​Greenland sẽ trưng cầu ý dân về uranium

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 28/11/2014 09:11 GMT+7

TTCT - Từ mấy năm qua, chuyện khai thác đất hiếm và uranium trên đảo Greenland thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới.

Người dân thủ phủ Nuuk biểu tình phản đối việc khai thác uranium trên đảo Greenland - Ảnh: Artic Journal
Người dân thủ phủ Nuuk biểu tình phản đối việc khai thác uranium trên đảo Greenland - Ảnh: Artic Journal

Nếu như đất hiếm rất cần thiết cho công nghệ cao thì uranium là nguyên liệu chiến lược có liên quan đến lĩnh vực quân sự và an ninh quốc phòng.

Do tác động của biến đổi khí hậu, băng tuyết tại vùng địa cực tan chảy đáng kể trong những năm gần đây. Mùa hè cũng dài hơn trước nên công tác thăm dò, khai thác khoáng sản tại Greenland trở nên dễ dàng hơn, thu hút sự quan tâm của các tập đoàn khai thác mỏ của Canada, Anh, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc..., nhất là từ khi Greenland được quyền tự trị hành chính vào tháng 6-2009. 

Hằng năm Greenland được Đan Mạch trợ cấp 3,6 tỉ kroner (hơn 627 triệu USD) cùng các chi phí về quốc phòng, an ninh trật tự, cứu hộ trên biển, khảo sát địa chất...

Tuy nhiên trong những năm gần đây, đời sống người dân trên đảo gặp nhiều khó khăn do nghề cá bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu, công nghiệp xuất khẩu da hải cẩu sa sút do tác động của các phong trào bảo vệ thú hoang, thêm vào đó là tình trạng tham nhũng và quản lý kém.

Việc khai thác tài nguyên khoáng sản không chỉ đem lại công ăn việc làm cho nhiều người mà còn là cơ sở để Greenland tiến tới độc lập hoàn toàn sau này. Dù vậy cũng có không ít người lo ngại về những tác động xấu đối với môi trường và dân cư khi khai thác uranium.

Đan Mạch tự làm khó mình

Đảo Greenland có trữ lượng đất hiếm chưa khai thác lớn thứ nhì thế giới. Hàm lượng uranium có trong đất hiếm tại đây cao gấp 6 lần nơi khác nên năm 1988 Đan Mạch và Greenland đã ký thỏa ước không khai thác uranium và các khoáng chất có chứa phóng xạ.

Sau khi thỏa ước này đáo hạn sau 20 năm, đã có những ý kiến đề nghị khai thác và xuất khẩu uranium để cải thiện đời sống người dân trên đảo.

Chính phủ Đan Mạch đã nhiều lần bày tỏ quan ngại của mình là việc khai thác quy mô lớn uranium ở Greenland sẽ đi ngược lại các chính sách môi trường của Đan Mạch vì có thể đe dọa hệ sinh thái nguyên sơ của khu vực Bắc Cực.

Hơn thế nữa, việc khai thác uranium sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh của cả khối Rigsfaellesskabet gồm Đan Mạch, Greenland và quần đảo Faroe trên trường quốc tế.

Trong khi đó Chính phủ Greenland khẳng định họ có chủ quyền kinh doanh tất cả các loại hàng hóa trên đảo, bao gồm các khoáng sản có chứa phóng xạ và sẽ không để cho Chính phủ Đan Mạch quyết định cũng như kiểm soát việc khai thác các khoáng sản quý báu!

Thật ra Đan Mạch đã tự làm khó mình khi quốc hội vương quốc này chấp thuận để Greenland trưng cầu ý dân và trở thành bán tự trị năm 2009.

Nguyên nhân sâu xa là do từ hơn một thập kỷ qua, không có chính đảng nào của Đan Mạch giành được đa số phiếu trong các kỳ bầu cử quốc hội nên rất cần sự ủng hộ của các đảng nhỏ cùng hai đại diện của Greenland và quần đảo Faroe để được quyền lập chính phủ.

Hơn thế nữa, một khi Greenland có thể tự túc về kinh tế thì chính quyền trung ương sẽ giảm từ từ rồi tiến tới cắt bỏ việc trợ cấp. Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt từng tuyên bố trước báo chí “chuyện Greenland để họ tự lo”. 

Ngày 24-10-2013, quốc hội địa phương của Greenland đã thông qua quyết định bãi bỏ quy định cấm khai thác uranium với tỉ lệ sít sao, 15 phiếu thuận và 14 phiếu chống.Trong những nghị sĩ bỏ phiếu chống có cả chủ tịch Đảng Partii Inuit, là một trong hai liên minh của đảng cầm quyền Siumut (Dân chủ xã hội).

Nhiều cuộc biểu tình có đông người tham gia đã nổ ra tại nhiều thành phố để phản đối quyết định này.

Trước sức ép của dư luận, đầu năm nay, ngày 8-1, Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt đã có cuộc họp với Thủ tướng Greenland Aleqa Hammond tại Copenhagen để thảo luận về vấn đề khai thác uranium. Đôi bên đều bày tỏ mong đợi một thỏa thuận hợp tác vào cuối năm 2014, nhưng điều này xem ra khó có thể thực hiện do bất đồng quan điểm. 

Mads Flarup Christensen, tổng thư ký của Tổ chức Greenpeace Bắc Âu, mai mỉa là Đan Mạch đã luôn chống việc tái chế chất thải hạt nhân và cố gắng vận động để đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Barsebäck của Thụy Điển, nằm gần Copenhagen, nhưng lại để cho Greenland khai thác uranium (Euractiv 14-11)!

Nhà đầu tư tiến thoái lưỡng nan

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập cũng như các tổ chức phi chính phủ, Chính phủ Greenland mau chóng bắt tay vào việc xem xét các dự án đầu tư khai thác đất hiếm và uranium như một phó sản.

Thế nhưng tháng 9 vừa qua Thủ tướng Aleqa Hammond, chủ tịch Đảng Siumut, bị phát hiện đã sử dụng 100.000 kroner (khoảng 17.240 USD) công quỹ vào việc riêng. 

Đối với những quốc gia trọng sự minh bạch như khối các nước Scandinavia thì đây là điều không thể chấp nhận nên bà Hammond đã phải từ chức chủ tịch Đảng Siumut. Một liên minh khác của Siumut trong chính phủ, Đảng Atassut (Tự do tả khuynh), rút lui để phản đối, ba bộ trưởng thuộc các đảng Atassut và Siumut cũng từ chức.

Chính phủ liên đảng sụp đổ sau 18 tháng nên chưa đầy hai năm sau kỳ bầu cử quốc hội 21-3, người Greenland sẽ lại đi bầu.

Vấn đề là đảng đối lập Inuit Ataqatigiit (Dân chủ nhân dân - IA), được cho là có khả năng giành được nhiều phiếu nhất trong kỳ bầu cử ngày 28-11 sắp tới, lại phản đối việc khai thác uranium. Tân chủ tịch IA, bà Sara Olsvig, 36 tuổi, tuyên bố nếu thắng cử sẽ tổ chức trưng cầu ý dân. 

Tình hình này khiến các nhà đầu tư lâm vào tình thế khó khăn như tập đoàn khai thác khoáng sản quốc tịch Úc Greenland Minerals & Energy đã tiêu gần nửa tỉ kroner (khoảng 878 triệu USD) vào công tác khảo sát tại một trong những mỏ đất hiếm và uranium lớn nhất thế giới ở Kvanefjeld, nam Greenland. 

Quyền thủ tướng Greenland, tân chủ tịch Đảng Siumut Kim Kielsen, khẳng định việc khai thác uranium là một quyết định hoàn toàn dân chủ, đã được quốc hội thông qua. Còn Sten Lund, chuyên viên khảo sát dự án của chính phủ, cho rằng các nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều công sức để được cấp phép theo đúng quy định và điều này không thể tùy tiện thay đổi.

Hơn thế nữa, để có thể khai thác và xuất khẩu các khoáng chất có chứa uranium thì tất nhiên họ phải tuân thủ các quy định và hiệp định quốc tế.

Klaus Georg Hansen, nhà xã hội học, khuyến cáo là một chủ trương mới về việc khai thác uranium sẽ có tác động xấu với các nhà đầu tư nước ngoài vì sẽ tạo cho họ ấn tượng là quyết định của Quốc hội Greenland không có giá trị pháp lý (Berlingske 30-10)!

Theo bà Sara Olsvig thì việc trưng cầu ý dân sẽ đem lại sự ổn định trong đường lối chính trị của Greenland để các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Điều khiến nhiều người băn khoăn là liệu sẽ có sự sai biệt rõ ràng giữa “có” và “không” hay không.

Bà Olsvig tuy được xem là một ngôi sao đang lên trên chính trường Greenland nhưng lại thuộc thành phần trí thức trung lưu nên có nhiều người lo ngại bà sẽ không nhận được sự ủng hộ của những người có thu nhập thấp, tầng lớp nhân dân lao động, những người quan tâm đến công ăn việc làm hơn là những tác động đối với môi trường và thiên nhiên. 

Tìm ra một giải pháp khả dĩ dung hòa cả nhu cầu phát triển kinh tế bền vững lẫn bảo vệ môi trường nhạy cảm của vùng địa cực là một thách thức không dễ vượt qua đối với người dân trên đảo Greenland.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận