Không phải làm khó nhưng thực tâm tôi muốn có cuộc phỏng vấn với từng ứng viên trước khi được nhận học bổng ngoài việc đã cử người đi xác minh hồ sơ. Như vậy tôi tin những người tài trợ học bổng cũng sẽ thấy vui vì sự hỗ trợ của mình đến đúng nơi, mà mình cũng không lo trao nhầm người”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cùng sinh viên Huế lên đường vào Quảng Ngãi trao học bổng - Ảnh: Thái Lộc

Người khởi xướng

Thời niên thiếu khó khăn, ông đã từng bị mất học bổng ở Trường Quốc Học chỉ vì bị cô giáo lầm tưởng ba ông là quận trưởng. Năm 1965, ông rời VN sang Úc du học theo chương trình học bổng Colombo Plan. 

Năm 1974, với bằng tiến sĩ kỹ thuật hàng không, ông có thể ở lại Úc hay đi bất cứ đâu. Tuy nhiên ông lại quyết định cùng vợ con trở về, trong bối cảnh chiến tranh chưa kết thúc chỉ vì muốn được sống trên quê hương.

“Cứ hình dung 5 triệu đồng học bổng ấy đối với một tân sinh viên có nguy cơ phải bỏ học chỉ vì không có tiền đóng học phí ban đầu mới thấy nó lớn thế nào” - ông nói với tôi. Nên ông chẳng từ nan chuyện phải kiên nhẫn thuyết phục, thậm chí bớt chút tự ái để xin bằng được học bổng cho những sinh viên ông vốn chẳng quen biết. 

Danh sách người tài trợ học bổng cho tân sinh viên Thừa Thiên - Huế của ông đủ thành phần, từ người bạn vong niên, bạn đồng khóa, Việt kiều nhiều nước cho đến cựu sinh viên từng là học trò của ông, đều là chỗ thân tình. Và dĩ nhiên, không thể thiếu phần đóng góp từ vợ con ông.

Trong một thoáng ưu tư, ông nói đôi khi thấy buồn vì nhiều sinh viên được nhận học bổng mà rất ít người giữ liên lạc với ông, ít người có lời cảm ơn đến nhà tài trợ. 

“Tôi cũng như bất cứ nhà tài trợ nào, không cần các em phải nhớ ơn, nhưng lời cảm ơn là văn hóa ứng xử tối thiểu ở đời mà tôi mong các em lưu tâm” - ông tâm tư. Cả mấy trăm người được trao học bổng mấy năm qua nhưng chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên giữ liên lạc với ông.

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Phương (ĐH Khoa học Huế) kể: “Mình giữ liên lạc với thầy không phải chỉ vì được thầy tìm cho học bổng mà vì thầy là người thiện tâm, có rất nhiều lời khuyên làm mình thay đổi suy nghĩ, hành xử và trưởng thành hơn”.

Vừa trao xong học bổng năm nay, ông đã tính đến việc “giữ mối” cho năm sau. Làm sao để năm sau nếu không tăng thì cũng cố gắng giữ cho được tổng số học bổng đã trao như năm trước luôn là điều khiến ông đau đáu.

“Gặp các em trong buổi trao học bổng, khi nào tôi cũng nhắc một điều thôi, đó là các em phải luôn nhớ có bao nhiêu ân tình của cha mẹ, thầy cô, nhà hảo tâm sau mỗi suất học bổng các em nhận, chỉ mong các em khi ra đời, thành tài hãy nhớ đến ngày hôm nay mình đã từng được giúp đỡ thế nào để sẵn lòng tiếp sức cho đàn em khó khăn đi sau” - ông nói.

“Tôi xuất thân từ gia đình rất nghèo, tuổi thơ lam lũ với cha mẹ trên đồng ruộng, mò cua bắt ốc, chăn bò chăn trâu cả chục năm. Vì thế tôi quyết tâm phải cố gắng học tập vì chỉ có học mới hi vọng thoát khỏi kiếp nghèo. Không ít lần tôi nghĩ rằng không thể tiếp tục con đường học vấn. 

May mắn thay, lúc tưởng như gục ngã thì tôi được học bổng của cựu sinh viên Colombo Plan 1965, rồi thầy Nguyễn Thiện Tống cho mượn tiền để trang trải học phí học kỳ cuối đại học...

Tôi luôn tâm niệm cố gắng hết sức để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình lúc trước, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên khó khăn nhưng có ý chí kiên trì theo đuổi con đường học vấn. Những đóng góp tuy nhỏ nhoi nhưng lại rất ý nghĩa, thậm chí có thể làm thay đổi tương lai của một ai đó theo hướng tích cực”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận