![]() |
Thí sinh làm bài thi môn Văn khối D tại điểm thi vào Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006 |
Đáp án chính thức của Bộ GĐ-ĐT sẽ được Tuổi Trẻ Online cập nhật ngay sau khi kết thúc môn cuối cùng của đợt 2 vào các khối B, C, D năm 2006.
Đề thi và đáp án chính thức khối B, C và D của Bộ GD-ĐT
Mời BẤM VÀO ĐÂY để xem bài giải gợi ý môn Toán khối D, đợt 2-2006
Mời BẤM VÀO ĐÂY để xem bài giải gợi ý môn Toán khối B, đợt 2-2006
Mời BẤM VÀO ĐÂY để xem bài giải gợi ý môn Sinh vật khối B, đợt 2-2006
Gợi ý giải đề thi môn Văn khối D, đợt 2-2006
Gợi ý giải đề thi môn Văn khối C, đợt 2-2006
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐH MÔN LỊCH SỬ - KHỐI C NĂM 2006
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH:
Câu I (2 điểm):
Những thắng lợi của quân Đồng minh trong việc tiêu diệt phát xít Nhật và tác động của những thắng lợi đó đối với Việt Nam năm 1945?
Câu II (2,5 điểm):
Trình bày những thuận lợi cơ bản của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Nhiệm vụ củng cố chính quyền dân chủ nhân dân được thực hiện như thế nào trong năm 1946?
Câu III (2,5 điểm):
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp bằng con đường hòa bình từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946?
PHẦN TỰ CHỌN:
Thí sinh chọn câu IV.a hoặc câu IV.b
Câu IV.a. Theo chương trình THPT không phân ban (3 điểm)
Hoàn cảnh ký kết, nội dung và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương ngày 21-7-1954?
Câu IV.b. Theo chương trình THPT phân ban thí điểm (3 điểm)
Khái quát tình hình hai miền Bắc, Nam Việt Nam từ khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (tháng 1-1973) đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975?
BÀI LÀM GỢI Ý
Câu 1:
Những thắng lợi của quân Đồng minh trong việc tiêu diệt phát xít Nhật và tác động của những thắng lợi đó đối với Việt Nam năm 1945.
Gợi ý trả lời:
A. Những thắng lợi của quân Đồng minh trong việc tiêu diệt phát xít Nhật:
1. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã phân chia các nước đế quốc thành hai khối đối lập: khối phát xít gồm Đức, Italia, Nhật Bản; khối các nước Mỹ, Anh, Pháp. Hai khối này mâu thuẫn với nhau, song đều chống lại Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Do diễn biến tích cực từ sau chiến thắng Xtalingrat cuối năm 1942 ở Liên Xô, các nước Mĩ, Anh, Pháp đã thỏa thuận với Liên Xô hình thành Mặt trận đồng minh chống phát xít, gọi là quân Đồng minh.
Phát xít Nhật được hình thành trên nền tảng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Quá trình và tiến hành chiến tranh xâm lược từ đầu những năm 1930 ở Trung Quốc và các cuộc đảo chính đẫm máu của các thế lực quân phiệt đã làm chuyển biến Nhật Bản từ chế độ chuyên chế Thiên hoàng sang chế độ Nhà nước quân phiệt, khác với Đức từ chế độ dân chủ đại nghị sang chế độ chuyên chế phát xít. Ngày 7-12-1941, phát xít Nhật phát động chiến tranh Thái Bình Dương.
2. Đến cuối năm 1943, quân Đồng minh chuyển sang phản công tiêu diệt phát xít Nhật trên mặt trận châu Á - Thái Bình Dương: quân Mỹ - Anh đổ bộ ở Miến Điện, vùng biển Thái Bình Dương, Indonesia, Ôkinaoa...; quân Liên Xô tiến công vào đạo quân Quan Đông của Nhật.
Cùng với quá trình thất bại của phát xít Đức ở châu Âu, phát xít Nhật bị đẩy lùi trên các mặt trận. Sự kiện Mỹ ném hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã khiến Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện ngày 14-8-1945. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật bị tiêu diệt hoàn toàn.
B. Tác động của những thắng lợi đó đối với Việt Nam năm 1945:
1. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương và tránh nguy cơ bị quân Pháp đánh vào sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ lên Đông Dương. Ngay khi Nhật đảo chính, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính cụ thể trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật.
Hội nghị quyết định phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước” mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa; thay khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”, và đưa ra khẩu hiệu “thành lập chính quyền cách mạng” để chống lại chính phủ bù nhìn thân Nhật.
Từ giữa tháng 3-1945 trở đi, phong trào đấu tranh vũ trang và những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều địa phương. Ở khu căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hàng loạt xã, châu, huyện.
Khu giải phóng Việt Bắc ra đời (4-6-1945) bao gồm hầu hết các tỉnh miền thượng du (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang) và một số vùng lân cận thuộc các tỉnh miền trung du (Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên).
2. Ngay khi nghe tin chính phủ Nhật xin đầu hàng quân Đồng minh, từ ngày 13 đến 15-8-1945, hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào.
Tiếp theo, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào (16-8-1945) đã nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời sau này). Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 19-8-1945, nhân dân ở thủ đô Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 23-8-1945, giành chính quyền ở Huế và đến ngày 25-8-1945 thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân ở Sài Gòn bị sụp đổ. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Câu II:
Trình bày những thuận lợi cơ bản của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Nhiệm vụ củng cố chính quyền dân chủ nhân dân được thực hiện như thế nào trong năm 1946?
Gợi ý trả lời:
A. Những thuận lợi cơ bản của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945:
1. Nhân dân lao động đã giành được quyền làm chủ và bước đầu được hưởng những quyền lợi do chính quyền cách mạng đem lại nên vô cùng phấn khởi và gắn bó với chế độ mới.
2. Phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang hình thành. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ phát triển ở nhiều nước tư bản.
B. Nhiệm vụ củng cố chính quyền dân chủ nhân dân được thực hiện như thế nào trong năm 1946?
1. Ngày 6-1-1946, hơn 90% cử tri trong cả nước bầu Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Ngày 2-3-1946, tại phiên họp đầu tiên ở Hà Nội, Quốc hội nhất trí xác nhận thành tích của Chính phủ lâm thời trong những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lập Ban dự thảo hiến pháp và thông qua danh sách chính phủ chính thức do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
2. Sau ngày bầu cử Quốc hội, khắp các địa phương từ tỉnh đến xã ở Trung Bộ và Bắc Bộ đều tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Ủy ban hành chính các cấp được thành lập thay thế cho các Ủy ban nhân dân. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân bước đầu được củng cố và kiện toàn.
Câu III: Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giải quyết mối quan hệ Việt – Pháp bằng con đường hòa bình từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946?
Gợi ý trả lời:
1. Ngày 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa kí bản Hiệp định sơ bộ với đại diện chính phủ Pháp. Theo đó, chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp; Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật và sẽ rút dần trong thời hạn 5 năm; hai bên thực hiện ngừng bắn ngay ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi cho việc đàm phán chính thức ở Pari.
2. Trước âm mưu của Pháp tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, thành lập chính phủ Nam kì tự trị, tiếp tục gây xung đột vũ trang ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946, nhượng bộ cho Pháp một số quyền lợi kinh tế - văn hóa để chứng tỏ thiện chí của ta, đổi lại 20 vạn quân Tưởng phải rút về nước, nhân dân ta có thời gian hòa bình để xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.
3. Sau khi kí Hiệp định sơ bộ (6-3) và Tạm ước (14-9), Chính phủ và nhân dân ta kiên trì đấu tranh chính trị hòa bình, đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với tình thế bất trắc do thực dân Pháp gây ra.
Trong khi đó, thực dân Pháp tăng cường các hành động khiêu khích, giành quyền thu thuế quan của ta ở cảng Hải Phòng, gây xung đột vũ trang và chiếm đóng Hải Phòng ngày 27-11; liên tiếp gây xung đột với công an và tự vệ của ta từ đầu tháng 12-1946 tại Hà Nội và đến ngày 18-12 gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát thủ đô cho chúng. Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Câu IVa (theo chương trình THPT không phân ban):Hoàn cảnh ký kết, nội dung và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương ngày 21-7-1954?
Gợi ý trả lời:
1. Hoàn cảnh ký kết: Ngày 26-4-1954, hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) khai mạc theo thỏa thuận của hội nghị ngoại trưởng 4 nước (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp) tháng 1-1954 tại Béclin để lập lại hòa bình ở Đông Dương, cùng lúc đó quân ta chuẩn bị mở đợt tấn công thứ 3 để quyết định số phận quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Đến ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết ngay sau thắng lợi ngày 7-5-1954 của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
2. Nội dung Hiệp định Giơnevơ:
a- Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó.
b- Lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Hai bên cùng thực hiện ngừng bắn, tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực. “Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị và lãnh thổ” (Bản Tuyên bố cuối cùng).
c- Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956 để thực hiện thống nhất trong cả nước, dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế (gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canađa, do Ấn Độ làm chủ tịch).
d- Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơnevơ thuộc về những người kí hiệp định và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ.
3. Ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơnevơ:
a- Buộc thực dân Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương của đế quốc Pháp – Mĩ bị thất bại hoàn toàn.
b- Bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỉ.
c- Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi là một đòn giáng mạnh mẽ vào hệ thống thực dân, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trước hết là ở châu Á, châu Phi, góp phần thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
d- Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp làm sáng tỏ một chân lí: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc đây không rộng, người không đông, nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, được sự ủng hộ quốc tế, thì hoàn toàn có khả năng đánh bại mọi thế lực đế quốc hung bạo.
Câu IVb (theo chương trình THPT phân ban thí điểm): Khái quát tình hình hai miền Bắc, Nam Việt Nam từ khi Hiệp định Pari được kí kết (tháng 1-1973) đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975?
Gợi ý trả lời:
A. Miền Bắc sau Hiệp định Pari 1973.
Sau Hiệp định Pari, trong hoàn cảnh miền Bắc trở lại hòa bình, bọn xâm lược buộc phải rút khỏi nước ta, làm cho so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi có lợi cho cách mạng, miền Bắc có thêm những điều kiện thuận lợi để:
1. Khắc phục hậu quả chiến tranh. Đến cuối tháng 6-1973, hoàn thành cơ bản tháo gỡ thủy lôi, bom mìn trên sông, biển, bảo đảm việc đi lại bình thường.
2. Đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế. Sau 2 năm (1973-1974), khôi phục xong về cơ bản các cơ sở kinh tế, hệ thống thủy nông, mạng lưới giao thông, các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, ổn định đời sống nhân dân.
3. Ra sức chi viện cho tiền tuyến. Thực hiện nghĩa vụ hậu phương, trong hai năm 1973-1974, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn, nhân viên kĩ thuật, cùng với vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm... Sự chi viện về sức người sức của của miền Bắc góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
B. Miền Nam sau Hiệp định Pari 1973.
1. Ngày 29-3-1973, toán lính Mĩ cuối cùng rời khỏi nước ta, song chúng vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự, tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy. Chính quyền ngụy ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari, mở những cuộc hành quân “bình định lấn chiếm” vùng giải phóng, xóa bỏ hình thái “da báo” hình thành sau Hiệp định.
2. Trước tình hình này, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 7-1973) kiên quyết con đường bạo lực, đánh trả những hành động chiến tranh của địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng; tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao để giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
3. Từ cuối 1973 đến đầu 1975, khối chủ lực của ta từ đơn vị sư đoàn được hợp thành đơn vị lớn quân đoàn mở nhiều đợt tiến công quân sự, kết hợp với các mặt trận chính trị, ngoại giao, tiến đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận