Gruzia: Cách mạng ghế ngồi

TƯỜNG ANH 02/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Gọi là “Cách mạng ghế ngồi” bởi mọi chuyện bùng nổ từ chiếc ghế ngồi của chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện về Chính thống giáo (IAO), đại biểu (thuộc Đảng Cộng sản) trong Đuma Nga Sergey Gavrilov. Biểu tình nổ ra với lý do ông Gavrilov đã ngồi vào ghế chủ tịch Quốc hội Gruzia và phát biểu bằng tiếng Nga tại phiên họp của IAO hôm 20-6 ở Tbilisi.

Ông Gavrilov đã ngồi vào ghế chủ tịch Quốc hội Gruzia và phát biểu bằng tiếng Nga tại phiên họp của IAO hôm 20-6 ở Tbilisi. (Ảnh: agenda.ge)

Các nghị sĩ đối lập thuộc hai đảng Gruzia của châu Âu (EG) và Phong trào dân tộc thống nhất (UNM), trước đó tẩy chay chuyến thăm của đoàn đại biểu Nga, đã phong tỏa phòng họp vào giờ giải lao ngày 20-6, yêu cầu các đại biểu Nga phải rời nghị phòng. 

Nghị sĩ Elene Khostaria của EG tuyên bố: “Đảng Giấc mơ Gruzia - Gruzia dân chủ (GDDG, đang cầm quyền) đã đưa những kẻ chiếm đóng Nga vào và để họ ngồi ở ghế chủ tịch (Quốc hội). Đó là cái tát vào mặt lịch sử Gruzia, một sự xúc phạm với cuộc chiến tranh Abkhazia, cuộc chiến Ossetia, là sự xâm lược của Nga với đất nước chúng ta và là sự chiếm đóng của Nga” và rằng “nếu nhà nước không thể bảo vệ đất nước khỏi những kẻ chiếm đóng, chúng tôi sẽ bảo vệ ít ra là phòng họp này, không để sự kiện diễn ra với sự tham gia của các đại biểu Nga”.

Nghị sĩ Salome Samadashvili của UNM nhất trí với bà Khostaria: “Chính đất nước chúng ta cần được bảo vệ trước chính quyền đang hợp tác với những kẻ chiếm đóng”.

Ông Samadashvili kêu gọi các công dân Gruzia, bất luận thuộc phe phái nào, tập trung trước tòa nhà Quốc hội vào tối 20-6 để “bảo vệ phẩm giá” đất nước.

Các đại biểu đối lập còn đòi Chủ tịch Quốc hội Irakli Kobakhidze (đang công cán ở Baku, Azerbaijan) phải từ chức.

Kết quả là cuộc họp bị hủy bỏ, đoàn đại biểu Nga ra phi trường dưới sự hộ tống nghiêm ngặt, trong khi tối 20-6 khoảng 5.000 người tập trung biểu tình, đốt cờ Nga trước tòa nhà Quốc hội. Vào 23h cùng ngày, cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn cao su. Đoàn biểu tình đã giải tán, nhưng rồi quay lại.

Biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Gruzia, sau đó đã bùng phát thành bạo động. Ảnh: CNN
Biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Gruzia, sau đó đã bùng phát thành bạo động. Ảnh: CNN

Cùng lúc, Thủ tướng Gruzia Mamuka Bakhtadze phát biểu cáo buộc UNM gây bất ổn (chủ tịch UNM không ai khác hơn là ông Mikhail Saakashvili, cựu tổng thống Gruzia 2008-2013, thời nổ ra chiến tranh với Nga, nhưng nay đang bị chính quyền mới truy nã).

Kết quả cuộc xô xát, theo Đài Rustavi-2, làm hơn 50 người bị thương, trong đó có 38 cảnh sát (nguồn tin Meduza.io nói tới 240 người bị thương).

Sáng 21-6, lãnh đạo EG Giga Bokeria đưa ra 3 yêu sách chính của phe đối lập cho GDDG: Chủ tịch Quốc hội Kobakhidze và Bộ trưởng Nội vụ Georgi Gakhari từ chức, từ bỏ hệ thống bầu cử hỗn hợp hiện nay, khi một nửa Quốc hội được bầu theo các khu vực và một nửa theo danh sách đảng phái. Biểu tình tiếp tục trong đêm 21-6.

Các đại diện chính quyền trong ngày 21-6 đã lần lượt lên tiếng. Chủ tịch GDDG Bidzina Ivanishvili nói việc “đại diện của nhà nước xâm lược (chỉ Nga)” làm chủ tịch một diễn đàn ở Quốc hội Gruzia là “không thể chấp nhận được”.

Cả Thủ tướng Bakhtadze lẫn Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili đều lên tiếng chỉ trích, riêng Chủ tịch Quốc hội Kobakhidze gọi hình ảnh “một đại biểu Nga ngồi ở chiếc ghế của ông là cảnh tượng nặng nề”.

Đặc biệt, cáo buộc của Tổng thống Zurabishvili là giọt nước tràn ly khi gọi Nga là “kẻ thù và đất nước chiếm đóng”, đồng thời nói “việc chia rẽ đất nước và xã hội Gruzia chẳng có lợi cho ai, ngoài Nga” và “đội quân thứ năm của Nga trong tình hình hiện nay còn nguy hiểm hơn một cuộc xâm lược công khai”.

Matxcơva không đợi lâu. Tối 21-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành lệnh “tạm thời cấm vận tải hàng không và bán tour du lịch cho công dân Nga sang Gruzia để... bảo vệ công dân Nga khỏi các hành động tội phạm và phi pháp khác”.

Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 8-7 này, có nghĩa tạm thời máy bay Nga sẽ không thể bay trực tiếp từ Matxcơva sang Tbilisi.

Một sự cố chờ sẵn?

Nga có vẻ bất ngờ với những diễn tiến mới. Theo lý, Nga được bầu làm chủ tịch IAO và đoàn đại biểu Nga tới dự họp theo lời mời của chủ nhà Gruzia, ông Gavrilov ngồi ở đâu là do sự bố trí của nước chủ nhà và ông tới dự họp với tư cách chủ tịch IAO, chứ không phải công dân Nga. Vì thế, dễ thấy chuyện chiếc ghế chỉ là cái cớ để phe đối lập Gruzia giải quyết những bất đồng với đảng cầm quyền.

Hiện trạng lịch sử là vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn đang tồn tại giữa hai cộng hòa Xô viết cũ suốt 30 năm qua. Đặc biệt, tâm trạng bài Nga trong xã hội Gruzia còn nặng nề sau cuộc chiến chớp nhoáng năm 2008, mà kết quả là các vùng ly khai thân Nga Nam Ossetia và một phần Abkhazia không còn thuộc quyền kiểm soát của Gruzia nữa. Chính thức thì từ đó tới nay, Nga và Gruzia không có quan hệ ngoại giao.

Bất chấp tình hình này, dòng khách du lịch từ Nga vẫn đổ vào Gruzia và người Gruzia vẫn đến Nga làm việc. Vì vậy, việc các đại biểu Chính thống giáo Nga được mời tới một sự kiện diễn ra ở Tbilisi, tuy chỉ có tính chất tôn giáo, cũng nhen lên một hi vọng về khả năng xuống thang căng thẳng trong quan hệ song phương.

Thế nên không lạ khi người Nga cho rằng sự cố ngày 20-6 là một kịch bản được dàn dựng. Chuyên gia về Đông Âu và Kavkaz Thomas de Waal của Carnegie Europe phân tích trên RFE rằng có hai nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng 20-6 ở Tbilisi: (1) tranh chấp chưa được giải quyết giữa Gruzia và Nga về Nam Ossetia với Abkhazia, và (2) sự không hài lòng của dân chúng với Đảng GDDG cầm quyền lẫn đời sống kinh tế hiện nay.

Trong khi đó, phe đối lập lại còn dây mơ rễ má sâu nặng với cựu tổng thống Saakashvili, người “rất muốn chơi cả hai con bài, từ tâm trạng bài Nga đến cáo buộc GDDG quá mềm mỏng với Nga” và phe đối lập đã tận dụng cơ hội tối 20-6 để đưa yêu sách.

Kịch bản sắp tới

Màn chèo chống vụng về của GDDG hiển nhiên đã đẩy đảng này vào tình thế cực kỳ nan giải. Theo phân tích của nhà báo Gasanov Kamran trên aurora.network, tuy chỉ có 27 đại biểu trong Quốc hội nhưng phe đối lập đã tận dụng tình hình, đưa GDDG - với 115/150 ghế - vào thế khó.

Hiện phe đối lập mới đòi vài đại diện chính quyền từ chức nhưng nếu những cuộc biểu tình tiếp tục, những yêu sách cực đoan hơn - như đòi toàn bộ chính quyền từ chức - là kịch bản khả thi, bởi “khẩu vị đến trong bữa ăn”.

Cũng theo nhà bình luận Kamran: “Trong trường hợp bầu cử trước thời hạn diễn ra, ông Saakashvili lại có cơ hội lên nắm quyền mà không cần tuyên bố về cải cách kinh tế, cuộc chiến với nạn thất nghiệp và thậm chí chẳng cần hứa hẹn vào EU. Ông ta được hỗ trợ bởi cơn kích động bài Nga đến từ tất cả - từ Tổng thống Zurabishvili tới Thủ tướng Bakhtadze”.

Thomas de Waal của Carnegie Europe cũng đồng tình với Kamran khi cho rằng những người cực đoan biểu tình vào các tối 20 và 21-6 đã “tận dụng sự cố ông Gavrilov để thay đổi chế độ Gruzia”.

Về kinh tế, cuộc “tẩy chay du lịch” của Nga chắc chắn tác động tiêu cực đến kinh tế Gruzia (cần nhấn mạnh những kêu gọi tẩy chay du lịch Gruzia đã nổ ra trên mạng xã hội và truyền thông Nga, ngay trước cả lệnh cấm của tổng thống Nga).

Trong những năm gần đây, du lịch tới Gruzia đã trở thành mốt của giới trẻ Nga. Gruzia được xem là một trong những điểm đến ở nước ngoài phổ biến nhất cho những chuyến du lịch độc lập (1/10 vé máy bay ra nước ngoài ở Nga là đến Gruzia).

Theo con số của Liên đoàn Du lịch Nga, chỉ trong năm ngoái đã có 1,7 triệu du khách Nga tới Gruzia (các con số không chính thức cho rằng có tới 2 triệu người). Trung bình một khách Nga tiêu ở Gruzia 324 USD.

Tính ra lệnh đình chỉ bay sẽ khiến Gruzia mất khoảng 130 triệu USD doanh thu du lịch hằng năm, tương đương 0,8% GDP, mặc dù thực tế sự sụt giảm có thể còn lớn hơn do tác động dây chuyền.

Cũng đã xuất hiện những kêu gọi cấm vận kinh tế Gruzia ở Matxcơva. Một trong những mặt hàng có thể trở thành nạn nhân, theo đề nghị của đại biểu Mironov (Đảng Nước Nga công bằng) là rượu và sản phẩm nông nghiệp.

Chỉ riêng về rượu, trong quý 1-2019 Gruzia xuất sang Nga 13,2 triệu chai (chiếm 68% tổng lượng rượu xuất khẩu). Doanh thu xuất khẩu rượu Gruzia sang Nga năm 2019 có thể lên tới 210 triệu USD, tương đương 1,2% GDP.

Chưa kể người Gruzia sinh sống và làm ăn ở Nga đã chuyển dòng ngoại hối không nhỏ về đất nước: từ tháng 1 đến tháng 5-2019, họ chuyển về nước 163 triệu USD. Nếu nhịp điệu này được duy trì, tổng số kiều hối từ Nga năm 2019 về Gruzia sẽ là 390 triệu USD, chiếm 2,4% GDP...

Về phần Nga, diễn biến vừa qua là một bất lợi nữa cho Matxcơva. Nhà sử học và ngoại giao Nga Nikolai Platoshkin nhìn nhận Nga đã quá lo bình thường hóa quan hệ với phương Tây mà bỏ quên những láng giềng gần: “Những diễn biến ở Gruzia một lần nữa chỉ ra sự thất bại về chính sách đối ngoại của Nga ở Liên Xô cũ. Ở Ukraine, Gruzia và Moldova diễn ra cùng một kịch bản. Các lực lượng thân phương Tây đang đấu tranh chống lại nhau, trong khi những lực lương thân Nga hoàn toàn vắng bóng. Cuộc chiến diễn ra chỉ là để quyết định liệu chính sách chống Nga sẽ quyết liệt hay hòa hoãn hơn, còn bản chất chính sách là một. Cứ nhìn Ukraine đi, Zelensky lên thay Poroshenko, nhưng chính sách vẫn thế. Ở Gruzia, lên nắm quyền thay Saakashvili là “Giấc mơ Gruzia”. Nhưng giấc mơ của các thế lực đối kháng nhau chỉ có một: NATO và EU”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trên trang Facebook chính thức là từ sau tối 20-6, Bộ Ngoại giao Nga tràn ngập câu hỏi của người dân về việc du lịch đến Gruzia. Nhưng “chúng tôi đã thấy sự khiêu khích ác mộng, được dựng lên ngay giữa cao điểm mùa du lịch. Ai có thể đảm bảo rằng một đám đông bị kích động sẽ không dám đập phá các khách sạn...” khi một tổng thống “vào giờ phút khủng hoảng chính trị, thay vì bước ra tuyên bố bảo đảm an ninh cho đất nước, lại ngân nga bài hát cũ về “những kẻ chiếm đóng”.

Trong lời kết dòng trạng thái của mình ngày 21-6, bà Zakharova mai mỉa: “Các đồng chí, hãy cảnh giác: ngồi vào một chiếc ghế ở Tbilisi có thể làm rạn nứt Gruzia”.■

Đại hội đồng IAO lần thứ 26 được tổ chức tại Tbilisi từ ngày 19 đến 22-6, quy tụ 100 đại biểu đến từ 25 nước có nhiều người theo Chính thống giáo, tập trung ở Balkans và Đông Âu. Là cơ quan liên nghị viện, IAO được thành lập theo sáng kiến của Hi Lạp năm 1993. Quốc hội Gruzia gia nhập IAO năm 2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận